QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 22:37 (GMT+7)
Những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, chiến sĩ ở Binh đoàn Cửu Long

Binh đoàn Cửu Long là một đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng, đứng chân và làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn chiến lược trọng yếu ở phía nam Tổ quốc. Đây là nơi có nhiều khu công nghiệp, kinh tế năng động; văn hóa, xã hội phát triển; gần thành phố, thị xã lớn. Vì vậy, yêu cầu tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước và kỷ luật quân đội của cán bộ, hạ sĩ quan, chiến sĩ (HSQ - CS) rất cao. Mặt khác, hằng năm Binh đoàn tiếp nhận hàng ngàn chiến sĩ mới quê ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ, xuất thân từ nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau; có trình độ học vấn không đều, nhận thức và ý thức chấp hành luật pháp còn nhiều hạn chế. Nhận thức rõ đặc điểm đó, lãnh đạo, chỉ huy Binh đoàn luôn coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho HSQ - CS là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của đơn vị.

 Trên cơ sở hiểu rõ hiệu quả PBGDPL được biểu hiện ở chỗ trong thời gian tối thiểu với một lực lượng, phương tiện tối thiểu, nhưng phải phấn đấu để đạt được hiệu quả tối đa; trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung huấn luyện, nâng cao sức mạnh tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu, lãnh đạo, chỉ huy, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ các cấp trong Binh đoàn đã tích cực nghiên cứu, đề ra nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL. Trước hết, Binh đoàn chú trọng nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, năng lực của cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là ở cấp phân đội và tương đương đối với công tác PBGDPL cho HSQ - CS. Do thời gian học tập các nội dung về pháp luật tại đơn vị rất ít; cơ sở vật chất, phương tiện  còn nhiều hạn chế, nên vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở Binh đoàn, nhất là cấp phân đội là phải có nhận thức đúng, trách nhiệm cao với công tác PBGDPL, để trên cơ sở đó chủ động tìm ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện công tác này đạt hiệu quả cao nhất. Vì vậy, ngay sau khi có các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác PBGDPL, Tư lệnh Binh đoàn đã ra Chỉ thị số 401/CT - QĐ ngày 27/7/1998,  xác định rõ: “Việc tổ chức PBGDPL phải được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của các cấp ủy đảng và người chỉ huy, đầu tư có chiều sâu cả về thời gian, nội dung và công tác đảm bảo cho các hoạt động PBGDPL”. Với tinh thần đó, Binh đoàn luôn chú trọng quán triệt cho cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ các cấp nắm vững nội dung, mục đích, yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL cho các đối tượng nói chung, cho HSQ - CS nói riêng. Đồng thời, tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”, Chỉ thị số 21/2003/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL trong quân đội” và các chỉ thị, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn, cũng như kế hoạch của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Binh đoàn về công tác này. Trong quá trình tổ chức, Binh đoàn duy trì nghiêm chế độ kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm hằng năm; gắn đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ các cấp. Do làm tốt những điều đó,  nhận thức, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác này của cấp ủy, chỉ huy các phân đội trong Binh đoàn ngày càng được nâng lên.
Hai là, lựa chọn nội dung, sử dụng hình thức, phương pháp, phương tiện PBGDPL phù hợp với từng đối tượng HSQ-CS. Đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác này. Thực tế cho thấy, HSQ - CS ở Binh đoàn chủ yếu có tuổi đời từ 18 đến 21; một số HSQ-CS ( nhất là số quê ở miền Tây Nam bộ) quen sống tự do. Để công tác PBGDPL có hiệu quả cao, một mặt, chỉ huy Binh đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm nội dung, chương trình công tác PBGDPL theo quy định của Bộ và Tổng cục Chính trị; mặt khác, lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, chức trách và đặc điểm hoạt động của HSQ-CS để đưa vào chương trình PBGDPL. Có những nội dung được Binh đoàn tổ chức học tập nhiều lần như: Chương 23 của Bộ luật Hình sự; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ; Quyết định 2530/2000/QĐ-BQP và Quyết định số 82/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng về sửa đổi một số điều của Quyết định 2530 “Quy định xử lí kỷ luật đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”; Chỉ thị số 25/CT-TM ngày 12 tháng 5 năm 2003 của Tổng Tham mưu trưởng “Về việc quản lý, sử dụng mô tô, xe máy trong quân đội”; Quy định số 34 và Chỉ thị số 670 của Tư lệnh Binh đoàn về “Xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật”; các quy định, quy tắc bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập; các quy định của pháp luật về xử lý quân nhân đào ngũ hoặc vắng mặt trái phép;…
Bên cạnh việc lựa chọn nội dung phù hợp, để tạo hứng thú trong học tập, Binh đoàn đã chỉ đạo các đơn vị kết hợp nhiều hình thức, biện pháp PBGDPL nhằm tạo ra nhiều “kênh”, tác động từ nhiều chiều, đến nhiều giác quan của HSQ-CS. Nhiều hình thức, phương pháp đã mang lại hiệu quả thiết thực như: kết hợp giảng bài với tọa đàm, trao đổi, diễn đàn, thi tìm hiểu về pháp luật; chuyển thể một số nội dung pháp luật thành tiểu phẩm văn học, hay kịch ngắn, tấu nói… ở dạng “sân khấu hóa”; sử dụng hệ thống truyền thanh, báo nội bộ để kết hợp tuyên truyền những nội dung chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội với tuyên truyên những nội dung về pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật trong các hình thức giáo dục chính trị và thực hiện dân chủ ở các đơn vị; tổ chức cho bộ đội xem chương trình tìm hiểu pháp luật trên truyền hình,v.v. Quá trình tổ chức PBGDPL ở Binh đoàn không chỉ dừng lại ở nội dung của từng chương, điều trong các bộ luật, mà đi sâu làm rõ ý nghĩa chính trị, đạo đức, xã hội, liên hệ với thực tiễn đơn vị, khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của quê hương và hướng dẫn hành động cho HSQ-CS trong thực hiện nội dung đó; đồng thời phê phán những nhận thức, tư tưởng, việc làm không đúng, việc làm trái pháp luật, trái với truyền thống, kỷ luật quân đội. Bên cạnh đó, Binh đoàn chú trọng đưa HSQ-CS vào rèn luyện trong thực tiễn, thông qua thực hiện nhiệm vụ, chức trách và thực hiện các phong trào thi đua quyết thắng ở đơn vị, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên,…từ đó nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của HSQ-CS.
Căn cứ vào từng đối tượng, Binh đoàn chỉ đạo các đơn vị xác định những nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục trọng tâm, trọng điểm cần tập trung cho phù hợp. Đối với chiến sĩ mới, chủ yếu thông qua các hình thức lên lớp, sinh hoạt tập trung, thảo luận, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm để HSQ-CS từng bước làm quen với lối sống, sinh hoạt tập thể và bước đầu hiểu được mục đích, ý nghĩa, những nội dung cơ bản của pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội, quy định của Binh đoàn và đơn vị liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của mỗi quân nhân; xây dựng ý thức trách nhiệm trong học tập và chấp hành những nội dung đó. Đối với chiến sĩ năm thứ nhất, tăng cường nội dung học tập pháp luật, kết hợp với rèn luyện trong thực tế, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành luật pháp, kỷ luật quân đội, gắn với rèn luyện những phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Đối với HSQ-CS năm thứ hai và thứ ba, nội dung tuyên truyền PBGDPL được tập trung vào việc giữ vững và phát huy vai trò gương mẫu trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội.
Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng và sử dụng tốt đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên công tác PBGDPL; đồng  thời phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn,...; phối-kết hợp chặt chẽ với địa phương và gia đình HSQ-CS trong tuyên truyền PBGDPL. Thực hiện phương châm “chủ động, thiết thực, hiệu quả” và “dùng quần chúng tuyền truyền giáo dục quần chúng”, những năm qua, Binh đoàn luôn coi trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên PBGDPL. Trên cơ sở lựa chọn những cán bộ nghiệp vụ của cơ quan điều tra hình sự, viện kiểm sát và một số cán bộ chính trị được đào tạo cơ bản, có năng lực sư phạm đưa đi bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật và phương pháp sư  phạm; đồng thời chú trọng bồi dưỡng, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ cấp phân đội và HSQ-CS nòng cốt. Vì vậy, từ năm 2003 đến nay, đội ngũ báo cáo viên của Binh đoàn đã tự đảm trách được nhiệm vụ và thực hiện nhiều đợt PBGDPL đạt kết quả tốt. Gần đây, Binh đoàn còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cấp trên tổ chức một số phiên tòa điểm tại đơn vị, cử những báo cáo viên, HSQ-CS nòng cốt đi dự để về tuyên truyền lại cho HSQ-CS đơn vị mình. Cách làm này tỏ ra có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Binh đoàn chỉ đạo, tổ chức các đợt sinh hoạt đa dạng như: phong trào “Thanh niên Binh đoàn mẫu mực xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật”; hay “ Thanh niên trong phòng chống đào ngũ, vắng mặt trái phép; phòng chống tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông” và “Thanh niên trong thực hiện 10 lời thề, 12 điều kỷ luật và đồng ca 10 bài hát quy định”; “Thanh niên nói không với cờ bạc, rượu chè, mại dâm, ma túy”;… cùng với các đợt thi vui tìm hiểu về pháp luật do Đoàn Thanh niên tổ chức đã góp phần  quan trọng nâng cao nhận thức về luật pháp, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội cho HSQ-CS.
Nhận thức rõ vai trò của địa phương và gia đình, Binh đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên giữ vững mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình có con em nhập ngũ tại đơn vị để thông tin kịp thời tình hình rèn luyện kỷ luật của HSQ-CS. Nhân dịp các ngày tết cổ truyền, hoặc khi các gia đình và chính quyền địa phương lên thăm, các đơn vị đều chủ động gửi thư và trao đổi để địa phương và gia đình động viên con em mình yên tâm học tập, rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự. Khi HSQ-CS có thành tích đơn vị đều tổ chức thông báo kịp thời về địa phương và gia đình… Mặt khác, Binh đoàn còn chủ động chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và những vấn đề liên quan đến quân nhân vi phạm để có biện pháp phối hợp giáo dục, chấn chỉnh kịp thời. Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động kết nghĩa, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… với các tổ chức ở địa phương và các trường đại học trên địa bàn. Những việc làm trên đã góp phần tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các đơn vị trong Binh đoàn với cấp ủy, chính quyền địa phương và những gia đình có con em nhập ngũ; đồng thời, qua đó giáo dục HSQ-CS về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ, tính kỷ luật của quân nhân.
 Do nhận thức đúng vai trò, vị trí, tác dụng của công tác PBGDPL và thực hiện đồng bộ những biện pháp chủ yếu trên, nên hiệu quả của công tác PBGDPL cho HSQ-CS ở Binh đoàn Cửu Long ngày càng cao, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật và ý thức chấp hành nghiêm luật pháp Nhà nước, kỷ luật quân đội của HSQ-CS. Tình trạng vi phạm kỷ luật thông thường giảm mạnh (năm 2001 có 35 chiến sĩ vi phạm, 9 tháng đầu năm 2006 chỉ còn 9 chiến sĩ); tỷ lệ chiến sĩ đào, bỏ ngũ phải cắt quân số giảm từ 9,1% năm 1998 xuống còn 0,07% năm 2006. Đến nay nhiều đơn vị đã chấm dứt hiện tượng chiến sĩ đào, bỏ ngũ, vi phạm kỷ luật. Kết quả đó đã góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xứng đáng với truyền thống “Trung thành, đoàn kết, anh  dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng” của Binh đoàn Cửu Long Anh hùng.
 
Đại tá, TS. Trần Xuân Bảng
Phó Chính ủy Binh đoàn
 

Ý kiến bạn đọc (0)