QPTD -Thứ Ba, 16/08/2011, 00:21 (GMT+7)
Nét đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến dịch phòng không năm 1972

Chiến dịch phòng không năm 1972, đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ (từ 18 đến 30-12-1972), là chiến dịch phòng không hoàn chỉnh nhất, quy mô lớn nhất trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo bước ngoặt chiến lược cho cách mạng nước ta tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn năm 1975. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của chiến dịch phòng không năm 1972, trong đó nguyên nhân bao trùm, quyết định nhất là nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến dịch.

Trước hết, đó làsự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng, quyết đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.

Ngày 18-6-1965, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh của không quân Mỹ, chúng đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 ném bom xuống khu vực Bến Cát (Tây Bắc Sài Gòn). Sau khi Mỹ sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 trên chiến trường miền Nam được một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đoàn pháo cao xạ “Xung kích” và Đại đoàn pháo cao xạ “Tam Đảo”, Người đã căn dặn, động viên cán bộ, chiến sĩ: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng1. Bác còn tiên đoán: “… Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội2. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Phòng không-Không quân đã đi sâu nghiên cứu và tích cực chuẩn bị mọi mặt để bắn rơi máy bay B-52. Tài liệu đánh máy bay B-52 đã được biên soạn và phổ biến huấn luyện đến các kíp chiến đấu của Bộ đội Tên lửa. Tính đến tháng 10 năm 1972, Mỹ đã thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, cũng như ở miền Bắc Việt Nam và cả trên mặt trận ngoại giao. Để giành lại thế mạnh cả về quân sự, chính trị và ngoại giao, Mỹ đã tăng lực lượng máy bay ném bom chiến lược B-52 ở căn cứ Gu-am và U-ta-pao lên đến 193 chiếc, bằng 50% lực lượng máy bay ném bom chiến lược của cả nước Mỹ. Đồng thời, liên tục sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh ra Khu 4, máy bay SR-71 và máy bay trinh sát không người lái trinh sát Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu chiến lược ở miền Bắc. Trước các hoạt động đó của địch, kết hợp với những tin tức nắm được, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định: nhiều khả năng đế quốc Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, có thể chúng sẽ sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Theo đó, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Không quân tiến hành các công tác chuẩn bị và xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch phòng không, trọng tâm là đánh máy bay B-52, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Đó là những chỉ đạo rất sáng suốt về chiến lược, tạo điều kiện cho chiến dịch chủ động chuẩn bị sớm trong tổ chức và thực hành chiến dịch. Cùng với đó, Bộ Tổng Tham mưu còn trực tiếp chỉ đạo các quân khu, lực lượng phòng không địa phương, dân quân, tự vệ sẵn sàng tham gia tác chiến chiến dịch và vây bắt giặc lái; đồng thời, chỉ đạo tổ chức phòng tránh, sơ tán và các mặt bảo đảm khác cho chiến dịch. Chiến dịch phòng không năm 1972 có ý nghĩa lớn cả về chính trị, quân sự và ngoại giao, cả trong nước và quốc tế, nên chiến dịch chẳng những đã được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu, mà còn được sự chỉ đạo liên tục của Đảng, Chính phủ. Xuất phát từ đặc điểm tác chiến phòng không và ý định của chiến lược là bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B-52, bắt sống nhiều giặc lái, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã trực tiếp chỉ đạo cách đánh của từng trận và còn chỉ đạo đến cả phương pháp xạ kích.

Thứ hai, tập trung chỉ đạo xây dựng thế trận phòng không vững chắc, phát huy tối đa khả năng của lực lượng chiến dịch. Một đặc điểm của tác chiến phòng không là luôn coi trọng đánh địch trong thế trận đã được bố trí sẵn. Trong chiến dịch phòng không năm 1972, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chiến dịch là phải bắn rơi tại chỗ máy bay B-52, bắt sống giặc lái, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích tình hình cụ thể, xác định rõ lực lượng chủ yếu để đánh máy bay B-52, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo: xây dựng thế trận tập trung chủ yếu đánh máy bay B-52, lấy lực lượng tên lửa phòng không làm cơ sở để tạo lập và chuyển hóa thế trận. Vì vậy, tên lửa phải được bố trí phù hợp nhằm bảo đảm phát huy cao nhất hiệu quả đánh tập trung. Từ sự chỉ đạo sát sao đó, mặc dù số lượng tên lửa có hạn, ta đã bố trí lực lượng tên lửa thành hai cụm lớn ở Hà Nội và Hải Phòng; còn ở các khu vực mục tiêu khác, bố trí các cụm pháo phòng không để bảo vệ. Trong điều kiện lực lượng tên lửa phòng không ở Hà Nội chỉ có 3 trung đoàn, ta đã nghiên cứu, phân tích các thế trận khác nhau và quyết định không bố trí theo tuyến mà đưa tên lửa vào triển khai tại các trận địa chốt ở vòng trong để tập trung hỏa lực phòng không đánh máy bay B-52 ngay trên bầu trời Hà Nội. Kết quả của chiến dịch phòng không năm 1972 đã chứng minh, đây là quyết định đúng đắn. Việc lập thế trận phù hợp đã tạo điều kiện để tên lửa phòng không phát huy tối ưu khả năng hỏa lực, bắn rơi nhiều máy bay B-52, bắt sống nhiều giặc lái. Đồng thời với việc xây dựng thế trận tên lửa tập trung ở Hà Nội, chúng ta đã xây dựng được thế trận phòng không hợp lý, rộng khắp, phát huy được thế mạnh của từng lực lượng tham gia chiến dịch, liên kết được hỏa lực vòng trong và vòng ngoài bằng việc sử dụng không quân tiêm kích đánh chặn máy bay B-52 ở vòng ngoài theo cánh cung phía Tây, từ Yên Bái đến Thanh Hóa; sử dụng lực lượng tên lửa phòng không ở Hải Phòng để vừa đánh địch, bảo vệ Hải Phòng, vừa làm nhiệm vụ đánh địch phía ngoài, trên hướng Đông Hà Nội. Đây là một sáng tạo trong việc tổ chức thế trận: vừa hình thành cụm lực lượng có trọng điểm ở hướng và khu vực quan trọng, lại vừa tạo ra thế trận phòng không rộng khắp, có chiều sâu để đánh được cả máy bay ném bom chiến lược B-52 và các loại máy bay chiến thuật của địch. Điều đó được thể hiện rất rõ trong tổ chức, bố trí các lực lượng phòng không địa phương, dân quân, tự vệ đón lõng bắn máy bay bay thấp, bay đêm ở những hướng mà không quân địch thường bay. Tất cả các lực lượng của chiến dịch được sử dụng, bố trí một cách hợp lý, hình thành nhiều cụm phòng không mạnh ở các khu vực tác chiến chủ yếu, trên khắp địa bàn chiến dịch, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không mới, chỉ có ở Việt Nam. Ở cụm phòng không Hà Nội, Hải Phòng, ta bố trí hỗn hợp cả tên lửa và pháo phòng không, do đó đã bảo đảm cho chiến dịch tiến hành các trận đánh tập trung tiêu diệt lớn máy bay B-52; đồng thời, bảo đảm đánh liên tục các loại máy bay chiến thuật của địch và sẵn sàng có lực lượng bắt sống giặc lái trên địa bàn chiến dịch.

Thứ ba, chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến phòng không. Chiến dịch phòng không năm 1972 là cuộc quyết chiến chiến lược giữa lực lượng phòng không miền Bắc với lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ. Do đó, sự chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức, sử dụng lực lượng đánh địch có tính quyết định đến thắng lợi của chiến dịch. Chiến dịch phòng không của ta nằm trong thế trận của chiến tranh nhân dân đất đối không, bao gồm lực lượng phòng không ba thứ quân, bốn binh chủng, lấy Quân chủng Phòng không-Không quân làm nòng cốt. Mỗi binh chủng, mỗi lực lượng có khả năng chiến đấu khác nhau, nên chiến dịch đã tổ chức, sử dụng lực lượng một cách hợp lý, khoa học: sử dụng cả Bộ đội Tên lửa, không quân và các đơn vị pháo cao xạ 100mm để bắn máy bay B-52, nhưng lực lượng chủ yếu vẫn là tên lửa. Lúc đó, Bộ đội Ra đa đã sử dụng hỗn hợp các loại khí tài, kết hợp tuyến ngoài và tuyến trong để cùng với hệ thống quan sát phòng không nhân dân phát hiện địch từ xa, thông báo nhanh, kịp thời, chính xác và bảo đảm dẫn đường cho không quân tiêm kích đánh chặn địch trên không; Bộ đội Không quân tiêm kích sử dụng lực lượng nhỏ, bí mật, bất ngờ đánh từ phía sau, bên sườn máy bay B-52, ngoài vùng hoả lực của tên lửa, cao xạ và thực hiện đánh mãnh liệt ở vòng ngoài phá vỡ đội hình chiến đấu của máy bay B-52, tạo điều kiện cho tên lửa tiêu diệt; Bộ đội Tên lửa đã bố trí thành từng cụm, bảo đảm mỗi cụm có từ 2 đến 3 tiểu đoàn để thực hiện đánh tập trung vào một đường bay trên hướng chủ yếu của máy bay B-52, trước tuyến hoàn thành nhiệm vụ của chúng. Bộ đội Tên lửa thực hiện đánh mãnh liệt ở tầng cao kết hợp chặt chẽ với lực lượng pháo cao xạ đánh máy bay địch ở tầng trung và tầng thấp. Bộ đội Pháo cao xạ có lực lượng đông đảo, rộng khắp đã phát huy tối đa khả năng hỏa lực, tập trung đánh máy bay chiến thuật khi chúng vào đánh phá các sân bay, trận địa tên lửa và các mục tiêu quan trọng. Lực lượng Phòng không nhân dân, được trang bị nhiều loại vũ khí, biên chế thành các đơn vị pháo cao xạ, súng máy phòng không, cùng với các tổ bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh, đã giăng lưới lửa tầm thấp trên khắp địa bàn chiến dịch, đánh máy bay địch tới từ nhiều hướng, đồng thời là lực lượng chính vây bắt giặc lái. Chính nghệ thuật chỉ đạo tổ chức, sử dụng lực lượng một cách hợp lý, khoa học của chiến dịch đã bảo đảm đánh địch từ xa đến gần, thực hiện đánh tập trung, đánh phân tán với mọi quy mô, đánh cả bằng lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, từ mọi hướng trên mọi độ cao… tạo ra một lưới lửa “thiên la địa võng” khiến bọn giặc lái khó bề tẩu thoát dù ở trên không hay mặt đất.

Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học-công nghệ đã tác động trực tiếp đến lĩnh vực quân sự và làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh. Trong đó, tiến công hỏa lực đường không đã có những phát triển mới về tổ chức lực lượng và vũ khí, trang bị. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), địch sẽ tổ chức tiến công hoả lực đường không ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh, với quy mô, cường độ lớn và tính chất ác liệt. Điều đó đòi hỏi nghệ thuật tác chiến phòng không phải được coi trọng đúng mức; phải luôn được chỉ đạo chặt chẽ ở tất cả các cấp, nhất là cấp chiến lược, nhằm xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Để xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc, cần chú trọng xây dựng thế trận phòng không ở các vùng trọng điểm phòng không, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và thực hành chiến dịch phòng không. Khi tổ chức chiến dịch, phải triệt để lợi dụng thế trận phòng không của khu vực phòng thủ đã được chuẩn bị trước ngay từ thời bình; đồng thời, phải căn cứ vào tình hình cụ thể, nhất là đối tượng tác chiến, sự phát triển mới về phương thức tác chiến đường không, phương tiện, vũ khí, trang bị của địch, cũng như điều kiện, khả năng của ta, tính chất, đặc điểm của mục tiêu bảo vệ và số lượng lực lượng phòng không tham gia để hình thành cụm phòng không hay cụm pháo phòng không trực tiếp bảo vệ mục tiêu một cách hợp lý, bảo đảm tốt việc kết hợp phòng tránh-đánh trả không quân địch có hiệu quả.

Những bài học về nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến dịch phòng không năm 1972 vẫn còn nguyên giá trị, cần được kế thừa, vận dụng linh hoạt và sáng tạo vào nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, PGS, TS . LÊ CHÍ THANH

Phó Giám đốc Học viện Phòng không-Không quân

___________

1- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 1996, tr . 467.

2- Lịch sử Bộ đội Tên lửa phòng không (1965-2005), Nxb QĐND, H. 2005 tr. 6.

 

Ý kiến bạn đọc (0)