QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:39 (GMT+7)
Nhà nước của dân, do dân, vì dân với vấn đề dân chủ và chuyên chính
Theo học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước, thì đối lập với chế độ chuyên chế nô lệ và phong kiến là chế độ dân chủ. Trong lịch sử thế giới, chế độ này đã trải qua các nền dân chủ Chủ nô, dân chủ Tư sản và đang phát triển nền dân chủ XHCN. Mỗi chế độ dân chủ ấy đều bao hàm hai mặt dân chủ và chuyên chính; về thuật ngữ thì tựa hồ như đối lập, phủ nhận nhau, nhưng lại là hai vấn đề thống nhất với nhau: thực hiện các quyền dân chủ và bảo vệ các quyền dân chủ đó. Đặc trưng của các nền dân chủ là quản lý xã hội bằng pháp luật, cho nên các quyền dân chủ cho công dân và những điều cấm công dân làm, cũng như để chuyên chính với những hành vi chống lại nền dân chủ, đều quy định thành các điều luật. Vấn đề khác nhau cơ bản giữa các nền dân chủ đó phụ thuộc vào bản chất giai cấp của Nhà nước, cụ thể là Nhà nước do giai cấp nào làm chủ thể; theo đó, đối tượng của dân chủ và của chuyên chính có khác nhau.

Như vậy, dân chủ và chuyên chính đều là những tồn tại khách quan của mỗi nền dân chủ. Vấn đề quan trọng là dân chủ cho ai, và chuyên chính với ai. Chế độ dân chủ của chúng ta là nhân dân làm chủ xã hội, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, nên Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; phải đồng thời thực hành cả dân chủ và chuyên chính. Khi bàn về vấn đề chuyên chính dưới chế độ dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai? Dưới chế độ phong kiến, tư bản, chuyên chính là số ít người chuyên chính với đại đa số nhân dân. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, chuyên chính là đại đa số nhân dân chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ dân chủ của nhân dân”. Về tính khách quan của chuyên chính trong chế độ xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một hình ảnh dễ hiểu: “Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khoá. Nhà thì phải có cửa. Khóa và cửa cốt để phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khóa, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết ...Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”.

 Nói lại những vấn đề lý luận trên đây để thấy rằng, không nên vì một số vụ việc sai lạc, mang tính cục bộ, một thời ở các nước XHCN trước đây, và phần nào cũng có ở nước ta, trong thực hiện sự chuyên chính, để có lúc, có nơi một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng; cũng như hiện nay, còn tồn tại những hiện tượng vi phạm quyền dân chủ của nhân dân trong một bộ phận cán bộ các cấp và ở một vài địa phương (những hiện tượng mà chúng ta đang kiên quyết đấu tranh, khắc phục), để rồi mặc cảm, ngại ngùng, không dám nói đến chuyên chính, thậm chí nương nhẹ trong hành động để các phần tử thù địch với chế độ lợi dụng, ngang nhiên chống phá cách mạng một cách quyết liệt.
 Do đặc thù của cách mạng nước ta từ cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ để giành lại độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa, Nhà nước của ta đặt trên nền tảng xã hội là Mặt trận thống nhất dân tộc, nên chuyên chính của chúng ta là chuyên chính của nhân dân. Đối tượng chuyên chính của Nhà nước ta hiện nay, chủ yếu là những tên phản động trong nước và các thế lực thù địch bên ngoài cấu kết với nhau đang thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ nhằm chống phá chế độ, lật đổ chính quyền nhân dân của chúng ta. Việc Nhà nước ta  kiên quyết trấn áp để vô hiệu hoá những thủ đoạn chống phá đó, chính là thực hiện ý chí của đại đa số nhân dân, thể hiện ở Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhằm bảo vệ nền dân chủ của nhân dân.
Mấy vụ bạo loạn thời gian qua ở Tây Nguyên, mà đến nay chắc chắn những âm mưu phá hoại như thế chưa phải đã hoàn toàn bị triệt nọc, và gần đây, là các vụ “Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” của Nguyễn Văn Lý ở Huế, của nhóm Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Nguyên Đạo ở thành phố Hồ Chí Minh và nhóm Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân ở Hà Nội vừa mới đưa ra xét xử trước Toà án nhân dân đang đặt “câu chuyện” chuyên chính không chỉ là vấn đề lý luận, mà còn đang là yêu cầu của thực tiễn trong tình hình hiện nay. Các cơ quan dân, chính, đảng đã không từ chối đối thoại với bất cứ ai về những ý tưởng mong muốn đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc một cách chân thành. Nhưng các đối tượng nói trên đã không chọn con đường dân chủ này mà lại lợi dụng quyền dân chủ, với sự cung ứng tiền bạc từ bên ngoài của các thế lực thù địch để hoạt động bất hợp pháp, nhằm thực hiện mục tiêu phản động là giành chính quyền, có nghĩa là lật đổ Nhà nước do nhân dân ta làm chủ; đồng nghĩa với xoá bỏ nền dân chủ XHCN mà nhân dân ta đổ bao xương máu mới giành được và đang hoàn thiện. Chúng không chỉ xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước ta về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tiếp tay cho bọn phản động bên ngoài, hòng làm giảm uy tín của ta trên trường quốc tế; mà còn lập ra các tổ chức, đảng phái phản động (chỉ nhúm người), chuẩn bị lực lượng cho những kẻ lưu vong chủ mưu chống phá, để khi có thời cơ là tiến hành nội công, ngoại kích, giành chính quyền, đưa đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Những hoạt động đó của bọn chúng bị trừng trị là tất nhiên, hợp với nguyện vọng của đại đa số quần chúng nhân dân và đúng với luật pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế; bởi trong thực tế, chẳng có chính phủ nào trên thế giới lại chịu khoanh tay đứng nhìn các lực lượng đối lập thực thi các hành động phá hoại, nhằm lật đổ chính quyền hợp hiến của mình cả.   
 Vấn đề dân chủ và chuyên chính còn liên quan mật thiết với vấn đề duy trì tự do dân chủ và kỷ cương phép nước trong nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: tuân thủ pháp luật Nhà nước…”1. Tự do, dân chủ không có nghĩa là ai muốn làm gì thì làm, vì điều đó chỉ dẫn đến hỗn loạn và gây tai họa cho người dân. Trong thực tế, không ở đâu, không ở nước nào cho phép tồn tại sự tự do vô tổ chức; bao giờ dân chủ cũng gắn liền với kỷ cương, phép nước. Tự do, dân chủ phải được thực hiện trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Không như thế, thì không có một chế độ chính trị, một nhà nước nào có thể đứng vững, dù chỉ trong thời gian ngắn; đồng thời, quyền tự do, dân chủ của mỗi người dân khó có thể bảo đảm. Việc lợi dụng dân chủ để thực hiện những hành vi tự do quá trớn, trái pháp luật, như chống lại người thừa hành công vụ, tụ tập gây rối, làm mất trật tự- an ninh, đua xe trái phép; hay tụ tập ăn chơi trác táng ở các vũ trường, các tụ điểm karaôkê; tự do phá rừng, buôn lậu, hút- hít ma túy… đều cần phải lên án, ngăn chặn và trừng trị, vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình của đại đa số nhân dân, cản trở sự phát triển đi lên của xã hội. Hiện nay, cùng với quyết tâm chống tệ quan liêu, tham nhũng, ức hiếp quần chúng, đi đôi với mở rộng dân chủ, chúng ta cần phải khép chặt kỷ cương, phép nước; đấu tranh quyết liệt nhằm xóa bỏ triệt để thực trạng này trong xã hội ta.
Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, phép nước là một cuộc đấu tranh lâu dài, không chỉ là đấu tranh với các thế lực thù địch, mà còn là đấu tranh trong bản thân mỗi con người chúng ta, nhằm loại bỏ những thói quen tự do, tùy tiện… của người sản xuất nhỏ; xây dựng tác phong, lối sống công nghiệp để có thể phát huy cao nhất quyền làm chủ của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Cần gắn chặt việc tăng cường giáo dục kỷ luật, pháp luật hiện nay với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn xã hội, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, nhằm nâng cao ý thức làm chủ của mọi người dân trong xây dựng và bảo vệ nền dân chủ XHCN. Việc thực hiện có hiệu quả công việc đó phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh chính trị và năng lực hành động của tổ chức các cấp trong hệ thống chính trị, trong đó có các lực lượng chuyên chính. Mỗi tổ chức và cá nhân, trước hết là đảng viên và người đứng đầu tổ chức, phải gương mẫu về đạo đức, lối sống và tuân thủ kỷ luật, pháp luật để bản thân thật quang minh chính đại trong phát huy năng lực thực hiện chức năng, chức trách của mình. Phải vì nhân dân, tôn trọng mọi quyền dân chủ của nhân dân, thực sự dựa vào nhân dân, với tinh thần phụ trách trước nhân dân, tỉnh táo xử lý đúng đắn, có hiệu quả những mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân và phát huy sức mạnh của nhân dân với tinh thần cảnh giác cao, phát hiện những hành vi chống phá cách mạng của bọn phản động để kịp thời chuyên chính, bảo vệ nền dân chủ của nhân dân.
Đại tá, PGS. Hồ Kiếm Việt

Ý kiến bạn đọc (0)