QPTD -Thứ Năm, 04/08/2011, 00:07 (GMT+7)
Những phát triển về nhận thức xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng từ Cương lĩnh 1991 đến nay

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã xác định: "xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam"1. Đồng thời, Cương lĩnh cũng khẳng định: "Sự ổn định và phát triển mọi mặt đời sống xã hội là nền tảng của quốc phòng-an ninh (QP-AN). Phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với tăng cường tiềm lực QP-AN"2. Đây là định hướng quan trọng, vừa chỉ ra nền tảng, nguồn lực cơ bản của sức mạnh QP-AN là phát triển kinh tế và ổn định về chính trị-xã hội; vừa khẳng định, sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với tăng cường QP-AN là vấn đề tất yếu trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và BVTQ.

Qua gần 20 năm thực hiện Cương lĩnh, tư duy về BVTQ nói chung, về quốc phòng nói riêng đã có sự đổi mới và phát triển; trong đó, có phát triển nhận thức về tiềm lực và sức mạnh quốc phòng của đất nước, được biểu hiện ở những nội dung cơ bản sau.

Một là, chúng ta đã nhận thức sâu hơn, đầy đủ hơn về những yếu tố cấu thành tiềm lực và sức mạnh quốc phòng; từ đó có chủ trương, biện pháp xây dựng phù hợp. Trước đây, trong tư duy BVTQ, chúng ta thường đồng nhất giữa tiềm lực quân sự và tiềm lực quốc phòng. Thậm chí, đã có thời kỳ ta chủ trương xây dựng sức mạnh quân sự; chuẩn bị, sử dụng các giải pháp quân sự để sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngày nay, trước những biến đổi sâu sắc của tình hình thế giới, trong nước và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiệm vụ xây dựng và BVTQ luôn đan xen, hòa quyện với nhau, nên nhận thức về tiềm lực và sức mạnh quốc phòng BVTQ đã có những phát triển mới. Trước hết, tiềm lực quốc phòng được hiểu là những khả năng về vật chất và tinh thần ở trong và ngoài nước mà đất nước có thể huy động để tạo thành sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Nó gồm tổng thể các nguồn tiềm lực, được xây dựng một cách đầy đủ, đồng bộ; trong đó, tiềm lực chính trị-tinh thần là nền tảng, có ý nghĩa quyết định trong việc phát huy hiệu quả các nguồn tiềm lực khác và chuyển hoá thành sức mạnh quốc phòng. Còn tiềm lực quân sự là cốt lõi-biểu hiện đặc trưng của tiềm lực quốc phòng-là chỗ dựa và căn cứ tập hợp, huy động các nguồn tiềm lực khác để hoàn thành nhiệm vụ BVTQ. Bên cạnh đó, nhận thức về sức mạnh quốc phòng cũng có những phát triển mới. Đó không chỉ là sức mạnh quân sự, mà sức mạnh tổng hợp của đất nước và của toàn dân tộc, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống, đủ sức giữ vững ổn định từ bên trong, ngăn chặn mọi âm mưu và hành động gây chiến của các thế lực thù địch từ bên ngoài, giữ vững hoà bình, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân, bảo vệ  toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Phối hợp hoạt động QP-AN với hoạt động đối ngoại... Nhận thức đó đã mở ra khả năng rộng lớn, khai thác triệt để các nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực vật chất và tinh thần, cả nguồn lực hiện có và tiềm tàng, cả nguồn lực kết tinh trong quá khứ và nguồn lực mới của tương lai, tạo nên sức mạnh tổng hợp BVTQ.

Hai là, phát triển nhận thức về phát huy nội lực là nhân tố chủ yếu trong xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng. Đây là bước tiến quan trọng của quá trình nhận thức, là kết quả hoạt động thực tiễn, tìm tòi, phát hiện và vận dụng quy luật của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Sức mạnh BVTQ là sức mạnh tổng hợp của đất nước, bao gồm sức mạnh về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, QP-AN và đối ngoại..., cả nguồn lực bên trong và bên ngoài, trong đó nội lực là nhân tố giữ vai trò quan trọng nhất. Nội lực là nguồn lực nội sinh, là lực lượng, sức mạnh bên trong của một quốc gia, dân tộc, mà trước hết là cộng đồng người Việt Nam với phẩm chất, năng lực, văn hoá và lịch sử, tạo thành bản sắc và truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc. Cùng với đất đai, tài nguyên, cơ sở vật chất kỹ thuật và những tri thức, kinh nghiệm đã tích luỹ được..., nội lực bao giờ cũng là nguồn lực quyết định của sự phát triển tiềm lực và sức mạnh quốc phòng. Do đó, chúng ta phải biết nuôi dưỡng, bồi đắp, sử dụng và phát triển có hiệu quả nguồn nội lực của đất nước. Đối với lĩnh vực quốc phòng, quan điểm phát huy nội lực được thể hiện sâu sắc ở tư tưởng chỉ đạo về xây dựng nền QPTD, chiến tranh nhân dân BVTQ và xây dựng nền công nghiệp Quốc phòng Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; từng bước tự  bảo đảm nhu cầu trang bị ngày càng hiện đại cho quân đội. Bên cạnh việc khẳng định vai trò của nội lực, với tư duy mới, Đảng ta đánh giá đúng tầm quan trọng của nguồn lực bên ngoài đối với sự nghiệp tăng cường tiềm lực và sức mạnh quốc phòng của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang là xu thế khách quan, diễn ra sâu rộng, cùng với những thách thức, chúng ta cũng có thời cơ thực hiện "đan xen lợi ích". Hơn nữa, ngay trong quá trình phát triển, nội lực cũng có mối quan hệ đan kết với các nguồn lực bên ngoài. Vì thế, bên cạnh việc phát huy nội lực là chủ yếu, cần coi trọng khai thác, tận dụng tối đa các nguồn ngoại lực, thông qua hợp tác quốc tế để xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng BVTQ.

Ba là, gắn kết giữa xây dựng nền QPTD, lực lượng vũ trang nhân dân và phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự Việt Nam với xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng. Từ tổng kết thực tiễn, nhất là qua hơn 20 năm đổi mới, nhận thức về xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng trong tổng thể các hoạt động xã hội đã có bước chuyển quan trọng. Đảng ta đã khẳng định: tiềm lực và sức mạnh quốc phòng là một bộ phận trọng yếu trong sự nghiệp BVTQ. Tiềm lực và sức mạnh đó phải được xây dựng trên cơ sở xây dựng nguồn tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của quốc gia; mà trước tiên phải trên cơ sở xây dựng, củng cố và phát triển chế độ chính trị-xã hội ưu việt, trình độ phát triển kinh tế-xã hội, trình độ và truyền thống văn hóa của dân tộc... Trong đó, xây dựng nền QPTD, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự Việt Nam là những nhân tố trực tiếp tác động, chỉ đạo, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng. Trong xây dựng nền QPTD, cần theo hướng "Toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại". Xây dựng toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, nhất là tập trung vào các giải pháp chủ yếu tạo nên tiềm lực và sức mạnh quốc phòng của đất nước; đặc biệt coi trọng xây dựng cơ sở chính trị-xã hội và "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc trên từng khu vực, địa phương và cả nước.

 Trên cơ sở nghiên cứu tình hình quốc tế, trong nước và đặc điểm của chiến tranh hiện đại, cũng như kế thừa nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc, nhất là trong chiến tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cần tiếp tục phát triển nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân BVTQ trong điều kiện mới. Đó là nghệ thuật của tư tưởng tích cực tiến công, kết hợp chặt chẽ với chủ động phòng thủ; nghệ thuật toàn dân đánh giặc trong điều kiện chiến tranh hiện đại, công nghệ cao... Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có bản lĩnh chính trị, chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao, có số lượng và cơ cấu hợp lý, làm nòng cốt trong xây dựng sức mạnh và thế trận QPTD, gắn với sức mạnh và thế trận an ninh nhân dân để BVTQ. Đây là những cơ sở, nền tảng rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng trong điều kiện mới.  

Bốn là, phát triển nhận thức về vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, điều hành, nhân dân làm chủ trong xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng. "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, điều hành, nhân dân làm chủ" là một đặc trưng bản chất của quốc phòng Việt Nam - một nền quốc phòng kiểu mới "lấy dân làm gốc", thực sự của dân, do dân và vì dân; trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ nét ở việc khẳng định Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng. Việc xác lập Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, cơ quan Quân sự, Công an phối hợp với các ban ngành, đoàn thể làm tham mưu theo chức năng và tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, góp phần tạo ra bước phát triển mới đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc trên địa bàn cả nước.

Sự phát triển nhận thức còn được thể hiện ở việc thể chế hoá Chiến lược BVTQ (được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8, khóa IX) thành hệ thống văn bản luật pháp, nghị định, chính sách, các chương trình, kế hoạch chiến lược với những bước đi phù hợp. Củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành, giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết về xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng. Từng bước hoàn chỉnh cơ chế, chính sách và các giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả giáo dục QP-AN; kết hợp kinh tế-quốc phòng-an ninh-đối ngoại; trong xây dựng lực lượng và thế trận QPTD; trong động viên quốc phòng, phòng thủ dân sự, cũng như xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng và các công trình phòng thủ khác...

Trong những năm tới, yêu cầu của sự nghiệp BVTQ đòi hỏi chúng ta phải chủ động nghiên cứu, dự báo sự phát triển và làm rõ những định hướng chiến lược về xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng; trong đó, xác định rõ mục tiêu chiến lược, quan điểm chỉ đạo và phương thức tiến hành nhiệm vụ này, nhất là những giải pháp chủ yếu, mang tính đột phá. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, điều hành, nhân dân làm chủ đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm và quyền hạn của đảng uỷ quân khu trong lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và hoạt động của các khu vực phòng thủ địa phương; tổ chức phòng thủ dân sự; xây dựng công trình quốc phòng, khu kinh tế-quốc phòng..., phù hợp với địa bàn từng quân khu.

Đẩy mạnh nghiên cứu, làm rõ cả về nội dung, điều kiện và cơ chế chuyển hoá tiềm lực quốc phòng thành sức mạnh quốc phòng trong điều kiện mới. Giải quyết hài hòa các mối quan hệ: xây dựng tiềm lực và thực lực quốc phòng; xây dựng lực lượng và thế trận QPTD gắn với xây dựng lực lượng và thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) và các công trình quốc phòng, phòng thủ dân sự; xây dựng lực lượng dự bị động viên và kế hoạch động viên quốc phòng là những việc làm cần thiết, góp phần bảo đảm cho đất nước không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thiếu tướng, PGS, TS. PHẠM NGỌC HÙNG

Học viện Quốc phòng

______________

1- ĐCSVN- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb ST, H. 1991, tr. 10.

2- Sđd, tr. 17.


 
Ý kiến bạn đọc (0)