QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:36 (GMT+7)
Nghệ thuật tác chiến của Đặc công Hải quân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và vấn đề đặt ra hiện nay
Đoàn M.26 là lực lượng Đặc công nước của Hải quân nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 13 tháng 4 năm 1966, trong thời điểm cao trào của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngay từ ngày đầu và trong quá trình chiến đấu, lực lượng Đặc công Hải quân đã được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quan tâm trực tiếp chỉ đạo, được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân dày công xây dựng thành một lực lượng chiến đấu tinh nhuệ trên mặt trận sông nước; được nhân dân che chở, đùm bọc, các đơn vị bạn giúp đỡ, phối hợp cùng chiến đấu, đã vượt qua mọi khó khăn, hy sinh, gian khổ và lập được nhiều chiến công xuất sắc. Trải qua 40 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành thì có gần 10 năm Đoàn M.26 Đặc công Hải quân trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường. Đặc biệt, ở Cửa Việt-Đông Hà (Quảng Trị), cán bộ, chiến sĩ Đặc công Hải quân đã anh dũng chiến đấu, bám trụ kiên cường, tiến công địch liên tục (trên 200 ngày đêm), đánh chìm, đánh hỏng hơn 300 tàu chiến và tàu vận tải quân sự của địch, phá hỏng hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, tiêu diệt hàng nghìn tên địch. Những chiến công trong chiến đấu của Đoàn đã góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; xây đắp nên truyền thống tốt đẹp: “Anh dũng mưu trí, khắc phục khó khăn, đoàn kết lập công, chiến thắng liên tục”. Đoàn M.26 Đặc công Hải quân đã vinh dự được Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 4 đội của Đoàn (Đội 1,3,4) và 10 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó Đội 1 được tuyên dương lần thứ ba.

Có được thành tích chiến đấu vẻ vang đó, lực lượng Đặc công Hải quân đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả đường lối và nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng; thực hiện dựa chắc vào dân; coi trọng yếu tố chính trị- tinh thần, tổ chức kỷ luật nghiêm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tích cực nghiên cứu tổng kết rút kinh nghiệm trong chiến đấu để tìm ra cách đánh phù hợp, nâng cao hiệu quả chiến đấu. Qua thực tiễn chiến đấu của Đặc công Hải quân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể rút ra một số vấn đề về nghệ thuật tác chiến.

 Thứ nhất, đối tượng tác chiến của Đặc công trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước rất rộng: có thể phá hủy các phương tiện, vũ khí trang bị (tàu, phương tiện) và tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch hoạt động trên sông, ven biển, trên bộ, thậm chí ngầm dưới mặt nước..., song chủ yếu là tàu vận tải trên sông, trên biển. Ngoài ra, khi có thời cơ hoặc theo yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu có thể độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến với các lực lượng khác đánh vào kho tàng, bến cảng, cầu, đường bộ, vị trí đồn trú của quân địch chiếm đóng ở ven sông, ven biển.
Thứ hai, phương châm chỉ đạo tác chiến của Đặc công Hải quân phải rõ ràng, cụ thể, thường là bí mật, bất ngờ, táo bạo, luồn sâu đánh hiểm, đánh nhanh, đánh chắc thắng và rút nhanh, bảo đảm an toàn cho lực lượng cả lúc tiến công và trong quá trình rút về căn cứ. Chú trọng bám sát địch, nắm chắc địch, kịp thời phát hiện sơ hở, nắm chắc thời cơ, chớp thời cơ để đánh địch. Tích cực, chủ động tạo lập thế ta để phá thế địch, mở đường mà tiến, bí mật tiếp cận mục tiêu, thực hiện nổ súng đánh địch bất ngờ, hiệu quả. Khi hành quân trên bộ thì chủ động phòng tránh địch là chính, tránh đụng độ với địch làm ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, phương pháp đánh tàu địch trú đậu và hoạt động trên sông, trên biển của Đặc công Hải quân thường sử dụng thủy lôi thả nơi tàu địch phải đi qua, bảo đảm xác suất trúng tàu lớn; dùng mìn đánh áp mạn tàu địch khi lực lượng đặc công thọc sâu vào hậu cứ địch. Đối với các tàu neo đậu cũng như đang chạy trên sông, có thể dùng thuốc nổ (bộc phá) thả xuôi dòng nước hoặc lòng sông để đón đánh tàu địch. Khâu quan trọng nhất của cách đánh này là phải chuẩn bị chu đáo, phán đoán đúng tuyến đi và vị trí tàu khi mìn nổ; bảo đảm cự ly an toàn cho đặc công rời khỏi vị trí khi mục tiêu nổ.
Thứ tư, có hai cách đánh cơ bản Đặc công Hải quân thường vận dụng trước đây là đánh rải và đánh tập trung trong hình thức chiến thuật tập kích bí mật và tập kích phá hủy. Đánh rải là hình thức tác chiến độc lập, đánh nhỏ lẻ nhưng thường xuyên, liên tục, rộng khắp, sử dụng phân đội làm đơn vị chỉ huy, lấy tổ chiến đấu làm mũi tiến công, mỗi đội phụ trách một khu vực. Mục đích là tiêu hao sinh lực địch, phương tiện vận chuyển đường thủy, gây cho địch nhiều khó khăn về hậu cần, tiếp tế và luôn ở trạng thái căng thẳng kéo dài. Đánh tập trung là khi phối hợp với chiến dịch để tạo ra một quả đấm mạnh đủ sức làm tê liệt giao thông đường thủy của địch trong một thời gian cần thiết.
Từ hoạt động thực tiễn đó, có thể khẳng định, nghệ thuật đánh địch trên chiến trường sông biển của Đặc công Hải quân là cách đánh độc đáo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, một đất nước có trình độ chiến tranh toàn dân phát triển cao, có truyền thống bất khuất, anh dũng, kiên cường, dám nghĩ, dám làm, biết lấy vũ khí thô sơ thắng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Đặc công Hải quân không những có khả năng tiến hành các cuộc chiến đấu độc lập tiến công địch dài ngày, bền bỉ, dẻo dai, thường xuyên, liên tục mà còn có khả năng thực hiện các cuộc chiến đấu có quy mô hiệp đồng lớn. Đặc công Hải quân là “con đẻ” của chiến tranh nhân dân Việt Nam độc đáo, sáng tạo, vận dụng “cách đánh du kích phát triển cao, đặc biệt cao"; là cách đánh sở trường của dân tộc ta “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, dùng quân tinh nhuệ “quân quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, luồn sâu đánh hiểm, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Đó cũng là sự vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng trong chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc là “làm chủ và tiến công, tiến công và làm chủ", tích cực, chủ động tạo thời cơ tiêu diệt địch, dựa hẳn vào dân, phát động cuộc chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có vũ khí nào đánh theo cách đánh của vũ khí đó.
Ngày nay, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của ta ở đất liền và trên vùng biển (nếu buộc phải tiến hành) đang từng bước có thêm khả năng mới, sức mạnh mới. Đặc biệt là Hải quân nhân dân Việt Nam, trong đó có lực lượng Đặc công Hải quân đang được xây dựng chính quy và từng bước hiện đại; ta lại có điều kiện, thời gian để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân trên biển ngay từ thời bình, nên có điều kiện để vận dụng nghệ thuật tác chiến đánh địch một cách linh hoạt, sáng tạo hơn. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, nếu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xảy ra, đối tượng tác chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam và Đặc công Hải quân sẽ có nhiều điểm khác trước, được trang bị vũ khí công nghệ cao và thủ đoạn tác chiến cũng có nhiều thay đổi. Điều đó dẫn đến sự thay đổi cơ bản về hình thái chiến tranh; về cách bố trí và sử dụng lực lượng của địch ở phạm vi chiến thuật, chiến dịch, chiến lược trong các loại hình tác chiến. Những thay đổi đó tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến nghệ thuật tác chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung, Đặc công Hải quân nói riêng. Vì vậy, để vận dụng, phát triển nghệ thuật tác chiến của Đặc công Hải quân trong điều kiện mới, trước hết cần nghiên cứu nắm chắc sự thay đổi, phát triển về tổ chức, biên chế, trang bị và nghệ thuật tác chiến của đối tượng dự kiến, đặc điểm của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra trong tương lai), từ đó bổ sung vào nội dung của những định hướng về tổ chức, biên chế, trang bị, huấn luyện, nghiên cứu nghệ thuật quân sự... của Đặc công Hải quân. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, biên chế lực lượng Đặc công Hải quân theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động cao, hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu thời bình, phát triển lực lượng khi có chiến tranh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cải tiến và sản xuất kết hợp với mua sắm các loại vũ khí, trang bị hiện đại, cần thiết, từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị của lực lượng Đặc công Hải quân. Nâng cao chất lượng huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện cơ bản đạt trình độ điêu luyện kỹ thuật, coi trọng huấn luyện đêm trong mọi điều kiện thời tiết và điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Coi trọng công tác nghiên cứu nghệ thuật tác chiến Đặc công Hải quân, cả trong tác chiến độc lập và hiệp đồng trên biển-đảo.
Một vấn đề hết sức quan trọng, có tính quyết định đến hiệu suất chiến đấu và nghệ thuật tác chiến của Đặc công Hải quân là chất lượng chính trị của bộ đội. Lực lượng Đặc công Hải quân phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân, tinh nhuệ về kỹ thuật, chiến thuật, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH. Vì vậy,  lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong đơn vị phải luôn chăm lo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ của cách mạng, quân đội, Quân chủng và Đoàn; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và đối tượng tác chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam, tính chất phức tạp, quyết liệt của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển-đảo. Tăng cường công tác giáo dục truyền thống, phổ biến những kinh nghiệm chiến đấu của cha ông trên chiến trường sông biển, đặc biệt là kinh nghiệm chiến đấu và truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam và của Đặc công Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ đó xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, đề cao cảnh giác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 
Thượng tá Nguyễn Huy Huấn
Đoàn trưởng Đoàn Đặc công Hải quân M.26
 

Ý kiến bạn đọc (0)