QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 09:46 (GMT+7)
Nguy cơ \\"tự diễn biến\\" từ sự thoái hóa về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

 Sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống và năng lực trí tuệ theo tiêu chí của xã hội đương thời đối với mỗi thành viên của đảng cầm quyền và bộ máy công quyền trong một thể chế chính trị, bao giờ cũng là một trong những nhân tố cơ bản, quyết định sự phát triển, tiến bộ của mỗi quốc gia.

Những năm gần đây, trong khi tìm cách lý giải về sự tan rã của Liên Xô (vốn được coi là "thành trì của hệ thống XHCN") và các nước XHCN Đông Âu, người ta thường nhấn mạnh đến nguyên nhân từ sự suy thoái về phẩm chất chính trị, trí tuệ, đạo đức của một bộ phận giữ trọng trách trong guồng máy lãnh đạo ở các nước đó. Giải thích "Tại sao CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ?", giáo sư, tiến sĩ A-lếch-xan-đơ-rơ Li-lốp đã nêu ra 8 nguyên nhân chủ yếu, trong đó có nguyên nhân: "Giới chỉ đạo chính trị và nhà nước bị sa sút đã dẫn đến bổ sung, đưa vào bộ máy quản lý của đảng và nhà nước những người kém phẩm chất, trí tuệ, chính trị, đạo đức và chuyên môn". Nhận định đó không chỉ lý giải sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với quá trình xây dựng, củng cố mọi thể chế chính trị khác nói chung, cũng như việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống cách mạng của Đảng ta hiện nay, nói riêng. Lịch sử đương đại của đất nước Việt Nam trong gần 79 năm qua gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Từ cảnh nô lệ, đất nước đắm chìm duới ách ngoại xâm, cuộc sống của người dân nghèo khó, cùng cực, đến nay đất nước ta đã hoàn toàn có độc lập, tự do; vị thế ngày càng được nâng cao trong lòng bạn bè quốc tế, tương lai đất nước ngày càng trở nên sán lạn theo hướng "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Dẫu còn những hạn chế, bất cập nhất định, song xuyên suốt gần 79 năm qua, trong lòng dân tộc, Đảng luôn là đại diện tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ và niềm tin. Trong suốt hành trình cách mạng đầy cam go, thách thức vừa qua, nhân dân luôn một lòng tin tưởng, gắn bó máu thịt với Đảng; qua đó, sức mạnh của toàn dân tộc đã được phát huy cao độ, làm nên những biến đổi lịch sử chưa từng có của đất nước. Có được điều đó là bởi Đảng ta có mục tiêu, lý tưởng, đường lối chính trị đúng; có phương pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối cách mạng khoa học; đồng thời, Đảng đã xây dựng thành công đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu về phẩm chất, năng lực chính trị và đạo đức cách mạng. "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"; gắn bó chặt chẽ với nhân dân; đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trước hết - là sự thể hiện tập trung nhất về đạo đức cách mạng - đã được hầu hết mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phấn đấu, học tập, tu duỡng, rèn luyện và tự giác thực hiện trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Cán bộ, đảng viên chính là cầu nối trực tiếp, thường xuyên giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên là "gốc rễ" đảm bảo để uy tín của Đảng được lan tỏa; sức sống và vai trò lãnh đạo của Đảng được củng cố, tăng cường đối với toàn xã hội. Nhận thức rõ điều này, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hết sức chú trọng xây dựng nền tảng chính trị, đạo đức cách mạng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, thông qua thực tiễn đấu tranh và hoạt động cách mạng. Việc xây dựng nền tảng chính trị, đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên có ý nghĩa vừa cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài đối với thắng lợi của mục tiêu, con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định thực hiện trong suốt những năm qua là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đồng thời, đó cũng là đảm bảo quan trọng cho sự ổn định, vững vàng của chế độ chính trị-xã hội của đất nước hiện nay.

Trong quá trình xây dựng nền tảng chính trị, đạo đức cách mạng, bên cạnh việc bồi dưỡng những giá trị đạo đức cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức chú trọng ngăn ngừa, khắc phục tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân với mọi thói hư, tật xấu do nó đẻ ra là một yêu cầu cơ bản, xuyên suốt quá trình đó. Điều này đã phát huy tác dụng tích cực đối với việc giữ vững và tăng cường sức mạnh của Đảng trong các giai đoạn cách mạng trước đây; đồng thời, tiếp tục là một yêu cầu cần được thực hiện một cách tích cực, với quyết tâm cao, bằng các giải pháp thiết thực của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

Sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh thực hiện kinh tế thị trường và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và nhân dân ta hiện nay đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn, tác động trực tiếp tới nền tảng chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Những tác động xấu sẽ dễ dẫn tới tình trạng "tự diễn biến", làm chệch hướng mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Điều này đã được cảnh báo từ rất sớm, đồng thời từ sự phát triển của nhiệm vụ và thực tế tình hình của Đảng, đã được đề cập thường xuyên với mức độ ngày càng trực tiếp, cấp bách hơn trong các chủ trương, phương hướng xây dựng Đảng của thời kỳ mới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: chủ nghĩa cá nhân với mọi biến tướng, biểu hiện của nó chính là một thứ "giặc nội xâm", là kẻ thù nguy hiểm nhất, dễ dàng làm hư hỏng cán bộ, phá hoại tổ chức và phong trào cách mạng. Trước tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị trong nước và thế giới, Người cho rằng: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"1. Điều đáng suy nghĩ là suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên - nhân tố trực tiếp thúc đẩy sự "tự diễn biến" đối với chế độ - đã được các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng gần đây cảnh báo sớm và nghiêm túc, song sự ngăn chặn khắc phục vẫn còn bất cập. Đại hội VI của Đảng đánh dấu bước khởi đầu quá trình đổi mới của đất nước, đã cảnh báo: "Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể và của Nhà nước với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền". Thực trạng này của xã hội đã tác động nhanh chóng tới nội bộ Đảng. Đại hội VII của Đảng đã xác định: "Sự sa sút về phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên rất nghiêm trọng". Sau 20 năm thực hiện đổi mới, Đại hội X của Đảng đã nghiêm khắc chỉ ra: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp, yếu kém cả về phẩm chất và năng lực; thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng; một số ít có biểu hiện bất mãn, mất lòng tin, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng "chạy chức", "chạy quyền", "chạy tội", "chạy bằng cấp". Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ"2. Thực tế trên đã cho thấy, nguy cơ về sự "tự diễn biến" vẫn hiện hữu; điều đó sẽ trở nên trầm trọng và rất nguy hại một khi có sự tiếp tay từ những âm mưu và thủ đoạn "Diễn biến hòa bình" nấp dưới các vỏ bọc "vật chất" hoặc "dân chủ", "tự do"... Đó còn là tiền đề làm cho lòng tin của nhân dân với Đảng bị tổn thương nghiêm trọng; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không được đi vào cuộc sống...

Tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống trên do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể nhất là những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, mặt trái của toàn cầu hóa kinh tế cùng với sự tăng cường chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, là việc cán bộ, đảng viên chưa được chuẩn bị đầy đủ về nhận thức, tư tưởng và Nhà nước chưa kịp thời có các giải pháp đồng bộ để chủ động ngăn ngừa và khắc phục sự suy thoái, kịp thời củng cố, xây dựng vững chắc nền tảng chính trị, đạo đức cách mạng trước những biến đổi nhanh chóng của bối cảnh kinh tế, chính trị.

Định hướng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội,trên thực tế chưa được nhận thức đầy đủ, coi trọng đúng mức; giữa các nhiệm vụ chưa có sự gắn kết chặt chẽ, làm cơ sở tác động lẫn nhau để tạo nên sự phát triển, tiến bộ. Khi nói về mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế, V.I. Lê-nin đã từng xác định "Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế... không có một lập trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định nào đó, không thể nào giữ vững được sự thống trị của mình, và do đó, cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực sản xuất"3. Thế nhưng trên thực tế, nhiều nơi đã quá đề cao vai trò độc tôn của phát triển kinh tế mà xao lãng các yêu cầu về định hướng XHCN đối với nền kinh tế thị trường. Công tác xây dựng Đảng, phát triển văn hóa, củng cố nền tảng tinh thần còn bị coi nhẹ, còn rơi vào hình thức... Hệ quả từ những nhận thức và việc làm sai lệch đó đã tác động tiêu cực tới nhận thức chính trị và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức chính trị, sự tự giác phấn đấu, tu dưỡng của cá nhân và vai trò giáo dục, quản lý, rèn luyện của tổ chức. Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lý luận, chính trị, tư tưởng và quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên (đặc biệt về đạo đức, lối sống) cần phải được tiến hành tích cực với các nội dung, giải pháp, tiêu chí cụ thể, phù hợp với thực tế điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay. Việc làm này cần được kết hợp chặt chẽ với quá trình tiến hành công tác chính trị, tư tưởng đối với toàn xã hội và nhiệm vụ đấu tranh chống "Diễn biến hòa bình". Cần xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế đảm bảo về tư tưởng, tổ chức, chính sách, quản lý, kiểm tra, giám sát, kỷ luật, pháp luật; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị thường xuyên cùng tham gia vào quá trình xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Xuyên suốt trong các yêu cầu đó phải đặt lên hàng đầu vai trò gương mẫu, tự giác, tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người giữ trọng trách trong tổ chức đảng và tổ chức chính quyền các cấp.

Xây dựng nền tảng chính trị, đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển, tiến bộ của đất nước trong tình hình mới là một đòi hỏi tất yếu của lịch sử đối với Đảng ta. Quá trình này đòi hỏi Đảng ta và mỗi đảng viên, cán bộ của Đảng cần có một quyết tâm, nghị lực mới với những giải pháp tích cực, đồng bộ để ngăn chặn và khắc phục hữu hiệu tình trạng suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Làm được điều này cũng đồng nghĩa với việc ngăn ngừa nguy cơ "tự diễn biến", củng cố, tăng cường lòng tin, sự gắn bó của nhân nhân đối với Đảng, với chế độ hiện nay.

VŨ PHÙ NGHĨA

                  

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 557, 558.

2- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 236, 264.

3- V.I..Lê-nin - Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, Tập 42, tr. 349, 350.


 
Ý kiến bạn đọc (0)