QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 22:54 (GMT+7)
Ngành Hậu cần Quân khu 5 phát huy phẩm chất \\"Bộ đội Cụ Hồ\\" trong giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lụt

Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lụt là  một trong những điểm nổi bật của cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân khu 5 trong thực hiện "làm theo" tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 

Quân khu 5 là địa bàn có thời tiết phức tạp, mưa nhiều, núi non hiểm trở, nhiều sông, suối ngắn, dễ bị lũ, lụt chia cắt. Hằng năm, vào mùa mưa, bão, nơi đây là tâm điểm của nhiều trận bão lớn, tàn phá nặng nề, làm tổn hại lớn tới tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và kinh tế cũng như tính mạng của nhân dân trên địa bàn. Riêng năm 2009, trên địa bàn Quân khu đã xảy ra hai trận bão lớn liên tiếp (cơn bão số 9 và 11), làm 340 người chết, 14.586 ngôi nhà sập hoàn toàn, 292.425 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 66.973 ha hoa màu bị ngập, 1.278 hồ nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, 692.523 gia súc bị cuốn trôi.... Nhận thức rõ: phòng, chống thiên tai như phòng, chống giặc ngoại xâm, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Hậu cần Quân khu đã chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tham gia giúp các địa phương phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lụt, góp phần giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần Quân khu đã tập trung quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lụt. Đặc biệt, trong Chương trình "Làm theo" tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo mọi cán bộ, đảng viên xác định rõ tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức giúp đỡ nhân dân trong khó khăn, hoạn nạn, nhất là trong phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lụt. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã động viên mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân viên nêu cao ý thức tự lực, tự cường, không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Đảng ủy, chỉ huy Cục đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch phòng, chống bão, lụt phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành mình và chỉ lệnh phòng, chống bão, lụt của trên; tích cực chuẩn bị về mọi mặt đáp ứng mọi tình huống xảy ra. Cục cũng yêu cầu các bộ phận phải tham gia tích cực các cuộc diễn tập phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn do Quân khu tổ chức; qua đó, nâng cao khả năng tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng và xử lý các tình huống, nhất là việc sơ tán, cứu dân, cứu tài sản, huy động lực lượng, phương tiện trong điều kiện khẩn cấp...

Trong các đợt bão, lụt vừa qua, mặc dù doanh trại, kho tàng của các cơ quan, đơn vị bị tàn phá nặng nề, nhưng cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân khu 5 vẫn tập trung nguồn lực cao nhất (cả con người và cơ sở vật chất, phương tiện) ưu tiên giúp các địa phương bị thiên tai tàn phá. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Hậu cần Quân khu đã làm tốt chức năng tham mưu giúp Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chính quyền các địa phương về công tác bảo đảm hậu cần trong mùa bão, lụt; đồng thời, chỉ đạo, điều hành công tác hậu cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", đáp ứng yêu cầu sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đối với những nơi thường xảy ra bão, lũ, ngành Hậu cần Quân khu đã tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương vận động nhân dân xây dựng công trình ngầm trú nấp, tránh bão tập trung; quy hoạch và tổ chức lập kho dự trữ lương thực, thực phẩm; huấn luyện cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ phương pháp sử dụng các trang bị, phương tiện cứu hộ thông dụng và sơ cứu, cấp cứu người bị nạn. Trong cơn bão số 9 và số 11 (năm 2009), với sự tham mưu của ngành Hậu cần, Quân khu đã huy động 8.763 cán bộ, chiến sỹ, 342 xe ô tô các loại, 19 xe thiết giáp, 2 xe lội nước, 117 xuồng, ca nô, thuyền nhôm, 1 bộ vượt sông nhẹ về các địa phương trọng điểm bão, lụt để triển khai công tác phòng tránh, cứu hộ, cứu nạn. Cùng với lực lượng vũ trang Quân khu, cán bộ, chiến sĩ của Ngành đã giúp địa phương vùng bão sơ tán 29 ngàn hộ dân (với trên 100 nghìn người); cứu và di chuyển đến nơi an toàn gần 4.000 người dân bị cô lập trong lũ; gặt 763 ha lúa, vận chuyển trên 165 tấn hàng khỏi vùng ngập lụt và cung cấp 27,5 tấn hàng, 10.000 thùng mì tôm, 5.000 chai nước uống cứu trợ nhân dân vùng bão, lụt...

Với tinh thần "Người sẵn sàng, phương tiện, trang bị sẵn sàng", "Tất cả vì nhân dân vùng bão, lụt", cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân khu đã không quản khó khăn, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chằng chống, neo buộc nhà cửa, kho tàng, giúp dân chống bão. Các ngành Quân nhu,Quân trang đã chủ động mua 300 kg cá khô, 300 chai nước mắm, 400 thùng mì tôm, 100 kg muối, 150 kg mì chính, 100 lít dầu thắp, 100 chiếc màn, 479 bộ quần áo, 40 áo ấm... dự trữ để cứu trợ khẩn cấp. Ngành Quân y cử 29 tổ công tác, với 99 y-bác sĩ, 164 cơ số thuốc, 414 kg thuốc khử khuẩn, 231.000 viên thuốc CloraminB, 387 kg phèn chua, 4.000 viên thuốc bổ tổng hợp, 3.180 lọ thuốc nhỏ mắt, 200 tuýp thuốc mỡ bôi chân cho nhân dân vùng bão. Các đội y-bác sĩ của đơn vị đã phối hợp với quân y các địa phương khám, cấp thuốc cho 26.918 lượt người, vệ sinh phòng dịch, khử khuẩn 12.177 giếng nước, phun hóa chất xử lý môi trường trên 120.000 m2 tại địa bàn 8 xã trọng điểm. Ngành Vận tải đã kết hợp nhiều hình thức và phương thức vận chuyển phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh việc sử dụng ô tô, ca nô, ghe, xuồng, Ngành còn chủ động đề nghị dùng máy bay trực thăng thả hàng ở những nơi bị nước lũ cô lập; sử dụng xe đặc chủng lội nước hoạt động ở địa hình lụt lội, phức tạp; sử dụng súng bắn dây của lực lượng đặc nhiệm để cơ động người tham gia cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, công tác vận tải còn sử dụng các phương tiện thô sơ như: xe máy, xe kéo, bè, mảng tham gia chuyển dân, chuyển tài sản đến nơi an toàn; tổ chức cho bộ đội mang, vác lương thực, thực phẩm, thuốc men cắt rừng, lội suối vào giúp dân trong vùng đang bị lũ, lụt đe doạ. Trong thực hiện nhiệm vụ, ngành Vận tải đã có nhiều sáng kiến hay, kết hợp nhiều hình thức vận chuyển có hiệu quả, như: chuyển tăng bo, cuốn chiếu, đặt trạm trung chuyển... nhằm bảo đảm cuộc sống bình thường cho nhân dân vùng "rốn lũ".

Cùng với đó, Cục đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động trong vận chuyển, phân phối nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân; trong mọi điều kiện, hoàn cảnh không để dân đói, rét. Trong cơn bão số 11 vừa qua, ngành Hậu cần tỉnh Công Tum đã tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp huy động 360 cán bộ, chiến sĩ, lập 3 trạm trung chuyển hàng cứu trợ, vận chuyển 70 tấn hàng lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men cần thiết cứu đói và hỗ trợ kịp thời cho đồng bào các huyện Tu Mơ Rông, Đắc Giây khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Lãnh đạo, chỉ huy Cục đã trực tiếp chỉ huy một bộ phận mang theo 10 cơ số thuốc chữa bệnh, 150 thùng mỳ tôm, cùng áo phao, nước uống, quân tư trang; sử dụng 3 ô tô cơ động tới các thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu), thôn Vạn Bùn (xã Duy Trinh), thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) kịp thời cứu giúp nhân dân sau nhiều ngày bị cô lập... Càng trong những lúc khó khăn, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" càng tỏa sáng, nhiều cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân khu liên tục đắm mình trong cơn lũ, chịu đói, chịu rét để cứu dân, cứu tài sản; nhiều đoạn đường bị ngập sâu, bộ đội phải mặc áo phao chặt cây đổ, lội nước dẫn đường cho xe vào vùng khó khăn nhất. Lãnh đạo, chỉ huy Cục thường xuyên có mặt ở những nơi bị bão, lũ uy hiếp để kịp thời chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu, giúp dân; mọi quyết định xử lý các tình huống đều được cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhanh chóng, chính xác. Trong thời gian về các địa phương giúp dân phòng chống bão, lụt, cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân khu luôn coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương; đẩy mạnh công tác dân vận, cùng ăn, cùng ở, cùng chịu khó khăn, thiếu thốn với nhân dân. Nhờ đó, các đơn vị luôn được chính quyền và nhân dân địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện để làm nhiệm vụ.

Phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lụt của cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân khu còn thể hiện đậm nét trong quá trình giúp nhân dân Căm-pu-chia ứng cứu và khắc phục hậu quả bão, lụt. Trước tình hình tàn phá của cơn bão số 9, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Gia Lai đó cứu giúp được 6 binh sỹ nước bạn bị lũ cô lập; địa bàn một số huyện của tỉnh Rat-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia) bị ngập nặng do ảnh hưởng của cơn bão, khi có ý kiến chỉ đạo của trên, Ngành Hậu cần đã đề xuất mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện; đồng thời, cử 156 cán bộ, chiến sĩ, sử dụng 3 ca nô, 1 xe lội nước, 26 ô tô, vận chuyển 6 tấn mỳ tôm, 3 tấn gạo, 2100 chai nước uống, 100 kg lương khô, 70 kg cá khô, 15 cơ thuốc... giúp nhân dân nước bạn. Ngành cũng đã phối hợp với lực lượng Không quân sử dụng 2 máy bay trực thăng tham gia thả hàng, cứu trợ 537 người (của 126 hộ dân) và đưa 40 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm...

Sau bão, lũ, ngành Hậu cần Quân khu đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng tiếp tục phối hợp cùng các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, lụt gây ra; giúp nhân dân sửa chữa, dựng lại 1805 ngôi nhà bị sập, đổ, hư hỏng, tu sửa, dọn vệ sinh 122 trường học, bệnh viện và trạm y tế, sửa chữa 142,2 km đường giao thông, đào đắp, nạo vét 4.575m bờ kè, kênh mương. Ngành Quân y kịp thời tổ chức các đội vệ sinh phòng dịch, liên tục bám dân, bám địa bàn, khám và cấp thuốc miễn phí, hướng dẫn bà con xử lý tất cả giếng nước ăn bị ô nhiễm, tham gia vệ sinh môi trường, hạn chế tới mức thấp nhất dịch bệnh có thể xảy ra. Hành động dũng cảm, tận tụy giúp dân trong bão, lụt của cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân khu 5, đã để lại trong lòng người dân miền Trung niềm tin, lòng tự hào về "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới.

 Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình bão, lụt của cả nước và trên địa bàn Quân khu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, ngành Hậu cần Quân khu 5 tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản khó khăn, gian khổ, sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ giúp dân phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lụt cũng như các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất khác.

Đại tá NGÔ TẤN NHẤT

Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)