QPTD -Thứ Năm, 01/09/2011, 23:59 (GMT+7)
Ngành Hậu cần tiếp tục đổi mới, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ

Vượt qua những khó khăn gay gắt (diễn biến phức tạp của khí hậu, bão lụt, dịch bệnh; giá cả thị trường biến động, nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao; ngân sách hậu cần hạn hẹp...), năm 2007, công tác hậu cần tiếp tục giành được kết quả quan trọng, toàn diện. Ngành Hậu cần đã chủ động làm tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị về chủ trương, giải pháp đồng bộ để lãnh đạo, chỉ đạo công tác hậu cần; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện các mặt công tác, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và đột xuất, cũng như nhu cầu thường xuyên cho toàn quân thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP), bảo vệ Tổ quốc, tham gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đất nước.

Điểm nổi bật là cơ quan hậu cần các cấp thường xuyên rà soát, bổ sung đủ số lượng, bảo đảm chất lượng vật chất, trang bị hậu cần dự trữ SSCĐ theo quy định, trọng tâm là các đơn vị bộ binh đủ quân, lực lượng làm nhiệm vụ ở các địa bàn trọng điểm, biên giới, hải đảo, tuần tra trên biển, nhiệm vụ đặc biệt... Tiếp tục đầu tư xây dựng tiềm lực và thế trận hậu cần trên các địa bàn chiến lược, gắn với khu vực phòng thủ; xây dựng căn cứ hậu cần các cấp. Ngành Hậu cần đã có nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ  đột xuất, phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, nhất là trong các trận bão, lụt ở miền Trung, Tây Nguyên, sự cố sập nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ.

Công tác bảo đảm hậu cần thường xuyên có bước chuyển biến tích cực, có nhiều mặt được cải thiện đáng kể, nhất là bảo đảm ăn, mặc, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt của bộ đội. Cùng với việc bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, định lượng ăn được Nhà nước quy định cho từng đối tượng, các đơn vị đã đẩy mạnh tăng gia, sản xuất (TGSX), đưa thêm vào bữa ăn, nên mặc dù giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao, nhưng chất lượng bữa ăn của bộ đội vẫn được giữ vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng một số loại quân trang; tổ chức bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chế độ, cỡ số quân trang cho bộ đội đúng thời gian, địa điểm quy định. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội có nhiều tiến bộ, tỷ lệ quân số khỏe đạt trên 98%; công tác vệ sinh, phòng dịch được đẩy mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tổ chức thu dung và chất lượng điều trị ở tuyến bệnh viện, bệnh xá có nhiều tiến bộ, hiệu quả cao hơn. Tập trung ngân sách đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản (XDCB) các công trình, dự án chuyển tiếp, các công trình đủ thủ tục đầu tư và đủ điều kiện mở mới; ưu tiên vốn thanh toán dứt điểm nợ đọng; tăng cường thực hiện phân cấp, ủy quyền trong đầu tư XDCB. Chủ động khắc phục khó khăn, bảo đảm đồng bộ về doanh trại, doanh cụ, dụng cụ, điện, nước sinh hoạt cho bộ đội, góp phần thực hiện nền nếp chính quy của các đơn vị. Tổ chức tạo nguồn xăng, dầu đúng quy định; hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện phân cấp để cơ sở tự mua xăng, dầu, mỡ thông dụng; tăng cường chỉ đạo các đơn vị quản lý, sử dụng hạn mức xăng, dầu đúng quy định, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao. Hoàn thành kế hoạch vận tải phục vụ huấn luyện, SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất (91.697 tấn hàng); tổ chức vận chuyển cơ động lực lượng trên 35 vạn lượt bộ đội (trong đó có 2 đợt tân binh) bảo đảm an toàn.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, công tác hậu cần còn những mặt hạn chế. Đó là: trang bị vật chất hậu cần SSCĐ chưa thật đồng bộ, chất lượng chưa cao; công tác tổ chức bảo đảm ăn uống, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh nhà ăn, nhà bếp chưa được quan tâm đúng mức; quản lý, theo dõi, giám sát sức khỏe của bộ đội ở tuyến quân y cơ sở còn hạn chế; chưa thực hiện đúng các quy trình lập và nghiệm thu hồ sơ xây dựng cơ bản, làm chậm tiến độ xây dựng; quản lý chất lượng một số công trình chưa chặt chẽ; một số đơn vị chưa thực hiện đúng quy định về phân cấp xăng, dầu, quản lý xăng, dầu chưa thật chặt chẽ; chấp hành các quy định về an toàn giao thông chưa triệt để, tỷ lệ các vụ mất an toàn còn cao...     

Năm 2008, chúng ta tiến hành công tác hậu cần với những thuận lợi cơ bản:  đất nước ổn định về chính trị, kinh tế tiếp tục tăng trưởng (dự kiến 8,5-9%), đời sống nhân dân được cải thiện..., nhưng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Yêu cầu nhiệm vụ QS,QP, xây dựng quân đội đặt ra cho công tác hậu cần những đòi hỏi ngày càng cao. Trong khi đó, ngân sách bảo đảm hậu cần có tăng nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu; phần lớn trang bị, phương tiện hậu cần đã sử dụng qua nhiều năm và ngày càng xuống cấp; giá cả các mặt hàng thiết yếu như:  lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, vật liệu xây dựng..., có xu hướng gia tăng; khí hậu, bão lụt có thể diễn biến bất thường; tổ chức biên chế quân đội nói chung, ngành Hậu cần nói riêng đang trong quá trình hoàn thiện...

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu hậu cần cho quân đội hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ QS,QP, bảo vệ Tổ quốc và tham gia phát triển KT-XH, công tác hậu cần và ngành Hậu cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Trên cơ sở tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối QS,QP của Đảng, trực tiếp là  nghị quyết, chỉ thị của ĐUQSTƯ, BQP, đẩy mạnh xây dựng tiềm lực và thế trận hậu cần của nền quốc phòng toàn dân trên các địa bàn chiến lược, gắn với khu vực phòng thủ theo hướng kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài quân đội và đơn vị có liên quan để triển khai lập dự án xây dựng căn cứ hậu cần-dịch vụ trên biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển, vừa phục vụ nhiệm vụ QS,QP, vừa tham gia phát triển kinh tế trên biển. Trước mắt, xây dựng thí điểm các khu quốc phòng-kinh tế tại các đảo, quần đảo lớn xa bờ, vùng biển, đảo  Đông Bắc.

Tập trung bảo đảm tốt cho nhiệm vụ SSCĐ, trong đó ưu tiên bảo đảm cho các đơn vị làm nhiệm vụ trên các địa bàn trọng điểm, biên giới, hải đảo và nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, nhất là nhiệm vụ phòng chống bão lụt, tìm kiếm, cứu nạn. Rà soát, điều chỉnh lượng dự trữ vật chất hậu cần SSCĐ phù hợp với tình hình mới và khả năng ngân sách bảo đảm. Đồng thời, nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng vật chất, trang bị hậu cần SSCĐ, huấn luyện, dã ngoại, bảo đảm đồng bộ, gọn, nhẹ, tiện sử dụng, phù hợp với điều kiện tác chiến mới. Quản lý chặt chẽ lượng vật chất dự trữ SSCĐ, dự trữ quốc gia cho quốc phòng.  

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần thường xuyên. Phát huy nội lực, giữ vững ổn định đời sống bộ đội. Trên cơ sở tiền ăn cơ bản của các đối tượng được Nhà nước điều chỉnh (từ ngày 01-01-2008), hậu cần các cấp cần kịp thời triển khai thực hiện tiêu chuẩn tiền ăn mới cho bộ đội, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định lượng ăn theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh TGSX, hướng vào tổ chức các điểm sản xuất, chăn nuôi, xay xát, chế biến, giết mổ tập trung; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao; cải tiến kỹ thuật nấu ăn, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác quản lý, thực hành tiết kiệm, hạn chế tỷ lệ thất thoát, hao hụt, bảo đảm chất lượng bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Đối với các đơn vị có điều kiện về đất đai, mặt nước, phấn đấu tự túc 100% rau, củ, quả; từ 80-100% nhu cầu thịt, cá, nhằm tạo nguồn cung cấp ổn định, chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết thực cải thiện đời sống bộ đội. Từng bước bảo đảm, thay thế trang bị nhà ăn, nhà bếp theo hướng chuẩn hóa, thống nhất, phù hợp với từng loại hình bếp ăn, phấn đấu các đơn vị có mức tiền ăn cao được trang bị bếp đun ga; trang bị dần các loại máy công cụ để giảm bớt sức lao động nuôi quân, dụng cụ cấp dưỡng cấp trung đội và các trang bị dã chiến khác phục vụ huấn luyện, dã ngoại cho cấp trung đoàn thuộc các sư đoàn bộ binh đủ quân.

Tập trung  nghiên cứu, hoàn thiện mẫu quân phục sĩ quan mới và tổ chức sản xuất thực nghiệm, tiến tới bảo đảm thống nhất sử dụng trong toàn quân vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-2009); đồng thời, tiếp tục cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng các loại quân trang, bảo đảm kiểu dáng đẹp, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.   

Nâng cao chất lượng các hoạt động công tác quân y, chú trọng công tác dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh xảy ra; bảo đảm quân số khoẻ công tác đạt 98,5% trở lên. Tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ tuyến quân y cơ sở, nâng cao sức bền dẻo dai của bộ đội; tăng cường quản lý sức khỏe cán bộ cao cấp. Tổ chức chặt chẽ việc khám sức khỏe tuyển quân và tuyển sinh quân sự, phấn đấu tỷ lệ sức khỏe loại 1 và 2 đạt trên 70%; không để lọt số thanh niên không đủ sức khỏe, nhất là nhiễm HIV, ma tuý vào quân đội. Nghiên cứu tăng một số tiêu chuẩn, định mức bảo đảm quân y theo lộ trình Thông tư 74/2006; nâng cao chất lượng một số loại thuốc thông thường. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống trang, thiết bị các bệnh viện; tích cực ứng dụng tiến bộ mới của y học hiện đại vào khám bệnh, điều trị. Tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động dự án “Kết hợp quân-dân y bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo” thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2006 - 2010.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác doanh trại, trong đó lấy XDCB làm khâu đột phá. Ưu tiên ngân sách đầu tư XDCB giải quyết dứt điểm nợ đọng cũ, các dự án chuyển tiếp; các đơn vị mới thành lập, di chuyển, đóng quân vùng sâu, vùng xa. Tổ chức sửa chữa, chống sập, chống dột nhà cấp 4 nằm trong quy hoạch nhưng còn phải sử dụng để bảo đảm an toàn cho bộ đội trong mùa mưa bão. Bố trí một phần kinh phí để bảo trì các công trình chống xuống cấp, xử lý rác thải, nước thải và vệ sinh môi trường doanh trại. Nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế mẫu doanh trại Ban Chỉ huy Quân sự các huyện (thị) phù hợp với thực tế địa phương. Tổ chức chặt chẽ việc sản xuất, mua sắm doanh cụ theo mẫu thống nhất để trang bị cho các đơn vị; bảo đảm đủ tiêu chuẩn dụng cụ sinh hoạt quy định cho từng đối tượng. Từng bước bảo đảm điện năng phi sản xuất theo định mức (tiết kiệm 10%). Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt cho bộ đội, ưu tiên các đơn vị ở địa bàn có khó khăn về nguồn nước, phấn đấu đến năm 2010 các cơ sở doanh trại trong toàn quân cơ bản được sử dụng nước sạch; xây dựng hệ thống tắm nước nóng, nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt của bộ đội đóng quân ở phía Bắc, nhất là vùng rừng núi. Tăng cường công tác quản lý và đẩy nhanh tiến độ hợp thức đất quốc phòng. Phát huy nội lực, duy trì và xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp ở các đơn vị.

 Trên cơ sở hạn mức xăng, dầu được Bộ phân bổ, tăng cường chỉ đạo các đơn vị  thực hiện đúng quy định phân cấp triệt để xăng dầu thông dụng cho cấp dưới tự tạo nguồn đảm bảo, vừa chủ động nguồn hàng, vừa đạt hiệu quả cao. Kết hợp nhập khẩu với tổ chức pha chế xăng, dầu ở cả 3 miền (Bắc, Trung, Nam) để duy trì đủ lượng dự trữ quy định và bảo đảm đầy đủ, kịp thời đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ; thực hiện tiết kiệm 10% hạn mức. Tăng cường công tác quản lý, duy trì nghiêm chế độ thống kê, thanh quyết toán xăng, dầu ở các cấp; xây dựng tiêu chuẩn định mức sử dụng xăng, dầu cho từng đối tượng. Triển khai nghiên cứu, quy hoạch hệ thống kho xăng, dầu các cấp, tận dụng khai thác hiệu quả sức chứa nhàn rỗi ở các kho xăng, dầu cấp chiến lược để lấy kinh phí tái đầu tư.

Triệt để khai thác phương tiện vận tải hiện có, kết hợp thuê phương tiện của Nhà nước một cách hợp lý để thực hiện thắng lợi kế hoạch vận chuyển thường xuyên và đột xuất, bảo đảm an toàn. Chú trọng nâng cao năng lực vận chuyển của các phân đội vận tải trực SSCĐ, các đơn vị ở biên giới, hải đảo và làm nhiệm vụ vận chuyển phục vụ Trường Sa, vận chuyển binh khí kỹ thuật, vũ khí, đạn. Thực hiện có hiệu quả chủ trương mua sắm, đổi mới trang bị xe vận tải, từng bước thay thế xe đời cũ; điều chuyển số xe có chất lượng tốt cho cấp chiến dịch, chiến thuật và bảo đảm trang bị, phương tiện vận tải nhẹ (xe vận tải nhẹ, xuồng máy, xe máy, xe đạp thồ) để tăng năng lực vận tải và khả năng cơ động SSCĐ của các đơn vị trên từng địa bàn. Hoàn thành kế hoạch đóng mới phương tiện vận tải đường thủy cấp chiến lược và trang bị xuồng bảo đảm cho Trường Sa, nâng cao khả năng cơ động của các đơn vị vùng sông nước và bảo đảm cho nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn.

 Tiếp tục đổi mới phương thức bảo đảm, tạo cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần trong thời bình và sẵn sàng cho thời chiến. Trước mắt, làm tham mưu giúp Bộ để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2003/NĐ-CP ngày 22-10-2003 về quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ cho phù hợp với thực tế hiện nay; đồng thời, từng bước triển khai thực hiện theo khả năng ngân sách. Tiếp tục hoàn thiện phương thức bảo đảm hậu cần, kết hợp với phân cấp hợp lý để các đơn vị chủ động khai thác tạo nguồn tại chỗ bảo đảm; từng bước mở rộng đấu thầu mua sắm, tạo nguồn, nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng mua sắm các cấp, thực hiện nghiêm quy chế xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng. Nghiên cứu, đổi mới phương thức dự trữ hậu cần SSCĐ, dự trữ vật tư, hàng hóa phù hợp với tình hình thực tế; có thể dự trữ bằng tiền hoặc dự trữ bằng dây chuyền công nghệ ở các doanh nghiệp hậu cần, hạn chế dự trữ ở kho tập trung của Ngành, nhất là quân trang, quân nhu, xăng dầu; điều chỉnh tăng dự trữ một số loại vật chất thông thường trên các địa bàn dễ bị chia cắt để chủ động bảo đảm khi có tình huống xảy ra.

Đẩy mạnh xây dựng Ngành vững mạnh toàn diện, trước hết là bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và SSCĐ. Tiếp tục thực hiện Đề án tổ chức lực lượng ngành Hậu cần theo chủ trương của ĐUQSTƯ, BQP, phù hợp với tình hình mới, bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo tập trung, thống nhất và hiệu quả; nghiên cứu thí điểm thực hiện dịch vụ công trong khâu tổ chức bảo đảm ăn uống ở một số loại hình đơn vị, nhà trường, cơ quan để giảm bớt biên chế lực lượng nuôi quân. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hậu cần; duy trì tiềm lực công nghiệp hậu cần để sẵn sàng huy động khi có yêu cầu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp theo kế hoạch đã xác định, bảo đảm sự  ổn định và tiếp tục phát triển; đồng thời, đổi mới công nghệ và tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa phục vụ nhu cầu bảo đảm quốc phòng, vừa tham gia phát triển KT-XH.

Đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện hậu cần, trước hết là bồi dưỡng cán bộ hậu cần chiến dịch và khả năng cơ động của các phân đội hậu cần trên các loại địa hình; bảo đảm hậu cần trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; tăng cường diễn tập, thực hành bảo đảm các tình huống sát thực tế chiến đấu; chú trọng huấn luyện lực lượng hậu cần dự bị động viên, nhất là lực lượng y tế theo Quyết định 137 của Thủ tướng Chính phủ.

Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học-công nghệ, hướng trọng tâm vào phục vụ nhiệm vụ SSCĐ, bảo đảm đời sống bộ đội, quản lý kỹ thuật Ngành; xây dựng hoàn chỉnh các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở pháp lý trong việc sản xuất, mua sắm, tạo nguồn và quản lý chất lượng. Triển khai thực hiện Dự án công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ huy, quản lý, điều hành và Đề án bảo vệ môi trường trong ngành Hậu cần.

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong mọi lĩnh vực công tác, giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng phân cấp, nâng cao trách nhiệm của cấp dưới. Duy trì nền nếp chính quy trong mọi hoạt động của Ngành, trước hết là trong thực hiện kế hoạch, chế độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ ngân sách, vật chất hậu cần, tránh thất thoát, trọng tâm là trong các khâu mua sắm, tạo nguồn, đầu tư XDCB... Lồng ghép các nội dung công tác với phong trào thi đua  “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và phong trào thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động của toàn quân, đặc biệt là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

 

Thiếu tướng NGÔ HUY HỒNG

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần


 

Ý kiến bạn đọc (0)