QPTD -Thứ Tư, 27/07/2011, 18:08 (GMT+7)
Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975

Ba mươi ba năm trước, vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã l triệu quân ngụy, đánh đổ bộ máy chính quyền miền Nam Việt Nam, tay sai của đế quốc Mỹ; giải phóng hoàn toàn lãnh thổ, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH. Thắng lợi trên đã khẳng định bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thể hiện trên 3 lĩnh vực:  chỉ đạo chiến lược, tác chiến chiến dịch và trong chiến đấu.

Nét đặc sắc trong chỉ đạo chiến lược: Thành quả của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và các hoạt động tác chiến của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam trong hai năm 1973-1974, đã buộc địch phải căng lực lượng ra để đối phó. Chúng tập trung quân phần lớn ở Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng và Nam Bộ. Ngay lực lượng dự bị cơ động chiến lược của địch cũng phải bố trí phòng thủ ở Quân khu I. Căn cứ vào tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta xác định: không để cho ngụy quyền Sài Gòn có thời gian củng cố, phục hồi mạnh lên. Cũng thời gian này, ta phát hiện ra sự mặc cả về quyền lợi giữa Mỹ với một số thế lực trong khu vực... Do đó, đã quyết tâm: nhanh chóng giải phóng miền Nam với thời gian nhanh nhất có thể.

Để đánh giá khả năng của địch, ta liên tục mở các đợt tác chiến và hai chiến dịch tiến công giải phóng hai khu vực: Nông Sơn-Thượng Đức và Phước Long. Tại Thượng Đức, ta đánh bại cuộc tiến công của Sư đoàn dù địch. Tại Phước Long, ta đã đánh chiếm hoàn toàn tỉnh lỵ này, địch không có lực lượng để phản công chiếm lại. Thắng lợi trên khẳng định: chủ lực ta đã mạnh hơn chủ lực địch, Mỹ khó có thể can thiệp lớn vào miền Nam và nếu có can thiệp cũng không cứu vãn được tình hình. Với căn cứ trên, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta (từ 30-9 đến 8-10-1974 và từ 18-12-1974 đến 8-1-1975) đã thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 và kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Thực hiện quyết tâm chiến lược, ngày 9-1-1975, Thường trực Quân ủy đề ra nhiệm vụ quân sự năm 1975, trong đó xác định hướng tiến công chiến lược vào Tây Nguyên và mở cuộc tiến công quy mô lớn tại mặt trận này; mục tiêu chủ yếu là Buôn Ma Thuột, nhằm giải phóng Tây Nguyên; sau đó phát triển xuống Phú Yên, Khánh Hòa, thực hiện chia cắt chiến lược.

Đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên đã làm rung chuyển hệ thống phòng thủ của địch trên toàn miền Nam, gây cho chúng hoang mang, suy sụp cả về tinh thần và tổ chức, tạo ra đột biến về chiến lược, dẫn đến sự sụp đổ dây chuyền về chiến lược của địch. Như vậy, với tư duy khoa học, biện chứng, đánh giá đúng tình hình, có quyết tâm chiến lược cao cùng với sự chuẩn bị chu đáo, tư duy sáng tạo trong tác chiến chiến lược, sử dụng lực lượng và chọn hướng tiến công chính xác, ta đã làm đảo lộn thế trận chiến lược của địch, làm cho chúng lâm vào tình trạng lúng túng, bị động đối phó, không phán đoán được ý định chiến lược của ta. Nắm chắc thời cơ chiến lược đã mở ra, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo và chỉ huy các chiến trường thực hiện tổng tiến công và nổi dậy bằng một tổng thể các chiến dịch và các đợt tác chiến, phối hợp chặt chẽ với nổi dậy của quần chúng ở các địa phương. Trong đó, quyết định nhất là ba đòn tiến công chiến lược ở Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng và Sài Gòn-Gia Định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng.

Nét đặc sắc trong tác chiến chiến dịch: Nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Đảng ta đã vượt lên mọi toan tính của kẻ thù, tạo điều kiện cho nghệ thuật tác chiến chiến dịch phát triển cao trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đến lượt mình, nghệ thuật chiến dịch phát triển đã thúc đẩy nhanh các tình huống, tạo thời cơ chiến lược thuận lợi. Đặc điểm chung của các chiến dịch trong giai đoạn này là mục đích lớn và kiên quyết, tập trung lực lượng, tạo ưu thế vượt trội so với địch, tốc độ và cường độ tiến công nhanh, mạnh, tận dụng triệt để ưu thế mà chiến lược đã tạo ra. Bước phát triển cao của nghệ thuật chiến dịch được thể hiện:

- Tạo ưu thế lực lượng, đảm bảo hình thành sức mạnh áp đảo quân địch trong chiến dịch, đánh địch trên thế mạnh. Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta sử dụng lực lượng không hơn địch nhiều, nhưng do biết chọn địa bàn chính xác, khéo nghi binh, lừa địch, chọn hướng chủ yếu và mục tiêu chủ yếu chính xác nên đã tạo ra ưu thế áp đảo địch ở những trận then chốt và trận then chốt quyết định. So sánh ta - địch ở trận Buôn Ma Thuột : bộ binh 5,5/1; xe tăng 5,5/1; pháo binh 2,1/1. ở những trận then chốt tiếp theo trong chiến dịch Tây Nguyên,  Huế- Đà Nẵng, tuy binh lực, hỏa lực của ta không mạnh hơn địch, nhưng ta có thế mạnh do thế chiến lược và thế trận chiến tranh nhân dân tạo ra. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã áp đảo  hoàn toàn địch cả về thế và lực (lực lượng ta tương đương 5 quân đoàn). Nắm chắc tình hình mọi mặt của địch là một trong những căn cứ để ta sắp đặt mưu kế, tạo thế trận, tính toán sử dụng lực lượng, bố trí đội hình và tiến hành các mặt công tác bảo đảm chiến dịch. Khi ta có thế và lực mạnh, thời cơ đến thì quyết định giành thắng lợi lại là ở cách đánh. Nhìn lại các chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, ta thấy có 2 cách đánh được vận dụng. Cách thứ nhất, lần lượt tiêu diệt từng sư đoàn địch, đánh chiếm từng mục tiêu chiến dịch, tiến đến tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng địa bàn Tây Nguyên, Trị Thiên. Cách thứ hai, đồng loạt tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của địch ở vòng ngoài, phối hợp với thọc sâu và nổi dậy của quần chúng đánh chiếm các mục tiêu chiến lược ở bên trong; nhanh chóng tiêu diệt, làm tan rã tập đoàn phòng ngự của địch, như chiến dịch Hồ Chí Minh.

- Nghệ thuật hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng quy mô lớn. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, các quân, binh chủng được ta sử dụng tập trung ngày càng lớn. Vai trò của các quân, binh chủng được phát huy ở mức độ cao nhất, tạo ra sức mạnh lớn nhất cho cả chiến dịch và chiến thuật. Tuy nhiên, trong từng điều kiện cụ thể nhất định, khi thời cơ xuất hiện cần phải đánh nhanh, đánh mạnh vào những nơi hiểm yếu của địch, chỉ cần một lực lượng nhỏ, ta có thể  gây tác động lớn, đẩy nhanh quá trình tan rã của chúng. Cụ thể như, ta đã sử dụng tiểu đoàn hỏa tiễn ĐKB, tiểu đoàn pháo binh ở đèo Mũi Trâu đánh vào Đà Nẵng; sử dụng trận địa pháo binh ở Nhơn Trạch, biên đội máy bay A37 ở Thành Sơn đánh vào Tân Sơn Nhất. Ta đã tổ chức thành công các binh đoàn tác chiến chiến dịch, phối hợp chặt chẽ hành động của các lực lượng, các quân, binh chủng, các đoàn thể quần chúng nhân dân trong chiến dịch. Điều đó khẳng định trình độ hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng ở cả quy mô nhỏ, vừa và lớn có bước phát triển mới. Đó là một trong những nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của chiến dịch.

- Nghệ thuật khuếch trương chiến quả của các trận then chốt trong một chiến dịch và các chiến dịch kế tiếp. ở chiến dịch Tây Nguyên, nhờ khéo nghi binh, lừa địch, ta đã đánh trận then chốt mở đầu thắng lợi, do đó có điều kiện tổ chức trận then chốt tiếp theo, tiêu diệt Sư đoàn 23 địch, đẩy chúng đến chỗ rối loạn, bị động về chiến dịch, dẫn đến sai lầm về chiến lược, rút bỏ Tây Nguyên và bị ta đánh trận then chốt thứ ba tiêu diệt toàn bộ, kết thúc  chiến dịch. Khi chiến dịch Tây Nguyên vừa giành thắng lợi, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã kịp thời chỉ đạo chiến trường Trị Thiên và Khu 5 chuyển sang kế hoạch thời cơ, hình thành vây, chia cắt chiến lược, cô lập tiến công tiêu diệt cụm quân chiến lược của địch ở Đà Nẵng. Tận dụng thời cơ chiến lược mở ra, ta vừa chủ động tạo thời cơ khi chuẩn bị đánh vào Đà Nẵng, vừa nhanh chóng mở một loạt chiến dịch và đợt hoạt động tác chiến cô lập Sài Gòn-Gia Định; tập trung ưu thế lực lượng đánh trận quyết chiến chiến lược. Nghệ thuật khuếch trương chiến quả của các trận then chốt, các chiến dịch nối tiếp nhau đã thúc đẩy cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Nét đặc sắc chung về nghệ thuật chiến dịch của ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 thể hiện ở: trong đòn tiến công như vũ bão của các binh đoàn chủ lực, ở bất cứ chiến dịch nào, tại địa bàn và hướng tiến công nào cũng gắn liền với sự nổi dậy của quần chúng ở địa phương đó, gồm cả nông thôn, thành thị, rừng núi và đồng bằng trong địa bàn tác chiến chiến dịch, thực hiện mối kết hợp chặt chẽ giữa đánh tiêu diệt và giành quyền làm chủ.

 Nét đặc sắc của sự phát triển chiến thuật, trong chiến đấu. Chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch phát triển cao cùng với sự lớn mạnh về tổ chức, vũ khí và trang bị đã thúc đẩy chiến thuật của quân đội ta không chỉ phát triển ở quy mô sử dụng lực lượng mà còn phát triển cả ở nội dung, hình thức tác chiến với trình độ hiệp đồng cao trong một không gian rộng. Các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu được ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu suất cao. Ta đã sử dụng lực lượng tiến công từ tương đương 2 sư đoàn hiệp đồng binh chủng đến lực lượng tương đương 5 quân đoàn hiệp đồng quân, binh chủng giải phóng từng khu vực, địa bàn quan trọng, trong đó có những thành phố, thị xã, căn cứ liên hiệp quân sự lớn và thủ đô của địch. Trong giai đoạn này, nhờ chiến tranh nhân dân đã phát triển ở trình độ cao, ta có điều kiện để tổ chức các trận chiến đấu lớn. Về quy mô chiến thuật, ta vận dụng chủ yếu ở quy mô trung đoàn, sư đoàn, được tăng cường binh khí, kỹ thuật đánh trong đội hình chiến dịch. Các loại hình chiến thuật đều được ta vận dụng gồm cả tiến công và phòng ngự, nhưng chủ yếu là các hình thức chiến thuật tiến công.

Nét nổi bật về sự phát triển chiến thuật của quân đội ta trong giai đoạn này là sự ra đời của chiến thuật tiến công địch trong hành tiến. Thực hiện yêu cầu, cách đánh của các chiến dịch tiến công vào các mục tiêu là cơ quan đầu não trong chiều sâu phòng ngự của địch, ta đã tổ chức các đơn vị binh chủng hợp thành làm nhiệm vụ thọc sâu, đánh địch trong hành tiến. Về quy mô sử dụng lực lượng, từ mũi thọc sâu trong trận Phước Long đến cấp trung đoàn binh chủng hợp thành đảm nhiệm một hướng thọc sâu trong trận Buôn Ma Thuột, ta đã tổ chức thành công các binh đoàn thọc sâu khi đánh Đà Nẵng, Sài Gòn - Gia Định. Sư đoàn thường lấy trung đoàn làm đơn vị nòng cốt, được tăng cường binh khí, kỹ thuật để tổ chức cụm cơ động lực lượng thọc sâu. Sư đoàn thường tổ chức từ 1 đến 2 cụm lực lượng cơ động thọc sâu tiến công trên 1 hoặc 2 trục đường. Đội hình một cụm cơ động lực lượng thọc sâu thường tổ chức thành 4 bộ phận: trinh sát, đánh địch mở đường, đánh địch chủ yếu, dự bị và đảm bảo. Các  binh chủng được bố trí hợp lý ở từng bộ phận, đảm bảo vừa chiến đấu, vừa bảo vệ đội hình tiến công. Cách đánh của lực lượng thọc sâu là khẩn trương triển khai đội hình binh chủng hợp thành tiến công ngay (không có giai đoạn xây dựng trận địa xuất phát tiến công), bỏ qua hoặc đánh lướt các mục tiêu vòng ngoài, nhanh chóng cơ động lực lượng đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu bên trong tung thâm phòng ngự của địch, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phát huy sức đột kích mạnh, kết hợp tiến công chính diện với vu hồi vào bên sườn, phía sau, để nhanh chóng đánh bại địch. Trong tổ chức tiến công trong hành tiến, ta còn vận dụng thành công chiến thuật vượt sông tiến công địch bằng sức mạnh. Nét đặc sắc khi vận dụng hình thức chiến thuật này, ta không chỉ phát huy được sức mạnh của bộ đội chủ lực với vũ khí, khí tài được biên chế mà còn phát huy được sức mạnh của lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân đảm bảo cho bộ đội vượt sông, tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để đánh địch. Trong quá trình tổ chức các binh đoàn thọc sâu chiến dịch, chiến thuật tập kích được ta vận dụng ở trình độ cao hơn trước. Ta sử dụng bộ đội không quân tập kích vào mục tiêu chiến lược trong chiều sâu phòng ngự của địch; sử dụng bộ đội đặc công và bộ binh tập kích chiếm giữ các địa bàn, bàn đạp (gồm 14 cầu quan trọng và căn cứ án ngữ trên các cửa ngõ vào Sài Gòn), bảo đảm cho các binh đoàn thọc sâu đẩy nhanh tốc độ tiến công.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta dựa trên cơ sở đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của cả nước. Để có được đại thắng mùa Xuân 1975, ta đã giải quyết thành công các vấn đề nghệ thuật quân sự, mà điểm nổi bật là ở chỗ: không ngừng xây dựng thế và lực, đánh giá tình hình chính xác, nắm thời cơ, xác định hướng chiến lược, có phương pháp tác chiến chiến lược phù hợp, vận dụng nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật sáng tạo. Đây là bài học quý báu để chúng ta vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn, kể cả khi kẻ thù sử dụng vũ khí công nghệ cao.

 Đại tá Nguyễn Trường Giang

Trưởng phòng Tổng kết chiến tranh

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

 

Ý kiến bạn đọc (0)