QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 09:44 (GMT+7)
Ngành Hậu cần Hải quân trước nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

 Ngày 24 tháng 1 năm 1959, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 322/NĐ-A, thành lập Cục Hải quân; trong đó có Phòng Hậu cần, tiền thân của Cục Hậu cần Quân chủng Hải quân ngày nay.

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, sự chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần, sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương nơi đóng quân, ngành Hậu cần Quân chủng Hải quân, trước hết là Cục Hậu cần, đã hoàn thành tốt vai trò làm tham mưu cho cấp trên về công tác hậu cần hải quân, hậu cần nhân dân trên hướng biển, đảo; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo tổ chức bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho các lực lượng hải quân và các lực lượng  tăng cường, phối thuộc, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ  trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), làm nghĩa vụ quốc tế. Đặc biệt, những năm gần đây, ngành Hậu cần Hải quân đã tích cực đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần (BĐHC) theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, kết hợp với phân cấp phù hợp với đặc thù hoạt động của lực lượng Hải quân, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hậu cần cho xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), chiến đấu, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tham gia tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường biển và các nhiệm vụ khác được cấp trên giao.  

Với quan điểm vừa tổ chức BĐHC cho các nhiệm vụ, vừa xây dựng Ngành vững mạnh; đến nay, hệ thống tổ chức, biên chế Ngành được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng, phương tiện của Quân chủng. Cơ sở hạ tầng, trang bị, phương tiện hậu cần từng bước được đổi mới theo hướng đồng bộ, thống nhất, tiên tiến, nhất là hệ thống kho xăng, dầu, phương tiện vận tải, cơ sở điều trị, điều dưỡng, hệ thống nhà ăn, nhà bếp...Tiềm lực và thế trận hậu cần trên hướng biển, đảo được tăng cường, đặc biệt là các vùng biển, đảo xa, các vùng trọng điểm khai thác tài nguyên biển. Trình độ tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động của đội ngũ cán bộ hậu cần các cấp từng bước được nâng lên; nền nếp chính quy, trước hết là chính quy trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Ngành ngày càng đi vào chiều sâu; các quy chế, quy định, nguyên tắc trong bảo đảm, quản lý hậu cần được duy trì thực hiện nghiêm. Đi đôi với công tác chuyên môn, Ngành chú trọng đẩy mạnh công tác thi đua- khen thưởng, lồng ghép các hoạt động công tác hậu cần với các mục tiêu phong trào thi đua Quyết thắng, phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và chương trình hành động, các cuộc vận động khác vào nội dung, chỉ tiêu thi đua của Ngành, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần. Tổng kết 5 năm (lần thứ nhất) thực hiện phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, ngành Hậu cần Quân chủng Hải quân được Bộ Quốc phòng tặng cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua toàn quân. Cùng với đó, Ngành tổ chức thành công nhiều cuộc thi về công tác hậu cần trong toàn Quân chủng, như: “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh-sạch- đẹp”, “Đơn vị quân y 5 tốt”, “Kho xăng dầu chính quy, an toàn, tiết kiệm”..., được cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân chủng tích cực tham gia, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về công tác hậu cần.

50 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng ngành Hậu cần Hải quân đã vượt qua mọi khó khăn, không quản ngại hiểm nguy, đồng tâm, hiệp lực, xây đắp nên truyền thống vẻ vang“Đoàn kết, hiệp đồng; chủ động, sáng tạo; khắc phục khó khăn; hoàn thành nhiệm vụ”. Đây là tiền đề vững chắc để Ngành tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được cấp trên giao trong thời gian tới.

Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới  đang đặt ra cho ngành Hậu cần Hải quân những nội dung, yêu cầu rất cao. Công tác hậu cần phải bảo đảm cho nhiều lực lượng thực hiện các nhiệm vụ: quản lý, bảo vệ biển, đảo, tìm kiếm, cứu nạn, tham gia khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và các nhiệm vụ khác; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng đối phó trước các tình huống có thể xẩy ra với tính biến động cao, diễn ra trên vùng biển rộng, xa bờ, thời tiết, thủy văn diễn biến thất thường; khối lượng vật chất, trang bị hậu cần lớn, đa dạng; khả năng huy động và khai thác hậu cần ở ven biển, trên biển hạn chế; công tác vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng, cứu chữa thương binh, bệnh binh rất khó khăn; chỉ huy và điều hành công tác hậu cần rất phức tạp...Trong khi đó, khả năng BĐHC cho hoạt động quản lý, bảo vệ biển, đảo còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện hậu cần vừa thiếu, vừa lạc hậu, không đồng bộ; một số trang bị đặc chủng chưa đủ khả năng vươn ra các vùng biển xa. Công tác chỉ đạo, chỉ huy và điều hành phối hợp hoạt động giữa hậu cần các cấp trong quân đội, hậu cần khu vực phòng thủ (KVPT), hậu cần nhân dân chưa chặt chẽ, thống nhất...

Trong bối cảnh, tình hình trên, để nâng cao khả năng BĐHC cho Quân chủng  hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, thời gian tới, công tác hậu cần và ngành Hậu cần Hải quân tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau.

 1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược biển, nhiệm vụ của Quân đội, Quân chủng; nắm vững phương hướng, nhiệm vụ công tác hậu cần quân đội. Trên cơ sở đó, nâng cao năng lực làm tham mưu cho Quân chủng, Bộ Quốc phòng về công tác hậu cần trên hướng biển, đảo; tạo nguồn BĐHC ổn định, vững chắc; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện BĐHC cho các lực lượng Hải quân, các lực lượng tăng cường, phối thuộc hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống và các nhiệm vụ khác; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt hậu cần nhân dân trên hướng biển, đảo.    

2. Tập trung nguồn lực, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần trên hướng biển, đảo vững mạnh. Thường xuyên chăm lo xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức hậu cần từ cơ quan Quân chủng đến hậu cần đơn vị, kết hợp với hậu cần KVPT các tỉnh (thành phố) ven biển và hậu cần nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp để BĐHC cho các lực lượng hoạt động trên hướng biển, đảo. Trong xây dựng lực lượng hậu cần phải bảo đảm tính cân đối, đồng bộ, vừa có lực lượng hậu cần thường trực gọn, mạnh, vừa có lực lượng dự bị động viên hậu cần hùng hậu; có lực lượng trên biển, đảo và trong bờ. Tích cực chuẩn bị mọi mặt, xây dựng tiềm lực hậu cần vững mạnh, thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc, cơ động trên từng khu vực và trên toàn vùng biển, phù hợp với nhiệm vụ của Quân chủng và phương án tác chiến. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương thức, biện pháp BĐHC phù hợp với điều kiện biển, đảo; lấy BĐHC tại chỗ, theo khu vực là chủ yếu, kết hợp với tăng cường khả năng cơ động, nâng cao khả năng BĐHC cho các lực lượng. Từng bước đầu tư hiện đại hóa trang bị, phương tiện BĐHC trên biển, đảo; ưu tiên mở rộng sức chứa của hệ thống kho xăng, dầu trên bờ, trang bị các loại bể mềm cơ động, hệ thống đường ống đến các căn cứ hậu cần chiến lược, các kho xăng, dầu khu vực ven biển, khu vực tập kết tàu, thuyền trên biển, đảo. Nghiên cứu, cải tiến phương tiện thủy hiện có để nâng cao năng lực vận tải, trước hết là các tàu chở nhiên liệu, nước ngọt, tàu thu dung, điều trị thương, bệnh binh; nâng cấp phương tiện, trang bị bảo đảm ăn uống, sinh hoạt phù hợp với các lực lượng hoạt động trên biển, nhất là các vùng biển, đảo xa. Chú trọng tạo nguồn, dự trữ vật chất, trang bị hậu cần đủ số lượng, đồng bộ, bảo đảm chất lượng theo quy định, phân cấp dự trữ phù hợp với từng nhiệm vụ hoạt động trên biển, đảo. Đối với các đảo, nhất là các đảo xa phải tổ chức dự trữ bảo đảm cho các lực lượng hoạt động dài ngày. Với các tàu cơ động trên biển cần dự trữ phù hợp với khả năng cơ động và đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong từng tình huống. Trước mắt, tập trung các nguồn lực bảo đảm nhu cầu hậu cần cho các lực lượng SSCĐ bảo vệ biển, đảo, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tìm kiếm, cứu nạn; phấn đấu bảo đảm thời gian xuất phát nhanh nhất và kéo dài thời gian hoạt động của các tàu trên biển. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, bảo đảm điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, bảo đảm sinh hoạt của các đơn vị, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ.

3. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao trình độ tổ chức chỉ đạo thực hiện phương thức BĐHC trong tình hình mới. Trên cơ sở nâng cao năng lực quản lý nhà nước bằng kế hoạch, tiếp tục đổi mới phương thức bảo đảm, kết hợp với phân cấp theo hướng tăng cường phân bổ các chỉ tiêu vật chất, ngân sách cho các đơn vị để chủ động khai thác, tạo nguồn BĐHC tại chỗ các mặt hàng hậu cần, nhất là xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện. Từng bước mở rộng đấu thầu mua sắm, tạo nguồn, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và hạ giá thành sản phẩm. Chú trọng đổi mới phương thức tạo nguồn BĐHC theo phân cấp, vừa phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế thời bình, vừa đáp ứng yêu cầu thời chiến. Cùng với nghiên cứu, đổi mới hình thức dự trữ SSCĐ, tăng cường chế biến lương thực, thực phẩm khô bảo đảm cho các lực lượng hoạt động trên biển, nhất là tàu hoạt động xa bờ. Nghiên cứu, đề xuất cấp trên ban hành tiêu chuẩn, chế độ ăn, mặc, ở của bộ đội Hải quân, nhất là tiêu chuẩn ăn của bộ đội trên tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, quân trang hải quân đánh bộ, đặc công hải quân...,đáp ứng yêu cầu về hậu cần cho hoạt động thường xuyên, SSCĐ, chiến đấu của Quân chủng trong mọi tình huống.

 4. Đẩy mạnh xây dựng ngành Hậu cần Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đi đôi với xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế “gọn, mạnh, hiệu quả”, coi trọng xây dựng Ngành vững mạnh về chính trị, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong Ngành, trước hết là đội ngũ cán bộ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức trong sáng, có năng lực tổ chức, quản lý và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án xây dựng lực lượng hậu cần Hải quân đến năm 2010 và những năm tiếp theo” phù hợp với tình hình mới, bảo đảm chỉ huy, chỉ đạo tập trung, thống nhất. Đẩy mạnh sản xuất, chế biến tập trung, trồng rừng, trồng rau sạch, thực hiện có hiệu quả các dự án năng lượng sạch ở huyện đảo Trường Sa, nhà tắm nước nóng ở các đơn vị phía  Bắc...Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học hậu cần, nhất là chuyên ngành khoa học hậu cần hải quân. Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, lề lối, tác phong công tác, đáp ứng yêu cầu chỉ huy, điều hành, quản lý công tác hậu cần ở từng cấp, từng chuyên ngành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý hậu cần. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác khoa học-công nghệ, trao đổi kinh nghiệm với hậu cần đơn vị bạn, các ngành kinh tế-xã hội Nhà nước và với hậu cần hải quân một số nước trên thế giới. Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần và góp phần xây dựng ngành Hậu cần Hải quân vững mạnh toàn diện.

Kế thừa, phát huy truyền thống 50 năm qua, ngành Hậu cần Hải quân tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được cấp trên giao, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho Quân chủng hoàn thành chức năng, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, tham gia phát triển kinh tế- xã hội đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.           

Đại tá ĐỖ VĂN THÀNH

Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân

 

Ý kiến bạn đọc (0)