QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 07:55 (GMT+7)
Nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch giải phóng Thăng Long (1789)

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, chiến dịch tiến công đại phá 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long, do Hoàng đế Quang Trung- Nguyễn Huệ chỉ huy vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789) là một điển hình của nghệ thuật tác chiến chiến dịch - chiến lược. Nó đã góp phần làm giàu kho tàng nghệ thuật quân sự của dân tộc ta, thể hiện  ở những nét đặc sắc sau đây:

1- Tiến hành chiến dịch với quyết tâm lớn. Tính chất chính nghĩa của các cuộc chiến tranh (giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc) do dân tộc ta tiến hành từ xưa đến nay, luôn được xác định rõ. Đấy là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tinh thần, ý chí quyết tâm, cùng những hành động kiên quyết, dũng cảm của toàn dân trong chiến tranh nói chung, trong chiến lược, chiến dịch quân sự nói riêng. Chiến dịch giải phóng Thăng Long là một điển hình của việc xác định mục đích chính trị của chiến tranh. Nó được quán triệt từ trên xuống dưới: người lãnh đạo-chỉ huy thì kêu gọi toàn quân và toàn dân dốc mọi nỗ lực để đạt bằng được mục đích đánh bại hoàn toàn quân Mãn Thanh xâm lược; còn nhân dân và quân đội thì ý thức sâu sắc rằng: chỉ  bằng những hành động chiến đấu kiên quyết, táo bạo mới có thể giành được toàn thắng, mới tạo được các điều kiện thuận lợi để xây dựng đất nước.

Với âm mưu thôn tính nước ta từ lâu, viện cớ lời cầu cứu của vua Lê Chiêu Thống nhằm giữ ngai vàng cho triều Lê, ngày 25-10-1788, vua Càn Long (nhà Thanh) huy động 29 vạn binh mã dưới sự chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị (Tổng đốc lưỡng Quảng), tiến theo 4 hướng xâm lược nước ta. Quân Tây Sơn ở Bắc Hà chỉ có hơn 1 vạn, không đủ sức giữ Thăng Long nên đã lui về phòng thủ ở Tam Điệp - Biện Sơn nhằm bảo toàn lực lượng và tạo cho quân địch sự chủ quan... để dễ bề thực hiện kế sách “Cho địch ngủ trọ một đêm”,  rồi sẽ quét sạch chúng. Ngày 21-12-1788, Nguyễn Huệ ở kinh thành Phú Xuân  (Huế) nhận được tin. Ngày hôm sau, Ông đăng quang ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, làm lễ xuất quân ra Bắc tiêu diệt quân Mãn Thanh xâm lược. Đến Nghệ An (26-12-1788), Quang Trung cho mộ thêm quân, tiến hành cuộc duyệt binh lớn và đọc Hịch kêu gọi tướng sĩ đánh giặc ngoại xâm. Ông khẳng định sự tồn tại bền vững của đất nước “ Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy đã phân biệt rõ ràng, phương Nam và phương Bắc phải chia nhau mà cai trị4 và nêu cao lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng cho đến các cuộc kháng chiến chống Tống, chống Nguyên, chống Minh, với truyền thống “Thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đánh đuổi chúng về phương Bắc2. Phát huy truyền thống vẻ vang đánh giặc, giữ nước của dân tộc, Quang Trung kêu gọi: “Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta làm quận, huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy, ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng3. Trên cơ sở tư tưởng và tình cảm đó, Quang Trung tập trung nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng cho quân đội Tây Sơn trước ngày bước vào chiến dịch. Khi hành quân đến Thọ Xuân (Thanh Hóa), Ông đã cho làm lễ “Thệ sư” (Tuyên thệ) và ra lệnh: “Bớ chư quân! Phàm ai bằng lòng chiến đấu thì hãy vì ta quét sạch quân giặc. Nếu ai không muốn thì hãy xem ta giết vài vạn quân địch trong một trận, đó không phải là chuyện hiếm lạ đâu4. Cũng trong buổi lễ tuyên thệ trang trọng đó, Hoàng đế hiểu dụ và tướng sĩ đã đồng lòng với quyết tâm tiêu diệt địch; biểu thị cao độ ý chí độc lập, tự chủ: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

2- Tổ chức và sử dụng lực lượng hợp lý. Đây là vấn đề thuộc nghệ thuật tác chiến và cũng là nguyên tắc tác chiến. Ở bất kỳ  quy mô, hình thức tác chiến nào, cấp chiến dịch hay chiến lược, tiến công hay phòng ngự, việc quan trọng là đánh giá so sánh lực lượng hai bên; lấy đó làm cơ sở để tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến cho hợp lý. Trong chiến dịch giải phóng Thăng Long, quân đội Tây Sơn,  mặc dù trên đường hành quân đã tiến hành tuyển mộ bổ sung quân số, nhưng tổng cộng chỉ có hơn 10 vạn người. Trong khi đó, quân Mãn Thanh xâm lược có tới 29 vạn, đấy là chưa kể quân đội Lê-ngụy có trên 1 vạn. Để giải quyết bài toán về so sánh lực lượng quá chênh lệch, Vua Quang Trung, với tầm tư duy quân sự chiến lược, đã triệt để tôn trọng nguyên tắc: thời gian là lực lượng, thực hiện hành quân thần tốc, vừa hành quân vừa làm công tác tổ chức lực lượng tác chiến, chia quân làm 5 đạo. Đạo quân thứ nhất do Hoàng đế trực tiếp chỉ huy, đánh vào mặt trận chính của quân Thanh, trên hướng từ phía Nam vào kinh thành Thăng Long, với mục tiêu chính là căn cứ Ngọc Hồi. Đạo quân thứ hai do Đô đốc Bảo chỉ huy, tiến theo đường Minh Sơn (Ứng Hòa, Hà Tây cũ) ra làng Đại Áng ở phía Tây-Nam đồn Ngọc Hồi. Đạo quân thứ ba do Đô đốc Đông chỉ huy, theo con đường Chương Đức (Chương Mỹ, Hà Tây cũ) tiến theo hướng Sơn Tây, rồi rẽ sang Nhân Mục, đánh vào Khương Thượng- Đống Đa, vào cung Tây Long. Đạo quân thứ tư do Đô đốc Tuyết chỉ huy, đi đường thủy vào Lục Đầu, tiêu diệt quân Thanh và quân Lê-ngụy ở Hải Dương, rồi tiến lên uy hiếp sườn phía Đông kinh thành Thăng Long. Đạo quân thứ năm do Đô đốc Lộc chỉ huy, cũng đi đường thủy, đến sông Lục Đầu sẽ nhanh chóng tiến công chiếm Phượng Nhãn, Lạng Giang, Yên Thế… nhằm chặn đường rút lui của địch. Kế hoạch tác chiến này của Quang Trung- Nguyễn Huệ nhằm đồng thời tiến công vào toàn bộ đội hình phòng ngự chiến lược của địch, trong đó hướng đánh của đạo quân thứ nhất là hướng đột kích chủ yếu, với từ một đến hai trận then chốt quyết định; hướng đánh của đạo quân thứ hai là hướng đột kích quan trọng, phối hợp với hướng đột kích chủ yếu; hướng đánh của đạo quân thứ ba là hướng chia cắt, thọc sâu chiến lược; hướng đánh của đạo quân thứ tư là hướng vu hồi chiến lược; hướng đánh của đạo quân thứ năm là hướng bao vây chiến lược, cắt đường rút lui của địch.

Thực tế chiến dịch diễn ra sau đó cho thấy, Hoàng đế Quang Trung đã đạt được kết quả to lớn trong việc tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, hết sức tài tình, tạo ra một thế trận hoàn chỉnh để “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều”, phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của địch, bằng cách kết hợp tập trung tiêu diệt địch có trọng điểm với đánh tan rã từng lực lượng lớn quân địch, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn những tập đoàn lớn của chúng để giành thắng lợi cuối cùng.

3- Cơ động thần tốc, giữ vững nhịp độ tác chiến cao- nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch. Tính cơ động và nhịp độ tác chiến cao là ưu thế vượt trội tạo nên sức mạnh trong chiến đấu của quân đội Tây Sơn qua các chiến dịch và trận chiến đấu lật đổ ách thống trị của chúa Nguyễn (Đàng Trong) và chúa Trịnh (Đàng Ngoài) trước đó. Trong chiến dịch tiến công giải phóng Thăng Long, nó có bước phát triển tột bậc, tạo cơ sở cho quân đội Tây Sơn nắm quyền chủ động và buộc đối phương lâm vào thế bị động, phải  hành động theo ý định, kế hoạch đã dự kiến của quân Tây Sơn. Việc giữ vững nhịp độ tác chiến cao và lợi dụng triệt để chỗ yếu, chỗ sơ hở của đối phương để khoét sâu, kết hợp với xử lý linh hoạt, hiệu quả những tình huống trong tác chiến... đã đảm bảo giành thắng lợi.

Theo sử sách ghi chép, nhân đêm giao thừa Mậu Thân (25-1-1789), trong khi đại quân Thanh đang mở “ yến tiệc, hát xướng” để đón xuân và mừng chiến thắng (tạm thời) ở kinh thành Thăng Long, đạo quân chủ lực do Quang Trung trực tiếp chỉ huy vượt sông Gián Khẩu, mở màn cuộc đại phá quân Thanh. Tiền quân Tây Sơn bất ngờ tiến công tiêu diệt đồn tiền tiêu của địch ở Gián Khẩu do quân Lê-ngụy đóng giữ. Quân địch hoảng sợ, tan vỡ và bỏ chạy. Thừa thắng xông lên, quân Tây Sơn tiêu diệt luôn các đồn do quân Thanh đóng giữ ở bờ bắc sông Nguyệt Quyết và Nhật Tảo. Truy kích ráo riết, đến Phú Xuyên (Hà Tây cũ), quân Tây Sơn bắt gọn được toàn bộ tàn quân và quân do thám của địch. Nửa đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu (28-1-1789), quân Tây Sơn bí mật vây đồn Hà Hồi; buộc toàn bộ quân Thanh ở đây phải đầu hàng. Mờ sáng ngày mồng 5 Tết (30-1-1789), tượng binh, kỵ binh Tây Sơn (dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quang Trung) tiến đánh đồn Ngọc Hồi; đến trưa, đồn này bị san phẳng. Tàn quân địch chạy về Đầm Mực (Quỳnh Lôi), bị đạo quân của Đô đốc Bảo đón đánh tiêu diệt gọn. Cũng vào mờ sáng ngày mồng 5 Tết, đạo quân của Đô đốc Đông đánh thẳng vào Khương Thượng- Đống Đa, tiêu diệt hàng vạn quân địch. Hai trận đánh then chốt quyết định là Ngọc Hồi và Khương Thượng - Đống Đa, phối hợp chặt chẽ với nhau đã tạo ra đòn chiến lược mạnh, làm tan rã toàn bộ đạo quân xâm lược của Tôn Sĩ Nghị.  Đến trưa mồng 5 Tết, chiến dịch giải phóng Thăng Long giành toàn thắng.  

Những nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch giải phóng Thăng Long được biểu hiện tập trung nhất ở tính cơ động cao; nắm và tận dụng tốt thời cơ, hành động kiên quyết, bất ngờ, triển khai thế trận hiểm, đánh địch trên thế mạnh, kết hợp từ nhiều hướng. Có thể khái quát, quân Tây Sơn đã: tiến công chính diện rất mạnh, kết hợp với thọc sâu, chia cắt táo bạo và hiểm hóc; vu hồi sâu, bao vây chặt, phối hợp chặt chẽ với hoạt động tác chiến của nhân dân các địa phương phá thế trận của địch trên toàn bộ chiến trường. Cùng với đó là những trận đánh chọn lọc, tiêu diệt một bộ phận lực lượng tinh nhuệ của quân xâm lược, nhằm mục đích phát động và thúc đẩy quá trình phá thế phòng ngự chiến lược của địch, đẩy những lực lượng lớn của địch (đã bị vỡ thế) vào con đường tan rã trong thời gian ngắn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), để đối chọi với kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, chúng ta đã vận dụng và phát triển lên tầm cao mới những nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch giải phóng Thăng Long (1789) của người Anh hùng giải phóng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Xuân 1975). Nhờ đó, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, việc vận dụng và phát huy những nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến nêu trên vào chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đánh trả các cuộc tiến công xâm lược nước ta (nếu kẻ địch liều lĩnh tiến hành) là hết sức  cần thiết. Nó đòi hỏi phải xây dựng được kế hoạch tác chiến tối ưu; tổ chức, sử dụng lực lượng và phương tiện trong chiến đấu và chiến dịch một cách hợp lý, giành thắng lợi với sự hao phí ít nhất về người, phương tiện vật chất và thời gian.Tuy nhiên, sẽ không thể vận dụng tốt nhất những nét đặc sắc trong nghệ thuật tác chiến của Quang Trung trong điều kiện hiện đại, nếu không hiểu biết cơ sở khoa học của nghệ thuật ấy, đó là những quy luật của đấu tranh vũ trang và chiến tranh nhân dân chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

HÀ THÀNH

__________

1 - Chiếu lên ngôi Hoàng đế do Ngô Thời Nhậm soạn- Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỷ XVII, giữa thế kỷ XIX, Nxb Văn hóa, H.1963, tr .222.

2,3 - Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, H.2006, tr.358.

 4-  Nguyễn Thu - Lê quý ký sự,  Sách chữ Hán, Bản chép tay.

 

Ý kiến bạn đọc (0)