Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:43 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Tổng kết thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học về tổ chức hệ thống giao thông chiến lược-chiến dịch. Việc đưa một khối lượng lớn vật chất, khí tài tới các hướng chiến lược-chiến dịch và các khu vực chiến đấu theo đúng yêu cầu về số lượng, chất lượng và thời gian... chủ yếu là do lực lượng vận tải cơ giới đảm nhiệm. Để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này, nhất thiết phải có hệ thống đường giao thông chiến lược-chiến dịch, bao gồm tuyến đường chiến lược, và các tuyến đường chiến dịch. Mỗi tuyến đường lại được lựa chọn chính xác và chuẩn bị chu đáo để có thể kéo dài và mở rộng theo sự phát triển của chiến lược – chiến dịch. Đặc biệt trong điều kiện địa hình thời tiết nước ta có nhiều sông ngòi, mùa mưa lũ lớn, kẻ địch có lực lượng không quân mạnh, đánh phá ác liệt thì vấn đề bảo đảm giao thông chiến lược- chiến dịch vô cùng quan trọng, đòi hỏi tính khoa học cao. Chính vì thế, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp bàn về cách mạng miền Nam, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã xác định: con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là con đường sử dụng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, miền Bắc phải đẩy mạnh chi viện cho miền Nam. Trong điều kiện đó, đường dây thống nhất Bắc Nam không còn phù hợp. Hậu phương miền Bắc và hậu phương tại chỗ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ chỉ có thể phát huy đầy đủ vai trò, tác dụng và sức mạnh khi nó được nối liền bằng hệ thống giao thông thông suốt.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng đã tổ chức mở hai tuyến đường giao thông chiến lược Bắc - Nam: tuyến đường bộ (Đoàn 559) và tuyến đường biển (Đoàn 759) để vận chuyển lực lượng và các loại hàng quân sự chi viện cho cách mạng miền Nam. Mặc dù có vai trò và vị trí khác nhau, nhưng cả hai tuyến đường chiến lược này đều đã đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Về tuyến đường bộ, kể từ khi thành lập (5-1959) đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), gần hai chục năm ròng, Đoàn 559 (sau đổi là Bộ đội Trường Sơn) đã không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng và trí sáng tạo, quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, vượt qua mưa bom, bão đạn, đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ, anh dũng mở đường, tích cực chiến đấu bảo vệ đường, hoàn thành nhiệm vụ. Từ chỗ vận tải chỉ lấy gùi thồ làm chính, vận chuyển trên những con đường nhỏ hẹp, hoạt động theo mùa, phục vụ cho từng chiến dịch, Bộ đội Trường Sơn đã đem mồ hôi, xương máu, lòng dũng cảm, trí thông minh và tài mưu lược, xây dựng nên tuyến đường chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại xuyên dãy Trường Sơn hùng vĩ, nối liền Bắc-Nam, nối liền hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn, hình thành một mạng đường bộ, đường ống, đường sông tương đối hoàn chỉnh, hoạt động được quanh năm, vận tải bằng cơ giới là chủ yếu, phục vụ đắc lực cho việc chi viện cho nhiều hướng chiến trường và nhiều chiến dịch lớn của các lực lượng vũ trang nhân dân ta. Cùng với việc vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, lương thực, thuốc men và đồ dùng quân sự, Bộ đội Trường Sơn đã chuyển hàng chục vạn bộ đội, thương binh, bệnh binh ra, vào các chiến trường được chu đáo.
Việc xây dựng tuyến đường chiến lược Trường Sơn là để đáp ứng yêu cầu chiến lược tiến công của chiến tranh giải phóng miền Nam. Trong đó, bảo đảm mạng đường, bảo đảm cơ động là một yếu tố then chốt đảm bảo thắng lợi của các chiến dịch tiến công tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Quy mô chiến dịch ngày càng lớn, sự tham gia của các binh chủng ngày càng đông, yêu cầu cơ động ngày càng cao, tính hiện đại và quyết liệt ngày càng tăng là những biểu hiện về sự phát triển của các chiến dịch tiến công trong chiến tranh nhân dân. Sự phát triển đó đòi hỏi Bộ đội Trường Sơn ngày càng phải chú trọng phương thức đảm bảo bằng phương tiện cơ giới, có trình độ hiện đại ngày càng cao. Đó cũng là phát triển tất yếu, cần thiết trong việc bảo đảm mạng đường, bảo đảm cơ động cho chiến dịch. Thực tiễn các chiến dịch tiến công của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, trong cuộc Tiến công chiến lược 1972, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lịch sử đã chứng minh rằng, muốn nâng cao tốc độ tiến công của bộ đội trong chiến đấu hiện đại, đáp ứng những tình huống phát triển nhanh chóng của chiến dịch, thì trong việc bảo đảm mạng đường, bảo đảm cơ động, cần tăng cường phương thức bảo đảm bằng cơ giới, tăng cường việc sử dụng các khí tài hiện đại chế sẵn và các vật liệu chế sẵn, tổ chức cho bộ đội công binh sử dụng có hiệu lực các máy móc làm đường, các phương tiện cơ giới, mạnh bạo huy động các đơn vị ấy cho việc bảo đảm mạng đường chiến dịch. Cần sử dụng tập trung các đơn vị công binh cơ giới, phương tiện cơ giới vào những khu vực tiến công và thời cơ tiến công quan trọng nhất, đặc biệt là việc đảm bảo cho binh khí- kỹ thuật trên hướng chủ yếu, cơ động kịp thời để đột phá, thọc sâu vào chiều sâu phòng ngự của địch trong giai đoạn mở đầu chiến dịch cũng như khi chiến dịch phát triển. Tuy nhiên, nêu cao phương thức bảo đảm bằng phương tiện cơ giới không có nghĩa là xem nhẹ phương thức bảo đảm bằng khí tài thô sơ. Từ việc mở và làm một tuyến đường mới, chuẩn bị một bến vượt sông, đến ngụy trang một quãng đường, một chiếc cầu, khắc phục một đoạn đường hỏng do mưa lũ..., ở đâu cũng cần sự vận dụng linh hoạt phương thức đảm bảo bằng khí tài thô sơ, bằng vật liệu tại chỗ, bằng lao động thủ công của cán bộ, chiến sĩ công binh. Bộ đội công binh Trường Sơn có nhiều kinh nghiệm sử dụng khí tài thô sơ, vật liệu tại chỗ và lao động thủ công để mở đường, làm đường, làm bến vượt sông... Nhưng do khối lượng lớn, tính chất khẩn trương của việc bảo đảm mạng đường, đảm bảo vượt sông trong chiến dịch, nên việc cải tiến các khí tài thô sơ, cải tiến tổ chức lao động, nâng cao trình độ sử dụng các khí tài thô sơ và cải tiến, nâng cao năng suất lao động thủ công của bộ đội công binh... là những vấn đề rất được Bộ đội Trường Sơn coi trọng.
Cho tới ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mạng đường Trường Sơn đã phát triển, bao gồm 5 hệ thống đường trục dài 5.530km, 21 đường trục ngang dài 4.019km cùng với hệ thống đường vượt khẩu, đường vòng tránh... lên tới 13.000km. Tính từ năm 1959 đến năm 1975, trên mạng đường này, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển, giao cho các hướng chiến trường 1.349.057 tấn hàng. Liệu một khối lượng hàng như thế có thể chuyển được từ hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn, nếu chỉ bằng những hoạt động gùi, thồ bằng sức người hay bằng voi, ngựa và xe đạp như những năm đầu của cuộc kháng chiến ? Những con số thống kê cho thấy, trong 6 năm vận chuyển thô sơ, tuyến đường chỉ bảo đảm được 16 nghìn tấn hàng, nhưng trong 11 năm, từ năm 1965 đến năm 1975, dùng vận tải cơ giới, tuyến đường đã vận chuyển được 1,3 triệu tấn. Như vậy, hầu hết khối lượng vật chất, kỹ thuật được chuyển trên tuyến đường bằng cơ giới. Mạng đường vươn dài và tỏa rộng với chiến công của nó, đó chỉ có thể là kết quả một công trình tổ chức to lớn với sức mạnh kháng chiến của cả nước, của hậu phương lớn miền Bắc XHCN, với tinh thần cách mạng, ý chí tiến công và những nỗ lực sáng tạo phi thường của các lực lượng vũ trang trên toàn tuyến.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc kết hợp xây dựng đường giao thông chiến lược và chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã chứng tỏ một thực tế: hiệu lực và tầm quan trọng của việc kết hợp đó nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho quân đội tác chiến, hợp đồng quân binh chủng, càng đánh càng mạnh, kết thúc chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.
Trong tương lai, nếu kẻ thù dám liều lĩnh tiến công xâm lược nước ta, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta sẽ phải đối mặt với một đối tượng có sức mạnh quân sự lớn, hiện đại. Chúng sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao để tiến công xâm lược từ nhiều hướng: trên đất liền, trên biển, trên không... Cường độ đánh phá sẽ quyết liệt hơn ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Địch dễ lợi dụng các nút giao thông như cầu, cống, bến phà, bến vượt, những nơi có đường độc đạo để đánh phá, gây ùn tắc đội hình hành quân. Vì vậy, nhiệm vụ của tuyến vận tải quân sự chiến lược (VTQSCL) rất nặng nề, có nhiều khó khăn, phức tạp. Song với những kinh nghiệm vận tải quân sự của tuyến VTQSCL của Bộ đội Trường Sơn để lại, nếu chúng ta biết ứng dụng, phát triển nó một cách linh hoạt, sáng tạo... sẽ giúp cho công tác VTQSCL hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Để phát huy kinh nghiệm trên, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cần phải giải quyết tốt các vấn đề sau:
- Phải luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, có quyết tâm cao trong thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ; dựa vào sức mạnh của chiến tranh nhân dân, hậu cần nhân dân, dựa vào nghệ thuật quân sự Việt Nam “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”, lấy mưu trí, dũng cảm, kết hợp với thế hiểm của địa hình đất nước ta để thắng địch trên mặt trận này. Từ quan điểm đó, xây dựng thế trận vận tải vững chắc, vận chuyển bảo đảm cho các hướng tác chiến, chiến dịch, chiến lược giành thắng lợi.
- Phải có kế hoạch tổng thể và đầu tư thích đáng để mở đường giao thông vận tải ở các địa bàn chiến lược, như: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam... trên cơ sở kết hợp kinh tế với quốc phòng- an ninh. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, bảo đảm đồng bộ, hợp lý, từng bước hiện đại, tạo nên mạng đường hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, đô thị, nông thôn trên phạm vi toàn quốc, nhằm bảo đảm vừa phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu củng cố quốc phòng- an ninh của từng địa phương và của cả nước. Đây là việc làm cần thiết, đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương.
- Tổ chức bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện vận tải hết sức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện mới, kết hợp với khu vực phòng thủ; phát huy những kinh nghiệm của tuyến VTQSCL 559, tổ chức các binh trạm vận tải (thay các binh trạm khu vực) là đơn vị cơ bản để thực hiện nhiệm vụ vận tải, đảm nhiệm trên một khu vực (địa bàn) các mặt: vận chuyển, đường sá và đánh địch để bảo vệ vận chuyển. Thành phần các binh trạm vận tải gồm có: lực lượng vận tải ô tô, vận tải bộ, công binh, thanh niên xung phong, lực lượng phòng không, thông tin, lực lượng bảo vệ hàng hoá... Tuỳ theo nhiệm vụ của từng khu vực để tổ chức binh trạm ở các mức độ, quy mô khác nhau.
- Kết hợp chặt chẽ các phương thức vận tải, sử dụng linh hoạt các hình thức vận chuyển, như: kết hợp phương thức vận tải cơ giới đường bộ với vận tải đường sông, đường ống, vận tải bộ. Trong đó, vẫn phải lấy vận tải bằng ô tô làm chủ yếu, vì đây là phương tiện vận chuyển gọn nhẹ, cơ động nhanh, linh hoạt, dễ cất giấu, phù hợp với điều kiện địa hình Việt Nam cả ở rừng núi, đồng bằng.
Kinh nghiệm kết hợp xây dựng đường chiến lược, đường chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy rõ: từng tuyến đường có vị trí, vai trò đặc thù của nó, nên việc phát huy hết mọi năng lực tiềm tàng của từng tuyến đường là hết sức cần thiết; đồng thời, phải có sự hiệp đồng chặt chẽ, tổ chức đảm bảo giao thông tốt mới phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tuyến đường vận tải. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, cần phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước để phát triển hệ thống giao thông vận tải hợp lý; gắn phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và công nghiệp, tạo thành mạng lưới giao thông vận tải hoàn chỉnh trên cả nước; liên kết các phương thức vận tải đáp ứng nhu cầu vận tải dân sinh thời bình và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận tải phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong mọi tình huống.
Trung tá, ThS. Nguyễn Huy Động
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011