QPTD -Thứ Sáu, 25/11/2011, 00:32 (GMT+7)
Nghệ thuật tác chiến phòng không - từ chiến dịch phòng không cuối năm 1972 đến chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Nghệ thuật tác chiến phòng không (TCPK) là nghệ thuật tác chiến trên mặt trận đối không bằng việc đẩy mạnh tác chiến của các lực lượng phòng không ba thứ quân; kết hợp chặt chẽ phương thức tác chiến tại chỗ, rộng khắp của các lực lượng phòng không địa phương, phòng không dân quân, tự vệ với phương thức tác chiến tập trung, hiệp đồng binh chủng của các lực lượng phòng không chủ lực, phòng không quốc gia. Điều đó đã được thực tiễn chứng minh, rõ nhất là trong cuộc đối đầu trên mặt trận đối không giữa lực lượng phòng không-không quân ta với lực lượng không quân của đế quốc Mỹ, khi chúng tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc từ năm 1964-1972. Để đối phó với cuộc chiến tranh này, ta đã mở nhiều đợt hoạt động tác chiến phòng không-không quân tập trung, trong đó đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” từ ngày 18-12 đến ngày 30-12-1972. Trong chiến dịch này, các lực lượng phòng không ba thứ quân cùng với không quân đã bắn rơi 81 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 34 “siêu pháo đài bay” B-52. Đây là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, được biểu hiện cụ thể trên mặt trận đối không. Từ thắng lợi đó, có thể rút ra một số vấn đề về chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng có chọn lọc trong điều kiện tác chiến mới.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), TCPK có những điểm mới  cả về đối tượng tác chiến, lực lượng, phương tiện của ta và về môi trường tác chiến. Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, các phương tiện tiến công đường không cũng ngày càng được phát triển, hoàn thiện. Thực tế các cuộc tiến công đường không từ chiến tranh Vùng Vịnh đến nay cho thấy, một loại hình tiến công hoả lực đường không (TCHLĐK) mới xuất hiện, mà đặc trưng là sử dụng vũ khí công nghệ cao, đặc biệt là sử dụng máy bay tàng hình, tên lửa hành trình, các loại tên lửa “không đối đất”, “không đối không”, các loại bom, đạn có điều khiển cùng với việc sử dụng rộng rãi tác chiến điện tử, chỉ huy báo động sớm trên không, kết hợp với hệ thống định vị toàn cầu GPS để tiến công từ xa, thậm chí cách mục tiêu hàng nghìn ki-lô-mét. Đối với nước ta, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mặc dù có những điểm đặc thù về địa lý, khí hậu..., nhưng khi tiến hành chiến tranh xâm lược, đối phương vẫn có thể mở đầu bằng các cuộc TCHLĐK cường độ cao, dài ngày theo hai giai đoạn: giai đoạn đánh phá các mục tiêu và giai đoạn chi viện hỏa lực đường không cho các lực lượng tác chiến. Trong giai đoạn đánh phá mục tiêu, TCHLĐK của địch có thể tập trung vào các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự của đất nước. Giai đoạn chi viện hỏa lực đường không cho các lực lượng tác chiến có thể là lực lượng tác chiến trên bộ, lực lượng đổ bộ đường không và lực lượng đổ bộ đường biển. TCHLĐK chi viện cho bộ binh, bộ binh cơ giới tiến công, có thể được tiến hành theo các bước: chuẩn bị trước, chuẩn bị trực tiếp và chi viện trực tiếp theo yêu cầu của lực lượng mặt đất. TCHLĐK chi viện cho đổ bộ đường không bao gồm hỏa lực dọn bãi và hỏa lực chi viện trực tiếp cho đổ bộ đường không. TCHLĐK chi viện cho đổ bộ đường biển bao gồm giai đoạn chuẩn bị trước và giai đoạn tổ chức chi viện trực tiếp cho lực lượng đổ bộ đường biển.

Từ những bài học kinh nghiệm quý báu trong chiến dịch phòng không cuối năm 1972 và xuất phát từ nghiên cứu những phát triển về thủ đoạn, lực lượng TCHLĐK trong các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây, xin nêu một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu về chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật TCPK trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Về chiến lược. Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của cấp chiến lược. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã sớm chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân làm công tác chuẩn bị trước, cũng như chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch về xây dựng, tạo lập thế trận phòng không nhân dân, xây dựng  kế hoạch tác chiến chiến dịch, kế hoạch sơ tán phòng tránh và các kế hoạch bảo đảm. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Quân chủng Phòng không-Không quân đã chủ động đưa lực lượng vào chiến trường, vừa bảo vệ tuyến giao thông chiến lược từ Bắc vào Nam và tuyến 559, tham gia bảo vệ chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch tiến công Trị-Thiên, vừa nghiên cứu đánh B-52 và lập thế trận phòng không từ nam Khu 4 trở ra.  Thấm nhuần và quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh giặc, các lực lượng phòng không ba thứ quân đã triển khai rộng khắp trên địa bàn, lấy lực lượng của Quân chủng Phòng không-Không quân làm nòng cốt; thực hiện kết hợp hai phương thức tác chiến: đánh địch tập trung hiệp đồng binh chủng của các lực lượng Quân chủng Phòng không-Không quân với đánh địch tại chỗ, rộng khắp của lực lượng phòng không địa phương và phòng không dân quân, tự vệ. Thắng lợi của chiến dịch phòng không cuối năm 1972 có ý nghĩa quan trọng về chiến lược, cùng với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược trên khắp chiến trường miền Nam và thắng lợi trên mặt trận ngoại giao đã buộc đế quốc Mỹ chấp nhận thất bại, phải ký hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đánh địch TCHLĐK trở thành một loại hình tác chiến chiến lược được tiến hành ngay từ đầu cuộc chiến tranh, do lực lượng phòng không ba thứ quân kết hợp với các lực lượng khác thực hiện. Vì vậy, về mặt chiến lược, chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Cần chú trọng xây dựng và khai thác các tiềm lực, trong đó tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự là cốt lõi của đất nước. Vấn đề quan trọng là, phải tăng cường,  nâng cao chất lượng công tác giáo dục ý thức và kiến thức quốc phòng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; động viên và tổ chức toàn dân làm công tác quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc xây dựng các khu vực phòng thủ địa phương, phải xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc trên phạm vi cả nước, cũng như trên từng khu vực tác chiến chiến lược, bảo đảm ở mọi khu vực, hướng chiến trường nào cũng tiến hành được các đợt hoạt động TCPK hoặc mở chiến dịch phòng không mà không phải điều chỉnh nhiều về lực lượng, phương tiện kỹ thuật. Nghiên cứu, củng cố tổ chức, biên chế các lực lượng phòng không ba thứ quân một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện tác chiến mới; ưu tiên xây dựng lực lượng cơ động nhanh; từng bước đầu tư ngân sách mua sắm, nghiên cứu chế tạo trang bị, vũ khí bảo đảm cho các lực lượng phòng không đủ khả năng đối phó với vũ khí công nghệ cao của địch. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, sẵn sàng huy động lực lượng và phương tiện vật chất kỹ thuật phục vụ TCPK khi có tình huống xảy ra. Đầu tư xây dựng hệ thống sân bay, trận địa phòng không, hệ thống kho tàng, khu sơ tán, đường cơ động của các loại tên lửa, súng, pháo phòng không...
Về nghệ thuật chiến dịch. Từ thực tiễn tổ chức chuẩn bị và thực hành thắng lợi chiến dịch phòng không cuối năm 1972 đánh bại cuộc tiến công đường không chiến lược của Mỹ, những vấn đề cơ bản của nghệ thuật chiến dịch phòng không Việt Nam đã được xác định. Nền nghệ thuật quân sự Việt Nam có thêm một loại hình chiến dịch mới-chiến dịch phòng không. Nét nổi bật của nghệ thuật chiến dịch phòng không cuối năm 1972 là lựa chọn được cách đánh chiến dịch phòng không độc đáo Việt Nam. Các lực lượng phòng không ba thứ quân và không quân đã quán triệt sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến, vận dụng sáng tạo đường lối, chiến lược quân sự và quan điểm chiến tranh nhân dân vào mặt trận đối không. Tập trung giải quyết thành công những vấn đề  cơ bản về lập thế trận và chuyển hoá thế trận; xác định chính xác hướng chủ yếu, khu vực chủ yếu và đối tượng tác chiến chủ yếu; tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng hợp lý; vận dụng sáng tạo, linh hoạt các biện pháp chiến dịch và các hình thức chiến thuật.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến dịch phòng không là một loại hình chiến dịch cơ bản của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Nghệ thuật chiến dịch phòng không chịu sự chỉ đạo trực tiếp của chiến lược và là cơ sở chủ yếu để chiến lược hoàn thành nhiệm vụ đặt ra trên mặt trận đối không. Chiến dịch phòng không chủ yếu sẽ diễn ra trên các khu vực tác chiến chiến lược, gắn với các hoạt động tác chiến của các khu vực phòng thủ địa phương. Trong tương lai, điều kiện địch, ta và môi trường TCPK có thay đổi so với trước đây. Vì vậy, nghệ thuật chiến dịch phòng không cũng có những phát triển mới: đánh địch ở trạng thái tiến công từ trên không, tính bất ngờ cao; tác chiến trên phạm vi không gian rộng; các tình huống diễn biến mau lẹ, quyết liệt và luôn biến động; lực lượng tham gia chiến dịch lớn, bao gồm lực lượng phòng không ba thứ quân, được trang bị vũ khí, kỹ thuật nhiều chủng loại; tổ chức chỉ huy, hiệp đồng các lực lượng tham gia chiến dịch rất phức tạp. Về cách đánh chiến dịch, vẫn phải quán triệt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến trên mặt trận đối không, nhưng ở trình độ cao hơn, có kế thừa và phát triển những kinh nghiệm đánh địch trong cuộc chiến tranh  trước đây. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách đánh chiến dịch phòng không; về tạo lập thế trận chiến dịch phòng không đạt được yêu cầu vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, chuyển hóa linh hoạt; xác định đúng hướng TCHLĐK chủ yếu của địch, khu vực mục tiêu chủ yếu địch đánh phá phải bảo vệ, đối tượng chủ yếu cần phải tập trung lực lượng đánh tiêu diệt; thời cơ mở chiến dịch phòng không, thời cơ đánh trận mở đầu, trận then chốt, then chốt quyết định của chiến dịch.
Về chiến thuật. Trong chiến dịch phòng không cuối năm 1972, ở phạm vi chiến thuật và kỹ thuật, không quân địch đã sử dụng nhiều biện pháp chiến- kỹ thuật, nhất là kỹ thuật nhiễu, chiến-kỹ thuật phóng tên lửa tự dẫn vào các trận địa ra-đa và tên lửa của ta, thủ đoạn phóng bom la-de, bom quang tuyến truyền hình, các thủ đoạn nghi binh dùng các loại máy bay F-4, F-105 tạo giả các tốp B-52... Để đối phó với các thủ đoạn đánh phá của địch, về mặt chiến thuật, ta đã bố trí đội hình ra-đa bảo đảm địch tiến công từ hướng nào cũng có đơn vị phát hiện được; đã sáng tạo sử dụng tổng hợp mọi phương tiện quan sát từ thô sơ đến hiện đại, từ vọng quan sát mắt đến các loại đài ra-đa với giải tần khác nhau để cùng phát hiện B-52 trong nhiễu; sử dụng không quân đánh chặn từ xa; sử dụng tên lửa đánh tập trung, đánh từ nhiều phía, đánh chéo cánh sẻ vào các tốp B-52. Về xạ kích, các đơn vị tên lửa đã chủ động, linh hoạt vận dụng các phương pháp điều khiển, các phương pháp bám sát và chọn cự ly phóng tên lửa thích hợp, ở đoạn bay thích hợp; bình tĩnh “gạt” tên lửa tự dẫn của địch một cách hiệu quả.
Để đáp ứng với yêu cầu tác chiến trong điều kiện mới, về mặt chiến thuật, cần tập trung nghiên cứu tính năng của từng loại vũ khí, khí tài của ta; các giải pháp phòng chống vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử mạnh của địch, các giải pháp cơ động thay đổi đội hình chiến đấu, cơ động “xê dịch” lực lượng, trang bị kỹ thuật trong quá trình tác chiến... Nghiên cứu các biện pháp nguỵ trang, nghi binh, “bày giả, giấu thật”, tạo ra thế trận "hư-thực, thực-hư", các khu vực nhử địch, lừa địch vào để tiêu diệt. Thường xuyên rèn luyện cho bộ đội có ý thức địch tình, tinh thần cảnh giác cao, xây dựng ý chí quyết đánh, biết đánh và đánh thắng địch ngay từ trận đầu, ngày đầu. Coi trọng việc tổ chức diễn tập, luyện tập phương án phòng tránh, đánh trả địch TCHLĐK; huấn luyện bộ đội thuần thục động tác kỹ thuật, đội ngũ chiến thuật, thu hồi, triển khai khí tài, súng, pháo, thực hành cơ động chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày và đêm. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo ở các nhà trường quân đội, trên cơ sở đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo của các bậc học, bảo đảm học viên ra trường có trình độ, năng lực huấn luyện bộ đội, đáp ứng yêu cầu chỉ huy chiến đấu, xử trí tình huống trong điều kiện chiến tranh hiện đại.
Đại tá, GS, TS. Trần Nam Xuân
Giám đốc Học viện Phòng không-Không quân
 

Ý kiến bạn đọc (0)