QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 01:32 (GMT+7)
Nghiên cứu nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội trong điều kiện tác chiến mới
Trong lĩnh vực quân sự: nuôi quân, luyện quân và sử dụng quân là ba vấn đề cơ bản, quan hệ biện chứng với nhau, là những yếu tố có tính quyết định giành thắng lợi trong chiến tranh. Trong đó, nuôi quân là yếu tố quan trọng, được các  cấp chỉ huy rất quan tâm. Người lính được nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe tốt mới có đủ thể lực và trí lực bền vững để khai thác, sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến, loại hình chiến thuật để giành thắng lợi trong chiến tranh.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng và bảo đảm sức khoẻ cho người lính, nhiều quốc gia trên thế giới đã đầu tư nghiên cứu tương đối toàn diện và đồng bộ về: dinh dưỡng, xây dựng tiêu chuẩn, định lượng và khẩu phần ăn, các biện pháp bảo đảm an toàn lương thực, thực phẩm (LTTP), sản xuất các loại quân trang chiến đấu, phòng hộ khi đối phương sử dụng VKTBKT hiện đại, kể cả vũ khí hoá học và sinh học.          

Đối với quân đội ta, Đảng và Nhà nước thường xuyên chăm lo công tác nuôi dưỡng để bộ đội "ăn no, đánh thắng". Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã nghiên cứu, xây dựng được một số loại tiêu chuẩn ăn trong chiến đấu, tiêu chuẩn ăn khi hành quân và ở các chiến trường chống Mỹ, ở tuyến biên giới Vị Xuyên... Một số loại khẩu phần ăn bảo đảm định lượng và trang bị chiến đấu quen thuộc với bộ đội thời kỳ chiến tranh như: lương khô, cơm sấy, khẩu phần ăn chiến đấu của đặc công, trinh sát và một số trang phục chống đạn, mảnh đạn, mảnh bom bi, chống vũ khí hoá học của đối phương... Tuy nhiên, các vấn đề nêu trên mới ở mức đơn giản, quy mô nhỏ, chưa xây dựng được quy trình công nghệ mang tính công nghiệp, hiện đại.
Ngày nay, trong điều kiện thời bình và kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh, chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nhưng công tác nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội cả trong thời bình, đặc biệt là sẵn sàng cho thời chiến còn nhiều bất cập, cần được quan tâm giải quyết. Vì vậy, việc nghiên cứu nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội trong điều kiện tác chiến mới khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài.
Theo tinh thần đó và với phương châm: khoa học- công nghệ chủ động đi trước một bước trong tổ chức bảo đảm, những năm gần đây, ngành Hậu cần quân đội đã triển khai nghiên cứu và hoàn thành có chất lượng chương trình “Nghiên cứu nuôi dưỡng và bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội trong điều kiện tác chiến mới”, gồm 7 đề tài với nhiều nội dung về bảo đảm ăn uống, mang mặc của bộ đội. Có thể nói, đây là lần đầu tiên ngành Hậu cần quân đội có chương trình nghiên cứu tương đối đồng bộ, được tiến hành công phu, nghiêm túc, đạt kết quả tốt, được Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học- Công nghệ đánh giá cao.
Chiến tranh tương lai (nếu xảy ra) sẽ là cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới, địch sử dụng rộng rãi VKTBKT quân sự có công nghệ cao, kết hợp nhiều loại hình chiến tranh với không gian rộng, thời gian ngắn... Về ta, đó sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân phát triển cao, trong điều kiện bị địch bao vây, phong toả và phải tự lực, tự cường. Trong khi, VKTBKT của ta còn nhiều hạn chế; địa hình dễ bị chia cắt về chiến lược, chiến dịch; cường độ và tính chất tác chiến rất ác liệt; không có  ranh giới rõ ràng giữa hậu phương và tiền tuyến; bộ đội phải cơ động tác chiến liên tục với cường độ cao, tiêu hao năng lượng nhiều, dễ bị thươơng vong lớn... Do vậy, công tác nuôi dưỡng và bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội đặt ra những vấn đề mới với yêu cầu  rất cao.
Trên cơ sở xác định hình thái chung của chiến tranh tương lai đã nêu trên, Chương trình đã định hướng nội dung nghiên cứu một số biện pháp nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội trong điều kiện tác chiến mới. Về ăn uống: nghiên cứu tổ chức và trang bị bảo đảm ăn uống; xây dựng khẩu phần ăn cho bộ đội; xác định  nhu cầu dinh dưỡng, định lượng LTTP và các giải pháp bảo đảm ăn uống; sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn; giải pháp xử lý bảo đảm an toàn LTTP trong điều kiện địch sử dụng vũ khí hóa học và sinh học. Trong đó, nghiên cứu, xây dựng được tiêu chuẩn, định lượng ăn cho một số đối tượng trong điều kiện tác chiến mới, có cơ sở khoa học; xây dựng khẩu phần ăn của 9 đối tượng với thực đơn thay đổi, phù hợp với khả năng bảo đảm, tập quán ăn, điều kiện hoạt động của bộ đội, khí hậu nước ta, được đơn vị đánh giá cao; tìm ra được sản phẩm chế biến sẵn đạt chất lượng cao (lương khô BB.2005 có giá trị dinh dưỡng cao, cân đối giữa Prôtêin, Lipít, Gluxít), gọn, bảo quản được dài ngày, dễ hấp thu... Về mang mặc: nghiên cứu sản xuất một số chủng loại nguyên liệu và quân trang phù hợp với điều kiện tác chiến mới; nghiên cứu chế tạo vải chịu nóng, chống cháy, giảm sát thương, chống thấm xăng dầu, vải ngụy trang chống phát hiện bằng tia hồng ngoại..., để sản xuất quân trang chiến đấu; xử lý quân trang cho bộ đội trong điều kiện tác chiến địch sử dụng vũ khí hóa học và sinh học...
Kết quả nghiên cứu của Chương trình có giá trị cả về lý luận và thực tiễn; đánh giá đúng thực trạng, đối chiếu với yêu cầu nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội phù hợp với điều kiện tác chiến mới. Các báo cáo, chuyên đề, vật phẩm, đươợc kiểm tra ở phòng thí nghiệm, trong hoạt động thực tiễn thường xuyên của đơn vị và trong diễn tập...Trên cơ sở đó, Chương trình đã đề xuất những vấn đề cần giải quyết trong lĩnh vực quân nhu, trọng tâm là vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phát hiện nhanh và xử lý nhanh khi địch sử dụng chất độc hoá học và sinh học, nhằm nâng cao chất lượng ăn, mặc, giữ vững sức khỏe của bộ đội, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, bảo đảm đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc... Không những thế, kết quả nghiên cứu còn góp phần thống nhất quan điểm, nhận thức một số vấn đề về nuôi dưỡng và bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội trong điều kiện tác chiến mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, ứng dụng vào thực tiễn công tác bảo đảm hậu cần quân đội trong tình hình mới.
Kết quả nghiên cứu đã nhanh chóng được ứng dụng trong xây dựng tiêu chuẩn, khẩu phần ăn cho bộ đội trong tác chiến, diễn tập, dã ngoại; tổ chức bảo đảm ăn cho bộ đội; đặc biệt là định hướng tổ chức bếp và các trang thiết bị nấu ăn, góp phần xây dựng các chủ trương, biện pháp bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của ngành Quân nhu và hậu cần quân đội; nghiên cứu vận dụng bổ sung vào các giáo trình, tài liệu giảng dạy về công tác hậu cần trong các học viện, trường quân đội, nhất là các nhà trường chuyên ngành hậu cần... Một số sản phẩm nghiên cứu có chất lượng cao đã được một số đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt hàng sản xuất.
Tuy nhiên, đây mới là kết quả nghiên cứu bước đầu và cũng mới chỉ giải quyết những vấn đề chủ yếu về nâng cao chất lượng ăn uống, mang mặc, còn các mặt bảo đảm hậu cần khác để góp phần nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội (đời sống, sinh hoạt, sức khỏe, cơ động lực lượng) chưa được triển khai nghiên cứu. Để phát huy đầy đủ, đồng bộ các chuyên ngành hậu cần vào  công tác nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội trong điều kiện tác chiến mới một cách cơ bản, bền vững, theo chúng tôi, thời gian tới cần tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu sau.
Một là, tiếp tục triển khai nghiên cứu cơ bản các chuyên ngành hậu cần chưa được đề cập, như : xăng dầu, xây dựng và quản lý nhà đất, vận tải, quân y. Từ đó, đề xuất các mô hình và giải pháp kỹ thuật, nghệ thuật bảo đảm các mặt công tác hậu cần, nhằm hoàn thiện hệ thống trang bị và năng lực bảo đảm hậu cần để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe bộ đội một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội hiện nay và sẵn sàng cho tác chiến trong tương lai. 
Hai là, triển khai nghiên cứu ứng dụng rộng rãi kết quả đề tài vào sản xuất trang bị, vật phẩm bảo đảm ăn uống phục vụ bộ đội trong điều kiện tác chiến mới. Theo đó, đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến các trang bị, phương tiện hậu cần đồng bộ với sự phát triển trang bị chiến đấu theo hướng “đi trước, đón đầu" các công nghệ tiên tiến. Đầu tươ nghiên cứu các trang thiết bị hậu cần theo hướng thông minh hoá, tự động hoá, có tính lưỡng dụng, vừa nâng cao trình độ công nghệ trong công tác hậu cần, vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước. Ưu tiên nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng kịp thời yêu cầu đặc thù của lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, biên giới, các đơn vị kỹ thuật... Trước mắt, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo xe bếp dã chiến theo hướng hiện đại, đa năng, mô đun hoá, sử dụng đa nhiên liệu; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo khẩu phần ăn theo hướng hiện đại, tinh hóa và hâm nóng không dùng lửa; nghiên cứu sản xuất bao bì sử dụng trong khẩu phần ăn và thực phẩm chế biến sẵn, phù hợp với điều kiện tác chiến mới, bảo đảm an toàn thực phẩm khi địch sử dụng vũ khí hoá học và sinh học; đồng thời, hoàn thiện và phổ biến quy trình bảo đảm an toàn LTTP trong điều kiện chiến đấu địch sử dụng vũ khí hóa học và sinh học cho các đơn vị trong toàn quân. Nghiên cứu cơ bản về bảo đảm các trang thiết bị phòng hộ cá nhân theo hướng đa năng, gọn, nhẹ, phù hợp với điều kiện của ta. Nghiên cứu, áp dụng các loại phương tiện phát hiện nhanh chất độc  quân sự, tác nhân sinh học và sản xuất hàng loạt để trang bị cho quân đội.
Ba là, mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học hậu cần với các đối tác trong nước và nước ngoài. Lựa chọn và tăng cường hợp tác nghiên cứu với một số nước và tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, đề tài về y học, dược học quân sự, quân nhu, vận tải, xăng dầu và quản lý nhà đất..., từ đó tận dụng thành tựu khoa học- công nghệ tiên tiến của quốc tế để có thể “đi tắt, đón đầu", tạo thêm tiềm lực để xây dựng ngành Hậu cần quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đồng thời, tập trung đầu tư nghiên cứu đổi mới dây chuyền công nghệ và trao đổi sản phẩm với các đối tác là doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bốn là, nghiên cứu và ban hành chế độ, tiêu chuẩn phục vụ ăn uống thời chiến cho bộ đội; đồng thời, tổ chức huấn luyện, ứng dụng trong huấn luyện chiến đấu, diễn tập. Mở rộng nghiên cứu xác định về nhu cầu dinh dưỡng của các quân chủng, binh chủng một cách cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tương lai...Đầu tư nghiên cứu và ban hành tiêu chuẩn bảo đảm các trang thiết bị phòng hộ cá nhân theo hướng đa năng, gọn, nhẹ, phù hợp với tầm vóc của bô đội và điều kiện tác chiến của ta. Về lâu dài, cần đầu tư nghiên cứu, tiến tới thay thế dần từ dự trữ hiện vật bằng dự trữ về công nghệ.
Năm là, hoàn thiện cơ chế quản lý và nghiên cứu theo hướng kết hợp theo phân cấp, phân ngành, theo chương trình dự án, tập trung có trọng điểm; thực hiện gắn nghiên cứu với sản xuất của các doanh nghiệp hậu cần và huấn luyện, đào tạo của các nhà trường hậu cần quân đội. Trong thực hiện chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học- công nghệ phải tuân thủ đúng quy trình: nghiên cứu- thực nghiệm- hoàn thiện- sản xuất hàng loạt đưa vào sử dụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Văn Dũng
Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
 

Ý kiến bạn đọc (0)