QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:40 (GMT+7)
Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Học viện Chính trị quân sự

Học viện Chính trị quân sự là trung tâm đào tạo chính uỷ, chính trị viên, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự của Bộ Quốc phòng. Những  năm qua, Học viện đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng nhà trường tiên tiến, mẫu mực, trong đó, việc nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được Đảng uỷ và Ban Giám đốc Học viện xác định là vấn đề cơ bản hàng đầu.

 Hiện nay, Đảng bộ Học viện có 47 TCCSĐ, thuộc 5 loại hình (cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị nghiên cứu khoa học, đơn vị quản lý học viên, đơn vị bảo đảm phục vụ); trong đó có 20 đảng bộ cơ sở và 27 chi bộ cơ sở, tỷ lệ lãnh đạo là 77%. Các TCCSĐ được xây dựng, kiện toàn theo đúng Điều lệ Đảng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phù hợp với tổ chức, biên chế, nhiệm vụ của Học viện. Thời gian qua, trên cơ sở quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", Đảng uỷ Học viện đã ra Nghị quyết chuyên đề về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu (NLLĐ,SCĐ) của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Học viện CTQS; đồng thời, tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 93 (KhoáVIII) “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước”; ra Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ đến năm 2010. Đây là dịp để Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc quá trình xây dựng TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, đảng viên; qua đó xác định những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng  yêu cầu mới của công tác giáo dục-đào tạo của Học viện trong những năm tiếp theo. Đảng uỷ Học viện chủ trương tăng cường và nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng bộ vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trên cơ sở gắn xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh (TSVM) với xây dựng các phòng, khoa, hệ, tiểu đoàn vững mạnh toàn diện (VMTD); xây dựng đội ngũ cấp uỷ với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì; xây dựng đội ngũ cán bộ với nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; gắn kết các yêu cầu xây dựng TCCSĐ, đội ngũ cán bộ, đảng viên với thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị và đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng uỷ Học viện xác định: tập trung xây dựng các TCCSĐ có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, trước hết là năng lực quán triệt, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và nghị quyết cấp mình, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn, thực sự tiền phong, gương mẫu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ. Để đáp ứng yêu cầu đó, Đảng uỷ Học viện đã tiến hành tích cực, đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách, nhằm tạo động lực thúc đẩy, khơi dậy tính năng động, sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể, vai trò, trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức ở Học viện.

Trên cơ sở yêu cầu chung về xây dựng TCCSĐ, Đảng uỷ đã tập trung xây dựng đội ngũ cấp uỷ các cấp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng uỷ Học viện, đáp ứng yêu cầu nâng cao NLLĐ,SCĐ của TCCSĐ. Trước hết, Đảng uỷ tiến hành rà soát tổng thể các loại hình TCCSĐ, nắm chất lượng, xác định thực trạng đội ngũ cấp uỷ các cấp, nhất là chi bộ các khoa giáo viên, chi bộ học viên… để có chủ trương, biện pháp xây dựng phù hợp. Do đặc điểm nhiệm vụ của Học viện, việc gắn xây dựng cấp uỷ với cán bộ chủ trì mang tính đặc thù: cán bộ chủ trì đồng thời cũng phải là nhà khoa học. Vì thế, trong quy hoạch cán bộ chủ trì, ngoài yêu cầu chung của cấp uỷ viên, các cấp phải tính đến trình độ học vấn, khả năng phát triển về mặt khoa học trong lĩnh vực công tác, giảng dạy. Trong kiện toàn cấp uỷ, Đảng uỷ Học viện hết sức chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ bí thư, chính trị viên các đơn vị (tập trung vào đội ngũ bí thư không chuyên trách, bí thư các chi bộ học viên), bảo đảm cho lực lượng này có phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng với vai trò chủ trì về chính trị ở các cơ quan, đơn vị. Thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, Đảng uỷ đã tập trung giải quyết các mối quan hệ theo đúng nguyên tắc đã được xác định. Theo đó, quan hệ giữa cấp uỷ với người chỉ huy, cấp uỷ với bí thư, bảo đảm đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; quan hệ giữa bí thư, chính trị viên với người chỉ huy được thực hiện đúng theo chức trách, nhiệm vụ đã quy định; quan hệ giữa cấp uỷ, người chỉ huy với các tổ chức khác trong đơn vị đúng theo nguyên tắc giữa lãnh đạo, chỉ đạo và phục tùng. Nhờ vậy, các mối quan hệ trong đơn vị được giải quyết hài hoà, tạo được sự đoàn kết, thống nhất cao; cơ chế mới được thực hiện một cách đồng bộ.

Một trong những nội dung xây dựng TCCSĐ được Đảng uỷ Học viện tập trung giải quyết, là đã xác định được chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các loại hình TCCSĐ. Đối với TCCSĐ ở cơ quan, Đảng uỷ tập trung lãnh đạo nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đơn vị theo chức năng, chuyên  ngành. Với TCCSĐ ở khoa giáo viên và cơ quan nghiên cứu khoa học, Đảng uỷ tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học; bám sát thực tiễn, tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Với TCCSĐ ở các đơn vị quản lý học viên, Đảng uỷ chú ý lãnh đạo xây dựng động cơ học tập đúng đắn, tích cực đổi mới phương pháp học tập, nghiên cứu, nâng cao chất lượng tự học, tự rèn của học viên, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Với TCCSĐ ở đơn vị bảo đảm, phục vụ, Đảng uỷ chú ý lãnh đạo nâng cao trách nhiệm trong phục vụ, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vật chất hậu cần, kỹ thuật, tài chính; thực hiện tốt quan điểm “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, chống mọi biểu hiện tham ô, lãng phí. Cùng với quá trình đó, Đảng uỷ tiến hành kiện toàn các chi bộ, vừa bảo đảm về mặt nguyên tắc, tổ chức, vừa tạo điều kiện thuận lợi về hoạt động; khắc phục tình trạng chồng chéo, lẫn lộn nội dung giữa sinh hoạt Đảng với sinh hoạt chính quyền ở các chi bộ khoa; thống nhất bố trí lớp trưởng làm bí thư trong các chi bộ lớp học viên (trước đây thường lớp phó làm bí thư). Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cơ sở và sự kiểm tra, giám sát của cấp trên, Đảng uỷ đã chỉ đạo các TCCSĐ xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo trên tất cả các mặt hoạt động; thống nhất mẫu biểu, hệ thống sổ sách hành chính Đảng trong toàn Đảng bộ; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, nhất là chế độ ngày Đảng. Nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, các TCCSĐ trong toàn Đảng bộ đã tập trung đổi mới nội dung, quy trình ra nghị quyết; bên cạnh việc lãnh đạo toàn diện, các chi bộ đã chú trọng vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phân công, phân cấp hợp lý, khắc phục tình trạng dàn trải, thiếu chiều sâu, tính khả thi không cao. Công tác phát triển Đảng được Đảng uỷ chỉ đạo phải lấy chất lượng là chính; tập trung vào các đối tượng học viên cấp phân đội, bảo đảm khi ra trường: 100% học viên là đảng viên. Theo hướng đó, Học viện đã tích cực, chủ động làm tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng; tỷ lệ học viên ra trường là đảng viên hằng năm đều đạt chỉ tiêu đề ra. Riêng năm 2007, toàn Đảng bộ kết nạp 364 đảng viên mới, chuyển đảng viên chính thức cho 242 đồng chí, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ lãnh đạo trong toàn Đảng bộ và chất lượng học viên khi ra trường.

Công tác kiểm tra, giám sát được Đảng uỷ xác định: vừa là chức năng, nhiệm vụ của các TCCSĐ, vừa là biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, công tác này được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, từ việc ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng quy chế, kế hoạch đến triển khai thực hiện đều theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của trên. Trong qúa trình kiểm tra, giám sát, các cấp uỷ đã kết hợp tốt giữa kiểm tra, giám sát tập thể cấp uỷ với kiểm tra đảng viên là cấp uỷ viên, cán bộ chủ trì; giữa kiểm tra thường xuyên với kiểm tra các TCCSĐ và đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật. Về đối tượng kiểm tra, giám sát, Đảng uỷ và các chi bộ tập trung vào những cấp uỷ lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ thấp, nội bộ thiếu đoàn kết, thống nhất, nhiều năm liền không đạt TSVM; đảng viên bình xét loại hoàn thành nhiệm vụ và chưa hoàn thành nhiệm vụ, uy tín thấp, có đơn thư tố cáo…Nội dung kiểm tra, giám sát được tập trung vào việc chấp hành nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, giữ gìn tư cách cán bộ, đảng viên; hướng vào khắc phục khâu yếu, mặt yếu; chú trọng kiểm tra những lĩnh vực nhạy cảm như: công tác tuyển sinh, việc thực hiện Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 60 của Bộ Tổng Tham mưu về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục-đào tạo”, quản lý cơ sở vật chất, xăng dầu, tài chính… Với tinh thần tích cực, chủ động của cấp uỷ các cấp trong Học viện, những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát đã hoàn thành kế hoạch đề ra, tỷ lệ đảng viên được kiểm tra hằng năm đạt 33,5% trên tổng số đảng viên, vượt 3,5%. Điều đó đã thiết thực làm chuyển biến về mặt nhận thức, trách nhiệm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với quá trình đó, công tác cán bộ của Học viện đã được triển khai toàn diện, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Học viện trong tình hình mới. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên của Học viện có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học; trong đó có 2 giáo sư, 27 phó giáo sư, 111 tiến sĩ, 184 thạc sĩ (tỷ lệ sau đại học chiếm 35,49%). Đây là lực lượng quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện. Vì vậy, Đảng uỷ và Ban Giám đốc Học viện hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, mẫu mực về đạo đức, tác phong sư phạm, có kiến thức, năng lực toàn diện, có tính Đảng, tính nguyên tắc cao, dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng uỷ Học viện đã thường xuyên quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; mọi vấn đề về công tác cán bộ đều được dân chủ bàn bạc, trao đổi và quyết định tập thể theo thẩm quyền. Việc đánh giá, nhận xét phẩm chất, năng lực cán bộ được các cấp uỷ hết sức coi trọng, trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ và uy tín trong đơn vị; gắn nhận xét cán bộ với phân tích chất lượng đảng viên; thống nhất giữa nhận xét, đánh giá của tập thể cấp uỷ với tự đánh giá của cán bộ. Nét nổi bật trong tiến hành công tác cán bộ ở Học viện thời gian qua, là thực hiện chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, cả về trình độ học vấn, kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp sư phạm, năng lực nghiên cứu khoa học và chức danh thực tế theo yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục-đào tạo. Để làm được điều đó, một mặt, Học viện cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo sau đại học để chuẩn hoá về mặt trình độ; mặt khác, tăng cường cử cán bộ đi dự nhiệm theo chức danh ở các đơn vị. Đồng thời, Học viện tích cực thực hiện luân chuyển cán bộ, nhằm bảo đảm cho cán bộ được thử thách qua nhiều cương vị công tác, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, quản lý, chỉ huy cơ quan, đơn vị. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên được Học viện hết sức chú trọng, theo tinh thần: trên bồi dưỡng dưới, giáo viên có trình độ, kinh nghiệm bồi dưỡng giáo viên trẻ mới ra trường; kết hợp giữa đào tạo với tự đào tạo và đào tạo lại; phát huy tính tích cực, tự giác, tự học tập, nghiên cứu của từng cán bộ, giáo viên. Thông qua đó, trình độ, năng lực quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng lên, số hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 90%. Đến nay, đội ngũ giáo viên của Học viện có khả năng giảng dạy cho tất cả các đối tượng, đủ điều kiện tham gia nghiên cứu và hoàn thành có chất lượng các đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp ngành.

Nhờ thực hiện tốt các nội dung, giải pháp nói trên, thời gian qua, công tác xây dựng Đảng ở Học viện Chính trị quân sự đã đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; góp phần nâng cao NLLĐ,SCĐ của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua phân tích cho thấy: có 93,95% TCCSĐ đạt TSVM; 94,91% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 89,4% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết quả trên là một bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực, xứng đáng là một trung tâm đào tạo cán bộ chính trị và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự của Đảng trong quân đội.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Tiến Quốc

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện

 

Ý kiến bạn đọc (0)