QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 23:37 (GMT+7)
Ngành Hậu cần quân đội trước yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới

Ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 121/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng (BQP), trong đó có Tổng cục Cung cấp - tiền thân của Tổng cục Hậu cần ngày nay. Đây là mốc son đánh dấu sự hình thành, thống nhất chỉ đạo, chỉ huy các chuyên ngành hậu cần quân đội, phục vụ sự nghiệp xây dựng quân đội, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và tham gia xây dựng  đất nước.

Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP); được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội; sự đùm bọc, che chở của nhân dân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, ngành Hậu cần Quân đội đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm kịp thời nhu cầu hậu cần cho quân đội xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược; góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là những năm gần đây, Ngành đã tích cực đổi mới và hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, từ bảo đảm bằng hiện vật là chủ yếu sang bảo đảm phần lớn bằng tiền, đáp ứng tốt hơn về hậu cần cho xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP), bảo vệ Tổ quốc và tham gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).

Vừa thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần toàn quân, vừa xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh là nét nổi bật của ngành Hậu cần Quân đội 60 năm qua. Sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng đã tạo cơ sở vững chắc cho Ngành vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao qua các thời kỳ cách mạng. Hệ thống tổ chức hậu cần được củng cố, kiện toàn đồng bộ, từ cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật đến hậu cần quân sự địa phương. Công tác chỉ huy, tham mưu, quản lý, điều hành hoạt động của Ngành đi vào nền nếp chính quy, khoa học. Phương thức bảo đảm hậu cần mới được định hình và ngày càng hoàn thiện, phù hợp với cơ chế quản lý nền kinh tế của đất nước và tính đặc thù của nhiệm vụ quân đội. Cơ sở vật chất hậu cần được tăng cường cả về số lượng, chất lượng. Hệ thống doanh trại các đơn vị trong toàn quân được quy hoạch, xây dựng, nâng cấp tương đối đồng bộ, thống nhất, chính quy, nhất là các đơn vị đủ quân, đồn biên phòng, cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch, quân sự địa phương, các nhà trường, viện nghiên cứu, bệnh viện... Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật các chuyên ngành hậu cần (vận tải, xăng dầu, quân y, quân nhu) được bổ sung, đổi mới theo hướng tiên tiến, hiện đại. Chất lượng bảo đảm đời sống của bộ đội về ăn, mặc, ở, sinh hoạt được nâng lên. Các doanh nghiệp hậu cần được tổ chức sắp xếp lại, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, vừa phục vụ quốc phòng và tham gia cung cấp hàng hóa tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.

Cùng với xây dựng hậu cần quân đội, Ngành đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho ĐUQSTƯ, BQP và chỉ đạo xây dựng tiềm lực hậu cần của nền quốc phòng toàn dân (QPTD) ngày càng vững mạnh, hình thành thế trận hậu cần QPTD liên hoàn, vững chắc trong cả nước, trên các địa bàn chiến lược gắn với xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương); đồng thời, xây dựng và vận hành thông suốt cơ chế phối hợp, kết hợp giữa hậu cần nhân dân và hậu cần quân đội, nâng cao khả năng bảo đảm cho lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ QS,QP trong thời bình và sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân BVTQ khi có chiến tranh. 

Với những thành tựu đạt được 60 năm qua, ngành Hậu cần Quân đội có 169đơn vị, 168 cá nhân vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; Tổng cục Hậu cần được tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng và 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng nhất; các đơn vị trong toàn Ngành được tặng thưởng 983 Huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là tiền đề vững chắc để Ngành tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao trong thời kỳ mới. 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho quân đội hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ QS,QP, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và tham gia phát triển KT-XH, ngành Hậu cần Quân đội, đứng đầu là Tổng cục Hậu cần tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc nhiệm vụ QS,QP, bảo vệ Tổ quốc của Đảng trong tình hình mới; nghiên cứu, nắm bắt tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9 và các chỉ thị, mệnh lệnh của BQP. Trên cơ sở đó, chủ động làm tham mưu cho ĐUQSTƯ và BQP các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm hậu cần cho quân đội thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, trọng tâm là điều chỉnh lượng vật chất hậu cần dự trữ SSCĐ, dự trữ quốc gia cho quốc phòng phù hợp với khả năng kinh tế, tài chính của đất nước, cơ chế thị trường và yêu cầu nhiệm vụ của quân đội; tổ chức bảo đảm cho quân đội thực hiện nhiệm vụ SSCĐ (ưu tiên các lực lượng làm nhiệm vụ trên các địa bàn trọng điểm về quốc phòng- an ninh, bảo vệ biển đảo, các đồn biên phòng), các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, nhất là phòng chống bão lụt, tìm kiếm, cứu nạn. Nghiên cứu, đề xuất đổi mới trang thiết bị huấn luyện dã ngoại, diễn tập chiến thuật, bảo đảm gọn, nhẹ, đồng bộ; khảo sát, quy hoạch cơ sở hậu cần một số đảo gần bờ; triển khai dự án nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe của tuyến quân y trên huyện đảo Trường Sa và khả năng cấp cứu, cứu chữa của các bệnh viện tuyến, khu vực khi có thảm họa thiên tai, dịch bệnh lớn xảy ra, phù hợp với nhiệm vụ của quân đội... Cùng với đó, đề xuất với ĐUQSTƯ, BQP làm tham mưu cho Đảng, Chính phủ bổ sung quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH, gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận hậu cần nền QPTD; chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng hậu cần KVPT, trọng tâm là xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần theo các mục tiêu đã xác định; từng bước hoàn thiện cơ chế huy động hậu cần bảo đảm cho quốc phòng khi có nhu cầu; thường xuyên rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch và tổ chức diễn tập hậu cần KVPT, không ngừng nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần cho các lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng- an ninh thời bình, sẵn sàng chuyển thành thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp, nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm hậu cần, giữ vững ổn định đời sống, sức khỏe của bộ đội. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương thức bảo đảm hậu cần phù hợp với cơ chế quản lý nền kinh tế của đất nước và nhiệm vụ của quân đội. Mở rộng các hình thức tạo nguồn đấu thầu, kết hợp với đặt hàng sản xuất, đối với các mặt hàng đặc thù có yêu cầu thống nhất, chính quy; đồng thời, phân cấp mạnh cho đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm trong công tác hậu cần, nhất là trong  tiết kiệm xăng dầu, điện, nước và chi phí công. Thường xuyên bám sát sự biến động của giá cả thị trường để phối hợp với ngành Tài chính kịp thời đề xuất với Bộ Quốc phòng, Nhà nước, điều chỉnh tiền ăn cho các đối tượng, bảo đảm đủ định lượng, tiêu chuẩn ăn của bộ đội; chú trọng quản lý chất lượng, giá cả hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh tăng gia sản xuất theo hướng tập trung, phát triển các loại hình chăn nuôi gia sức, gia cầm, thủy sản và trồng trọt, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần giữ ổn định và cải thiện bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Từng bước đầu tư đổi mới đồng bộ hệ thống trang bị, dụng cụ nhà ăn, nhà bếp; thí điểm đầu tư máy lọc nước uống, hệ thống cấp nhiệt lò hơi nấu ăn ở một số đơn vị để triển khai trong toàn quân nhân công hợp lý và phù hợp công tác xã hội hóa một số khâu trong nuôi dưỡng bộ đội, góp phần giảm quân số theo quy hoạch và nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời tiêu chuẩn quân trang cho các đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện nền nếp chính quy, bảo đảm sức khỏe và điều kiện sinh hoạt của bộ đội.

Thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bộ đội. Tập trung đầu tư chiều sâu, có trọng điểm cho các bệnh viện và quân y tuyến chiến lược, y học chuyên ngành hải quân, không quân; thực hiện có hiệu quả chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện loại A với các thành viên quân khu, quân đoàn,... ưu tiên xây dựng, củng cố hệ thống y tế dự phòng, tạo cơ sở nâng cao khả năng giám sát, phát hiện và phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan trong quân đội; quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả trang bị kỹ thuật y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến quân y, nhất là tuyến cơ sở; tập trung nâng cao chất lượng công tác quân y của quần đảo Trường Sa. Phấn đấu bảo đảm quân số khỏe toàn quân trung bình hằng năm trên 98,5%. Làm tốt công tác khám sức khoẻ cho tuyển quân và tuyển sinh quân sự. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động kết hợp quân- dân y trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội và góp phần tăng cường tiềm lực nền QPTD, nhất là trên các địa bàn vùng sâu, biên giới, hải đảo.

Hoàn thiện quy hoạch doanh trại, hợp thức đất quốc phòng. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng cơ bản trong quân đội; thực hiện tốt khâu quy hoạch, xây dựng và thẩm định dự án; quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng xây dựng các công trình doanh trại. Ưu tiên ngân sách xây dựng doanh trại cho các trung đoàn đủ quân; các sư đoàn phòng không; các đồn, trạm biên phòng; các trung, lữ đoàn kỹ thuật; bộ đội tàu hải quân. Tiếp tục thực hiện kế hoạch sửa chữa doanh trại, bảo đảm nước sạch, tắm nước nóng, doanh cụ, điện sinh hoạt phục vụ bộ đội. Triển khai các dự án phát triển nhà ở của cán bộ quân đội theo chính sách, quy định của Nhà nước và BQP.

Chủ động tạo nguồn, bảo đảm đủ xăng dầu theo hạn mức, đáp ứng nhu cầu của các nhiệm vụ, ưu tiên cho các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vùng trời, biển đảo của Tổ quốc. Đầu tư mua sắm, bổ sung trang bị, khí tài xăng dầu dự trữ SSCĐ, xe chuyên dụng. Nâng cao hiệu quả sử dụng, thực hiện tiết kiệm hạn mức xăng dầu theo quy định.

Nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, tổ chức bảo đảm vận tải quân sự ở cả 3 cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật), bảo đảm tốt cho nhiệm vụ thường xuyên, SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất của quân đội. Từng bước đổi mới trang bị, phương tiện vận tải, trước hết là xe vận tải, phương tiện thủy chiến lược; trang bị một số xuồng, thuyền bảo đảm cho nhiệm vụ phân lũ và phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn; nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý tàu, thuyền trong toàn quân. Tiếp tục củng cố, nâng cấp hệ thống ga, cảng vận tải quân sự chiến lược, chiến dịch hiện có; đầu tư  xây dựng mới một số cảng quân sự ở các đảo trọng điểm.

Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp hậu cần. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế quản lý hậu cần phù hợp với Luật Doanh nghiệp nhà nước và quy định của BQP, từng bước cơ cấu lại sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin kinh tế, bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động đúng định hướng, tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh; phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm được giao, nhất là kế hoạch sản xuất hàng quốc phòng, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn nhu cầu hậu cần của quân đội.

Tập trung xây dựng Ngành vững mạnh toàn diện. Tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Hậu cần. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và các phong trào thi đua của các chuyên ngành, gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tạo động lực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án tổ chức lực lượng ngành Hậu cần trong tình hình mới, bảo đảm tinh, gọn, cơ cấu quân số hợp lý, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống; tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp, nhất là cấp chiến lược, chiến dịch, nhà trường, cơ sở nghiên cứu, bệnh viện theo quy định của BQP. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, trọng tâm là bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của người chỉ huy và cơ quan hậu cần; nâng cao khả năng cơ động và bảo đảm của các phân đội hậu cần trong điều kiện dã ngoại dài ngày, tác chiến trong chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao; chú trọng nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của các hội thi, hội thao các chuyên ngành hậu cần. Thường xuyên rà soát, bổ sung hoàn chỉnh và tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án bảo đảm hậu cần cho tác chiến trong  các tình huống. Đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy ngành Hậu cần, nhất là trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, kế hoạch bảo đảm, các chế độ công tác hậu cần; duy trì nghiêm túc chế độ trực chỉ huy, SSCĐ, phòng chống cháy, nổ, tìm kiếm, cứu nạn, ứng phó với thảm họa thiên tai ở các cấp. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng tiềm lực khoa học hậu cần, phục vụ đắc lực cho chỉ huy, chỉ đạo, quản lý hậu cần ở các cấp; xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, chế độ hậu cần cho các đối tượng phù hợp với tính đặc thù của nhiệm vụ quân đội trong thời kỳ mới và khả năng kinh tế đất nước.

Kế thừa, phát huy truyền thống, kinh nghiệm 60 năm qua, ngành Hậu cần Quân đội tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho xây dựng quân đội "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS,QP, bảo vệ Tổ quốc và tham gia phát triển KT-XH thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Thiếu tướng NGUYỄN VĨNH PHÚ

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

 

Ý kiến bạn đọc (0)