QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 00:17 (GMT+7)
Những nội dung cần quan tâm khi thực hiện tổng kết 10 năm giáo dục quốc phòng-an ninh

Trước yêu cầu đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN), đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới, ngày 12-02-2001, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 62-CT/TW về “Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới"; tiếp đó, ngày 01-5-2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2001/NĐ-CP “Về Giáo dục quốc phòng”. Sau 10 năm thực hiện, công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đồng thời, cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm.

Ngày 01-12-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 2009/CT-TTg “Về việc tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQP-AN (2001-2010)”. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, nhằm đánh giá toàn diện, thực chất kết quả GDQP-AN qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ; qua đó, thấy rõ những việc đã làm được, chưa làm được, khuyết điểm, vướng mắc còn tồn tại, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề ra chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới.

Để tổng kết đạt hiệu quả thiết thực, các cấp, các ngành phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, phát huy vai trò tham mưu của Hội đồng GDQP-AN và cơ quan quân sự, công an; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong quá trình chuẩn bị và tổ chức tổng kết, tránh phô trương hình thức hoặc coi nhẹ, làm sơ sài. Đánh giá phải đầy đủ, khách quan, đúng thực chất, sát với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị, làm rõ các ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân mạnh, yếu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Giải pháp đề ra phải cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa phương, cơ quan, tổ chức, ngành... Sau tổng kết phải tạo được sự chuyển biến cả về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ GDQP-AN.

Nội dung tổng kết phải toàn diện; trên cơ sở đặc điểm tình hình các mặt, các yếu tố khách quan, chủ quan chi phối để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị mình. Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, cần đi sâu vào việc quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về công tác GDQP-AN; đồng thời, làm rõ nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đối với nhiệm vụ này. Cùng với đó, phải đánh giá cụ thể việc tổ chức thành lập, hoạt động của Hội đồng GDQP-AN các cấp theo Quyết định số 119/2001/QĐ-TTg, ngày15-8-2001 của Thủ tướng Chính phủ Về việc thành lập Hội đồng GDQP-AN Trung ương và Quyết định số 224/2003/QĐ-TTg, ngày 04-11-2003 của Thủ tướng Chính phủ Về việc thành lập Hội đồng GDQP-AN cấp  tỉnh, cấp huyện. Trong đó, tập trung làm rõ việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng Hội đồng GDQP-AN các cấp và việc thực hiện chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tổ chức công tác GDQP-AN. Đánh giá vai trò, trách nhiệm của cơ quan Thường trực, Ban Thư ký và các thành viên của Hội đồng trong việc triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP-AN phải bao gồm cả việc xây dựng kế hoạch và đề ra biện pháp thực hiện kế hoạch hàng năm, việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng và xử lý các vi phạm.

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ GDQP-AN phải căn cứ vào nhiệm vụ, nội dung, chương trình giáo dục, bồi dưỡng cho từng đối tượng: nhân dân; cán bộ, đảng viên; học sinh, sinh viên... Trong mỗi đối tượng đó, cần làm rõ kết quả (những vấn đề làm được, vấn đề chưa làm được), nguyên nhân, bài học kinh nghiệm tổ chức giáo dục, kể cả những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Đối với công tác GDQP-AN cho nhân dân, cần nêu rõ nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành; việc phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng và kết quả tuyên truyền, giáo dục; làm rõ: số lượng tin, bài, thời lượng, chất lượng và hiệu quả; kết quả giáo dục thông qua sinh hoạt cộng đồng dân cư, tổ chức các ngày truyền thống, các lễ hội của địa phương, dân tộc, công tác giáo dục truyền thống của các đoàn thể... Trong công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên và một số đối tượng khác, cần làm rõ số lượng đã bồi dưỡng, chưa bồi dưỡng của từng đối tượng (từ đối tượng 1 đến đối tượng 5); kể cả một số đối tượng đặc thù, như: chức sắc, nhà tu hành và chức việc các tôn giáo; chủ doanh nghiệp, chủ hộ tàu, thuyền hoạt động trên biển; văn nghệ sĩ, trí thức, phóng viên báo, đài và các đối tượng khác (nếu có). Cùng với việc đánh giá số lượng, chất lượng, hiệu quả, cần làm rõ ý thức chấp hành của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đối với công tác GDQP-AN trong các học viện, nhà trường phải phân rõ đối tượng là học sinh, sinh viên (học sinh trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sinh viên cao đẳng, đại học) và học viên trong các học viện, trường chính trị, hành chính, đoàn thể của Trung ương và các địa phương (Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện,...). Ngoài ra, còn phải thống kê làm rõ kết quả GDQP-AN cho lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ và lực lượng an ninh ở cơ sở.

Một nội dung hết sức quan trọng là, phải đánh giá chất lượng, mức độ phù hợp của quy trình, chương trình, giáo trình, giáo khoa, tài liệu phục vụ công tác GDQP-AN cho các đối tượng; tổng kết công tác xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN: về số lượng, chất lượng, kết quả đào tạo (đào tạo chính quy, ghép môn và đào tạo ngắn hạn); kết quả tập huấn, bồi dưỡng giáo viên GDQP-AN tại địa phương. Trong công tác bảo đảm, phải tập trung làm rõ cơ chế và phương thức bảo đảm ngân sách, kinh phí, cơ sở vật chất cho GDQP-AN; những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và kiến nghị...

Tổ chức tổng kết theo phương pháp: cấp xã (phường, thị trấn), huyện (thị xã) không tổ chức hội nghị, mà làm báo cáo gửi lên cấp trên trực tiếp; các tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương, bộ, ban, ngành, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác GDQP-AN. Hội nghị do Uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phố) chủ trì; ngoài thành phần của địa phương, như: đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trực thuộc, còn phải gồm: các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn. Về thời gian, đối với cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) phải hoàn thành tổng kết trong tháng 8-2010; cấp quân khu và các bộ, ngành, hoàn thành trong tháng 9-2010; Hội đồng GDQP-AN Trung ương dự kiến tổ chức tổng kết trong quý 2 năm 2011.

Đánh giá khái quát kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện công tác GDQP-AN theo tinh thần Chỉ thị số 62-CT/TW của Bộ Chính trị, có thể khẳng định rằng: chúng ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng; các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước đã tổ chức quán triệt sâu, rộng, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả GDQP-AN. Nổi bật là, đã xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp lý, tạo cơ sở thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trong các cấp, các ngành và địa phương. Hội đồng GDQP-AN Trung ương, các quân khu, tỉnh, huyện được thành lập và thường xuyên được kiện toàn, tạo thành hệ thống tổ chức chặt chẽ, thống nhất, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức điều hành. Nhiều địa phương như: Quân khu 3, Quân khu 5, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam... đã chủ động, sáng tạo trong triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ công tác GDQP-AN cho các đối tượng là cán bộ, đảng viên và học sinh, sinh viên được ban hành thống nhất, có chất lượng, phù hợp với từng đối tượng. Nội dung giáo dục đã tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối về quốc phòng, quân sự của Đảng, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch... Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ GDQP-AN chưa cao. Đáng chú ý là, một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương chưa thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3, 4, 5. Đội ngũ giáo viên GDQP-AN còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều; trong khi đó, công tác đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu...

Do đó, về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP-AN trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Trước hết, Ban Cán sự đảng (các bộ, ban ngành Trung ương), cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ, tạo chuyển biến vững chắc về nhận thức, tránh nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ GDQP-AN. Các địa phương cần thường xuyên củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng Hội đồng GDQP-AN các cấp; đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đưa công tác kiểm tra thành nền nếp, có chiều sâu; phấn đấu mỗi năm kiểm tra từ 25 đến 35% các cơ quan, tổ chức và địa phương thuộc quyền. Qua kiểm tra, phát hiện điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo; đồng thời, chấn chỉnh kịp thời những sai sót, chỉ rõ hạn chế trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, làm cơ sở giúp đỡ cấp dưới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nội dung tuyên truyền, GDQP-AN cần gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị trong từng giai đoạn, từng thời điểm. Trong thời gian tới, tập trung tuyên truyền về đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XI của Đảng, kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tuyên truyền về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội... Qua đó, xây dựng, bồi đắp tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đề cao ý thức cảnh giác cách mạng của các tầng lớp nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong tình hình mới. Trong công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, cần chú trọng thành phần là cán bộ, đảng viên của các cơ quan, tổ chức trực thuộc bộ, ngành Trung ương; nhất là, cán bộ làm công tác ngoại giao nhận nhiệm vụ ở nước ngoài, các văn nghệ sĩ, đội ngũ biên tập viên, phóng viên báo, đài... Đối với các địa phương, phải gắn công tác GDQP-AN với việc giữ vững ổn định chính trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; coi trọng phát huy vai trò của lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên, làm hạt nhân cho công tác GDQP-AN trên địa bàn.

Tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDQP-AN; mở rộng tuyển sinh đào tạo theo chương trình dài hạn để từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; phấn đấu đến năm 2016 có đủ giáo viên GDQP-AN chuyên trách cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố các trung tâm GDQP-AN bảo đảm “cơ bản, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu GDQP-AN với số lượng lớn và chất lượng ngày càng cao; đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện Quyết định số 638/QĐ-TTg, ngày 21-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ Về xây dựng Trung tâm GDQP-AN trong các nhà trường quân đội. Hội đồng GDQP-AN và cơ quan chức năng phối hợp với Ban Tôn giáo các cấp và Giáo hội để thống nhất, từng bước triển khai kế hoạch đưa nội dung GDQP-AN thành một môn học trong các học viện, nhà trường tôn giáo.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về công tác GDQP-AN, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo cơ sở vững chắc để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP-AN trong giai đoạn tới. Trên cơ sở kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra qua tổng kết, các cơ quan, tổ chức và các địa phương tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác GDQP-AN, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và BVTQ trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN SONG PHI

Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN

 

Ý kiến bạn đọc (0)