QPTD -Thứ Hai, 15/08/2011, 23:58 (GMT+7)
Ninh Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc

Ninh Bình nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, là cầu nối giữa hai vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ), có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh (QP-AN). Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo quan điểm: “Kết hợp KT-XH với QP-AN theo phương châm phát triển KT-XH là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc; ổn định chính trị, củng cố QP-AN vững mạnh là điều kiện để phát triển KT-XH”1 vào thực tiễn của địa phương; nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nền kinh tế của Tỉnh phát triển bình quân hằng năm đạt 15,36% (vượt mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ 19 đề ra). Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Ninh Bình đạt 48,20 triệu USD; thu ngân sách 2.002 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 11,5 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế của Tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp: từ 29,1% (năm 2005) xuống 21% (năm 2008); tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng: từ 38,3% (năm 2005) lên 44% (năm 2008).

Trên lĩnh vực nông nghiệp,  Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá; tích cực phát huy lợi thế của từng địa phương, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, với nhiều mô hình kinh tế và quy mô khác nhau. Uỷ ban nhân dân Tỉnh  sửa đổi, bổ sung và ban hành một số chính sách mới như: hỗ trợ vốn, giống, thuỷ lợi...; đầu tư phát triển đối với các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng khó khăn; thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình vào việc xây dựng mô hình làm ăn mới; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ; phát triển các dịch vụ kỹ thuật ở nông thôn. Triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU "Về đẩy mạnh phát triển sản xuất vụ đông đến năm 2010" của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh (khoá XIX) đạt hiệu quả thiết thực: nhiều loại cây vụ đông có giá trị kinh tế cao (đậu tương, ngô ngọt, dưa bao tử, ớt...) được đưa vào gieo trồng đại trà, giá trị sản phẩm cây vụ đông năm 2006 và 2007 đạt gần 500 tỷ đồng, góp phần nâng sản lượng lương thực hằng năm của Ninh Bình trên 46 vạn tấn, bảo đảm an ninh lương thực. Sản xuất vụ đông ở Ninh Bình đang dần trở thành vụ sản xuất chính và là một trong những yếu tố quan trọng làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo việc làm cho nông dân; tăng giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp từ 31,3 triệu đồng (năm 2006) lên trên 60 triệu đồng (năm 2008).

Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN được Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, mạng lưới đường giao thông nông thôn đã được cải tạo, cứng hoá, đạt 92%; hệ thống kênh mương, thủy lợi đầu mối kiên cố hóa, đạt 79%, bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; các công trình trọng điểm: đê biển Bình Minh 2, đê tả Hoàng Long, đê Đầm Cút, được đầu tư xây dựng đã nâng cao khả năng phòng chống lụt bão và phát triển giao thông.

Về phát triển công nghiệp, xây dựng, Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp kích cầu đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án công nghiệp trọng điểm, các nhà máy: cán thép Tam Điệp; xi măng Vinakansai, Duyên Hà, Hướng Dương. Ngành công nghiệp của Tỉnh tăng trưởng khá, bình quân 26,6%/ năm; chỉ tính riêng 9 tháng năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.988,9 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2008. Việc tập trung vốn cho các công trình trọng điểm được thực hiện đúng nguyên tắc, chủ trương kích cầu đầu tư của Chính phủ; đồng thời, Tỉnh tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn trong nước và nước ngoài đầu tư trực tiếp vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn và sử dụng nhiều lao động.

Về dịch vụ và du lịch, Tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng xã hội hóa; gắn phát triển du lịch với giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo; huy động mọi nguồn lực, tập trung khai thác hợp lý tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, xây dựng Ninh Bình thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước. Theo đó, các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch trọng điểm: Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, khu du lịch sinh thái Vân Long, du lịch Chùa Bái Đính...; tích cực triển khai xây dựng quy hoạch phát triển du lịch của Tỉnh những năm tiếp sau; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 18%/năm trở lên.

Công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo là một trong những nội dung trọng tâm được Tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với quan điểm: "tăng trưởng kinh tế nhanh gắn liền với đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, không để tái nghèo một cách bền vững". Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy Ninh Bình "Về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010" đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Với nhiều chính sách cụ thể, thiết thực được áp dụng (vùng nghèo được ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất; người nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, cải tạo nhà ở, đào tạo nghề miễn phí, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động…), Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy thực sự đã đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả rõ rệt: cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi nhanh, những loại cây, con (trồng nấm, chăn dê, gia cầm...) có giá trị kinh tế cao, được đưa vào sản xuất; nhiều mô hình kinh tế gia đình, trang trại, sản xuất, chế biến trên địa bàn Tỉnh đã được áp dụng, nhân rộng và chuyển giao đến hàng ngàn hộ nghèo. Các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp (chế biến gỗ mỹ nghệ, may công nghiệp, mây tre đan, chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren...) phát triển nhanh, tạo việc làm ổn định cho nông dân. Tỉnh đã đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa 1.226 nhà dột nát cho hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo trọng điểm của Tỉnh đã giảm từ 21,5% xuống 15,6%, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trong toàn Tỉnh xuống còn 8,9%. Qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tạo sự đồng thuận giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Cùng với đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển KT-XH, Ninh Bình luôn coi trọng củng cố, tăng cường tiềm lực QP-AN, kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh về chiều sâu, ngày càng vững chắc; bảo đảm mỗi bước tăng trưởng, phát triển kinh tế của Tỉnh là một bước tăng cường tiềm lực vật chất-kỹ thuật cho KVPT và thế trận QPTD trên địa bàn, tạo cơ sở vững chắc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP, QS) địa phương trong thời bình và sẵn sàng bảo đảm mọi yêu cầu cho chiến tranh  (nếu xảy ra). Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới”, Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ về giáo dục QP-AN, Tỉnh chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp, nhất là trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục QP-AN toàn dân; coi trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo quy định, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới, mà trực tiếp là nhiệm vụ QP, QS của Tỉnh. Đồng thời, Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục QP-AN, phổ biến, giáo dục pháp luật cho toàn dân, nhất là học sinh, sinh viên; nhằm giáo dục truyền thống, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Từ thực tiễn có thể khẳng định: quan điểm của Đảng “về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, quốc phòng với kinh tế” đã được Ninh Bình quán triệt, cụ thể hoá một cách hiệu quả; thể hiện ngay từ trong chủ trương, quy hoạch, kế hoạch triển khai các dự án KT-XH, nhất là các dự án trọng điểm, như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,... Quá trình kết hợp KT-XH với QP-AN luôn gắn chặt với xây dựng KVPT tỉnh, huyện (thành phố, thị xã) về chiều sâu ngày càng vững chắc. Trên cơ sở phát triển của tình hình, Tỉnh chú trọng điều chỉnh, bổ sung quyết tâm tác chiến phòng thủ cơ bản, phương án, kế hoạch tác chiến của các cấp. Đồng thời, Tỉnh luôn quan tâm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập KVPT tỉnh, huyện (năm 2007, Tỉnh đã tổ chức cuộc diễn tập KVPT tỉnh đạt kết quả tốt; năm 2009 tập trung chỉ đạo huyện Yên Mô diễn tập KVPT cấp huyện; diễn tập chiến đấu trị an, phòng chống lụt bão cho 25% số xã (phường, thị trấn) của Tỉnh, đạt kết quả khá), qua đó đã tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức về nhiệm vụ QP, QS địa phương và từng bước hoàn thiện vận hành cơ chế lãnh đạo QP-AN của cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Tỉnh đã quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách của trên, kết hợp với huy động nguồn ngân sách địa phương bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ QP, QS, nhất là trong đầu tư xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, các công trình phòng thủ quan trọng của KVPT tỉnh, huyện.

Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh coi trọng xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT địa phương, trước hết là chất lượng chính trị, năng lực công tác của cơ quan quân sự, công an các cấp, đủ sức tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ QP,QS và an ninh trên địa bàn. Trong đó, tập trung xây dựng LLVT nhân dân, công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa công an với quân đội theo Quyết định 107/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần cùng toàn dân giữ vững ổn định chính trị, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, tích cực tham gia đấu tranh ngăn ngừa tệ nạn xã hội. Cấp uỷ, chính quyền các cấp thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp, đúng thành phần, có số lượng hợp lý, đạt tỷ lệ 1,6% dân số; coi trọng nâng cao chất lượng chính trị, trình độ, khả năng SSCĐ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong phối hợp cùng bộ đội, công an tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng dự bị động viên được chăm lo xây dựng vững mạnh toàn diện; tổ chức phúc tra, đăng ký, tạo nguồn, sắp xếp và quản lý chặt chẽ, bảo đảm đủ số lượng, đúng chức danh và chuyên nghiệp quân sự. Để tạo sự chuyển biến mới, vững chắc ngay từ cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ QP, QS, Tỉnh hết sức coi trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ huy Quân sự xã (phường, thị trấn); trong đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xã (phường, thị trấn) đội trưởng, chính trị viên xã đội, trưởng công an xã về phẩm chất chính trị, năng lực, kiến thức QP, QS.

Được sự quan tâm về mọi mặt của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong Tỉnh, LLVT Ninh Bình ngày càng trưởng thành, vững mạnh, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QP, QS ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và cùng toàn dân ra sức xây dựng Tỉnh phát triển toàn diện trong thời kỳ mới.

ĐINH VĂN HÙNG

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

________

1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr. 227, 228.

 

Ý kiến bạn đọc (0)