Thứ Bảy, 23/11/2024, 16:08 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Quan điểm chỉ đạo cơ bản, xuyên suốt quá trình phát triển của nền y tế cách mạng Việt Nam được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khoá VII) về một số vấn đề cấp bách trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tiếp tục khẳng định: "sức khoẻ là vốn quí nhất của mỗi con người và toàn xã hội, là điều kiện để mọi gia đình có hạnh phúc, là cơ sở để bảo đảm giống nòi, là nhân tố quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Quán triệt sâu sắc quan điểm đó, những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm đầu tư đúng mức của cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã hội từ Trung ương tới cơ sở, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã có bước phát triển mới và đạt được những thành tựu rất quan trọng. Các chương trình y tế quốc gia như: chương trình tiêm chủng mở rộng; phòng chống sốt rét, bướu cổ; phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em; chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình; vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống HIV/AIDS...đã được triển khai rộng khắp, hiệu quả ngày một cao. Hoạt động y tế dự phòng được đẩy mạnh hơn. Một số dịch bệnh mới như dịch viêm phổi cấp (SARS) được ngăn chặn, khắc phục nhanh. Một số cơ sở y tế chuyên ngành được nâng cấp, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở từng bước được củng cố và phát triển. Đến nay, 100% số xã trong toàn quốc đã có trạm y tế, trên 65% số trạm y tế xã có bác sĩ, trên 80% thôn bản có nhân viên y tế. Đặc biệt, chương trình kết hợp quân- dân y chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bộ đội đã phát huy hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và bộ đội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Có thể khẳng định, những kết quả đạt được của ngành Y tế nói chung và của mạng lưới y tế cơ sở nói riêng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và củng cố quốc phòng- an ninh đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, mạng lưới y tế cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, việc chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh cho nhân dân còn khó khăn, bất cập. Nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở, nhất là đối với quốc phòng-an ninh; vì thế, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức và đầu tư thoả đáng để củng cố, phát triển mạng lưới y tế quan trọng này. Hiện nay, một số bệnh liên quan đến vệ sinh, môi trường và cung cấp nước sạch như các bệnh giun sán, tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt rét..., các bệnh tim mạch, ung thư, tâm thần, HIV/AIDS, tai nạn chấn thương, tai nạn giao thông... đang xuất hiện với tỷ lệ ngày càng gia tăng, chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Những khó khăn và thách thức đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến xây dựng nguồn lực con người để phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: " Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển con người. Tăng đầu tư của Nhà nước và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, các trung tâm y tế vùng, các cơ sở y tế chuyên sâu; đồng thời, có chính sách trợ giúp các đối tượng chính sách, người nghèo, người có thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ y tế... Phát huy vai trò và hiệu quả của chương trình kết hợp quân-dân y trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân và các lực lượng vũ trang (LLVT), nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo". Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành Y tế cùng các cấp, các ngành, đoàn thể đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân ở tuyến cơ sở, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định rõ quan điểm: sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ là trách nhiệm của cả cộng đồng và của mỗi người dân; là trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội; trong đó ngành Y tế giữ vai trò nòng cốt. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm đó, ngành Y tế đã và đang chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động mọi tầng lớp nhân dân và các tổ chức xã hội tham gia vào việc bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân mình và cộng đồng; đề cao trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đối với việc chăm lo xây dựng, củng cố, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hoá, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân với chế độ XHCN.
Hiện nay, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng đang mở ra cho ngành Y tế nước ta nhiều triển vọng mới, nhất là lĩnh vực tiếp nhận thành quả y học thế giới, hiện đại hoá các trang thiết bị phòng và khám, chữa bệnh cho nhân dân và bộ đội... Bên cạnh đó, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức không nhỏ, nhất là đối với mạng lưới y tế cơ sở, đòi hỏi ngành Y tế cùng các ngành, địa phương, đơn vị LLVT phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đồng thời, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của các lực lượng xã hội trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bộ đội. Tích cực tham gia các chương trình y tế phòng, chống bệnh tật, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông; giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao thể lực, trí tuệ, tăng tuổi thọ, phát triển giống nòi khoẻ mạnh... Đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để đất nước ta luôn có được nguồn nhân lực dồi dào, khoẻ mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng- an ninh đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là, gắn chặt việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở với tăng cường đảm bảo quốc phòng- an ninh trên từng địa bàn và cả nước. Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp nhất, có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và LLVT. Vì vậy, ngành Y tế cùng với các ngành, địa phương và đơn vị lực LLVT cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo hướng rộng khắp, vừa có diện rộng, vừa có chuyên sâu, bảo đảm hoạt động có chất lượng, đạt hiệu quả cao cả trong thời bình và sẵn sàng chuyển sang phục vụ thời chiến nếu xảy ra chiến tranh. Ngay từ thời bình phải quy hoạch, xây dựng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa khu vực và bệnh viện dã chiến ở trên địa bàn để đưa kỹ thuật khám, chữa bệnh thích hợp đến với người dân. Việc đầu tư theo quy hoạch phải vừa đảm bảo tính toàn diện, rộng khắp, vừa tập trung có trọng điểm, ưu tiên các địa bàn quan trọng về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Cùng với đó phải hoàn thiện qui hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh theo cụm dân cư, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của phòng khám đa khoa cụm liên xã, nhất là ở các địa bàn chiến lược, vùng núi, biên giới, hải đảo. Tiếp tục kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường cán bộ và trang thiết bị y tế thích hợp cho y tế cơ sở, mở rộng các hình thức đào tạo và bồi dưỡng để phát triển đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, ưu tiên đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ, bảo đảm đủ chức danh cán bộ cho trạm y tế, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ y-dược học cổ truyền. Phấn đấu đến năm 2010, tại 100% các trạm y tế vùng đồng bằng, trung du và 60 % số trạm y tế xã miền núi, vùng sâu có bác sĩ; 80% số trạm y tế có nữ hộ sinh trung học; các trạm y tế đều có cán bộ với trình độ dược tá phụ trách công tác dược và có cán bộ được đào tạo, bổ túc về y học cổ truyền; thường xuyên 100% thôn bản có nhân viên y tế với trình độ sơ học trở lên. Có chính sách đãi ngộ thích hợp để khuyến khích cán bộ y tế làm việc tại các trạm y tế xã, phường, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; ưu tiên dành ngân sách để nâng cấp y tế cơ sở ở các vùng khó khăn, nhất là các vùng trước đây là căn cứ cách mạng.
Ba là, nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình kết hợp quân-dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội trên các địa bàn, địa phương. Đây là vấn đề quan trọng và thiết thực đối với việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bộ đội, đáp ứng yêu cầu phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cũng vì thế, Bộ Y tế và Bộ quốc phòng đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện tốt chương trình kết hợp quân-dân y và lấy việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và các LLVT, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là mục tiêu phấn đấu của mình. Qua hơn 15 năm hoạt động, chương trình này đã phát huy tác dụng tích cực, thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào chiến lược chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bộ đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên từng địa bàn và trong cả nước. Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bộ đội trong điều kiện mới, nhất là ở địa bàn chiến lược, miền núi, biên giới, hải đảo, mạng lưới y tế (quân và dân y) phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng quân- dân y trên cả nước và trên từng địa bàn cùng tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bộ đội theo định hướng chiến lược về y tế mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định. Riêng năm 2006 Bộ Y tế đã đầu tư nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh, bổ sung trang bị y tế, bổ sung thuốc thiết yếu, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cộng đồng, tập huấn cán bộ y tế cho 50 trạm y tế kết hợp quân-dân y tại các xã vùng sâu, biên giới với kinh phí hoạt động 2.940 triệu đồng và tiếp tục hỗ trợ cho 44 trạm y tế kết hợp quân-dân y (đã đầu tư nâng cấp năm 2005) với kinh phí hoạt động là 290 triệu đồng. Năm 2007, dự kiến hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động cho 31 trạm kết hợp quân-dân y tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới và trang bị cho 2 trung tâm y tế huyện đảo, khu vực trọng điểm về quốc phòng- an ninh. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban quân-dân y tỉnh, huyện. Đa dạng hoá các các hình thức kết hợp quân-dân y, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng quân-dân y có trên địa bàn, phối hợp thực hiện toàn diện các nội dung của chương trình y tế quốc gia ở địa phương, cơ sở.
TS. Trần Chí Liêm
Thứ trưởng Bộ Y tế
Chỉ huy trưởng BCHQS Bộ Y tế
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011