QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:27 (GMT+7)
Ngành Quân khí đề cao trách nhiệm chính trị, bảo đảm, quản lý, giữ gìn tốt vũ khí, trang bị

Hoạt động quân khí (QK) hình thành ngay từ những ngày đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng ta. Cùng với sự phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng, công tác QK ngày càng phát triển cả về tổ chức, biên chế, nhiệm vụ. Yêu cầu phải có cơ quan quân khí các cấp, trong đó có cục QK, trở nên cấp thiết, vì vậy, ngày 1-9-1951, Bộ Quốc phòng có Quyết định thành lập cục QK-cơ quan đầu ngành của ngành QK. Đến ngày 16-9-1951, Cục chính thức đi vào hoạt động và ngày này trở thành Ngày truyền thống của ngành QK.

Ngay sau khi thành lập, Ngành đã nhanh chóng tổ chức lại lực lượng, hình thành hệ thống bảo đảm kỹ thuật QK từ cấp Bộ cho đến cơ sở; khẩn trương xây dựng kho tàng; triển khai công tác bảo đảm súng pháo, khí tài, đạn dược (SPKTĐD) cho quân và dân ta chiến đấu trên khắp các miền của đất nước. Thời kỳ này, thành công lớn của Ngành là đã xây dựng hệ thống tổ chức QK phù hợp với biên chế, tổ chức lực lượng quân đội trên cả hai miền; tiếp nhận hàng vạn tấn SPKTĐD viện trợ từ các nước bè bạn; xây dựng nhiều kho vũ khí, đạn dược (VKĐD); tiến hành bảo đảm, điều chuyển, cơ động hàng triệu tấn VKĐD; sửa chữa và tham gia nghiên cứu, sáng chế, cải tiến nhiều loại VKĐD phù hợp với nghệ thuật, điều kiện tác chiến và cách đánh của bộ đội ta trên các chiến trường; thực hiện thu hồi, phân loại và tổ chức bảo quản, sửa chữa, cất giữ, xử lý nhanh, gọn, an toàn một lượng rất lớn VKĐD thu được của địch,... góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta.
Thời kỳ hòa bình, Ngành có chức năng cơ bản là tham mưu đề xuất chủ trương, phương hướng phát triển Ngành, nhiệm vụ, kế hoạch, biện pháp tiến hành công tác kỹ thuật QK trong quân đội, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng chủng loại, đủ số lượng, đúng chất lượng, đồng bộ trang bị QK cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện; quản lý, giữ gìn một lượng lớn SPKTĐD... Nhiều năm qua, Ngành đã từng bước củng cố, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kho tàng theo qui hoạch, đưa các loại SPKTĐD vào cất giữ trong các nhà kho kiên cố, vững chắc. Thực hiện thu hồi, điều chỉnh, dồn dịch theo qui hoạch và phục vụ dự trữ chiến lược đúng tiến độ, kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thông qua hệ thống các điều lệ, văn bản pháp qui chỉ đạo, hướng dẫn công tác, Ngành đã đưa công tác quản lý, bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật SPKTĐD từng bước đi vào nền nếp chính qui, khoa học, thống nhất; đã quản lý được 100% số lượng, chất lượng đạn dược, 100% số hiệu súng bộ binh bằng công nghệ tin học.
Nắm chắc yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội, chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, Ngành đã phấn đấu bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, có chất lượng tốt SPKTĐD cho các lực lượng vũ trang, đặc biệt là bảo đảm trang bị cho các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị vùng biên giới, biển đảo...  Quan tâm và đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng những kỹ thuật công nghệ cao vào công tác bảo đảm kỹ thuật SPKTĐD, góp phần giữ gìn lâu dài, hạn chế xuống cấp, bảo đảm đồng bộ cho nhiều loại VKĐD. Cũng nhờ có sự cố gắng chung, với nhiều biện pháp hữu hiệu về công tác bảo đảm an toàn, nên nhiều năm qua hệ thống kho chiến lược luôn an toàn, góp phần rất quan trọng giữ gìn, duy trì nguồn tiềm lực vũ khí, trang bị của Quân đội và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hơn nữa, đóng quân tại những vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi, nhiều đơn vị của Ngành trở thành những điểm sáng văn hoá. Nhiều gia đình và nhiều thế hệ đã gắn bó suốt đời với kho, xưởng, đưa vùng đóng quân phát triển thành những cụm dân cư, những "làng quân nhân" đông đúc, trù phú; đời sống tinh thần, vật chất của cán bộ, nhân viên chiến sĩ QK không ngừng được cải thiện, góp phần xây dựng cơ sở chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa trên địa bàn đóng quân, được chính quyền và nhân dân địa phương tin cậy, yêu mến. Ghi nhận sự phấn đấu, cống hiến to lớn của Ngành trong chiến tranh cũng như trong thời kỳ đổi mới, Nhà nước đã tặng cho các đơn vị, cá nhân ngành QK nhiều phần thưởng cao quí. Tháng 3 năm 2006, cục QK được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và trước yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của ngành QK khá nặng nề và phức tạp. Do đặc điểm cấu tạo, tính năng, tác dụng của SPKTĐD, nên chúng là loại hàng hóa mang tính cơ mật cao, dễ mất mát, rất nguy hiểm và là một trong những mục tiêu phá hoại của các thế lực thù địch. Mặt khác, công tác quản lý, khai thác SPKTĐD cũng hết sức khó khăn, bởi vũ khí, trang bị của Quân đội ta hiện nay có được là từ nhiều nguồn khác nhau, đa phần có từ thời kỳ chiến tranh nên nhiều chủng loại đã dần xuống cấp, mất đồng bộ. Lực lượng công tác trong Ngành khá đông; kho tàng, trạm xưởng lại nằm phân tán trên khắp đất nước, đa số lại ở vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi, xa các trung tâm kinh tế, văn hóa, nơi đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá còn kém phát triển, điều kiện thông tin, giao thông đi lại khó khăn. Công việc của cán bộ, nhân viên chiến sĩ QK đặc biệt nặng nhọc, luôn tiếp xúc với hóa chất độc hại. Nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhận thức sâu sắc đặc điểm hoạt động, nhiệm vụ được giao, Ngành xác định vấn đề quan trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành QK kiên định, có bản lĩnh chính trị, đoàn kết, lạc quan, yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với đơn vị; cần cù, chịu khó, tỷ mỉ, thận trọng, chính xác, khoa học trong mọi việc, mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là khi làm việc, tiếp xúc với SPKTĐD; chủ động, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, tìm mọi cách thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn cho người và vũ khí, trangbị, kho tàng. Bởi nhân tố con người luôn là nhân tố quyết định đến thành công trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là những đức tính, phẩm chất cần thiết, là một trong những “điều kiện, tiêu chuẩn đặc thù” của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ QK. Có như vậy họ mới có thể sẵn sàng hy sinh, gắn bó, cống hiến cho Ngành. Muốn vậy, các cơ quan, đơn vị ngành QK cần không ngừng nâng chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tập trung xây dựng cấp uỷ, tổ chức Đảng các cấp trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện làm cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ QK có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc XHCN, với nhân dân; không hoang mang, dao động trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sống có lý tưởng, hoài bão cao đẹp.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần chú trọng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, làm cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành QK luôn có đời sống tinh thần phong phú, vui tươi, lành mạnh, thủy chung, tình nghĩa với đồng chí, đồng đội, với nhân dân; tạo điều kiện cao nhất để mọi người yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp ngành QK.
Mặt khác, mọi người cũng cần luôn xây dựng cho mình xu hướng nghề nghiệp vững chắc. Bên cạnh sự phân công, bố trí, yêu cầu đào tạo, học tập của tổ chức, mọi người cần chủ động và cố gắng phấn đấu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật theo yêu cầu, phấn đấu để mọi vị trí công tác, cán bộ, nhân viên đều được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên sâu, tiên tiến, phù hợp với yêu cầu của Ngành. Đặc biệt, mọi người cần không ngừng rèn luyện ý thức tự giác, giữ nghiêm kỷ luật, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, nội qui, qui định của đơn vị.
Trong công tác, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành QK phải thực hiện đúng qui hoạch, kế hoạch, chế độ qui định về cất chứa, giữ gìn, bảo quản, quản lý SPKTĐD; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho SPKTĐD, kho tàng. Với mục tiêu là phải duy trì cao nhất số SPKTĐD hiện có; tập trung bảo đảm đồng bộ cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu và làm nhiệm vụ đặc biệt, Ngành cần tiếp tục củng cố, bổ sung, hoàn thiện thống nhất các văn bản pháp qui chuyên ngành, từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn kỹ thuật, công tác quản lý SPKTĐD. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kho tàng theo qui hoạch mới; tiếp tục tiến hành điều chuyển, dồn dịch hợp lý các loại SPKTĐD theo kế hoạch đã đề ra. Triển khai các dự án đầu tư chiều sâu công nghệ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa SPKTĐD. Nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa một số vũ khí, trang bị cần thiết phục vụ cho chiến đấu công nghệ cao.
An toàn luôn là mục tiêu số một, là vấn đề có ý nghĩa sống còn của kho và công tác QK. Để tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn, các cấp cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, qui định về an toàn vũ khí, trang bị kỹ thuật. Duy trì nghiêm việc huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật an toàn cho người lao động, nhất là lực lượng trực tiếp tiếp xúc với VKĐD. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy các cấp, tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm an toàn, bảo vệ các kho tàng, trạm xưởng. Trong công tác, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ QK phải chấp hành nghiêm các qui định, qui trình, chế độ, qui tắc an toàn đã đề ra, không được chủ quan, mất cảnh giác trước những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn. Bên cạnh việc đầu tư củng cố, xây dựng, bổ sung các công trình, trang thiết bị bảo đảm an toàn kho tàng, SPKTĐD, các đơn vị trong Ngành cần đẩy mạnh và làm tốt việc nắm tình hình chính trị, an ninh trên địa bàn, xây dựng địa bàn an toàn, vành đai chính trị an toàn cho kho tàng, trạm xưởng.  
VKĐD hiện có của Quân đội ta hiện nay đa phần được tích lũy từ lâu nên một số bị mất đồng bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Môi trường khí hậu khắc nghiệt cũng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giữ gìn chúng, nhất là đạn lâu năm, đã sử dụng trong chiến tranh. Vì vậy, Ngành cần có những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tốt chất lượng của VKĐD. Việc cất giữ, bảo quản phải thực hiện đúng yêu cầu, qui định kỹ thuật; hết sức chú trọng việc chống nóng, chống cháy. Những vũ khí, thiết bị, đạn dược quí hiếm, trình độ công nghệ cao cần được bảo quản, cất giữ trong điều kiện tốt hơn.
Việc xử lý đạn dược cấp 5 là một trong những nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, nặng nhọc và độc hại. Do vậy, Đảng ủy, chỉ huy các cấp cần có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm giảm thấp nhất các nguy cơ, yếu tố mất an toàn. Các cấp, các đơn vị cần làm tốt việc phân loại và đánh giá tình trạng đạn dược, tránh tình trạng phân loại sai, dẫn đến nhầm lẫn phương pháp xử lý, dễ gây mất an toàn khi hủy, nổ.
55 năm qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành QK đã cống hiến tuổi xuân, mồ hôi và cả xương máu góp phần làm nên truyền thống “Tận tụy dũng cảm, giữ gìn súng đạn, phục vụ đánh thắng”. Dù biên chế, lực lượng, tên gọi của mỗi thời kỳ khác nhau, nhưng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành QK vẫn luôn trung thành với Đảng, với nhân dân, với dân tộc, với mục tiêu CNXH, tận tụy, dũng cảm với công việc, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, không ngừng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Ngành QK tự hào với những đóng góp của mình vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, tự hào "ở đâu, khi nào có lực lượng vũ trang thì ở đó, khi đó có công tác quân khí".
 
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức
Cục trưởng cục Quân khí
 

Ý kiến bạn đọc (0)