QPTD -Thứ Sáu, 05/08/2011, 00:57 (GMT+7)
Ngành Hậu cần Quân khu 7 đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, sự giúp đỡ của Tổng cục Hậu cần và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn Quân khu, ngành Hậu cần Quân khu 7 đã phát huy tinh thần “tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo”, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các địa phương trên địa bàn, khắc phục khó khăn, tổ chức triển khai toàn diện, có chất lượng công tác hậu cần; đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng các mặt hàng nhu yếu phẩm; quản lý tốt công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh; đời sống, sinh hoạt của bộ đội ổn định và ngày càng được cải thiện. Kết quả đó góp phần xây dựng các đơn vị trong lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Với chức năng của mình, Đảng ủy, Ban Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, giúp Đảng ủy Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các mặt công tác hậu cần, trong đó chú trọng đẩy mạnh thực hiện phân cấp và đổi mới về phương thức bảo đảm cho phù hợp với cơ chế thị trường, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của LLVT Quân khu. Địa bàn Quân khu 7 có nhiều địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nên tương đối thuận lợi cho việc tạo nguồn hậu cần tại chỗ, hậu cần địa phương, hậu cần LLVT; xây dựng thế trận hậu cần khu vực phòng thủ. Tuy nhiên, tình hình giá cả không ngừng biến động; thời tiết, khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp... đã trực tiếp tác động tới hiệu quả công tác tạo nguồn vật chất, bảo đảm đời sống, sức khỏe của bộ đội. Nhận thức rõ công tác tạo nguồn quyết định tới kết quả công tác bảo đảm hậu cần ở các đơn vị, Ngành đã tham mưu giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm hậu cần sát với thực tiễn, đặc điểm địa phương và nhiệm vụ quốc phòng-an ninh. Trong đó, chú trọng tạo nguồn vật chất, xây dựng các căn cứ hậu cần, tổ chức bố trí thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc trong từng khu vực phòng thủ địa phương. Tiếp tục chỉ đạo cơ quan Hậu cần Quân sự đối với các tỉnh, nhất là Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu làm điểm trong thực hiện quy hoạch xây dựng căn cứ hậu cần theo quyết tâm A; kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo đảm hậu cần cho năm đầu chiến tranh theo kế hoạch B và hoàn thiện hệ thống văn kiện bảo đảm hậu cần cho diễn tập trong khu vực phòng thủ địa phương… Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh vật chất hậu cần cho sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) theo Chỉ thị 38/2006/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng và Chỉ lệnh 257/CL-HC của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Thực hiện phân cấp dự trữ đúng quy định, phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị.

Trước sự biến động thường xuyên về giá cả lương thực, thực phẩm, Ngành đã tham mưu giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ban hành Chỉ thị 570/CT-BTL về thực hành tiết kiệm trong sử dụng điện, nước, vật tư, nhân công, xăng dầu và một số chỉ thị khác về công tác tạo nguồn bảo đảm hậu cần trước tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các biện pháp triển khai Chỉ thị số 10/CT-BTL về thực hiện “7 không”1; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là cấp sư đoàn, lữ đoàn và tương đương chủ động tạo nguồn, thực hiện tốt việc phân cấp bảo đảm hậu cần, dự trữ hậu cần cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, nhất là nhiệm vụ SSCĐ. Trong thời gian qua, Ngành đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, mở rộng mạng lưới thu mua lúa để xay xát gạo; tiếp tục củng cố, xây dựng các cơ sở tăng gia sản xuất tập trung theo quy hoạch đã được Quân khu phê duyệt và tổ chức trạm chế biến lương thực, thực phẩm; tập trung đầu tư, nâng cấp trang, thiết bị, cải tiến quy trình chế biến, quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Ngành còn chú trọng chỉ đạo việc tổ chức tăng gia sản xuất, tập trung từ cấp tiểu đoàn trở lên và các đại đội độc lập trong doanh trại, tạo nguồn rau xanh, củ, quả sạch tại chỗ, phục vụ bữa ăn cho bộ đội. Chỉ tính 2 năm (2007, 2008), các cơ sở xay xát trong Quân khu đã bảo đảm 8.485 tấn gạo và cung cấp hàng nghìn tấn phụ phẩm phục vụ chăn nuôi tập trung cho các đơn vị, tiết kiệm gần 1,3 tỷ đồng so với giá thị trường; thu hoạch thịt các loại 2.620 tấn, tiết kiệm khoảng 990 triệu đồng; thu hoạch cá được 1.494 tấn... Nhiều đơn vị đầu mối đã bảo đảm 100% nhu cầu về thịt, cá, trong đó có một số đơn vị còn cung cấp một số lượng lớn thịt heo và cá ba sa thương phẩm cho địa phương xuất khẩu. Thu hoạch rau, củ, quả được 7.880 tấn, tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng; đưa thêm vào bữa ăn cho bộ đội từ 1.500 đến 7.000 đồng/ người/ ngày. Nhờ thực hiện tốt Chỉ thị số 10, nên mặc dù giá cả thị trường tăng đột biến, nhưng đời sống các LLVT Quân khu vẫn ổn định. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hoạt động trong huấn luyện, công tác của bộ đội, Ngành đã tham mưu cho Quân khu chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều chỉnh bữa ăn từ cơ cấu 2-4-4 sang 3-3-4, góp phần nâng cao sức khỏe cho bộ đội, đảm bảo bình quân 99,2% quân số khỏe trong huấn luyện, công tác và SSCĐ. Riêng năm 2008, ngoài nguồn ngân sách quốc phòng, các LLVT Quân khu còn được cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí cho bảo đảm hậu cần hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ bản, sửa chữa doanh trại, mua xăng dầu, may quân trang đồng bộ cho dân quân tự vệ và dự bị động viên, chi ăn thêm cho chiến sĩ mới... Đặc biệt, bằng nguồn vốn tự có, Quân khu đã chi trên 130 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản và sửa chữa doanh trại.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, ngành Hậu cần Quân khu 7 luôn gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy, lãnh đạo Ngành chú trọng việc bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao chất lượng chính trị cho đội ngũ cấp ủy, bí thư các cấp, cán bộ chủ trì cơ sở trong ngành có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh, làm nòng cốt và là hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Ngành tập trung giáo dục cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao trình độ nhận thức về tình hình đất nước, nhiệm vụ quân đội thời kỳ mới, nhất là những yêu cầu của công tác bảo đảm hậu cần trong điều kiện đối phó với chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ trong Ngành, giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm hậu cần trong mọi tình huống, luôn vững vàng trước sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Ngành Hậu cần Quân khu 7 còn chú trọng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ; xây dựng nền nếp chính quy trên các mặt công tác, xây dựng cơ quan hậu cần các cấp vững mạnh toàn diện. Coi trọng công tác huấn luyện tập trung, kết hợp với bổ túc tại chỗ, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ hậu cần trong điều kiện bộ đội hành quân dã ngoại ở các địa hình, môi trường khác nhau, nhất là vùng đồng bằng sông, nước.

Quân khu 7 hiện đang quản lý, sử dụng nhiều loại ô tô và phương tiện vận tải thủy thuộc thế hệ cũ, lại hoạt động trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp; có mật độ người và phương tiện lưu thông rất đông. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn cho người và trang bị tham gia giao thông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn được Quân khu quan tâm. Nhiều năm qua, ngành Hậu cần đã phối hợp cùng các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Kỹ thuật tổ chức bổ túc, tập huấn cho lái xe, lái tàu thủy các loại; trong đó, chú trọng huấn luyện thực hành, lấy việc xử lý các tình huống cơ động làm trọng tâm. Đồng thời, Ngành tham mưu giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các đơn vị triển khai đề án “ Đổi mới phương tiện vận tải ô tô”. Từ nguồn ngân sách do địa phương hỗ trợ và nguồn vốn tự có, các đơn vị trong toàn Quân khu đã mua 177 ô tô vận tải các loại thế hệ mới, góp phần nâng cao khả năng cơ động, giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm xăng dầu, đảm bảo hệ số an toàn cao. Chỉ tỉnh riêng một năm đưa vào khai thác loại xe MITSUBISHI thế hệ mới đã tiết kiệm hơn 64.200 lít diezen (tương đương 963 triệu đồng).

Ngành còn đề xuất chỉ đạo xây dựng đề án phát triển Bệnh viện 7A thành “Bệnh viện dịch vụ kỹ thuật cao”, tiếp tục phát triển Bệnh viện quân - dân y miền Đông, nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị, nâng cao hiệu quả dịch vụ y tế, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên ở thành phố Hồ Chí Minh trong việc tổ chức khám, chữa bệnh, điều trị cho công nhân ở các khu công nghiệp và nhân dân trên địa bàn. Hơn nữa, đây còn là yêu cầu về rèn luyện, bổ túc tay nghề, nâng cao chuyên môn cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế và tạo nguồn đầu tư bổ sung trang, thiết bị y tế, nâng cấp cơ sở điều trị. Các biện pháp tổng hợp và đồng bộ trên đã góp phần xây dựng ngành Hậu cần Quân khu ngày càng vững mạnh. Năm 2008, Đảng bộ và Đảng ủy Hậu cần đạt trong sạch, vững mạnh; 100% tổ chức đảng và cấp ủy cơ sở đạt trong sạch, vững mạnh; 96,64% chi bộ đạt tiêu chuẩn chi bộ 4 tốt; 92,35% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 28,89% đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

Ngành Hậu cần Quân khu 7 lấy 3 mục tiêu cơ bản của phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” làm nội dung trọng tâm của phong trào thi đua quyết thắng, gắn các phong trào thi đua với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách sâu, rộng, tạo chuyển biến toàn diện, đồng bộ cho các cơ quan, đơn vị. Trong mỗi giai đoạn và từng đợt phát động thi đua, Ngành đều có nội dung trọng điểm, tập trung nhấn mạnh và xây dựng những tiêu chí cụ thể cho từng đợt, nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém của đơn vị. Đồng thời, mạnh dạn đổi mới nội dung, phương pháp giao ban, kết hợp với kiểm tra luân phiên giữa các đơn vị, tạo chuyển biến cơ bản và duy trì thường xuyên có nền nếp chính quy các hoạt động của đơn vị. Cùng với việc gắn kết chặt chẽ Cuộc vận động “Quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” với phong trào thi đua quyết thắng, Ngành còn chỉ đạo các cơ quan đơn vị đưa nội dung phong trào thi đua quyết thắng vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ hậu cần, cũng như trong việc thực hiện chính sách xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa, làm nhiệm vụ quốc tế. Chỉ tính riêng năm 2008, Quân y Quân khu đã tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hơn 1 nghìn lượt người là đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở vùng núi, vùng kháng chiến cũ; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 3.376 lượt người thuộc quân đội và nhân dân Cam-pu-chia. Những năm qua, Ngành còn tham mưu, giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh phong trào “Xây dựng, quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, tạo cảnh quan, môi trường thoáng mát, đẹp đẽ, góp phần xây dựng đơn vị theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào “trồng cây gây rừng” được 3,719 ha cao su, gần 100 ha cà phê… Bộ Chỉ huy Quân sự một số tỉnh còn nhận chăm sóc và bảo vệ hàng trăm nghìn ha rừng… góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn, giúp nghi binh, ngụy trang, nâng cao khả năng cơ động tác chiến trong các khu vực phòng thủ địa phương. Năm 2008, ngành Hậu cần Quân khu 7 được Tổng cục Hậu cần đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đại tá VÕ TẤN THANH

Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu

_______________

1- Chỉ thị 10/CT-BTL của Tư lệnh Quân khu 7 yêu cầu các đơn vị tổ chức tăng gia sản xuất tập trung tại chỗ và tự bảo đảm theo phân cấp, không được mua ngoài chợ 7 nhóm nhu, yếu phẩm thiết yếu gồm: 1.Gạo tẻ; 2. Thịt; 3. Cá các loại; 4. Rau, củ quả; 5. Rau gia vị; 6. Nước mắm; 7. Nước đóng chai.

 

Ý kiến bạn đọc (0)