QPTD -Thứ Sáu, 26/08/2011, 21:32 (GMT+7)
Nhận thức đúng về nhân quyền và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở nước ta

Quyền con người là công cụ để mỗi người tự bảo vệ các quyền của mình trước cường quyền và bạo lực. Hiểu đúng quyền con người, nhất là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin... là nội dung rất quan trọng để vạch trần những thủ đoạn xấu xa của các thế lực thù địch trong chiến lược "Diễn biến hòa bình" về vấn đề này.

 Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch luôn lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền" để công kích, bôi nhọ, vu khống Nhà nước ta nhằm thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình", hòng đưa nước ta vào quỹ đạo chi phối của chúng.

Từ ý đồ chính trị xấu xa, họ luôn lợi dụng bộ máy tuyên truyền khổng lồ để truyền bá các quan điểm cực đoan về nhân quyền với những luận điệu hết sức sai lệch về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... Họ tự cho mình sự độc quyền về nhân quyền; ra sức thêu dệt, bịa đặt đủ mọi thứ chuyện để công kích các nước, tổ chức, cá nhân có quan điểm về nhân quyền không phù hợp với họ. Họ lớn tiếng giảng dạy, chỉ bảo, “khai hóa” nhân quyền cho toàn thế giới; tự cho mình là quan tòa có quyền phán xét về nhân quyền; coi mình là hiệp sĩ và sen đầm mẫn cán bảo vệ nhân quyền ở tất cả các nước bằng cách xuất khẩu, áp đặt mô hình nhân quyền của họ dưới nhiều hình thức, như: ngoại giao, kinh tế, văn hóa..., thậm chí cả bằng vũ lực, chiến tranh xâm lược, bất chấp các quyền cao quý như quyền sống, quyền tự quyết... của hàng triệu triệu người dân vô tội ở các nước khác nhau... Chúng ta không ngây thơ cho rằng: quan điểm nhân quyền của họ là đúng đắn; mô hình nhân quyền của họ là tuyệt vời, phải áp dụng vào điều kiện cụ thể của nước ta. Chúng ta cần phân biệt giữa lời nói và việc làm, kiểm chứng lý luận của họ trên thực tiễn lịch sử của chính nước họ và các nước trên thế giới; so sánh và rút ra các chân lý, kinh nghiệm quý báu để xây dựng quan niệm, mô hình bảo đảm nhân quyền của mình phù hợp với yêu cầu của thời đại và đặc điểm nước ta.

Hiện nay, bộ máy tuyên truyền của một số nước phương Tây không ngừng rao giảng về quan điểm nhân quyền của họ như thể một quan điểm, chuẩn mực quốc tế thống nhất, có tính phổ quát trên toàn thế giới mà các nước đều phải tôn trọng, bảo vệ và thực hiện nhất quán... Họ giải thích các quyền con người như những giá trị lý tưởng cao đẹp, linh thiêng, có tính tuyệt đối, không giới hạn, đứng trên cả pháp luật và chủ quyền quốc gia... Họ coi các quyền dân sự, chính trị, quyền cá nhân như là vấn đề cốt lõi của nhân quyền; trong khi đó, họ lại coi nhẹ các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, các quyền tập thể, như quyền tự quyết của các dân tộc, quyền phát triển, quyền sống trong hòa bình... Họ tô vẽ thành tựu nhân quyền của mình; đồng thời, cố tình xuyên tạc, bôi đen tình hình nhân quyền của các nước khác, sử dụng vấn đề nhân quyền như một công cụ chính trị để gây áp lực trong quan hệ quốc tế, can thiệp vào công việc nội bộ các nước, hạn chế chủ quyền của các quốc gia khác dưới chiêu bài “thúc đẩy dân chủ và nhân quyền”...

Nhân quyền là giá trị cao quý chung được cả cộng đồng quốc tế chia sẻ; nhưng không phải là tài sản độc quyền của riêng một nước, một châu lục hay của riêng các nước phương Tây... Vì thế, họ không thể độc quyền giải thích về nhân quyền của thế giới theo quan niệm của riêng họ và cũng không thể tùy tiện áp đặt cách giải thích đó cho cả 198 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau có chủ quyền và quyền bình đẳng như nhau cùng tồn tại  trên trái đất. Thực tế chỉ ra rằng, quan niệm nhân quyền và Luật Nhân quyền quốc tế của Liên hợp quốc được đại đa số các nước chấp nhận, ký kết, thông qua, thừa nhận tính phổ quát của các quyền con người; đồng thời, các nước đều tuyên bố bảo đảm các quyền cơ bản cho công dân của mình trong Hiến pháp. Song trên thực tế, luôn tồn tại sự khác nhau trong nhận thức, lý giải và thực hiện nhân quyền giữa các thành viên của Liên hợp quốc. Điều này được minh chứng hết sức rõ nét bởi quan niệm nhân quyền của Liên minh châu Âu khác với các quan niệm của các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước trong Phong trào không liên kết, các nước châu Phi,... Nguyên nhân chính là: thế giới của chúng ta rất đa dạng; mỗi nước, mỗi nhóm nước đều có cách tiếp cận riêng của mình, gắn liền với mỗi trường phái triết học, tư tưởng, lý luận nhân quyền, các điều kiện kinh tế, lịch sử và văn hóa - văn minh khác nhau. Chính vì vậy, Hội nghị toàn thế giới về nhân quyền tại Viên năm 1993 đã khẳng định một quan điểm quan trọng: “tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan với nhau”1; các quốc gia khi xử lý các quyền con người “phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực, bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo”2. Như vậy, các quốc gia khi thực hiện các quyền con người phải kết hợp đúng đắn giữa các nguyên tắc và các chuẩn mực nhân quyền của Liên hợp quốc với điều kiện thực tế của nước mình. Các chuẩn mực quốc tế là điều luật khung; các nước cụ thể hoá, pháp điển hóa cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mình sao cho thực hiện có hiệu quả. Do vậy, không có mô hình thực hiện phổ quát, không thể sao chép nguyên si mô hình bảo đảm nhân quyền của một nước ở châu Mỹ vào một nước ở châu Âu hay một nước ở châu Âu vào một nước ở châu Phi... Mỗi nước có mô hình riêng của mình.

Quan niệm nhân quyền của Liên hợp quốc không đồng nhất với các quan niệm nhân quyền của nhiều nước phương Tây, như coi nhân quyền là các quyền tự do của cá nhân con người; các quyền đó là bẩm sinh tự nhiên, thiêng liêng, bất khả xâm phạm, tuyệt đối, phổ quát. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nước phương Tây giải thích nhân quyền như là những tự do không bị cấm đoán, không bị giới hạn. Mục đích của họ là cổ xúy cho một thứ "tự do hoang dã", vô chính phủ, mà thực chất ở đó chỉ có một thứ "luật rừng" ngự trị; những kẻ mạnh có quyền lực vô biên, những kẻ yếu thì bị tước mất quyền. Đó là thứ tự do phá hoại, tự do dẫn tới hủy diệt, không phải là tự do chân chính, tự do tạo ra khả năng rộng rãi cho phát triển nhân cách của tất cả mọi người và càng không phải là thứ tự do để thúc đẩy xã hội phát triển tốt đẹp hơn.

Chúng ta quan niệm: không thể có thứ tự do nào mà không có trách nhiệm đi kèm. Bởi lẽ, nếu tự do là tuyệt đối, thì tự do không hạn chế của người này sẽ dẫn tới sự vi phạm quyền con người của người khác và lẽ đương nhiên là đem lại các tai họa cho xã hội. Điều 29 trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (năm 1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng,... trong khi thụ hưởng các quyền và tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”3. Tại Công ước về các quyền dân sự - chính trị (năm 1966) được hơn 150 quốc gia tán thành và phê chuẩn, hàng loạt các quyền dân sự, chính trị như quyền tự do đi lại, lựa chọn nơi cư trú, quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền hội họp hòa bình... đều là các quyền bị hạn chế và sự hạn chế đó phải do pháp luật quy định. Ngoài các lý do để bảo vệ quyền và tự do của người khác, trật tự công cộng, đạo đức xã hội và phúc lợi chung, các quyền này còn bị hạn chế bởi sự cần thiết để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, an toàn và trật tự công cộng...

Quyền tự do ngôn luận trong Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị thuộc các quyền bị hạn chế. Điều 19, mục 3 của Công ước ghi rõ: "Việc thực hiện những quyền quy định tại mục 2 của Điều này (quyền tự do ngôn luận), kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó có thể là đối tượng chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a) nhằm tôn trọng quyền hoặc uy tín của người khác; b) nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng"4. Bổ sung cho quy định trong Điều 19, Điều 20 của Công ước còn quy định một hạn chế cần thiết của quyền tự do biểu đạt; theo đó, mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh, mọi chủ trương nhằm gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, thù địch hoặc bạo lực, đều bị pháp luật nghiêm cấm. Điều 10 của Công ước nhân quyền châu Âu ghi nhận một danh sách dài các hạn chế của tự do ngôn luận, vì việc thực hiện nó có thể là đối tượng của các điều kiện, giới hạn, hay hình phạt như trong Luật và cần thiết trong một xã hội dân chủ. Những giới hạn đó có thể được biện minh bởi: các lợi ích an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ hay an toàn công cộng; ngăn ngừa rối loạn, tội phạm, bảo vệ sức khỏe hay đạo đức; bảo vệ danh dự và quyền của người khác; ngăn ngừa tiết lộ thông tin mật, hay duy trì quyền lực và tính công bằng của tư pháp.

Trong luật về tiếp cận thông tin của nhiều quốc gia hiện nay có quy định hàng chục loại thông tin không được tiếp cận, không được công bố hay truyền bá, nếu vi phạm sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Thế nhưng, nhiều thế lực ở phương Tây, do vô tình hay cố ý, đã phớt lờ những quy định này; để rồi họ coi các hạn chế đó là vi phạm nhân quyền? Lập trường của Việt Nam về vấn đề này là rất rõ ràng; đó là, tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc và áp dụng các quy định của Công ước đó vào điều kiện cụ thể của mình.

Trong pháp luật Việt Nam, quyền tự do ngôn luận được khẳng định trong Điều 69 của Hiến pháp năm 1992: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin”. Để cụ thể hóa quyền hiến định này, Nhà nước ta đã ban hành Luật Báo chí năm 1990 và sửa đổi, bổ sung năm 1999, Luật Xuất bản  năm 2001 và đang soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin. Pháp luật nước ta bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, báo chí và được thông tin đã tương thích cơ bản với  các quy định của luật pháp quốc tế. Chúng ta đã quy định rõ các quyền đó trong Luật và cũng đưa ra những hạn chế các quyền đó một cách hợp pháp như nhiều nước đã ban hành. Các chuẩn mực tự do tối đa, quá lý tưởng chưa từng có ở nhiều nước phương Tây mà bộ máy tuyên truyền của họ ra sức thuyết giảng hiện giờ là không phù hợp với chúng ta; không đúng với Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị thuộc các quyền bị hạn chế. Chúng ta đã và đang làm những điều cần thiết để có các tự do đích thực cho hạnh phúc của nhân dân, cho an ninh và phát triển của đất nước.

TS. NGUYỄN ĐỨC THÙY

_______________

1-Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Nxb CTQG, H. 2002, tr.43.

2-Sđd, tr.44

3, 4- Sđd, tr.34, tr259.

 

Ý kiến bạn đọc (0)