QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 03:17 (GMT+7)
Nghệ thuật sử dụng tăng thiết giáp tác chiến chiến dịch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là từ những năm 1968-1975, Bộ đội Tăng-thiết giáp (TTG) đã được sử dụng trong nhiều chiến dịch cả tiến công, phản công và phòng ngự; đỉnh cao là các chiến dịch tiến công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà điển hình là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ thực tiễn chiến đấu cho thấy, mặc dù lực lượng TTG của ta còn nhỏ, trang bị thiếu đồng bộ, kinh nghiệm tác chiến còn hạn chế, nhưng do nghệ thuật sử dụng TTG của ta sáng tạo, hợp lý, đúng thời cơ, có cách đánh phù hợp với điều kiện địa hình từng chiến trường, nên đã phát huy được vai trò là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân; trong nhiều trận đánh, chiến dịch, TTG cùng với bộ binh là lực lượng đột kích quan trọng chủ yếu, góp phần quyết định thắng lợi của trận đánh, chiến dịch.

Ngày nay, sự phát triển rất nhanh của vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, trong đó có TTG, đã cho phép quân đội nhiều nước vận dụng các hình thức, thủ đoạn tác chiến mới. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), khi thực hành tác chiến chiến dịch, chúng ta có thể sẽ phải đối phó với các liên binh đoàn tác chiến liên hợp của địch. Địch sẽ sử dụng các loại phương tiện trinh sát hiện đại và các đòn tiến công bằng không quân, pháo binh, tên lửa tập trung đánh vào các mục tiêu chiến dịch, trong đó TTG là một mục tiêu trọng điểm bị đánh phá ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến dịch. Khi tiến công trên bộ, địch có thể triển khai từ nhiều hướng: biên giới đất liền, hướng biển và đổ bộ đường không. Trên từng hướng tiến công, địch có thể sử dụng lực lượng lớn TTG tiến hành đột phá, tiến công chính diện kết hợp với vu hồi, tiến công vượt điểm, đổ bộ đường không để đánh chiếm các mục tiêu trong chiều sâu chiến dịch, chiến lược; phối hợp với lực lượng bạo loạn bên trong làm rối loạn hậu phương, thực hiện chia cắt chiến trường, làm mất thế liên hoàn trong thế trận phòng thủ của ta. Về ta, tổ chức, biên chế, trang bị, huấn luyện của lực lượng TTG và tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, nghệ thuật tác chiến đã có những phát triển. Vì vậy, việc nghiên cứu nghệ thuật sử dụng TTG nói chung, nghệ thuật sử dụng TTG trong tác chiến chiến dịch nói riêng là cần thiết. Dưới đây, chúng tôi xin nêu một số vấn đề về nghệ thuật sử dụng TTG tác chiến chiến dịch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1. Sử dụng TTG phải bí mật, bất ngờ. Bí mật, bất ngờ là một trong những nguyên tắc tác chiến cơ bản của lực lượng vũ trang, là nghệ thuật giành và giữ quyền chủ động, yếu tố tạo nên sức mạnh, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho ta, đẩy kẻ địch vào thế bất lợi, bị động đối phó. Việc giữ bí mật, bất ngờ đối với TTG là hết sức khó khăn, bởi TTG là mục tiêu cồng kềnh, tiếng động lớn, sự phát nhiệt, phát xạ mạnh, nên dễ bị phát hiện, sát thương, nhất là trong điều kiện địch sử dụng nhiều phương tiện trinh sát hiện đại, vũ khí công nghệ cao và tác chiến điện tử rộng rãi. Vì vậy, yếu tố bí mật, bất ngờ đối với TTG trong từng chiến dịch, từng giai đoạn, từng trận đánh càng trở nên quan trọng. Nghệ thuật sử dụng TTG phải phấn đấu để đạt được bí mật, bất ngờ về ý định sử dụng, quy mô lực lượng, thời gian, không gian và cách đánh. Những yếu tố đó cần đạt được ở cả  phạm vi chiến đấu, chiến dịch và chiến lược; càng giữ được bí mật, bất ngờ ở cấp cao hơn thì hiệu quả chiến đấu càng lớn. Thực tiễn đã chứng minh, trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (1968), do việc sử dụng TTG giữ được bí mật, bất ngờ về ý định sử dụng, quy mô lực lượng, đường cơ động, cách đánh nên ta đã giành thắng lợi lớn ở trận Tà Mây, Làng Vây, mở đầu trang sử truyền thống vẻ vang của Bộ đội TTG “Đã ra quân là đánh thắng”. Trong chiến dịch Tây Nguyên (năm 1975), ta đã giữ được bí mật tuyệt đối ý định hành động, tập kết TTG từ xa (cách mục tiêu khoảng 40 km), lợi dụng sơ hở của địch, cơ động nhanh, vượt qua các cứ điểm vòng ngoài, bất ngờ từ nhiều hướng, nhiều mũi đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột, làm cho địch bị bất ngờ, hoảng loạn và tan rã nhanh chóng. Ngày nay, trong điều kiện tác chiến mới, muốn sử dụng TTG bí mật, bất ngờ thì vấn đề mấu chốt là phải hạn chế được khả năng phát hiện của địch, giữ được bí mật cho TTG ở các khu vực tập kết, tạm dừng, các tuyến bắn..., trước khi xuất phát và cơ động tiến công mục tiêu cũng như sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Để làm được điều đó, người chỉ huy binh chủng hợp thành (Tư lệnh chiến dịch), cơ quan tham mưu chiến dịch và người chỉ huy TTG phải tổ chức nghiên cứu, nắm chắc địch (nhất là về âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động, biện pháp trinh sát tác chiến của chúng); nắm chắc tình hình địa hình, thời tiết khu vực tác chiến; phát huy năng lực tư duy, sáng tạo, kịp thời nắm bắt tình huống, nhạy bén xoay chuyển tình thế để tạo ra bí mật, bất ngờ ngay từ đầu; trong điều kiện cho phép, có thể từ bất ngờ này tạo ra bất ngờ khác mới hơn, cao hơn, hiệu quả hơn. Cùng với đó, cần triệt để tận dụng thế trận của khu vực phòng thủ địa phương, thế trận do chiến dịch tạo ra, nhất là hệ thống đường cơ động, địa hình tự nhiên có lợi (các hang, động, cầu, cống, ngầm, lòng suối cạn...) để bố trí, cơ động và triển khai TTG, bảo đảm bí mật, bất ngờ, hạn chế thấp nhất những thiệt hại trong chiến đấu. Coi trọng công tác ngụy trang, nghi binh, sử dụng nhiều biện pháp ngụy trang tổng hợp: kết hợp giữa chiến thuật và kỹ thuật; giữa ngụy trang với nghi binh, tạo giả; giữa bố trí tại chỗ và cơ động TTG linh hoạt; kết hợp các biện pháp ngụy trang thủ công, thô sơ với sản xuất các loại xe TTG hiện đại “giả như thật”, xây dựng nhiều khu vực bố trí, tập kết TTG giả để chống lại khả năng phương tiện trinh sát hiện đại,  mang tính tổng hợp cao của địch.
2. Sử dụng TTG phải tập trung vào địa điểm, thời cơ có ý nghĩa quyết định. Đây là một nguyên tắc chủ đạo, đồng thời là biện pháp để nâng cao hiệu quả chiến đấu của Bộ đội TTG. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, so sánh lực lượng TTG về quy mô chiến dịch ta thường ít hơn địch từ 4 đến 8 lần, đó là chưa nói đến chất lượng và chủng loại. Do đó, trong tác chiến chiến dịch không thể lấy số lượng TTG của ta để chọi với số lượng TTG của địch, mà nghệ thuật giành thắng lợi là ở chỗ biết sử dụng tập trung vào những địa điểm, thời cơ có ý nghĩa quyết định để tạo nên ưu thế áp đảo, làm chuyển hóa so sánh lực lượng chiến dịch. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, địch có thể sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, các loại vũ khí chống tăng hiện đại, nhất là máy bay trực thăng vũ trang mang tên lửa chống tăng..., để tiêu diệt TTG của ta; địch cũng có thể vận dụng nguyên tắc tập trung binh, hoả lực để thực hiện mục tiêu đánh nhanh, giải quyết nhanh. Vì vậy, nghệ thuật sử dụng tập trung TTG chiến dịch phải quán triệt, vận dụng sáng tạo nguyên tắc tập trung lực lượng phù hợp với từng giai đoạn, trận đánh, từng loại hình chiến dịch, đáp ứng yêu cầu vừa tạo ra sức mạnh đột kích và ưu thế về hỏa lực có trọng điểm, vừa bảo toàn được lực lượng thực hiện nhiệm vụ tác chiến trước mắt và lâu dài. Nghệ thuật tập trung TTG chiến dịch cần được thể hiện toàn diện cả số lượng TTG, chất lượng bộ đội, tổ chức chỉ huy và các mặt bảo đảm. Đồng thời, cần xác định chính xác chiến trường, địa bàn, khu vực tác chiến chủ yếu và nắm thời cơ để sử dụng TTG tập trung vào thời điểm quyết định. Tác chiến trong điều kiện mới, các chiến dịch của ta dù vận dụng loại hình nào cũng đều phải tiến hành trong các khu vực phòng thủ địa phương, trên địa bàn rộng, có nhiều lực lượng tham gia, diễn biến tình huống mau lẹ, quyết liệt và phức tạp. Do đó, tập trung TTG chiến dịch còn phải gắn với tập trung lực lượng của binh chủng hợp thành và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác; kết hợp các phương thức tác chiến, hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh địch rộng khắp, tiêu hao, tiêu diệt và phân tán sự đối phó tập trung của địch. Tập trung TTG chiến dịch phải kết hợp giữa lực lượng TTG tại chỗ với lực lượng TTG cơ động, giữa lực lượng TTG của chiến dịch với TTG của khu vực phòng thủ địa phương, giữa các lực lượng đánh trước với lực lượng đánh sau…làm cho số lượng TTG chiến dịch của ta tuy không nhiều nhưng vẫn tập trung, tạo được sức mạnh lớn hơn cần thiết để tiêu diệt địch, phá huỷ phương tiện chiến tranh của chúng. Trong từng loại hình chiến dịch, việc sử dụng TTG tập trung cũng khác nhau, nhưng đều phải tập trung thích đáng cho các trận then chốt, then chốt quyết định của chiến dịch; đồng thời, phải chú ý cho các hướng khác cũng như giải quyết tốt mối quan hệ  giữa phân tán và tập trung TTG, duy trì lực lượng để có thể đánh liên tục nhiều trận trong chiến dịch.
3. Sử dụng TTG đột phá, thọc sâu, chia cắt, vu hồi chiến dịch. Thành công của nghệ thuật sử dụng TTG trong chiến đấu, chiến dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà một trong những yếu tố quyết định thắng lợi là thủ đoạn tác chiến và cách đánh của TTG. Cách đánh địch trong và ngoài công sự của TTG trong các chiến dịch tiến công, phản công, phòng ngự của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thể hiện nét đặc sắc là: đột phá kết hợp với thọc sâu, chia cắt, vu hồi để tiêu diệt địch, đặc biệt là tiêu diệt, đánh chiếm mục tiêu chủ yếu, quan trọng. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các thủ đoạn tác chiến nêu trên cần được nghiên cứu, vận dụng có chọn lọc một cách sáng tạo, nhằm phát huy hiệu quả trong tác chiến chiến dịch khi tiến công quân địch phòng ngự trong công sự (khi ta mở chiến dịch tiến công), đánh địch đột nhập (trong chiến dịch phòng ngự), hoặc đánh địch tiến công vượt điểm, đổ bộ đường không khi bị tác chiến phòng thủ, phòng ngự của ta chặn lại, buộc phải lâm thời chuyển vào phòng ngự. Tuy nhiên, tác chiến trong điều kiện mới, ở nhiều trạng thái khác nhau, với vũ khí, trang bị hiện đại, địch đều có khả năng cơ động, chuyển hóa lực lượng linh hoạt để đối phó, nhất là khả năng nhanh chóng “phóng, rải” vật cản chống bộ binh và TTG bằng các phương tiện hiện đại, khả năng cơ động vũ khí chống tăng và TTG linh hoạt để đối phó với ta trên các hướng. Vì vậy, việc tổ chức, sử dụng lực lượng TTG để thực hiện các thủ đoạn tác chiến chiến dịch đột phá, thọc sâu, chia cắt, vu hồi phải căn cứ vào khả năng lực lượng TTG của chiến dịch hiện có và căn cứ vào cách đánh chiến dịch, ý định sử dụng lực lượng của Tư lệnh chiến dịch. Các lực lượng này gồm hai thành phần: lực lượng cơ bản nòng cốt và lực lượng tăng cường. Lực lượng cơ bản nòng cốt có thể là tiểu đoàn hoặc trung đoàn, lữ đoàn TTG. Lực lượng, phương tiện tăng cường thường là phân đội, binh đội bộ binh, công binh, trinh sát, phòng không, pháo binh đi cùng, các phương tiện bảo đảm chiến đấu và lực lượng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Điều quan trọng và cần thiết để lực lượng TTG hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch giao cho là phải đảm bảo hiệp đồng chặt chẽ, liên tục với các lực lượng khác của chiến dịch, nhất là lực lượng binh chủng hợp thành đi cùng. Đồng thời, phải tổ chức bảo đảm chỉ huy thống nhất, liên tục và vững chắc; đặc biệt coi trọng công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và bảo đảm cơ động, tạo điều kiện cho lực lượng TTG phát huy hết khả năng cơ động và hỏa lực, nhanh chóng thực hiện các thủ đoạn tác chiến đúng thời cơ, đánh đúng mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đại tá, PGS, TS.  Đỗ Huy Du
Chủ nhiệm Khoa Binh chủng
Học viện Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)