Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:31 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, để bảo vệ vững chắc nền độc lập, dân tộc ta đã phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chống quân xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn ta nhiều lần. Trong đó, cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược lần thứ hai (1076 - 1077) thắng lợi là một mốc son và niềm tự hào của dân tộc ta. Cuộc kháng chiến đó đã để lại những bài học quý về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật chuyển hóa thế trận từ phòng ngự sang phản công chiến lược, giành thắng lợi quyết định của cuộc chiến tranh.
Sau thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (981), nhà Tống ráo riết chuẩn bị chiến tranh: điều động binh mã, xây dựng căn cứ ở các châu Ung, Khâm, Liêm, gấp rút chuẩn bị lương thảo... để tiến hành chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai (1076-1077), với quy mô lớn hơn. Biết trước được ý đồ của nhà Tống, Triều đình Nhà Lý đã tích cực chuẩn bị đất nước về mọi mặt nhằm sẵn sàng đối phó khi chiến tranh xảy ra. Nhà Lý đã thực hiện giảm tô, giảm thuế, kích thích phát triển sản xuất nông nghiệp, củng cố khối đoàn kết dân tộc, nhất là với các dân tộc giáp biên và trong Vương triều; tăng cường tuyển binh, chọn tướng; luyện võ, tập trận và tổ chức phòng thủ chặt chẽ toàn tuyến biên giới. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, với tầm nhìn chiến lược, tư tưởng quân sự kiệt xuất: “Tiên phát chế nhân”- chờ giặc đến không bằng đem quân đánh trước, Chủ tướng Lý Thường Kiệt đã quyết định tiến công các căn cứ của địch ngay trên đất địch, nhằm tiêu hao một phần lực lượng và quan trọng hơn là phá thế chuẩn bị, giảm sức mạnh tiến công của quân Tống ngay từ khi chúng đang chuẩn bị cho chiến tranh. Đây là một quyết định táo bạo, làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ, thiệt hại lớn. Sau khi phá huỷ hầu hết các căn cứ của địch, hoàn thành mục đích tự bảo vệ, Lý Thường Kiệt đã lui quân về nước nhằm bảo toàn lực lượng; đồng thời, chuẩn bị về mọi mặt để sẵn sàng và chủ động đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của quân Tống vào nước ta lần thứ hai. Ông đã tổ chức lập thế trận phòng thủ đất nước vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, lại có trọng tâm, trọng điểm... Thế trận phòng thủ được tổ chức từ biên giới về đến sông Như Nguyệt, theo hai hình thức: phòng ngự khu vực, phòng ngự tuyến. Phòng ngự khu vực được tổ chức từ biên giới, ven biển Đông Bắc vào sâu trong lãnh thổ; phòng ngự tuyến được tổ chức chặt chẽ với lập tuyến phòng ngự cuối cùng là Sông Như Nguyệt (Sông Cầu): lấy bờ Nam sông Như Nguyệt từ sườn Đông Bắc dãy Tam Đảo đến sườn Tây Nam dãy Nham Biền (dài khoảng 100km), nhằm chặn đứng các hướng, mũi tiến công của địch, không cho chúng tiến vào kinh đô Thăng Long. Cách bố trí thế trận phòng thủ như vậy rất phù hợp, vì địa hình ở đây rất hiểm trở, lại được ta cải tạo sẽ trở thành tuyến phòng thủ kiên cố, vững chắc, liên hoàn có chiều sâu; đồng thời, thuận lợi khi thực hành phản công và tiến công chiến lược.
Mặt khác, để phát huy tối đa sức mạnh của các lực lượng trong thế trận phòng thủ nhằm tiêu hao, tiêu diệt lớn quân địch, tạo thế, tạo thời cho phản công chiến lược giành thắng lợi, Nhà Lý đã sử dụng các lực lượng thổ binh, hương binh và thuỷ binh, bố trí rộng khắp từ biên giới, ven biển vào sâu trong lãnh thổ; ngoài ra còn có một bộ phận nhỏ quân chủ lực của Triều đình triển khai chiến đấu ở những vùng trọng điểm, bảo đảm chi viện, tăng cường cho các lực lượng đánh tiêu hao, tiêu diệt, ngăn chặn và giam chân địch, nhất là quân tải lương của chúng; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng ở chiến tuyến sông Như Nguyệt tổ chức phản công giành thắng lợi quyết định. Ở chiến tuyến chính Như Nguyệt, ta bố trí lực lượng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp cả lực lượng chiến đấu tại chỗ và lực lượng cơ động. Đặc biệt, Lý Thường Kiệt tổ chức đội quân chủ lực do Ông trực tiếp chỉ huy, bố trí ở phủ Thiên Đức (ngay sau chiến tuyến), có thể khống chế mọi ngả đường tiến về Thăng Long, chi viện kịp thời cho các hướng. Đây là lực lượng nòng cốt để phản đột kích, phản công, tiến công chiến lược giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh.
Thực hiện chuyển hóa thế trận từ phòng ngự sang phản công chiến lược giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh chống Tống lần thứ hai, là một tất yếu. Bởi vì, thế trận phòng thủ đất nước được quân, dân Đại Việt xây dựng (bày binh, bố trận) bảo đảm: vững chắc, liên hoàn, vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu; tạo thuận lợi cho các lực lượng phối hợp, hiệp đồng đánh địch cả phía trước, phía sau và ngay trong khu vực địch chiếm đóng, nhờ đó đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều quân địch và bẻ gẫy, đẩy lùi nhiều đợt, mũi tiến công của địch. Đáng chú ý, cả đạo quân bảo đảm lương thảo của địch cũng bị ta đánh bại; thậm chí có những mũi tiến công đã vượt qua tuyến phòng ngự, vào gần đến Kinh đô cũng bị tiêu diệt, làm cho địch hoang mang, dao động, giảm sút ý chí tiến công, buộc phải chuyển vào phòng ngự ở bờ Bắc sông Như Nguyệt. Lý Thường Kiệt tổ chức phản công ở hướng thứ yếu (núi Nham Biền), đã thu hút toàn bộ quân địch ra đối phó, trong đó có cả lực lượng dự bị. Chớp thời cơ, Ông tập trung lực lượng tổ chức vượt sông quy mô lớn, đánh đúng vào nơi hiểm nhưng lại sơ hở và yếu của địch (do ta tạo ra), làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ, lúng túng đối phó; thế trận của chúng bị phá vỡ; các cánh quân của ta tiếp tục phát triển tiến công đánh chiếm các trại quân của Tống, kết thúc chiến tranh, buộc địch rút quân về nước. Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai thắng lợi đã để lại nhiều bài học; trong đó, bài học quý báu nhất là "nghệ thuật chuyển hóa thế trận từ phòng ngự sang phản công chiến lược", vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai có nhiều đặc điểm khác trước: địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; thực hiện tác chiến trên cả 5 môi trường (không, bộ, biển, vũ trụ và phổ điện từ); thời gian chuẩn bị chiến tranh rất ngắn, tập trung lớn lực lượng của nhiều quốc gia. Đối với ta, nhất là qua 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (2001-2010) và 8 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc (2003-2010), tình hình kinh tế, chính trị, quân sự đã có những phát triển vượt bậc; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố và hoàn thiện. Bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới đòi hỏi chúng ta phải có tiềm lực quốc gia đủ mạnh về mọi mặt, nhất là tiềm lực quân sự để sẵn sàng đối phó thắng lợi trước mọi cuộc chiến tranh xâm lược; sẵn sàng tiến công phá thế trận của địch đang chuẩn bị tiến công ta. Đồng thời, phải thường xuyên quán triệt tư tưởng chủ động tiến công, giành thế chủ động ngay cả trong hoạt động tác chiến phòng thủ và trong chiến tranh. Thực hiện tốt nội dung này sẽ trực tiếp góp phần tạo thế, tạo lực cho hoạt động tác chiến phòng thủ chuyển sang phản công, tiến công chiến lược giành thắng lợi.
Kinh tế-xã hội phát triển là yếu tố trực tiếp thúc đẩy quá trình đô thị hoá ngày càng nhanh, làm cho môi trường tác chiến (địa hình) liên tục biến đổi, tác động không nhỏ đến thế trận quốc phòng toàn dân. Do vậy, phải hết sức coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh để bảo đảm các hệ thống an sinh xã hội (đường giao thông, công trình dân sinh, khu công nghiệp,…) gắn chặt với thế trận phòng thủ của từng khu vực, địa bàn. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ như vậy, thì chính những hệ thống này lại là mục tiêu, điểm chuẩn để địch đánh phá. Cùng với đó, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật đã làm cho hệ thống vũ khí, phương tiện chiến tranh thế hệ mới ra đời có tính năng vượt trội về khả năng trinh sát, độ chính xác, sức đột phá và khả năng chọc thủng tiền duyên của ta. Do vậy, xây dựng khu vực phòng thủ phải coi trọng cả chiều rộng, chiều sâu; xây dựng làng, xã, huyện… thành những thành trì liên kết trong một thể thống nhất, vững chắc. Xây dựng khu vực phòng thủ, trước hết, phải xây dựng hệ thống trận địa (chính thức, dự bị, nghi binh…) và các công trình chiến đấu khác; bảo đảm cho các binh đoàn chủ lực phối hợp cùng với lực lượng vũ trang địa phương đánh chặn, tiêu hao, tiêu diệt, giam chân địch và thuận lợi trong cơ động chuyển hoá thế trận. Cùng với đó, việc thiết lập hệ thống trận địa ở tuyến phòng thủ trên hướng chiến lược phải bảo đảm phát huy tối đa sức mạnh, hoả lực của các lực lượng. Xây dựng thế trận ở tuyến phòng thủ cần chú trọng thế trận của lực lượng cơ động chiến lược, nhất là thế trận của Bộ đội Tăng-Thiết giáp; bởi lẽ, đây là lực lượng có khả năng thọc sâu, đột phá mạnh vào khu vực phòng ngự của địch. Xây dựng thế trận phải bảo đảm yêu cầu: bí mật, vững chắc, liên hoàn, có chính diện rộng, có chiều sâu, đánh được địch cả trên bộ, trên không và biển, đảo từ xa đến gần...
Trong thực hiện tác chiến phòng thủ chiến lược bảo vệ Tổ quốc, ta có nhiều thuận lợi, lực lượng được triển khai trong thế trận của chiến tranh nhân dân phát triển; bố trí ở khắp địa bàn chiến dịch, đặc biệt là các vùng tác chiến chiến lược, các vùng trọng điểm trên hướng chiến lược. Vì vậy, bố trí lực lượng phòng thủ phải phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng của các quân khu, quân đoàn với lực lượng vũ trang địa phương trên khắp địa bàn tác chiến; trong đó, lực lượng của các binh đoàn cơ động mạnh phải bố trí, triển khai ở vị trí trọng điểm chiến lược, có nhiệm vụ tiêu hao, tiêu diệt lớn quân địch và sẵn sàng chi viện, ứng cứu kịp thời cho các lực lượng khác. Bố trí lực lượng ở tuyến phòng thủ phải có trọng tâm, trọng điểm, nhưng phải cho phép chi viện, ứng cứu, và bảo vệ được nhau. Binh đoàn cơ động nhanh, hoả lực mạnh của ta phải bố trí ở vị trí thuận lợi, để vừa có thể đánh chặn địch ở mọi hướng, thậm chí tiêu diệt được cả mũi đã chọc thủng tiền duyên, tiến vào tung thâm của ta; đồng thời, cùng các lực lượng khác đánh địch đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không. Đây là lực lượng có thể chi viện, tăng cường kịp thời cho bộ phận tiến công phía trước của chúng. Khi có điều kiện, thời cơ tổ chức phản công phải chú ý sử dụng lực lượng bí mật, linh hoạt, mau lẹ, sẵn sàng lật cánh, chuyển hướng, làm cho địch rơi vào thế bị động, đối phó với cách đánh của ta.
Để tạo điều kiện, thời cơ thuận lợi cho việc chuyển hóa thế trận từ tác chiến phòng thủ sang phản công chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phải tổ chức huấn luyện diễn tập cho các thành phần trong khu vực phòng thủ sát với điều kiện chiến tranh hiện đại; từng bước nâng cao khả năng tác chiến và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, đánh thắng mọi kẻ thù nếu chúng liều lĩnh phát động chiến tranh xâm lược nước ta, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
PGS, TS. NGUYỄN MINH ĐỨC
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011