QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 00:54 (GMT+7)
Nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và kế thừa tinh hoa truyền thống đánh giặc của dân tộc, nghệ thuật quân sự (NTQS) Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ không chỉ có sự phát triển vượt bậc cả về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật (chiến đấu) mà còn là một nền NTQS chứa đựng nhiều nét độc đáo. Bài viết chỉ xin đề cập đến một số vấn đề NTQS mang nét độc đáo đó.

Nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc.

Hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta vừa có tính chất của cuộc chiến tranh giải phóng vừa có tính chất của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng, tựu trung, đó đều là những cuộc chiến tranh nhân dân (CTND), chiến tranh tự vệ chính nghĩa, do toàn dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chống lại chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Không chỉ dựa vào quân đội để tiến hành chiến tranh, mà chúng ta đánh giặc bằng sức mạnh của cả dân tộc. Nếu lực lượng tiến hành chiến tranh của đế quốc xâm lược là quân đội của chúng và bè lũ tay sai, bù nhìn do chúng lập nên, thì đối với ta là lực lượng toàn dân. Sự “khác thường” đó đặt ra cho NTQS Việt Nam phải giải quyết những vấn đề cũng “khác thường” so với các kiểu chiến tranh cổ điển có tính quy ước; nghĩa là, NTQS của ta là nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc. Nó khác hẳn với NTQS của kẻ xâm lược - nghệ thuật tổ chức lực lượng quân sự nhà nghề với những cỗ máy chiến tranh khổng lồ, chuyên nghiệp.

Đối tượng của nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng của ta là toàn dân. Để lực lượng đông đảo đó đủ sức đánh thắng những đội quân nhà nghề, ta đã tổ chức lực lượng theo cấu trúc hình tháp. Phần chân tháp là hàng triệu dân quân du kích, tự vệ gắn liền với lực lượng toàn dân; phần thân tháp là bộ đội địa phương gắn liền với lực lượng kháng chiến của từng huyện, tỉnh, thành phố; phần đỉnh tháp là bộ đội chủ lực. Đó là nghệ thuật tổ chức có tính khoa học, tính thống nhất và chặt chẽ, làm cho toàn dân ta triệu người như một, tạo sức mạnh tổng hợp lớn nhất để đánh địch, thắng địch. Đi đôi với nghệ thuật tổ chức lực lượng, ta xác định hai hình thức đấu tranh chủ yếu: đấu tranh quân sự kết hợp đấu tranh chính trị; hai phương thức tác chiến cơ bản: tác chiến tập trung và tác chiến du kích. Các hình thức, phương thức đó được vận dụng hết sức linh hoạt, tùy thuộc yêu cầu đấu tranh cách mạng của từng thời điểm, giai đoạn, gắn với từng địa bàn cụ thể và từng đối tượng cụ thể. Với nghệ thuật tổ chức và vận dụng các hình thức, phương thức như thế, ta đã xây dựng được thế trận CTND “thiên la địa võng”, rộng khắp, vững chắc, nhưng mạnh ở trọng điểm. Điều đó lý giải vì sao ta có thể "Mở mặt trận ở bất cứ nơi nào có bóng địch, đánh ngay ở cả sau lưng địch, trong ruột địch" trong kháng chiến chống Pháp; và "Kéo địch ra khỏi hang ổ mà đánh, căng địch ra mà đánh, luồn sâu vào hậu phương địch mà đánh..." trong kháng chiến chống Mỹ, bảo đảm cho ta luôn đánh địch ở thế chủ động, càng đánh càng mạnh. Ngược lại, địch luôn ở thế bị động, càng đánh càng bộc lộ sơ hở, càng đánh càng bị dồn vào nguy cơ thất bại. Lịch sử đã diễn ra đúng như vậy. Trong kháng chiến chống Pháp, nhờ có CTND mà ta vừa có thể kháng chiến, vừa có thể kiến quốc; nhờ nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc mà ta vừa có điều kiện tập trung đánh lớn ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch; đồng thời, vừa có điều kiện đánh địch rộng khắp, loại khỏi vòng chiến đấu 112.000 tên địch ở các chiến trường khác. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhờ nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc, ta đã kết thành lưới lửa của CTND, diệt hàng nghìn máy bay, tàu chiến, bắt sống hàng trăm giặc lái, đánh bại hoàn toàn chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. Trên chiến trường miền Nam, CTND của ta đã làm cho địch khiếp đảm (báo chí Mỹ thú nhận, trong các năm 1965, 1966, 1967, có tới 25% lính thủy đánh bộ Mỹ ở Quân đoàn 1 của chúng bị thương vong do chông, mìn của ta gây nên). Nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc của ta có sự phát triển mới về chất, tạo cơ sở cho lực lượng vũ trang ba thứ quân ở miền Nam phát triển lớn mạnh chưa từng thấy. Cùng với đó, xuất hiện những khái niệm mới của chiến tranh cách mạng miền Nam, như: “đội quân chính trị”, “vành đai diệt Mỹ”, “phong trào đồng khởi”..., khiến Mỹ-ngụy từng bước rơi vào cơn khốn quẫn và kết cục thất bại cả về quân sự và chính trị. Như vậy, có thể nói, CTND mà cốt lõi là nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc của ta đã đánh thắng chiến tranh xâm lược bằng lực lượng quân đội nhà nghề của địch. Đó là nét độc đáo của NTQS Việt Nam đương đại.

Nghệ thuật buộc địch phải đánh theo cách mà ta lựa chọn .

Trong lịch sử NTQS thế giới, việc buộc đối phương phải đánh theo cách của mình không phải là hiếm, nhưng đó thường là những trường hợp không có sự chênh lệch nhiều về tương quan so sánh lực lượng. Trong cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, tuy bị suy yếu trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, song Pháp vẫn là nước công nghiệp có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, có bộ máy chiến tranh hiện đại, có quân đội nhà nghề, dầy kinh nghiệm. Trong cuộc chiến tranh này, Pháp đã chi phí 4. 092,7 tỷ phơ-răng (trong đó có 1.154  tỷ phơ-răng do Mỹ viện trợ). Còn về ta thì sao? Trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đất nước ta bị kiệt quệ do bị thực dân Pháp và phát xít Nhật bóc lột tàn tệ, nạn đói năm 1945 (cũng là hệ quả bóc lột của Pháp và Nhật) đã cướp đi hơn 2 triệu đồng bào ta. Khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, ta không có gì hơn ngoài 25 triệu người dân giàu lòng yêu nước, một quân đội còn non trẻ với vũ khí, trang bị thô sơ, chưa có kinh nghiệm, cùng 2,4-2,7 triệu tấn thóc mỗi năm. Còn khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta mới giải phóng được một nửa đất nước, dân số nước ta bằng 1/6, giá trị tổng sản phẩm hằng năm (của miền Bắc) chỉ bằng 1/1.000 của nước Mỹ; trong khi đó, Mỹ là nước đế quốc có lực lượng kinh tế, quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Thời kỳ cao điểm (tháng 12-1967), số quân Mỹ được huy động cho chiến tranh xâm lược Việt Nam lên tới 550.000 quân, chưa kể 72.000 quân đồng minh cùng hàng nghìn tấn vũ khí, kỹ thuật hiện đại nhất. Trong điều kiện như vậy, nếu tiến trình chiến tranh diễn ra theo chiều hướng: Pháp định thời điểm đánh, áp đặt lối đánh; Mỹ chủ động tiến công, kiểm soát chiến tranh..., cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng sự thật thì ngược lại! Xét về toàn cục, ta mới là người áp đặt lối đánh, buộc Pháp và Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta. Điều này, thêm một lần nữa bổ sung sự độc đáo của NTQS Việt Nam.

Lịch sử cuộc chiến tranh cho thấy nhiều điều thú vị. Thời kỳ đầu chống Pháp, NTQS Việt Nam chưa phải đã có đủ các thành tố của nó. Nghệ thuật chiến dịch của ta chưa hình thành, chiến thuật còn sơ khai, nhưng chiến lược quân sự của ta đã có tính vượt trước cả về chỉ đạo chiến tranh và tư duy chiến lược. Nhờ vậy, Đảng ta đã xử lý rất khéo vấn đề cô lập, phân hóa, loại bỏ bớt kẻ thù để tập trung vào kẻ thù chủ yếu. Chiến lược quân sự của ta luôn tìm cách vô hiệu hóa chiến lược của địch. Trong hai cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, cả Pháp và Mỹ đều đưa ra chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh. Thay vì cuốn theo chiến lược đó, ta chủ trương đánh lâu dài, nhưng không phải là đánh kéo dài vô hạn định, mà đánh liên tục, rộng khắp, từng bước giành quyền chủ động, kết hợp cả đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích và kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng để kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi nhất. Chiến lược chiến tranh cách mạng đó khiến cho Pháp và cả Mỹ về sau, từ chỗ là người chủ xướng cho cái gọi là đánh nhanh, thắng nhanh, lại đều phải chấp nhận đánh lâu dài. Trên thực tế, buộc địch phải chấp nhận đánh lâu dài là thắng lợi đầu tiên của ta, đồng thời là sai lầm đầu tiên về chiến lược của địch.

Sau Thu-Đông 1947, quân Pháp đã mất quyền chủ động, buộc phải chuyển dần vào phòng ngự bị động. Trong chiến dịch Biên Giới (1950), hai binh đoàn (Lơ Pa-giơ và Sác-tông) của Pháp phải ứng cứu cho Đông Khê để rồi sau đó bị ta tiêu diệt gọn. Đó thực chất đều là hệ quả của việc bị cuốn theo lối đánh của ta. Đông-Xuân 1953-1954, Pháp tăng mạnh quân số, trang bị, nhưng ta “chia nhỏ chúng” bằng cách mở 5 đòn tiến công chiến lược (Lai Châu – Trung Lào – Hạ Lào và đông-bắc Căm-pu-chia – Tây Nguyên – Thượng Lào) làm cho quân Pháp mắc kẹt vào mâu thuẫn giữa tập trung với phân tán, khiến chúng không thể có lực lượng cơ động mạnh để đối phó với ta trên các chiến trường. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sự thực là địch bị động cả về ý định cũng như cách đánh, để rồi, một hệ thống phòng ngự hiện đại, kiên cố, được xem như là “một pháo đài bất khả xâm phạm”, nhưng cuối cùng vẫn thất bại thảm hại.

Nghệ thuật buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn được thể hiện hết sức sinh động và đa dạng. Mỹ phải thay đổi hết chiến lược, chiến thuật này đến chiến lược, chiến thuật khác, nhưng bản chất của các chiến lược, chiến thuật đó chẳng thể hiện tính chủ động hay sáng tạo gì mà đều là sự thay đổi trong bị động. Ngược lại, tư tưởng chỉ đạo của ta luôn nhất quán, việc thay đổi phương pháp đấu tranh cách mạng, hay biện pháp tác chiến là để phù hợp với sự vận động, biến đổi của hình thái tác chiến và chiến tranh; trên hết là để giành quyền chủ động trên chiến trường. Các nguyên tắc phổ biến của NTQS thế giới cùng với tinh hoa truyền thống quân sự của dân tộc luôn được Đảng ta vận dụng hết sức sáng tạo. Quan điểm, tư tưởng quân sự "đánh chỗ mềm, chỗ cứng cũng phải mềm, đánh chỗ cứng, chỗ mềm cũng hóa cứng" được chúng ta kế thừa, phát triển một cách hết sức tài tình trong hầu hết các cuộc tiến công, phản công chiến lược, điển hình là trong Chiến dịch Plây-me (1965), Cuộc tiến công chiến lược 1972, Chiến dịch Tây Nguyên (1975), v.v. Để hạn chế mặt mạnh của địch, đồng thời phát huy cách đánh của ta, ta tìm mọi biện pháp buộc địch phải phân tán lực lượng, không cho chúng phát huy lối đánh sở trường (đánh tập trung lực lượng, dàn thành hai tuyến đối địch), bắt chúng phải đánh theo lối đánh gần, đánh hiểm, đánh không phân tuyến của ta. Vì vậy, mặc dù có tới hơn một triệu quân, có vũ khí kỹ thuật tối tân, nhưng do chiến lược, chiến thuật tréo giò, bị động, chắp vá nên Mỹ-ngụy luôn lâm vào tình trạng bế tắc; bởi quân đông mà phải phân tán mỏng, quân đông nhưng không có tỷ lệ quân cơ động tương xứng; hỏa lực mạnh và khả năng cơ động cao nhưng không phát huy được, rốt cuộc phải chấp nhận thất bại hoàn toàn.

Như vậy, ít địch nhiều, yếu chống mạnh chỉ là những hiện tượng ban đầu. Bằng CTND, với nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc độc đáo; bằng tư duy quân sự, với nghệ thuật “khiến địch, điều địch” độc đáo và bằng việc luôn coi trọng nhân tố chính trị-tinh thần, mà cái ít của ta không chỉ thành nhiều mà còn tinh; cái “yếu” trở thành “mạnh” và ngày càng mạnh hơn; nói cách khác, đó là NTQS “lấy nhỏ thắng lớn” của dân tộc ta. Nó hoàn toàn đúng với quy luật của chiến tranh: mạnh được yếu thua, bởi vì cái “nhỏ”, cái “lớn” giữa ta và địch đã vận động, biến đổi. Đây là những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, giúp chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng chắc chắn rằng, bất luận kẻ thù nào có dã tâm xâm lược nước ta, dù có vũ khí, trang bị hiện đại thế nào, vẫn phải chuốc lấy thất bại, không thể khác được.

Đức Lê

 

Ý kiến bạn đọc (1)

Hay
01/04/2021 15:48
Hay
Nguyễn Tuấn Đạt