QPTD -Thứ Tư, 31/08/2011, 00:12 (GMT+7)
Ngành Tài chính quân đội phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2008

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngân sách quốc phòng (NSQP) năm 2007 được tăng lên so với năm trước, nhưng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cấp thiết. Với nguồn ngân sách hạn hẹp, ngoài việc bảo đảm nhu cầu tài chính cho quân đội thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, còn phải bảo đảm các nhiệm vụ đột xuất; phòng chống, khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ... Bên cạnh đó, giá cả thị trường có nhiều biến động bất thường, nhiều mặt hàng giá tăng cao, ngân sách bổ sung không đủ bù đắp, đã ảnh hưởng đến đời sống bộ đội và hoạt động thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của quân đội.    

Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã chủ động làm tham mưu giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) có hệ thống giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Điểm nổi bật là, kịp thời xây dựng, phân bổ dự toán và tổ chức triển khai bảo đảm ngân sách theo đúng quy định của Nhà nước và BQP, đáp ứng nhu cầu thường xuyên và đột xuất trong toàn quân. Quá trình điều hành ngân sách đã bảo đảm được các cân đối lớn; các trọng tâm, trọng điểm ngân sách như: bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; tăng ngân sách cho công tác giáo dục, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm xăng dầu; mua sắm, sản xuất vũ khí, trang bị (VKTB); bảo đảm kỹ thuật... Đồng thời, chỉ đạo tăng cường việc thu hồi tạm ứng; xử lý tồn đọng, nhất là trong xây dựng cơ bản (XDCB); ưu tiên bảo đảm nguồn vốn để thực hiện các chương trình dự án, đầu tư theo tiến độ, đặc biệt là các dự án lớn: xây dựng đường Trường Sơn Đông, đường Tuần tra biên giới..., các chủ trương mới về chiến lược Biển, sắp xếp doanh nghiệp, xây dựng các khu kinh tế- quốc phòng trên các địa bàn chiến lược... Đồng thời, đẩy nhanh quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, giảm đáng kể các dự án công trình hoàn thành chưa được quyết toán. Cùng với công tác bảo đảm, Ngành đã tham mưu cho ĐUQSTƯ, BQP ban hành Điều lệ Công tác Tài chính Quân đội nhân dân, Nghị quyết số 39/ NQ-ĐUQSTƯ của Thường vụ ĐUQSTƯ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác tài chính quân đội nhiệm kỳ 2006-2010; Quy chế 402/QC-ĐU của ĐUQSTƯ về lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác tài chính quân đội; Chỉ thị số 83/2007/CT-BQP của BQP về việc tăng cường quản lý tài chính, tài sản trong tình hình hiện nay... Việc ban hành đồng bộ các văn bản pháp quy này đã góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, phương thức bảo đảm tài chính trong quân đội, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản công, huy động và sử dụng tốt hơn nguồn lực tài chính, tài sản được giao để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua, công tác tài chính còn những mặt hạn chế. Đó là: một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm cơ chế quản lý tài chính, ngân sách. Tỷ lệ ngân sách để lại ở cấp trung gian còn cao; chưa thực hiện triệt để việc phân cấp kinh phí đến các đối tượng trực tiếp chi tiêu, sử dụng; một số đơn vị chưa thực hiện đúng quy định phân cấp bảo đảm xăng dầu, còn mua hiện vật cấp cho cơ sở. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Đảm bảo vốn XDCB còn nhiều khó khăn. Tình trạng nợ đọng vốn đầu tư XDCB ở một số đơn vị vẫn chưa được giải quyết triệt để; bố trí vốn còn phân tán, dàn trải. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu, quản lý hiện vật, đất đai, công sản chưa ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi. Một số đơn vị chưa quản lý chặt chẽ các hoạt động làm kinh tế, hoạt động liên doanh, liên kết, gây thất thoát ngân sách, tài sản công. Các doanh nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng của mình, đóng góp cho NSQP chưa theo đúng khả năng. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tiêu cực, tham nhũng chưa được như mong muốn; chưa phát huy đầy đủ vai trò giám sát chi của ngành Tài chính. Một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương về tài chính, còn chi sai nội dung, chi quá chỉ tiêu ngân sách, quản lý giá cả còn lỏng lẻo. Quản lý quân số chưa chặt chẽ, còn để chồng quân, ra quân chậm; một số chế độ, chính sách không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh..., đã làm tăng chi ngân sách.

Năm 2008, công tác tài chính quân đội đứng trước thuận lợi do nền kinh tế  nước ta đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm gần đây (8,44%); tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt kế hoạch đề ra; cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư khá... Điều đó đã làm tăng cường tiềm lực nền kinh tế- tài chính lên bước mới. Theo đó, NSQP cũng được tăng cao; đồng thời, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh việc thu nộp ngân sách, khai thác, sử dụng các nguồn hiện vật tồn kho để bổ sung nguồn lực tài chính bảo đảm tốt hơn nhu cầu quốc phòng. Với nguồn ngân sách đó và xác định trọng tâm nội dung chi của các nhiệm vụ, ngành Tài chính đã làm tham mưu giúp Bộ xây dựng kế hoạch phân bổ chỉ tiêu ngân sách cho từng ngành, từng đơn vị. Nhìn chung, các nhiệm vụ chi năm nay đều tăng trưởng khá, nhất là các nhiệm vụ: huấn luyện, SSCĐ, tăng cường VKTB, xây dựng doanh trại, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án, quyết toán vốn đầu tư hoàn thành...

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, công tác tài chính và ngành Tài chính quân đội cần quán triệt và thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau.

Một là, thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch phân bổ, điều hành ngân sách.

Các ngành, các đơn vị cần căn cứ vào chỉ tiêu ngân sách được giao và các chủ trương, phương hướng của Bộ để có kế hoạch huy động các nguồn ngân sách đưa vào cân đối bảo đảm, thực hiện việc phân bổ và giao chỉ tiêu ngân sách cho các đơn vị thuộc quyền. Chú trọng kết hợp đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, phân bổ và  quản lý, sử dụng có hiệu quả NSQP cũng như các nguồn kinh phí khác theo quy định của Nhà nước và BQP. 

Cũng cần thấy rằng, chỉ tiêu NSQP được Bộ giao là pháp lệnh và là khả năng tối đa (không có bổ sung lẻ) để các ngành, các đơn vị bảo đảm tài chính theo các nhiệm vụ, kế hoạch được phê duyệt. Do vậy, cần phối hợp bảo đảm giữa các nguồn, tăng khả năng đáp ứng cho các mục tiêu, nhiệm vụ; đồng thời, chủ động lường trước các yếu tố bất thường dễ xẩy ra như: bão lụt, thiên tai, dịch bệnh, giá cả tăng cao, các nhiệm vụ mới… Quá trình xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách phải bao quát các nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm, dự kiến cả các nhiệm vụ phát sinh, bố trí cho các nội dung đã ứng ngân sách và dự phòng giá cả tăng để chủ động chi tiêu thực hiện các nhiệm vụ.  

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính trong mọi lĩnh vực.

Vấn đề đặt ra trước mắt và những năm tiếp theo là các khoản chi ngân sách bảo đảm cho đời sống, chính sách theo chế độ, tiêu chuẩn của bộ đội vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu, làm cho cơ cấu chi NSQP không cân đối, ảnh hưởng đến bảo đảm cho các nhiệm vụ khác, nhất là huấn luyện, SSCĐ, mua sắm VKTB, bảo đảm kỹ thuật...Do đó, cần chú trọng quản lý quân số và tiêu chuẩn, chế độ, định mức.

Cùng với việc tăng cường quản lý quân số, nhất là quân vào, quân ra, các cơ quan chức năng (quân lực, cán bộ, chính sách) cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính làm tham mưu giúp ĐUQSTƯ và BQP về quy hoạch quân số, thực hiện đúng quy định thời gian nghỉ chờ chế độ của Chính phủ, Quân đội. Tiếp tục rà soát lại tổ chức, biên chế các cơ quan cấp chiến lược, các học viện, trường; quân số cấp trung gian, cơ quan các đơn vị..., từng bước thực hiện giảm quân số nuôi, cải thiện cơ cấu chi ngân sách. Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh lại các định mức chi phù hợp với tình hình hiện nay và quản lý chặt chẽ các nội dung chi bảo đảm đời sống, chính sách của bộ đội. Thực hiện bảo đảm đúng, đủ theo tiêu chuẩn, chế độ và phải đến tận tay các đối tượng; từng bước thực hiện tiêu chuẩn vật chất hậu cần của bộ đội tại Nghị định số 123-NĐ/CP của Chính phủ, trước hết là các nội dung thiết thực nâng cao đời sống cho bộ đội như: nước sạch cho các đơn vị khó khăn, bảo đảm vệ sinh doanh trại, an toàn thực phẩm, tắm nước nóng cho các đơn vị ở phía Bắc...

Phối hợp đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách đầu tư XDCB. Tập trung bảo đảm vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng trong XDCB; ưu tiên vốn  cho các dự án trọng điểm đã được phê duyệt, các công trình chuyển tiếp và các công trình đã ứng kinh phí để thu hồi; khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, nhỏ lẻ. Kiên quyết không để phát sinh nợ mới không đúng quy định của pháp luật; kiểm tra và đình chỉ các dự án đầu tư kém hiệu quả, các dự án đầu tư không đủ thủ tục theo quy định. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư XDCB của Nhà nước; có các biện pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm theo yêu cầu. Mặt khác, đẩy nhanh quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, các chủ đầu tư,  các cơ quan chức năng để sớm quyết toán công trình dự án hoàn thành.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế vận hành của công tác tài chính và phương thức bảo đảm tài chính, phù hợp yêu cầu quản lý NSNN, đáp ứng yêu cầu quốc phòng.

Duy trì thực hiện đúng cơ chế vận hành của công tác tài chính: Cấp ủy đảng lãnh đạo công tác tài chính theo Quy chế số 402/QC- ĐU của ĐUQSTƯ và Nghị quyết số 39/NQ-ĐUQSTƯ của Thường vụ ĐUQSTƯ; người chỉ huy điều hành theo Luật Ngân sách, Điều lệ Công tác Tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam; cơ quan tài chính làm tham mưu, tổ chức thực hiện với sự giám sát của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng thông qua thực hiện Quy chế dân chủ công khai và phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt”. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng tài chính trong sản xuất kinh tế và quản lý nguồn thu theo quy định mới của Luật NSNN, Luật Doanh nghiệp nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp theo chủ trương của Nhà nước, Quân đội.

Triển khai thực hiện đồng bộ các văn bản đã ban hành để thực hiện thống nhất trong toàn quân. Trong đó, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới phương thức đảm bảo, vừa đáp ứng nhu cầu của Ngành, vừa phù hợp với cơ chế quản lý tài chính, tài sản công theo quy định của Nhà nước và BQP. Kịp thời rút kinh nghiệm từ thực tiễn phân cấp kinh phí vừa qua để thực hiện phân cấp kinh phí một cách hợp lý, đảm bảo đến thẳng các đối tượng trực tiếp chi tiêu, sử dụng; đồng thời, thông báo ngân sách đến tận đầu mối đơn vị cơ sở, không qua khâu trung gian. Hạn chế tối đa việc tổ chức mua sắm hiện vật tập trung để cấp cho đơn vị không hiệu quả. Đối với các loại vật chất hàng hóa có thể tự mua được thì phân cấp để các đơn vị tự mua sắm (hoặc sản xuất), không tổ chức sản xuất tập trung từ miền Bắc để vận chuyển vào miền Nam cấp phát, hoặc ngược lại; cấp trên chỉ quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, quy cách, hướng dẫn và chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện của cấp dưới.

Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức dự trữ SSCĐ, dự trữ vật tư, hàng hoá cho phù hợp; có thể dự trữ bằng tiền hoặc giao cho các doanh nghiệp quân đội dự trữ (dự trữ bằng dây chuyền công nghệ), không tổ chức dự  trữ ở kho tập trung của các ngành. Chú trọng tăng cường quản lý hiện vật; trước mắt, rà soát lại các loại vật tư, hàng hoá đang dự trữ tại các kho để đưa vào sử dụng, từng bước giảm các kho dự trữ hiện vật lớn (xăng dầu, quân trang, quân nhu, quân khí, xe máy, kho của các quân chủng, binh chủng…), góp phần thực hiện chủ trương của Bộ về điều chỉnh tổ chức, biên chế, giảm quân số, giảm chi NSQP.

Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý tài sản công ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân để sớm phát huy năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát tài chính, nhất là trong quá trình hình thành, chuyển giao đơn vị; thanh lý tài sản công, sử dụng đất quốc phòng... Đồng thời, nghiên cứu và áp dụng các quy định mới của Nhà nước theo Luật Quản lý và Sử dụng tài sản nhà nước để thực hiện có hiệu quả phương thức quản lý đầu tư mua sắm tài sản trong quân đội.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong công tác tài chính. Đây là một trọng tâm công tác tài chính năm 2008 của Ngành, cần được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tài chính. Chấp hành nghiêm các nguyên tắc, kỷ luật tài chính; phát huy vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy đơn vị (vừa là chủ tài khoản) trong việc quản lý, sử dụng NSQP,  duy trì thực hiện đúng chế độ, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí. Cơ quan tài chính  các ngành, các đơn vị cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách, nhất là các nội dung chi lớn như: đảm bảo đời sống; chính sách; XDCB, mua sắm, sản xuất VKTB, hàng hóa; nghiên cứu khoa học; chi phí tiếp khách; các lễ kỷ niệm; sử dụng xe công, điện thoại công..., đảm bảo tiết kiệm, đúng mục đích. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sử dụng tài chính, tài sản công. Thực hiện công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kết quả xử lý đến các cấp theo quy định. Phát huy vai trò của cấp ủy các cấp, các tổ chức quần chúng trong việc quyết định và giám sát ngân sách. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm làm thất thoát, lãng phí, tham nhũng tài chính, tài sản công, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính.

Phát huy kết quả đạt được, ngành Tài chính Quân đội tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính năm 2008, đáp ứng tốt hơn yêu cầu về tài chính cho quân đội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng PHẠM QUANG PHIẾU

Cục trưởng Cục Tài chính BQP

 

Ý kiến bạn đọc (0)