QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 22:17 (GMT+7)
Nâng cao khả năng tác chiến điện tử của quân đội đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Tác chiến điện tử (TCĐT) là hoạt động tác chiến, sử dụng tổng hợp các biện pháp chiến thuật, kỹ thuật điện tử nhằm kiềm chế, phá hoại hệ thống trinh sát, chỉ huy, điều khiển vũ khí của đối phương; đồng thời, bảo vệ các hệ thống đó của ta trong điều kiện địch tiến hành TCĐT rộng rãi. Thực tiễn các cuộc chiến tranh cục bộ trên thế giới gần đây cho thấy, TCĐT đã trở thành phương thức tác chiến có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần quyết định sự thắng bại trên chiến trường. Hiện nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ mới, mà cốt lõi là công nghệ thông tin, TCĐT không ngừng phát triển cả về chiến thuật và kỹ thuật. Học thuyết tác chiến FM-100-5 của quân đội Mỹ đã chỉ rõ, TCĐT là phương thức tác chiến có hiệu quả cao và sẽ là phương thức tác chiến chủ yếu trong chiến tranh tương lai.

Đối với nước ta, nếu xảy ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, rất có thể kẻ địch sẽ triệt để sử dụng TCĐT và vũ khí công nghệ cao để áp đảo, khống chế ta ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Thủ đoạn tác chiến của chúng sẽ rất đa dạng. Chúng sẽ sử dụng các phương tiện trinh sát điện tử hiện đại, như: các vệ tinh trinh sát hồng ngoại, trinh sát ra-đa, trinh sát vô tuyến điện; các máy bay trinh sát tầm cao, tầm trung, máy bay báo động sớm..., để tiến hành trinh sát nhiều tầng,  lớp ở tất cả các cấp chiến lược, chiến dịch và chiến đấu, trên tất cả các môi trường (trên không, trên bộ, trên biển, trong lòng biển và trong vũ trụ) nhằm trinh sát và chỉ thị mục tiêu... Các loại vũ khí tiến công có điều khiển nhằm phá hủy các mục tiêu trọng yếu về chính trị, kinh tế, quân sự của ta sẽ được địch sử dụng rộng rãi. Chúng sẽ kết hợp gây nhiễu, chế áp làm tê liệt các trung tâm chỉ huy, hệ thống ra-đa cảnh giới, hệ thống thông tin chỉ huy, dẫn đường tại các sân bay và các trận địa hỏa lực, làm rối loạn chỉ huy, hiệp đồng và cô lập các lực lượng ta trên từng khu vực tác chiến, thực hiện chia cắt chiến dịch, chiến lược để nhanh chóng giành thắng lợi quyết định trên chiến trường. Vì vậy, phòng, chống các hoạt động TCĐT của địch, bảo toàn lực lượng, nâng cao hiệu quả chiến đấu của các đơn vị là một trong các nhiệm vụ quan trọng của quân đội ta. Trước yêu cầu đó, ngày 30- 4- 1992, Bộ Quốc phòng đã có Quyết định số 195/ QĐ-QP thành lập lực lượng TCĐT; đây là cơ sở quan trọng để chúng ta từng bước xây dựng, phát triển ngành TCĐT trong quân đội. Để góp phần nâng cao khả năng TCĐT của quân đội, đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, chúng tôi xin nêu một số suy nghĩ bước đầu để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Một là, cần hoàn thiện tổ chức, biên chế ngành TCĐT theo hướng thiết thực, hiệu quả, từng bước vững chắc, phù hợp với điều kiện đất nước và cách đánh của quân đội ta. Nghiên cứu, phân tích các yếu tố cơ bản chi phối và khả năng đầu tư, bảo đảm của ta, có thể thấy, hiện nay và trong thời gian dài sau này, so sánh về khoa học-công nghệ nói chung, khoa học-công nghệ TCĐT nói riêng giữa ta và địch vẫn có khoảng cách lớn. Để phòng, chống TCĐT của địch có hiệu quả, chúng ta không chỉ đơn thuần lấy kỹ thuật để chọi lại kỹ thuật công nghệ cao của địch, mà phải quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự lấy “nhỏ đánh lớn”, lấy “ít địch nhiều”, lấy “kém hiện đại, thô sơ có một phần tinh xảo để chống lại hiện đại, tinh xảo công nghệ cao của địch”; đồng thời phải biết chọn và tận dụng thời cơ, bất ngờ tập trung binh lực, hoả lực đánh vào chỗ hiểm, khâu yếu của địch; theo hướng, mục tiêu, thời điểm lựa chọn để giành thắng lợi. Vì vậy, ngành TCĐT phải xây dựng tổ chức, biên chế theo phương châm thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, từng bước vững chắc, từ thấp đến cao “có trang bị đến đâu tổ chức lực lượng đến đó”, phù hợp với trang bị, nhiệm vụ và cách đánh của ta. Hơn nữa, địa hình nước ta có đặc điểm vừa dài, hẹp, vừa đa dạng, phức tạp; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, biến động thất thường; đặc biệt, có bờ biển dài 3.260 km bao bọc toàn bộ phía Đông và Đông Nam của Tổ quốc, nên khi tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, rất có thể địch sẽ thực hiện chia cắt chiến lược và triển khai TCĐT ở phạm vi chiến lược từ phía Biển Đông và cả từ sườn phía Tây đất nước. Do đó, xây dựng lực lượng TCĐT cũng cần phải theo hướng tinh, gọn, hỗn hợp, đa năng, vừa có khả năng tác chiến độc lập, vừa có khả năng tác chiến cơ động linh hoạt, vừa đánh địch rộng khắp, vừa có thể tập trung lực lượng ở hướng (chiến trường) trọng yếu.  Ngành TCĐT là một ngành chiến đấu kỹ thuật, một mặt, đảm nhiệm chức năng tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo hoạt động TCĐT trong toàn quân; mặt khác, có nhiệm vụ chỉ huy, quản lý lực lượng TCĐT cơ động của Bộ. Do vậy, về mặt tổ chức, biên chế cần tổ chức theo một hệ thống thống nhất, với mô hình tương tự như một binh chủng chiến đấu kỹ thuật, có cơ cấu hợp lý, tinh gọn, bảo đảm cân đối giữa cơ quan và đơn vị, giữa lực lượng chiến đấu và lực lượng bảo đảm, giữa lực lượng cơ động của Bộ và lực lượng của các đơn vị trong toàn quân; trong đó, ưu tiên xây dựng lực lượng TCĐT chuyên trách cơ động của Bộ (bao gồm cả lực lượng chiến đấu và lực lượng bảo đảm). Các đơn vị này, đặt dưới sự quản lý, chỉ huy của Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu, được tổ chức tinh, gọn, đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, bảo đảm có khả năng tác chiến độc lập và cơ động cao, bố trí đứng chân sẵn trên các địa bàn chiến lược ngay từ thời bình và sẵn sàng tham gia tác chiến trong những tình huống, nhiệm vụ được giao. Đối với lực lượng TCĐT của các đơn vị (bao gồm cả lực lượng chuyên trách và kiêm nhiệm), do các đơn vị quản lý, chỉ huy và bố trí theo đội hình tác chiến của từng đơn vị. Tùy theo tính chất, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ TCĐT cụ thể mà xác định mô hình, quy mô tổ chức và trang bị cho phù hợp, bảo đảm vai trò nòng cốt phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong phòng, chống TCĐT của địch có hiệu quả. Cùng với đó, cần chú trọng kiện toàn cơ quan tham mưu tác chiến của Ngành và các đơn vị bảo đảm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ TCĐT trong chiến tranh hiện đại.
 Hai là, cần tập trung đầu tư nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hoá trang bị kỹ thuật cho các lực lượng TCĐT. Hoạt động TCĐT là “tác chiến bằng kỹ thuật điện tử”. Vì vậy, nâng cao khả năng TCĐT cho các lực lượng vũ trang ta trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trước hết phải bằng kết hợp các giải pháp kỹ thuật và chiến thuật. Vấn đề đặt ra là, với khả năng kinh tế còn hạn hẹp của ta, làm thế nào để vừa bảo đảm trang bị, phương tiện kỹ thuật cho các lực lượng TCĐT trong toàn quân, vừa bảo đảm vũ khí, trang bị hiện đại cho lực lượng TCĐT chuyên trách. Để làm được điều đó, một mặt, các đơn vị, đặc biệt là ngành Công nghiệp quốc phòng, cần đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến nâng cao tính năng kỹ, chiến thuật của các loại vũ khí, phương tiện, khí tài TCĐT hiện có, nhất là số phương tiện TCĐT do Liên Xô (trước đây) viện trợ cho phù hợp với phương thức tác chiến và cơ động hiện nay của quân đội ta, để  trang bị cho các đơn vị TCĐT cấp chiến thuật. Tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các tính năng về vũ khí, trang bị TCĐT mới của các nước, nhất là của các đối tượng tác chiến, nhằm tìm ra điểm mạnh, yếu của các phương tiện đó; từ đó đề ra các biện pháp phòng, chống hữu hiệu. Cần tập trung nghiên cứu, phát triển các công nghệ và nghệ thuật ngụy trang, làm các mục tiêu điện tử giả, ngụy trang địa hình dựa trên nguyên lý chống ra-đa, hồng ngoại và la de hoặc kỹ thuật dùng mồi bẫy nhiệt... Mặt khác, đầu tư, mua sắm có chọn lọc các phương tiện, khí tài TCĐT hiện đại, công nghệ bản quyền chế tạo; tiến hành nghiên cứu, cải tiến, lựa chọn dây chuyền công nghệ để sản xuất, trang bị cho các đơn vị TCĐT cơ động nòng cốt trên các hướng (địa bàn) chiến lược. Đây là cách làm có tính khả thi và đạt hiệu quả cao, với nhiều ưu điểm: vừa nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về kỹ thuật, công nghệ TCĐT, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và điều quan trọng là ta từng bước tự làm chủ trong bảo đảm trang bị TCĐT cho các đơn vị. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập, hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế như hiện nay, việc mua sắm các trang bị TCĐT tiên tiến của nước ngoài không khó, song vì lý do an ninh, khó có thể mua được những hệ thống TCĐT tốt nhất, và dù có mua được các hệ thống đó cũng cần tính toán, cân nhắc biện pháp sử dụng để bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ. Do vậy, cần chú ý nghiên cứu, cải tiến “mềm hoá”, “tinh khôn hoá” các khí tài mua được bằng việc ứng dụng kỹ thuật tin học; hoặc có thể kết hợp mua sắm đồng bộ trang bị sẵn có và có chọn lọc một số tính năng thích hợp, để ghép nối theo ý đồ của ta thành hệ thống TCĐT mới, có tính năng ưu việt hơn, đa năng và độc đáo hơn, góp phần phòng, chống có hiệu quả TCĐT công nghệ cao của địch.
Ba là, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện cho các lực lượng TCĐT toàn quân; tích cực nghiên cứu, phát triển nghệ thuật TCĐT đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.  Đây là một nội dung rất quan trọng, bởi có vũ khí, trang bị hiện đại nhưng trình độ khai thác sử dụng thấp thì hiệu quả sẽ không cao. Vì thế, cùng với kiện toàn tổ chức biên chế và bảo đảm trang bị, ngành TCĐT phải chăm lo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, coi đây là một mặt công tác quan trọng, quyết định đến kết quả TCĐT của toàn quân. Công tác huấn luyện vừa phải bảo đảm phổ cập kiến thức TCĐT cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân; vừa phải đào tạo kiến thức chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, nhân viên TCĐT chuyên trách, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Để phổ cập kiến thức TCĐT, Ngành cần tiếp tục xây dựng hệ thống các tài liệu, giáo trình, bảo đảm yêu cầu thiết thực, cụ thể, từng bước tiến tới chuẩn hoá, phù hợp với trình độ của từng loại đối tượng. Nghiên cứu đổi mới công tác tổ chức huấn luyện, kết hợp nhiều hình thức, phương pháp huấn luyện phong phú: huấn luyện tập trung, huấn luyện tại chức, huấn luyện kết hợp làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), tập huấn cho các đơn vị, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng..., mà trọng tâm là cán bộ chỉ huy, cán bộ chuyên trách và những thành phần có liên quan trực tiếp đến TCĐT, giúp cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn, tính chất, phương thức hoạt động và quy luật sử dụng lực lượng, vũ khí, phương tiện TCĐT của địch. Từ đó nâng cao kiến thức, trình độ chỉ huy, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ TCĐT được giao.
 Trong huấn luyện đội ngũ cán bộ, nhân viên TCĐT chuyên trách, cần quán triệt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu cả về kỹ thuật và chiến thuật. Trong huấn luyện kỹ thuật, chú trọng nâng cao trình độ kỹ thuật chuyên ngành, nhất là biết sử dụng thành thạo các khí tài TCĐT có trong biên chế, làm chủ được các khí tài mới được trang bị; biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo các kỹ thuật chuyên ngành. Trong huấn luyện chiến thuật chuyên ngành, phải bảo đảm cho các lực lượng, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu đạt được độ tinh nhuệ và thuần thục chiến thuật các cấp, biết vận dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật vào từng hình thức chiến thuật, nhất là các hình thức chiến thuật đặc thù; đồng thời, chú trọng huấn luyện thực hành, cơ động dã ngoại, huấn luyện đêm, huấn luyện tác chiến hiệp đồng. Hiện nay, ngành TCĐT chưa có cơ sở đào tạo riêng, nên việc tạo nguồn  và đào tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội với huấn luyện SSCĐ và chiến đấu ở đơn vị, không ngừng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên TCĐT. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ngành TCĐT, trong đó, cần kế thừa và phát triển những kinh nghiệm TCĐT của quân đội ta trong chiến tranh giải phóng, nhất là trong chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc nước ta; đồng thời, tập trung nghiên cứu nghệ thuật TCĐT trong điều kiện chiến tranh hiện đại, nhằm nâng cao khả năng SSCĐ và chiến đấu của Ngành. Vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định là chăm lo, xây dựng lực lượng TCĐT vững mạnh toàn diện, trước hết là về chính trị-tư tưởng, trình độ chuyên môn, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó trong mọi tình huống.
Thiếu tướng Ngô Trí Nhân
Cục trưởng Cục Tác chiến điện tử
 

Ý kiến bạn đọc (0)