QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 08:00 (GMT+7)
Nghệ thuật sử dụng tăng-thiết giáp tác chiến phòng thủ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Tác chiến phòng thủ (TCPT) giữ vị trí quan trọng trong các loại hình tác chiến của lực lượng vũ trang ta, thường được vận dụng ngay từ đầu và trong suốt quá trình của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ta chưa tiến hành loại hình tác chiến này, nhưng tăng-thiết giáp (TTG) đã được sử dụng trong một số trận đánh, chiến dịch phòng ngự, bảo vệ địa bàn. Từ thực tiễn chiến đấu đã khẳng định vai trò quan trọng của TTG, không chỉ là lực lượng đột kích chủ yếu của lục quân trong tiến công, phản công mà còn tăng cường tính vững chắc, tích cực, chủ động cho tác chiến phòng ngự, góp phần vào thắng lợi của trận đánh, chiến dịch phòng ngự, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.

Khác với chiến tranh giải phóng trước đây, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), địch sẽ sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao (VKCNC), tiến hành đòn tiến công hỏa lực mạnh bằng không quân, tên lửa, pháo binh..., đánh vào các mục tiêu chính trị, kinh tế, quân sự trọng yếu, trong đó TTG là một mục tiêu quan trọng. Khi tiến công trên bộ, địch có thể tiến hành đồng thời, hoặc kế tiếp các chiến dịch đổ bộ đường biển, tiến công trên bộ và đổ bộ đường không (ĐBĐK) từ nhiều hướng vào lãnh thổ nước ta. Trên từng hướng tiến công, địch có thể tập trung sức mạnh hỏa lực, khả năng cơ động và sức đột kích của TTG tiến hành đột phá, thọc sâu, vu hồi, tiến công vượt điểm để đánh chiếm các mục tiêu phòng thủ chủ yếu, thực hiện chia cắt chiến trường, phá thế liên hoàn trong thế trận phòng thủ của ta, để thực hiện đánh nhanh, thắng nhanh. Về ta, lực lượng TTG đã có sự phát triển cả về tổ chức, biên chế, trang bị và trình độ tác chiến; đã được huấn luyện, diễn tập tác chiến ở nhiều loại hình chiến đấu, chiến dịch, chiến dịch-chiến lược, trong đó có tham gia TCPT ở các quy mô: TCPT tỉnh (thành phố), TCPT quân khu và TCPT chiến lược. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn sử dụng TTG TCPT, nhất là với đối tượng tác chiến sử dụng VKCNC. Vì vậy, ngay từ bây giờ, hướng nghiên cứu nghệ thuật sử dụng TTG trong TCPT trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là cần thiết. Bài viết này, xin nêu một số nội dung chủ yếu để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1. Sử dụng TTG trong TCPT tỉnh (thành phố). TCPT tỉnh (thành phố) là một cấp độ của TCPT trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; diễn ra trên địa bàn tỉnh (thành phố), có thể ở miền núi, biên giới, trung du, đồng bằng, đô thị và ven biển. Đây là loại hình tác chiến có nhiều thành phần lực lượng tham gia, với nhiều nhiệm vụ, nhiều hình thức, phương thức và biện pháp tác chiến khác nhau, cả vũ trang và phi vũ trang; trong đó, TTG là lực lượng chiến đấu quan trọng, có thể phải tham gia ngay từ đầu và trong suốt quá trình tác chiến; cũng có thể chủ yếu chỉ tham gia vào nhiệm vụ quan trọng, nhất là TCPT; cũng có thể phải tham gia vào tất cả các nhiệm vụ cơ bản, phức tạp của khu vực phòng thủ (KVPT) địa phương. Vì vậy, phương pháp sử dụng TTG vừa phải tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo tác chiến trong KVPT tỉnh (thành phố), vừa phải phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, địa bàn; với nhiệm vụ, khả năng, sở trường của từng đơn vị và chủng loại TTG. Đối với phân đội TTG trực thuộc tỉnh (thành phố), do có số lượng ít, khả năng trang bị hạn chế, nhưng lại thông thạo địa bàn và tác chiến ở quy mô nhỏ, nên có thể sử dụng theo từng nhiệm vụ. Theo đó, TTG có thể được sử dụng theo từng phân đội là chủ yếu (thường là trung đội), làm nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ những mục tiêu trọng yếu, khu vực phòng thủ then chốt, hay trong các trận đánh quyết định do tỉnh (thành phố) tổ chức. Đối với lực lượng TTG của bộ đội chủ lực (của Bộ và quân khu) đứng chân trên địa bàn, có thể phối hợp với bộ đội binh chủng hợp thành (BCHT) và lực lượng vũ trang địa phương, tạo thành các lực lượng cơ động chiến đấu, chiến dịch và được sử dụng tập trung vào những trận then chốt, để đánh lực lượng tiến công chủ yếu của địch trên bộ, ĐBĐK vào địa bàn tỉnh (thành phố). Ngoài ra, trong những điều kiện cụ thể cũng có thể sử dụng lực lượng này tham gia chống bạo loạn, đánh lực lượng phản ứng nhanh, hoặc đánh địch lấn chiếm biên giới (đối với các tỉnh, thành phố biên giới), đánh địch đổ bộ từ hướng biển và tham gia đánh chiếm lại các đảo, hải cảng (đối với các tỉnh, thành phố ven biển). Tuy nhiên, cần hạn chế sử dụng TTG phân tán, nhỏ lẻ, dàn trải... Với phương châm từng địa phương phải tự bảo vệ mình, lực lượng vũ trang tỉnh (thành phố) nói chung, TTG nói riêng phải phát huy vai trò độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong đánh địch, bảo vệ vững chắc địa bàn; cho nên, nghệ thuật sử dụng TTG phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm có thể tác chiến tập trung, tác chiến phối hợp và tác chiến độc lập trên các địa bàn, nhất là ở các địa bàn rừng núi hiểm trở. Nhưng dù tác chiến dưới hình thức và quy mô nào, việc sử dụng TTG cũng phải bảo đảm bí mật, bất ngờ, đúng lúc, đúng thời cơ; đồng thời, kết hợp vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, nhất là lực lượng tại chỗ trên địa bàn, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, vừa hoàn thành các nhiệm vụ được giao, vừa bảo toàn được lực lượng để bám trụ chiến đấu lâu dài, góp phần bảo vệ địa bàn trong mọi tình huống.

2. Sử dụng lực lượng TTG trong TCPT quân khu. TTG tham gia TCPT quân khu chủ yếu là lực lượng của quân khu; có thể có các phân đội TTG của Hải quân tham gia phòng thủ, phòng ngự trên các đảo khi tác chiến diễn ra ở địa bàn ven biển. Ngoài ra, trong các điều kiện cụ thể có thể được tăng cường TTG của Bộ, hoặc phối hợp với TTG của các binh đoàn chủ lực trên địa bàn. Tuy lực lượng không nhiều, nhưng với các đặc tính ưu việt, TTG luôn là lực lượng chiến đấu quan trọng, góp phần nâng cao sức mạnh và nhịp độ chiến đấu; tăng cường tính vững chắc, tích cực, chủ động cho TCPT quân khu. Đặc biệt, trong tác chiến hiệp đồng binh chủng và phối hợp ba thứ quân, TTG thường cùng với bộ binh, có khi độc lập đảm nhiệm các nhiệm vụ: đánh địch đột nhập, ĐBĐK, thọc sâu, vu hồi; tham gia ngăn chặn, tiêu diệt, đập tan âm mưu bạo loạn lật đổ có vũ trang và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác. Trong đó, đánh địch đột nhập, ĐBĐK, thọc sâu, vu hồi là nhiệm vụ quan trọng nhất. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, việc sử dụng TTG trong TCPT quân khu cần quán triệt các yêu cầu sử dụng TTG trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và các nguyên tắc trong TCPT quân khu. Về hướng sử dụng, tập trung TTG trên hướng phòng thủ chủ yếu, quan trọng trong KVPT chủ yếu, then chốt của quân khu, nhưng cũng phải coi trọng các hướng khác, khu vực khác. Trường hợp điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, nếu sử dụng phân đội nhỏ TTG mà có hiệu quả cao cũng nên mạnh dạn sử dụng, song không sử dụng phân tán kéo dài. Về quy mô, có thể sử dụng từng phân đội TTG, tăng cường hoặc hiệp đồng với các đơn vị BCHT thực hiện các nhiệm vụ, các trận đánh theo quyết tâm và kế hoạch TCPT. Khi có điều kiện, thời cơ, có thể sử dụng TTG ở quy mô lớn hơn, phối hợp với các đơn vị BCHT thực hiện các trận đánh hiệp đồng binh chủng lớn, tiêu diệt lực lượng chủ yếu, quan trọng của địch. Với tư tưởng, quan điểm trên, nghệ thuật sử dụng TTG trong TCPT quân khu, dù làm nhiệm vụ phòng thủ, phòng ngự, hay cơ động tiến công đều phải vận dụng linh hoạt, phù hợp với cách đánh của BCHT; phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, sở trường của TTG. Đối với TTG làm nhiệm vụ phòng thủ, phòng ngự, tùy tình hình và nhiệm vụ cụ thể, có thể sử dụng một bộ phận phòng ngự, còn phần lớn để cơ động tiến công, khi cần thiết có thể sử dụng một bộ phận TTG làm nhiệm vụ đánh địch ở phía trước, hoặc phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt bọn bạo loạn lật đổ trong KVPT, hoặc khu vực phòng ngự. Đối với TTG làm nhiệm vụ cơ động tiến công đánh địch đột nhập, ĐBĐK, vu hồi, thọc sâu, có thể sử dụng theo từng đại đội, trung đội TTG, phối hợp với các lực lượng khác, thực hiện các trận đánh tiêu diệt gọn từng đại đội, tiểu đoàn địch; đánh bại từng lực lượng địch (lữ đoàn), nhất là trong các trận then chốt của quân khu. Do TCPT quân khu diễn ra trong phạm vi rộng, trên nhiều địa hình phức tạp, nên cần coi trọng việc sử dụng TTG tham gia đánh địch chuyển hướng tiến công, hoặc vu hồi vào chiều sâu phòng thủ của quân khu. Trong quá trình tác chiến, khi có điều kiện thời cơ, có thể sử dụng TTG tác chiến độc lập, nhưng phải tăng cường lực lượng và làm tốt công tác bảo đảm mọi mặt để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Sử dụng TTG trong TCPT chiến lược. Trên cơ sở quán triệt tư tưởng chỉ đạo và các nguyên tắc TCPT chiến lược, việc sử dụng TTG phải bảo đảm tham gia đánh địch rộng khắp trên các chiến trường, nhưng tập trung vào chiến trường, hướng chiến lược chủ yếu, khu vực, mục tiêu chủ yếu và thời cơ quyết định. Trong đó, sử dụng TTG tham gia các chiến dịch, chiến dịch- chiến lược: phòng thủ, phòng ngự, phản công, tiến công..., ở các quy mô khác nhau, nhằm tiêu diệt bộ phận quan trọng trong lực lượng tiến công chủ yếu của địch, đánh bại các biện pháp tác chiến chiến lược của chúng, bảo vệ vững chắc các mục tiêu chiến lược trọng yếu là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến thắng lợi của TCPT chiến lược. Tùy tình hình cụ thể về địch, về khả năng lực lượng của ta và địa hình trên từng chiến trường, hướng chiến lược để sử dụng TTG trong các loại hình chiến dịch cho phù hợp. Đối với các chiến dịch phòng thủ, phòng ngự, được tổ chức nhằm ngăn chặn, làm chậm bước tiến công của địch trên một hướng của chiến trường, từng hướng chiến lược, bảo vệ vững chắc các mục tiêu chiến lược chủ yếu, góp phần tạo ra sự ổn định thế trận phòng thủ trên từng khu vực và phạm vi cả nước và tạo thế có lợi cho tác chiến phản công, tiến công chiến lược, có thể sử dụng phần lớn TTG của quân khu, hoặc có thể có một bộ phận TTG của binh đoàn chủ lực tham gia để làm tăng độ vững chắc và chiều sâu trong phòng thủ, phòng ngự. Trong đó, có thể sử dụng phần lớn lực lượng này làm nhiệm vụ cơ động trong phòng ngự, cùng với bộ binh và các lực lượng khác thực hiện các đòn phản công đánh địch đột nhập, ĐBĐK, vu hồi vào khu vực phòng ngự. Khi cần thiết, có thể sử dụng một bộ phận TTG làm nhiệm vụ phòng ngự, trực tiếp đánh địch tiến công vào trận địa; hoặc cũng có thể sử dụng một bộ phận lực lượng TTG tham gia tác chiến tại các chốt chiến dịch, chiến lược, nhằm ngăn chặn, đánh trả kịp thời, có hiệu quả lực lượng tiến công chủ yếu của địch vào hướng, KVPT chủ yếu của ta.

Đối với các chiến dịch phản công, tiến công, tùy theo quy mô lực lượng, nhiệm vụ, ý định tác chiến phản công, tiến công và khả năng của lực lượng TTG mà sử dụng cho phù hợp. Trong đó, yếu tố đặc biệt quan trọng là sử dụng TTG phải đúng thời cơ, tập trung vào mục tiêu chủ yếu, chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời, cùng các lực lượng khác bẻ gãy các cánh quân địch tiến công đường bộ, tiêu diệt lực lượng chủ yếu của địch trong phòng ngự hoặc lực lượng ứng cứu đường bộ, đường không của chúng, giành thắng lợi. Trường hợp đặc biệt, có thể sử dụng lực lượng TTG dự bị chiến lược tăng cường cho lực lượng cơ động chiến lược, hình thành các binh đoàn thọc sâu, hoặc thành các cụm lực lượng chiến dịch, chiến lược thực hiện những chiến dịch phản công, tiến công quy mô lớn, tiêu diệt địch trên chiến trường, hướng chiến lược chủ yếu, giành thắng lợi quyết định, tiến tới đánh bại ý chí xâm lược của địch, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đại tá, TS. ĐỖ VINH

Chủ nhiệm Bộ môn Tăng-Thiết giáp

Học viện Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)