QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 01:00 (GMT+7)
Những giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng lực lượng dân quân ở các tỉnh biên giới Tây Bắc
Các tỉnh biên giới Tây Bắc (BGTB) thuộc địa bàn Quân khu 2, gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai; có 512 km đường biên giới với Trung Quốc và 610 km với Lào. Địa hình chủ yếu là núi cao, giao thông không thuận lợi; dân số hơn 2 triệu người với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, mật độ dân số khoảng 50 người/km2, phân bố không đều. Nhìn chung trình độ dân trí, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân trên địa bàn còn thấp, khả năng huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN) còn khó khăn. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, gây mất ổn định chính trị xã hội. Đáng chú ý là, các hoạt động cài cắm, móc nối xây dựng lực lượng ngầm, truyền đạo trái pháp luật, kích động đồng bào dân tộc thiểu số ly khai thành lập “Vương quốc Mông tự trị”, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; buôn lậu thuốc phiện và hàng cấm qua biên giới, tuyên truyền mê tín dị đoan vẫn tiếp diễn.

Trước tình hình đó, các tỉnh BGTB đã tăng cường củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trong đó xây dựng lực lượng dân quân (LLDQ) vững mạnh được đặc biệt quan tâm. Do vậy, chất lượng dân quân từng bước được nâng cao; bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ được giữ vững, chất lượng chính trị có chuyển biến rõ rệt. ở tỉnh Sơn La, tỷ lệ đảng viên trong dân quân đạt 14,7%, đoàn viên đạt 76%; xã (phường) đội trưởng là đảng ủy viên đạt 87,7%, là thành viên ủy ban nhân dân đạt 94,1%. ở Tỉnh Lào Cai, tỷ lệ tương ứng là: 16,4%, 78,2%, 82,9% và 84%. Hằng năm, các đơn vị dân quân huấn luyện đúng, đủ chương trình, nội dung quy định, do vậy chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ không ngừng được nâng cao. ở tỉnh Lai Châu, quân số tham gia huấn luyện đạt 98%, kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trong đó có 76% khá, giỏi; ở tỉnh Điện Biên, tỷ lệ tương ứng là: 92%, 100% và 70%. Công tác diễn tập được đổi mới với nhiều hình thức phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới như: diễn tập khu vực phòng thủ, chiến đấu trị an, cụm tác chiến biên phòng, phòng chống bão lũ, cứu nạn, cứu hộ... Trong hoạt động, LLDQ đã phối hợp với bộ đội Biên phòng, bộ đội địa phương và các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành động xâm nhập, lấn chiếm, buôn lậu qua biên giới; tích cực vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; phát huy vai trò của LLDQ trong bảo vệ sản xuất, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do bão, lũ, sạt lở gây ra...

Tuy nhiên, chất lượng của LLDQ ở các tỉnh BGTB cũng còn những hạn chế. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng của lực lượng này. Nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chưa đầy đủ. Công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ còn bất cập; năng lực của một số cán bộ dân quân chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ tổ chức, chỉ huy, nghiệp vụ chuyên môn yếu, chưa đảm nhiệm được huấn luyện theo phân cấp. Công tác tổ chức huấn luyện mới chỉ tập trung nâng cao chất lượng LLDQ nòng cốt, còn LLDQ rộng rãi chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng sẵn sàng chiến đấu của LLDQ chưa cao, khả năng chiến đấu độc lập còn khó khăn; trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, xử lý vụ việc về trật tự trị an biên giới, gây rối còn lúng túng; phương pháp, tác phong tiến hành công tác vận động quần chúng còn những bất cập, nên  hiệu quả chưa cao...
Để góp phần nâng cao chất lượng LLDQ ở các tỉnh BGTB, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng tôi xin nêu ra một số giải pháp cơ bản sau đây:
 Vấn đề quan trọng hàng đầu là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền đối với LLDQ; gắn xây dựng LLDQ với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 05-12-2002 của Ban Bí thư Trung ương (khoá IX) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới", nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp uỷ đảng đối với công tác DQTV. Nội dung lãnh đạo phải toàn diện, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động. Tập trung làm chuyển biến một bước nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, về công tác xây dựng LLDQ trên địa bàn. Phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị; các già làng, trưởng bản, dòng họ đối với công tác xây dựng LLDQ, thực hiện tốt phương châm “dân  bàn, dân cử, dân chăm lo”.
Thực tiễn ở các tỉnh BGTB, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, chất lượng cán bộ cơ sở còn hạn chế; trình độ nắm và vận dụng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình cụ thể ở địa phương, cơ sở còn thiếu tính chủ động, sáng tạo. Do vậy, xây dựng LLDQ, nhất là đội ngũ cán bộ quân sự vững mạnh sẽ góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh; tạo điều kiện giữ vững ổn định chính trị-xã hội ở địa phương, cơ sở. Trong đào tạo cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn, các tỉnh cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 34/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng "Về đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn"; quy hoạch nguồn cơ bản, lâu dài, có thể phát triển thành cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Chú trọng tuyển chọn, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số. Giáo dục để dân quân hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, cùng với việc tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân, còn có trách nhiệm lắng nghe ý kiến và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh kịp thời với chính quyền cơ sở, nhất là những vấn đề bức xúc nảy sinh từ nội bộ quần chúng nhân dân, góp phần ổn định trật tự, trị an ở từng thôn, bản.
Hai là, xây dựng tổ chức biên chế, trang bị phù hợp.
Phải căn cứ vào quy định của cấp trên, đặc điểm địa bàn để xác định tổ chức, biên chế phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong thực tế, các xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, kinh tế còn nhiều khó khăn lại có tỷ lệ dân quân cao so với dân số; ngược lại, xã đông dân, điều kiện bảo đảm khá hơn lại có tỷ lệ dân quân thấp hơn. Đặc điểm đó ảnh hưởng đến công tác bảo đảm chế độ, chính sách, bảo đảm huấn luyện và hoạt động của LLDQ. Vì vậy, rất cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho những xã nghèo vùng sâu, biên giới. Về tổ chức, biên chế, theo chúng tôi, ở địa bàn các xã biên giới thuộc các tỉnh BGTB, duy trì tỷ lệ dân quân từ 3-3,9% dân số là phù hợp, vì đa số các xã vùng sâu, vùng xa có số dân dưới 3.000 nhân khẩu. 
Hiện nay, ở các tỉnh BGTB, LLDQ nòng cốt được tổ chức, quản lý, giáo dục, huấn luyện tương đối tốt. Tuy nhiên, LLDQ rộng rãi cần được đăng ký, quản lý chặt chẽ  hơn. Việc tuyển chọn, kết nạp, biên chế vào LLDQ nòng cốt cần tập trung vào những đối tượng trong độ tuổi, được rèn luyện, trưởng thành trong phong trào của các đoàn thể quần chúng như: Đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ; ưu tiên đối tượng là đảng viên, đoàn viên, quân nhân phục viên, xuất ngũ. Chú trọng cơ cấu cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số. Xây dựng LLDQ phải gắn với xây dựng tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm được tính rộng khắp, khắc phục triệt để tình trạng thôn, bản không có đảng viên và “trắng” dân quân. Trong tình hình hiện nay, mỗi huyện biên giới nên tổ chức một trung đội dân quân cơ động, một tiểu đội dân quân thường trực, do cơ quan quân sự huyện trực tiếp quản lý, huấn luyện và điều hành hoạt động. Đối với các xã trọng điểm về QP-AN, cần tổ chức một tiểu đội thường trực (lấy từ trung đội cơ động); tổ chức dân quân binh chủng từ một tổ đến một tiểu đội, có thể đến trung đội phòng không. LLDQ tại chỗ được tổ chức ở mỗi thôn, bản từ một tổ đến một tiểu đội. Cần tăng cường công tác đăng ký, quản lý LLDQ rộng rãi, bảo đảm sẵn sàng huy động khi cần thiết.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự.
Nội dung giáo dục, tuyên truyền phải thiết thực, ngắn gọn, tập trung xây dựng bản lĩnh chính trị, niềm tin, ý chí quyết tâm cho dân quân; nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối của Đảng, về chức năng, nhiệm vụ của dân quân, kiến thức về pháp luật, mà trọng tâm là Pháp lệnh về DQTV. Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ dân quân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam,  mà trực tiếp nhất là các hoạt động chống phá của chúng đối với Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Phương pháp tuyên truyền, giáo dục tránh lý luận trừu tượng, mà nên tập trung vào những vấn đề có tính thực tiễn cao, dễ hiểu; chú ý giải quyết những vấn đề bức xúc đang đặt ra trên địa bàn; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục theo chương trình quy định với công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục.
Huấn luyện quân sự phải sát với nhiệm vụ, phương án chiến đấu, tổ chức biên chế, trang bị và phù hợp với trình độ nhận thức của dân quân trên địa bàn. Tập trung huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị hiện có; coi trọng huấn luyện vũ khí thô sơ, tự tạo. Trong huấn luyện chiến thuật, cần tập trung vào các hình thức, thủ đoạn chiến đấu như: phục kích, tập kích, chốt chặn, cắt giao thông... Nâng cao chất lượng diễn tập về: khu vực phòng thủ, chiến đấu trị an, cụm tác chiến biên phòng. Ngoài ra, cần coi trọng huấn luyện tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới, phương pháp xử lý các vụ vi phạm pháp luật trên biên giới. Thực hiện tốt công tác xây dựng điểm (nên chọn theo vùng, cấp tỉnh nên xây dựng điểm một xã vùng 1, một xã vùng 2, một xã vùng 3), làm cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc kiểm tra, phúc tra công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, chú trọng đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới; qua đó, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục thiếu sót, góp phần nâng cao chất lượng LLDQ.
Bốn là, thực hiện  tốt chế độ, chính sách đối với dân quân. Nghị định số 184/2004/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể về phụ cấp, chế độ đối với dân quân. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện ở các tỉnh BGTB gặp không ít khó khăn, do điều kiện kinh tế chưa phát triển, nhân dân có thu nhập thấp. Vì vậy, các tỉnh, huyện cần tổ chức rà soát, thống kê cụ thể khả năng bảo đảm chế độ của từng xã, từ đó có kế hoạch hỗ trợ, quy định định mức thu quỹ QP-AN phù hợp và có quy chế sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh, như Nghị định đã quy định. Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cùng các tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn tham gia đóng góp quỹ QP-AN, bổ sung nguồn ngân sách, kinh phí cho công tác xây dựng và hoạt động của LLDQ. Mặt khác, địa phương cần tạo điều kiện cho dân quân phát triển sản xuất, giải quyết khó khăn kinh tế của gia đình để họ yên tâm công tác.
Nâng cao chất lượng LLDQ các tỉnh BGTB là một vấn đề quan trọng, thiết thực hiện nay. Đó là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở mỗi địa phương, cơ sở và của toàn dân trên địa bàn.
Đại tá, ThS. Đỗ Viết Điện
Học viện Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)