QPTD -Thứ Tư, 27/07/2011, 14:52 (GMT+7)
Nghịch lý từ những phán xét về \\"nhân quyền\\" của Mỹ

Không hiểu từ bao giờ và với tư cách gì, hằng năm Mỹ vẫn cho mình cái quyền được phán xét về tình hình nhân quyền của thế giới. Năm nay cũng vậy, ngày 11 tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ lại đưa ra Báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2007 tại một số nước trên thế giới.

Chưa nói đến thái độ kẻ cả của việc làm này, song với cái nhìn cố hữu, đầy tính chủ quan, định kiến vốn có của Mỹ, người ta dễ nhận thấy trước rằng Bản báo cáo lần này sẽ chẳng có gì mới. Trong số hơn 190 nước mà bản Báo cáo nhân quyền nói tới, các nước không "cùng hội, cùng thuyền", có sự khác biệt về quan điểm chính trị, đường hướng phát triển, thể chế chính trị hoặc có thể tranh chấp ảnh hưởng với Mỹ về kinh tế, chính trị trên bình diện quốc tế... thường được xăm soi kỹ và cũng dễ "được" xếp vào hàng có vấn đề về nhân quyền; nhẹ là thực hiện nhân quyền không đầy đủ, hơn thế nữa là bị liệt vào diện nước vi phạm nhân quyền nhiều nhất. Tiêu chí để nhìn nhận về nhân quyền dưới lăng kính của Mỹ xem ra cũng mơ hồ, trừu tượng; thường hay xoáy vào những vấn đề nhạy cảm, những khó khăn, vướng mắc nhất thời nào đó về chính trị-xã hội của mỗi nước, nhất là các vấn đề về tôn giáo, dân tộc, dân chủ... Trong nhiều trường hợp, sự phán xét về nhân quyền đã bỏ qua hoàn cảnh, đặc điểm, điều kiện cụ thể về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo, dân tộc... của mỗi nước. Nhiều khi đã tuyệt đối hóa quyền tự do cá nhân, tách rời, thậm chí đối lập quyền tự do đó với trách nhiệm xã hội của cá nhân đối với cộng đồng dân tộc, trước hiến pháp, pháp luật, nhằm phục vụ cho một mục đích chính trị không vô tư nào đó. ẩn giấu đằng sau và đi kèm theo sự đánh giá nhân quyền còn là những định chế mang tính chất rào cản, mặc cả về các vấn đề về kinh tế, ngoại giao, thậm chí cả nhân đạo. Từ cách làm chủ quan, áp đặt, thiếu thiện chí nên mỗi khi báo cáo về nhân quyền của Mỹ đưa ra thường nhận được thái độ không đồng tình, những chính kiến bác bỏ thẳng thừng của nhiều nước. Ngay sau khi bị Mỹ liệt vào danh sách đen về tình hình nhân quyền năm 2007, Xi-ry và Xu-đăng đã chẳng ngần ngại gì gọi Mỹ là "đạo đức giả". Đối với nhận xét nhân quyền 2007 của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga gọi "Đây là một bằng chứng nữa về tiêu chuẩn kép trong chính sách của Mỹ về nhân quyền". Nga đã đặt lại vấn đề với Mỹ: "Điều gì có thể lý giải được hành động của Mỹ, một mặt hợp thức hóa việc tra tấn tù nhân, chối bỏ trách nhiệm đối với những tội ác chiến tranh và vi phạm nhân quyền hàng loạt ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan; mặt khác, lại nhận xét một cách lệch lạc về tình hình ở các nước khác? Trong khi cố gắng quảng bá cái vỏ bọc dân chủ và bảo vệ nhân quyền, Mỹ lại không nhìn thấy những vấn đề mang tính hệ thống trong lòng nước mình"... Mặc dù đã không còn nằm trong danh sách (do Mỹ xếp) các nước vi phạm nhân quyền nhiều nhất, song với những phán xét chẳng mấy tốt đẹp của Mỹ, Trung Quốc đã thẳng thắn chỉ ra: Mỹ là kẻ ngạo mạn trong khi có nhiều sai lầm trong các chính sách đối nội và đối ngoại. Tân Hoa xã đã chỉ trích: "Mỹ nổi tiếng trong việc xâm phạm chủ quyền quốc gia và nhân quyền ở các nước khác"; đồng thời  dẫn ra trách nhiệm của Mỹ đối với những cái chết của dân thường vô tội ở áp-ga-ni-xtan, I-rắc; khẳng định "Nhà tù bí mật và tra tấn tù nhân đã trở nên đồng nghĩa với nước Mỹ". Ngày 13 tháng 3 vừa qua, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố "Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2007". Qua Hồ sơ này, người ta càng rõ thêm về một nước Mỹ vốn coi mình là văn minh, dân chủ nhất; có tiềm lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ thuộc diện hàng đầu thế giới, lại chưa từng bị tàn phá bởi chiến tranh, song vẫn chứa đựng trong lòng nó vô số những nghịch lý về nhân quyền. Theo đó, tội phạm bạo lực ngày càng gia tăng ở Mỹ đang tạo ra sự đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống, tự do và an ninh cá nhân của mọi người dân; sự lạm dụng quyền lực của các cơ quan thi hành pháp luật ở Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng tự do và nhân quyền; quyền tự do cá nhân đang ngày càng bị hạn chế; các quyền kinh tế-xã hội và văn hóa của công dân Mỹ chưa được bảo vệ thỏa đáng. Dẫn ra các báo cáo của các cơ quan chức năng và truyền thông, Hồ sơ đã đưa ra nhiều dẫn liệu tin cậy để minh chứng cho thực tế trên. Tại Mỹ, cứ 22,2 giây có một vụ dùng bạo lực; 30,9 giây xảy ra một vụ giết người; 5,7 phút: một vụ hiếp dâm; 1,2 phút: một vụ trộm cướp và 36,6 giây xảy ra một vụ tiến công. ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 30.000 người bị chết vì súng đạn. Từ năm 2001 đến 2007, số trường hợp các cơ quan thi hành pháp luật Mỹ vi phạm quyền công dân của các nạn nhân tăng 25%. Khoảng cách giàu - nghèo ở Mỹ ngày càng nới rộng. Thu nhập của 1% số dân có mức thu nhập cao nhất chiếm 21,2% tổng thu nhập quốc dân; trong khi đó, thu nhập của 50% số dân có mức thu nhập thấp nhất chỉ chiếm 12,8% tổng thu nhập quốc dân (năm 2005). Trong năm 2006, ở Mỹ có 35,52 triệu người dân (trong đó có 12,6 triệu trẻ em) bị đói, tăng 390 nghìn người so với 2005...

Các phản ứng của Nga và Trung Quốc nêu trên đồng thời cũng phản ánh chung về chính kiến của nhiều nước khác đối với sự phán xét về nhân quyền của Mỹ. Những động thái thực tế trên cho thấy, dù muốn đóng vai "Hiệp sĩ bảo vệ nhân quyền thế giới", song từ mục đích đến phương thức thực hiện, không tìm được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế nên Mỹ đã và sẽ không bao giờ đóng tròn vai.

Bất chấp quan hệ hợp tác và sự hiểu biết giữa hai nước Việt Nam và Mỹ trong những năm gần đây đã phát triển tích cực, Báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2007 của Mỹ vẫn đưa ra những nhận xét thiếu khách quan, sai sự thật về tình hình thực tế ở Việt Nam. Dựa trên những thông tin một chiều mang tính chất định kiến, áp đặt, Báo cáo đã chỉ trích Việt Nam về tự do tôn giáo, về "tình trạng thiếu tự do truyền thông"; thậm chí với việc đánh đồng những kẻ vi phạm pháp luật bị xử lý với các "tù nhân chính trị", vô hình trung họ đã cổ suý cho những hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam - một nhà nước đã được nhân dân dân chủ bầu ra theo Hiến pháp. Trả lời cho những nhận định sai lệch đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ: "Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của công dân. Tuy nhiên, cũng như ở mọi nước khác trên thế giới, Nhà nước Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để có các hành vi vi phạm pháp luật. ở Việt Nam không có đàn áp chính trị, không có ai bị bắt vì lý do chính kiến, tôn giáo, chỉ có những người vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam".

Cho dù còn những định kiến, áp đặt sai lệch về tình hình thực tế của Việt Nam, song không ai có thể phủ nhận được những nỗ lực to lớn và thành tựu vẻ vang của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc trước đây và xây dựng, phát triển đất nước hiện nay. Độc lập, tự do, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh - những mục tiêu phấn đấu của Đảng và nhân dân ta trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua đã và đang ngày càng trở thành hiện thực sinh động trên đất nước ta; đồng thời, đó cũng là những tiêu chí cơ bản nhất về "nhân quyền" đặt ra đối với bất cứ một quốc gia tiến bộ nào. Những năm đổi mới vừa qua đã ghi nhận sự chuyển mình sâu sắc, toàn diện của đất nước. Các thiết chế chính trị, pháp luật, chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta cũng như các điều kiện đảm bảo ngày càng được tăng cường sẽ cho phép Đảng và Nhà nước ta thực hiện có hiệu quả hơn việc chăm lo toàn diện tới các quyền chính đáng của mọi người dân. Trong những năm gần đây, các thành tựu về xóa đói, giảm nghèo; các chính sách phát triển địa bàn miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; những đổi mới về chính sách tôn giáo, dân tộc... đã đem lại một sinh lực mới trong đời sống xã hội của đồng bào thuộc mọi dân tộc, tôn giáo trên đất nước ta. Thượng viện Mỹ, trong buổi điều trần về quan hệ Việt - Mỹ ngày 12-3 vừa qua, đã ghi nhận tình trạng đói nghèo ở Việt Nam đã giảm một nửa trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Việt Nam đã được Liên hợp quốc công nhận hoàn thành trước thời hạn 10 mục tiêu xóa đói nghèo đã đề ra của thiên niên kỷ. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục trong những năm gần đây được nâng lên. Năm 2007 là 105; tăng thêm 4 bậc so với năm 2006. Trong lĩnh vực tôn giáo và tự do truyền thông, Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, hoàn toàn khác với cách nhìn sai lệch trong Báo cáo nhân quyền 2007 của Mỹ. Đến cuối 2007, Nhà nước ta đã công nhận tư cách pháp nhân của 16 tổ chức tôn giáo. Cả nước hiện có 25 ngàn cơ sở thừa tự, 56 ngàn chức sắc, nhà tu hành, hơn 20 triệu tín đồ thuộc 6 tôn giáo chính. Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện ngày càng thường xuyên, hiệu quả hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam với hơn 7.000 hội viên là thành viên của Tổ chức báo chí ASEAN, Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); hằng năm có trên 600 ấn phẩm với gần 600 triệu bản; sóng phát thanh, truyền hình với nhiều ngôn ngữ khác nhau đã phủ tới 90% các vùng miền cả nước. Từ 1997, Internet đã triển khai ở Việt Nam và cùng với báo chí, phát thanh, truyền hình, loại hình này đã trở thành một phương tiện quan trọng để thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin trong phạm vi cả nước. Thực tế trên đã được nhiều tổ chức và cá nhân trên thế giới đánh giá cao. Chủ tịch ủy ban Châu Âu H.Ba-rô-xô đã bày tỏ "ấn tượng sâu sắc với thành tựu của Việt Nam trong hơn 20 năm qua" và thật sự "ngưỡng mộ về sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam". Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Đông Á - Thái Bình Dương Cri-xtô-phơ Hin khẳng định: "Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm việc với đối tác Việt Nam về nhiều lĩnh vực quan trọng và trên bình diện tổng quát, phải nói Việt Nam đã có nhiều cố gắng và tiến bộ cụ thể". Được tận mắt chứng kiến các hoạt động tôn giáo khi đến Việt Nam, ông Cơ-rít Xây-pơ-lê, Chủ tịch Viện Liên kết toàn cầu của Mỹ đã khách quan khẳng định: "Đã cảm nhận được một thực tế rất rõ ràng trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, đó là những tín đồ kính Chúa, yêu quê hương, đất nước. Và ở thời điểm hiện nay, không thể nói rằng vấn đề tôn giáo là khía cạnh nhạy cảm trong quan hệ Việt - Mỹ". Kết thúc chuyến làm việc tại Việt Nam, tháng 3-2007, Đức ông P.Pa-rô-lin, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Va-ti-căng cũng đã bày tỏ: "Chúng tôi rất ấn tượng về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam". Thực tế khách quan đó đã bác bỏ hoàn toàn những vấn đề mà bản Báo cáo về tình hình nhân quyền 2007 của Mỹ đã đề cập về Việt Nam...

Là một dân tộc đã phải trải qua hàng trăm năm dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc và chiến tranh xâm lược, hơn ai hết, người dân Việt Nam cảm nhận sâu sắc giá trị nhân quyền: độc lập, tự do, dân chủ và hạnh phúc; đồng thời, cũng đang đồng tâm, dốc sức phấn đấu để các giá trị đó ngày càng được đầy đủ, trọn vẹn hơn đối với đất nước, gia đình và cá nhân mình. Nhân dân ta làm điều đó bởi lẽ chúng ta hiểu rằng: nhân quyền gắn liền với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, cụ thể phát triển của đất nước mình. Nhân quyền không phải từ trên trời rơi xuống và càng không thể có được từ một sự áp đặt nào đó.

Vũ Phù Nghĩa

 

Ý kiến bạn đọc (0)