QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 22:44 (GMT+7)
Những xu hướng của quá trình kinh tế hiện nay ở Việt Nam và sự lựa chọn của chúng ta

Hiện nền kinh tế nước ta đang trong quá trình tư bản hóa và chệch hướng, hay vẫn đang trong định hướng xã hội chủ nghĩa? Bản chất những xu hướng đó là gì, nó sẽ phát triển ra sao và làm thế nào để bảo đảm quá trình đó nhất định sẽ đi tới chủ nghĩa xã hội (CNXH)?

1- Từ diễn biến thực tế của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo, cho đến nay, trong nền kinh tế nhiều thành phần, đã và đang diễn ra một xu hướng hữu sản hóa một bộ phận người lao động và tư sản hóa một bộ phận nhỏ dân cư, điều đó cũng đồng thời biến một bộ phận dân cư khác thành những người lao động làm thuê.
Ta hiểu hữu sản hóa nói chung chưa phải là tư nhân hóa và tư sản hóa; vấn đề là người lao động sử dụng tài sản của mình trong sản xuất, kinh doanh như thế nào. Về tư nhân hóa và tư bản hóa, có ý kiến cho rằng chúng ta chưa từ định lượng để đi tới định tính thế nào là tư nhân hóa, thế nào là tư bản hóa, vậy chỉ nên xác định "thành phần kinh tế tư nhân" hoặc "khu vực kinh tế tư nhân". Tuy nhiên kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân vẫn tồn tại khách quan, do vậy nên xác định các thành phần kinh tế như Đại hội IX (kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân là hai thành phần). Kinh tế cổ phần cũng đang là một sự lựa chọn của chúng ta. Theo tôi, kinh tế cổ phần là kinh tế trong đó vốn trong sản xuất, kinh doanh do những người hữu sản góp vào dưới hình thức cổ phần để trở thành cổ đông; nguyên tắc phân phối là theo vốn, theo cổ phần dưới hình thức cổ tức (không phải theo lao động). Mọi người hữu sản đều có thể tham gia kinh tế cổ phần: nhà tư bản, người lao động cá thể, tiểu chủ, công nhân, viên chức trong doanh nghiệp, đông đảo dân cư có tài sản ít nhiều (kể cả cá nhân và tổ chức). Kinh tế cổ phần đã có trong nền kinh tế tư bản, rõ ràng có mặt tích cực trong điều kiện của nước ta. Kinh tế cổ phần và một số hình thức khác xuất hiện trong chủ nghĩa tư bản (CNTB) đã được một số nhà lý luận tư sản giữa thế kỷ trước dựa vào đó mà đưa ra luận điểm là CNTB đã phát triển sang "CNTB nhân dân"! Một số nhà lý luận mác- xít từ hồi đó đã phê phán luận điểm này, nhưng thường đứng trên lập trường của CNXH mô hình cũ. Ta biết rằng, ở Mỹ, hiện nay đã có tới "76 triệu cổ phiếu công dân, chiếm 43% dân số Mỹ"1. Nhưng không ai quên 0,2% dân số Mỹ chiếm hữu 50% của cải của cả nước Mỹ đế quốc chủ nghĩa.
           
Tôi hiểu rằng không chỉ có quá trình nói trên, nhưng dường như nó đang là xu thế chủ yếu, rất dễ nhận thấy và dễ được chấp nhận. Bởi vì kinh tế nước ta thực tế đang trên đà tăng trưởng, đời sống nhân dân, kể cả những người lao động thực tế đang được cải thiện..., dù rằng kéo theo cả những mặt tiêu cực của CNTB. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đi vào toàn cầu hóa, CNTB hiện đại đang trong thế thắng, chiếm ưu thế và tác động mạnh đến nền kinh tế nước nhà, ta cũng đang hội nhập nền kinh tế thế giới để phát triển.
Vậy bản chất xu hướng kinh tế này là gì? Rõ ràng đó là quá trình kinh tế của CNTB, là quá trình phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong đó có kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân... Như Cương lĩnh 1991 của Đảng đã chỉ rõ: CNXH ở nước ta bỏ qua chế độ tư bản chứ không phải là bỏ qua những sự phát triển nào đó của CNTB. Quá trình này còn mang tính chất tư sản, nên có ý kiến, về mặt lý luận, cho rằng còn nằm trong phạm trù cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới chưa được hoàn tất trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trước đây nay được tiếp tục trong cách mạng XHCN theo tư duy mới. Những chủ trương, chính sách đó phù hợp tính chất và trình độ lực lượng sản xuất ở nước ta, đã có tác dụng tích cực giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất. Ta cần tiếp tục phát triển, phát huy mặt tích cực, chấp nhận và hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế tư bản. Không nên vội coi đó đã là chệch hướng.
Cũng phải nói thêm, việc đặc biệt coi trọng giải quyết những vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo... có tác dụng rất tích cực, có hiệu quả rõ rệt (mặc dù xu hướng kinh tế tư bản đã dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo rất lớn, nhưng đó là cái giá phải trả cho sự phát triển - vấn đề là lựa chọn cái giá như thế nào). Nhưng cái đó thực ra cũng nằm trong phạm trù kinh tế chính trị học tư sản - ở đây do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhà nước tư sản cũng phải giải quyết vấn đề đó thì mới có thể ổn định chế độ tư bản, làm dịu và lu mờ phần nào sự đối lập căn bản Tư bản - Lao động của hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa (TBCN).
Tuy nhiên, phải chăng có thể cho rằng cứ một chiều tiếp tục quá trình đó, một chiều phát triển kinh tế TBCN, cả tự phát và tự giác (do Đảng và Nhà nước ta chủ trương), cho đến khi trải qua một thời gian lịch sử tương đối dài, quan hệ sản xuất TBCN kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất, thì khi đó mới có thể tính đến chuyện chuyển sang giai đoạn cách mạng XHCN? Theo tôi, nếu thế thì thực chất là chưa có, chưa rõ định hướng XHCN, là đi vào con đường TBCN. Bởi vì điều đó sẽ không đảm bảo kinh tế Nhà nước là chủ đạo và cùng với kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã dần dần trở thành nền tảng của nền kinh tế nhiều thành phần đi lên CNXH; không những thế, có thể còn có những doanh nghiệp Nhà nước và hợp tác xã không thuộc quá trình đi lên CNXH mà bị tư nhân hóa, tư bản hóa.
2- Một cách tiếp cận khác, một sự lựa chọn khác mà Đảng ta đã nêu rõ trong đường lối đổi mới và cũng xuất phát từ thực tế đã diễn ra, chứ không phải mong muốn chủ quan. Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục tìm tòi phát triển kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã dần dần trở thành nền tảng của nền kinh tế nhiều thành phần đi lên CNXH. Như vậy là đã đồng thời xuất hiện một quá trình kinh tế khác nữa, quá trình phát triển đi lên CNXH theo tư duy mới. Chính quá trình này mới thể hiện trực tiếp, tập trung sự định hướng XHCN trong đời sống kinh tế đất nước, và quan trọng hơn là một số nhân tố mới thực tế đã nảy sinh. Cần khai thác và phát triển những nhân tố mới đó thành một quá trình phát triển thực sự, ngày càng lớn mạnh đồng thời với quá trình phát triển kinh tế TBCN. Vấn đề là làm sao cho hai quá trình đó vừa thống nhất với nhau vừa đấu tranh với nhau và tác động tích cực lẫn nhau để cùng phát triển, và làm sao cho quá trình kinh tế đi lên CNXH theo tư duy mới dần dần  chiếm ưu thế và chi phối, quá trình kinh tế TBCN cũng phát triển và dần dần lệ thuộc vào quá trình phát triển kinh tế đi lên CNXH, cùng đẩy mạnh sự phát triển của lực lượng sản xuất, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cả hai quá trình đó đồng thời tồn tại và phát triển trong CNXH theo tư duy mới chứ không phủ định lẫn nhau. Đây mới là và phải là bản chất quá trình kinh tế ở nước ta hiện nay, trong suốt thời kỳ quá độ dài đi lên CNXH và cả trong CNXH theo tư duy mới. Kinh tế TBCN trong điều kiện đó vẫn là TBCN nhưng không phải là phi XHCN. Như Các Mác từng nêu rõ đại ý: những dấu vết về mọi phương diện của CNTB vẫn tồn tại trong giai đoạn quá độ từ CNXH lên chủ nghĩa cộng sản.
Vậy đâu là những nhân tố mới của quá trình kinh tế đi lên CNXH ở Việt Nam? Phải nhắc lại là công cuộc đổi mới hiện nay đã dựa một phần quan trọng vào những thành tựu của CNXH mô hình cũ, những nhân tố tích cực của CNXH mô hình cũ. Vấn đề là cần dựa vào những nhân tố đó, đổi mới đúng đắn, không bảo thủ, cũng không giáo điều kinh nghiệm của nước ngoài. Không lợi dụng chúng để một chiều đi vào kinh tế tư bản, dần dần thủ tiêu chúng nhân danh "đổi mới". Đương nhiên đây là cả một quá trình tìm tòi, thể nghiệm. Đảng và Nhà nước ta cần chăm lo phát triển kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã đi lên CNXH. Trong thực tiễn tổ chức thực hiện những nghị quyết đúng đắn về kinh tế của Đảng, đã và đang diễn ra đồng thời hai xu hướng gắn liền với hai quá trình như đã nêu trên. Ngay trong nhiệm vụ phát triển kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã, đã có nhiều cuộc thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau, những nhận định, kết luận khác nhau và sự lựa chọn khác nhau. Như: cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nhưng cổ phần hóa hay tư nhân hóa, tư bản hóa, cổ phần hóa theo CNXH là thế nào? Như: phát triển kinh tế tập thể, đổi mới kinh tế hợp tác xã, xây dựng hợp tác xã của người lao động theo CNXH hay hợp tác xã theo CNTB, giống nhau và khác nhau giữa hai loại hình hợp tác xã đó là thế nào? Như: phát triển kinh tế trang trại nhưng chỉ là tư nhân hóa và tư bản hóa hay còn đi vào hợp tác hóa?... Đông đảo cán bộ, đảng viên đã và đang tìm tòi nghiên cứu phát hiện những nhân tố mới của quá trình kinh tế đi lên CNXH theo tư duy mới từ trong thực tiễn lao động sáng tạo của quần chúng lao động, của công nhân, nông dân và trí thức, bằng cả lao động trí óc và lao động chân tay, ngay khi xu hướng TBCN đang chiếm ưu thế. Cách mạng luôn luôn là sự nghiệp của quần chúng và là ngày hội của quần chúng.
Chỉ có thể tìm lời giải về những nhân tố kinh tế đi lên CNXH theo tư duy mới trong quá trình tổng kết thực tiễn kết hợp với nghiên cứu lý luận. Không chỉ trong việc trực tiếp xử lý các thành phần kinh tế mà qua đó còn có thể đi tới những cách tiếp cận mới, vĩ mô về sở hữu XHCN, về quản lý, về phân phối... trong nền kinh tế XHCN. Muốn thế, phải dựa trên cơ sở tiếp nhận một cách có phê phán CNXH mô hình cũ và phân tích quá trình đổi mới về kinh tế theo định hướng XHCN hiện nay, đặc biệt thấy rõ yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất mới ở giai đoạn quá độ của văn minh nhân loại từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ, thể hiện trực tiếp ở nền kinh tế tri thức bắt đầu xuất hiện ở ngay nước ta. Có một cách tiếp cận cho rằng, quá trình hữu sản hóa người lao động, tư nhân hóa một bộ phận nền kinh tế không nhất thiết chỉ đi đến phát triển kinh tế TBCN mà trong điều kiện cụ thể của ta, có thể còn phát triển đi lên CNXH theo tư duy mới. Tư duy mới về sở hữu XHCN là thế nào? Ta biết rằng chế độ công hữu XHCN trong mô hình CNXH cũ đã tạo động lực to lớn, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất khi người lao động được giải phóng, nhưng đã dần dần bộc lộ mặt hạn chế và tiêu cực cần được khắc phục để tạo động lực mới. Theo tôi, tư duy mới về sở hữu tập thể, về công hữu XHCN không phủ định mà phải dựa trên cơ sở sở hữu trực tiếp về tư liệu sản xuất của cá nhân những người lao động trí óc và lao động chân tay liên hiệp lại. Sẽ xuất hiện một sự liên hiệp mới của những người lao động trí óc và lao động chân tay chủ sở hữu trực tiếp về tư liệu sản xuất trong các thành phần kinh tế, dưới nhiều loại hình và tổ chức kinh tế khác nhau trên cơ sở những thành tựu mới của khoa học và công nghệ hiện đại. Đương nhiên không phải là những nhà tư bản, bởi chủ sở hữu là những người lao động trí óc và lao động chân tay; đó là sở hữu cá nhân người lao động trong sở hữu tập thể, sở hữu công cộng (công hữu) của CNXH chứ không phải sở hữu tư nhân, không phải sở hữu TBCN. Chúng ta sẽ có toàn dân sở hữu dưới nhiều hình thức, trong đó "sở hữu toàn dân" dưới hình thức sở hữu Nhà nước chỉ là một hình thức đặc thù của "toàn dân sở hữu".
Điều quan trọng là phải luôn luôn giữ vững định hướng XHCN trong lãnh đạo kinh tế, trân trọng những sự tìm tòi mới, nghiêm túc tìm hiểu, phân tích những thể nghiệm mới. Đảng và Nhà nước ta quyết tâm làm bà đỡ cho những nhân tố mới, XHCN đã xuất hiện, ngày càng sinh sôi, nảy nở theo quy luật khách quan; không áp đặt chủ quan duy ý chí, cũng không buông lỏng cho sự phát triển tự phát hoặc một định hướng khác.
3- Là những bộ phận hữu cơ của quá trình kinh tế hiện nay ở nước ta, hai xu hướng kinh tế nêu trên trở thành hai mặt vừa thống nhất vừa đấu tranh của mâu thuẫn làm nên bản chất của quá trình kinh tế nước ta. ở đây thống nhất là chủ yếu gắn liền với đấu tranh, đấu tranh trong thống nhất và đấu tranh để thống nhất ngày càng cao. Thống nhất là chủ yếu không phải chỉ do Đảng ta lãnh đạo thống nhất, Nhà nước ta quản lý thống nhất, mọi tầng lớp nhân dân, mọi giai cấp trong dân tộc thống nhất mà, về khách quan, do yêu cầu giải phóng mạnh mẽ và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất. Thống nhất thể hiện rõ rệt ở sự kết hợp, liên doanh, liên kết và thâm nhập lẫn nhau giữa các thành phần kinh tế: Nhà nước đầu tư vào kinh tế tư bản; nhà tư bản đầu tư vào kinh tế Nhà nước; kinh tế cá thể, tiểu chủ liên doanh, liên kết với kinh tế Nhà nước, kinh tế hợp tác xã, đi vào hợp tác hóa... Hình thành dần đa sở hữu trong các thành phần kinh tế (đương nhiên có hình thức sở hữu chủ đạo đặc trưng của mỗi thành phần kinh tế). Đây chính là cơ sở của sự thống nhất về lợi ích giữa các tầng lớp nhân dân, các giai cấp trong xã hội, của cả cộng đồng dân tộc. Cũng là biểu hiện của mối quan hệ giai cấp vừa đoàn kết vừa đấu tranh trong nội bộ dân tộc.
Cả hai quá trình cùng phát triển (có người gọi đó là "thắng - thắng"). Nhưng muốn cùng phát triển thì phải cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh, thi đua, thi đua xem "ai hơn ai". Đây chính là biểu hiện của mặt đấu tranh gắn với mặt thống nhất trong mâu thuẫn. Đương nhiên kinh tế tư bản sẽ sản sinh và phát triển tư tưởng tư sản thể hiện trong chính trị, trong lối sống... Do vậy việc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ, giữa các quan điểm tư tưởng khác nhau, là không tránh khỏi và đòi hỏi có cách xử lý phù hợp trong khi phải đặc biệt coi trọng việc chống lại, phê phán những quan điểm, tư tưởng phản động, thù địch, làm thất bại những thủ đoạn trong chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Cuối cùng CNXH phải được xác lập (nếu không thì CNTB cũng sẽ được xác lập) và hình thành sự vật mới, mâu thuẫn mới. Tức là vẫn có vấn đề "ai thắng ai" khi kết thúc.
Kinh tế XHCN được xác lập như vậy không phải bằng bạo lực, tước đoạt, cải tạo. Các thành phần kinh tế thay đổi, cơ cấu giai cấp xã hội thay đổi, quan hệ người - người trong sản xuất thay đổi, nhưng không xóa bỏ sở hữu cá nhân về tư liệu sản xuất của mỗi người. Đó là quá trình phát triển kinh tế đi lên CNXH một cách tự nhiên theo quy luật, trên cơ sở những nhân tố và điều kiện kinh tế hiện thực, với bà đỡ là Đảng Cộng sản lãnh đạo, Nhà nước pháp quyền XHCN quản lý, kết hợp từ trên xuống và từ dưới lên, không ngừng mở rộng nền dân chủ XHCN. Bạo lực cách mạng chỉ cần thiết khi các thế lực phản động ngoài nước và trong nước dùng bạo lực phản cách mạng kết hợp với "diễn biến hòa bình" hòng chống lại, làm chệch hướng và xóa bỏ con đường đi tới tương lai, tiền đồ tưới sáng của dân tộc Việt Nam và của mỗi người dân Việt Nam. Xin lưu ý, trong kịch bản "diễn biến hòa bình" của chủ nghĩa đế quốc thì "diễn biến hòa bình" về kinh tế là quan trọng nhất và quyết định nhất, mà thượng sách là thông qua việc đẩy tới sự chệch hướng trong lãnh đạo và quản lý kinh tế vĩ mô. Điều này lại chỉ có thể nhận biết sau một thời gian dài, và khi đã nhận biết thì sự đã rồi.
 
Quang Cận
 
1- Xem bài Bước thoái trào của phong trào cộng sản ở các nước tư bản phát triển - nguyên nhân và bài học, của tiến sĩ Hồ Châu, Tạp chí Lịch sử Đảng, số tháng 9-2004.
 

Ý kiến bạn đọc (0)