QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 22:54 (GMT+7)
Ngành Tài chính quân đội trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng (BQP), trong đó có Ty Quản lý- tiền thân cục Tài chính BQP ngày nay.

Ra đời ngay sau khi nước nhà mới giành được độc lập, nền kinh tế - tài chính Nhà nước kiệt quệ, nguồn tài chính bảo đảm cho quân đội gặp muôn vàn khó khăn, chủ yếu là dựa vào sự đóng góp của nhân dân, kết hợp với động viên theo nghĩa vụ, bằng nhiều hình thức như: "Qũy độc lập", "Tuần lễ vàng", "Đảm phụ quốc phòng"... Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành, được sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), BQP; sự hợp tác, giúp đỡ của các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội, nhân dân các địa phương, ngành Tài chính quân đội (TCQĐ) luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, thực hành cần kiệm, khắc phục mọi khó khăn, thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội qua từng thời kỳ cách mạng; nắm vững và quản lý tốt ngân sách Nhà nước (NSNN), các nguồn thu tài chính, chủ động đề xuất các chính sách, chế độ sử dụng, chi tiêu hợp lý trong điều kiện nhu cầu rất lớn, nhưng khả năng có hạn, kịp thời đáp ứng nhu cầu về tài chính cho quân đội xây dựng, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) Việt Nam XHCN. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới đất nước, việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp sang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đã làm thay đổi phương thức bảo đảm (PTBĐ) ngân sách của Nhà nước cho hoạt động của quốc phòng (QP), từ bảo đảm hiện vật là chủ yếu sang bảo đảm bằng tiền là chính. Ngành TCQĐ, trực tiếp là cơ quan tài chính cấp chiến lược đã kịp thời tham mưu, đề xuất ĐUQSTƯ, BQP về đổi mới PTBĐ tài chính trong quân đội theo cơ chế mới. Đối với các đơn vị dự toán, thực hiện tiền tệ hóa quản lý tài chính, ngân sách; chuyển phương thức bảo đảm ngân sách của các ngành sang phương thức cung ứng vốn, kết hợp với mở rộng phân cấp ngân sách cho các đơn vị. Đồng thời, tiến hành đổi mới cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp (TCDN); trao quyền sử dụng vốn và trách nhiệm bảo toàn vốn cho các doanh nghiệp (DN); thực hiện tự chủ về tài chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX, KD), tạo điều kiện cho các DN hoạt động đạt hiệu quả, tăng nguồn thu tài chính đưa vào cân đối bổ sung ngân sách cho các lĩnh vực hoạt động... Điểm nổi bật là Ngành đã tập trung nỗ lực xây dựng, ban hành hệ thống văn bản tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cho quá trình thực hiện quản lý, điều hành ngân sách và hoạt động của công tác TCQĐ. Trong đó, đã hoàn thiện và ban hành Điều lệ công tác Tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam (thay Điều lệ công tác Tài chính ban hành năm 1964), thể chế hóa các nội dung về lập, chấp hành ngân sách theo qui định của Luật ngân sách Nhà nước (NSNN), phù hợp với đặc thù QP, phát huy được tính chủ động, sáng tạo và chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành, vai trò tham mưu nòng cốt của ngành Tài chính đối với công tác TCQĐ. Cùng với đó, ĐUQSTƯ đã ban hành Qui chế 145/ ĐUQSTƯ về "Qui chế lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác Tài chính quân đội"; BQP ban hành Chỉ thị 64/CT-BQP về "Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt". Với sự phối hợp đồng bộ, công tác TCQĐ được vận hành theo cơ chế: cấp ủy Đảng lãnh đạo theo qui chế, người chỉ huy điều hành theo Luật NSNN và Điều lệ công tác Tài chính quân đội, cơ quan tài chính làm tham mưu tổ chức thực hiện, với sự tham gia của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, thông qua qui chế công khai tài chính và phong trào thi đua xây dựng "Đơn vị quản lý tài chính tốt". Nhờ vậy, các hoạt động công tác TCQĐ thường xuyên được duy trì có nền nếp, quản lý chặt chẽ và sử dụng các nguồn ngân sách tập trung, đúng trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, phù hợp với đặc thù QP; thực hiện đề án cải cách tiền lương quân đội theo tiến trình của Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ, qui định, nhất là các khâu quản lý, kiểm tra, kiểm soát chi tiêu, sử dụng tài chính, tài sản công, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách ở các đơn vị..., từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm tài chính cho toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ BVTQ và tham gia phát triển kinh tế - xã hội (KT -XH) đất nước.

Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành TCQĐ đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và xây đắp nên truyền thống vẻ vang, rất đỗi tự hào. Đó là: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ quân đội. "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Chủ động, đoàn kết, sáng tạo; thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, bám sát thực tiễn, không quản ngại khó khăn, gian khổ, tích cực phát huy vai trò tham mưu về công tác tài chính, bảo đảm kịp thời, quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả ngân sách QP, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao.
 Với những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, BVTQ và xây dựng đất nước, cục TCQĐ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.    
Tuy vậy, những năm tới, công tác TCQĐ bên cạnh những thuận lợi cơ bản còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Nền kinh tế đất nước sau 20 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, tốc độ tăng trưởng tương đối cao, nhưng vẫn trong tình trạng kém phát triển. Do vậy, ngân sách QP sẽ được nâng lên, nhưng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu thiết yếu của quân đội; các nguồn thu từ nội bộ có xu hướng giảm. Trong khi, nhiệm vụ của quân đội ngày càng phát triển, nặng nề, phức tạp hơn trước đây. Nhiệm vụ  BVTQ trong tình hình mới đang đặt ra cho quân đội những đòi hỏi mới với yêu cầu rất cao. Trong nhiệm vụ lao động, sản xuất, xây dựng đất nước của quân đội ta cũng có bước phát triển mới, trọng tâm là tham gia các chương trình, dự án kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP, an ninh (AN) ở các xã đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa, miền núi; xây dựng các khu kinh tế- quốc phòng trên các địa bàn chiến lược xung yếu biên giới, ven biển. Ngoài ra, quân đội ta còn là lực lượng nòng cốt tham gia bảo đảm QP-AN trên biển, đảo và phòng chống bão lụt, cứu nạn, cứu hộ... 
Để khắc phục tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu với khả năng và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tài chính cho quân đội hoàn thành thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó trong tình hình mới, ngành TCQĐ cần triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp, trong đó tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau.
Trước hết, nâng cao năng lực làm tham mưu cho cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tài chính, đáp ứng nhu cầu tài chính cho quân đội thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.  
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tài chính các cấp phải thường xuyên bám sát các chủ trương, định hướng của công tác tài chính Nhà nước, nắm vững nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội, từng đơn vị và những yếu tố có liên quan. Từ đó, xác định chính xác những nội dung cơ bản của công tác TCQĐ một cách khoa học, cả về lý luận và thực tiễn; coi trọng cả mục tiêu trước mắt và định hướng lâu dài trên mọi mặt công tác tài chính, cả về quản lý ngân sách, tài chính đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), tài chính doanh nghiệp (TCDN); công tác bảo đảm, quản lý trong thời bình và các tình huống có thể xẩy ra, kể cả khi có chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao... Chủ  động làm tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy về khai thác và nắm vững các nguồn thu, cả ngân sách QP thường xuyên, các nguồn thu tự cân đối, bổ sung trong nội bộ (chủ yếu là thu từ các DN, sản xuất kinh tế), các nguồn cấp phát tập trung của NSNN cho các dự án, chương trình, hỗ trợ các ngành...Trên cơ sở đó, xây dựng dự toán chi ngân sách QP thường xuyên có cơ cấu hợp lý; xác định đúng các trọng tâm, trọng điểm theo thứ tự ưu tiên, bố trí ngân sách theo hướng tập trung, đáp ứng yêu cầu củng cố và tăng cường khả năng SSCĐ, xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tập trung trọng tâm  ngân sách chi cho bảo đảm ổn định đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội theo tiêu chuẩn, chế độ qui định cho các đối tượng, chú trọng các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Bảo đảm nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư đúng tiến độ, nhất là các chương trình, dự án trọng điểm. Tăng tỷ lệ ngân sách hợp lý cho bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật, thực hiện các dự án sản xuất vũ khí, các dự án phát triển công nghiệp QP theo tiến độ;  đồng thời cân đối để đảm cho các hoạt động khác của quân đội...
Kết hợp chặt chẽ, đúng nguyên tắc, chế độ các hình thức huy động vốn  từ nhiều nguồn trong các tổ chức tín dụng trung gian trong nước, vốn liên doanh với các nhà đầu tư trong nước, nguồn vốn nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả hoạt động của DN.
Hai là, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý TCQĐ, làm phương tiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tài chính. 
Cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước đã và đang được đổi mới rất mạnh mẽ. Do vậy, cơ chế quản lý TCQĐ cần phải được tiếp tục đổi mới theo yêu cầu thực tế về bảo đảm tài chính cho hoạt động có tính đặc thù của quân đội và phù hợp với quá trình đổi mới tài chính của Nhà nước. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tài chính theo hướng toàn diện, cơ bản, đồng bộ trong mọi lĩnh vực: quản lý ngân sách, TCDN, quản lý vốn đầu tư XDCB, nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về hiệu lực và hiệu  quả quản lý, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, nhất là ở cơ quan tài chính cấp chiến lược.
Đẩy mạnh đổi mới trong lĩnh vực quản lý ngân sách, tăng cường phân cấp,  tạo sự chủ động cho các đơn vị sử dụng ngân sách; mở rộng dân chủ, công khai trong tất cả các khâu, từ lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách; tăng cường công tác kế toán, kiểm tra, kiểm soát; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng. Từng bước xây dựng lại định mức chi tiêu của các ngành, các lĩnh vực, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Triển khai xây dựng cơ chế quản lý đặc thù đối với từng loại hình đơn vị, trọng tâm là các đơn vị dự toán có thu như: các trường dạy nghề, bệnh viện, viện nghiên cứu... Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý trong lĩnh vực XDCB, thực hiện tốt các chức năng của tài chính từ khâu lập, phê duyệt đến thực hiện và quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành; tăng cường các biện pháp phòng, chống thất thoát trong đầu tư XDCB. Đổi mới quản lý trong lĩnh vực TCDN, hòa nhập vào quá trình đổi mới TCDN của Nhà nước, xóa bỏ các qui định riêng, lạm dụng "đặc thù QP", các qui định ràng buộc DN, tạo sự  bình đẳng với các DN Nhà nước, tăng cường tính chủ động cho DN trong sử dụng vốn và tài sản trong SX, KD theo đúng pháp luật của Nhà nước...   
Ba là, phấn đấu xây dựng ngành TCQĐ vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân đội trong tình hình mới.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế cơ quan tài chính các cấp phù hợp với tổ chức, biên chế của quân đội; chức năng, nhiệm vụ của Ngành và yêu cầu quản lý của tài chính Nhà nước. Thường xuyên chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên tài chính vững mạnh, trước hết là về chính trị, tư tưởng; có năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nhất là trong phát triển nghiệp vụ của Ngành; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ thông tin, tin học, tự động hoá vào nâng cao khả năng điều hành, quản lý tập trung, thống nhất trong toàn quân và liên thông với tài chính Nhà nước. Duy trì thực hiện nền nếp chính qui trong mọi hoạt động của Ngành, nhất là trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chế độ, nguyên tắc, qui định trong công tác tài chính. Lồng ghép phong trào thi đua xây dựng "Đơn vị quản lý tài chính tốt" của Ngành với phong trào thi đua Quyết thắng của toàn quân và các phong trào thi đua khác của các ngành, các đơn vị, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính. Phấn đấu trên các giải pháp tổng hợp, xây dựng ngành TCQĐ vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được cấp trên giao trong mọi tình huống, xứng đáng với tầm vóc, truyền thống 60 năm xây dựng, trưởng thành của Ngành trong thời kỳ mới.
 
Thiếu tướng Phạm Quang Phiếu
Cục trưởng cục Tài chính- Bộ Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)