QPTD -Chủ Nhật, 21/08/2011, 23:28 (GMT+7)
Nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai bão, lũ, tìm kiếm cứu nạn của quân đội trong tình hình mới

Phòng, chống bão, lũ, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và khắc phục có hiệu quả sự cố hiểm họa thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ ở tầm quốc gia; trong đó, nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN của Quân đội nhân dân là vấn đề hết sức quan trọng.

 

Xuất phát từ đặc điểm địa lý (vùng biển rộng, bờ biển dài, địa hình đa dạng, phức tạp, khí hậu nhiệt đới gió mùa), nên nước ta là một trong những vùng trọng điểm về bão và hiểm họa thiên tai. Đặc biệt, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai xảy ra nhiều hơn, với cường độ mạnh, diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Theo thống kê của Uỷ ban Quốc gia TKCN, chỉ tính riêng năm 2009, thiệt hại do thiên tai gây ra đã làm chết 329 người, mất tích 23 người, sập đổ và hư hại 312.447 nhà, ngập úng 81.057 ha lúa và hoa màu, sạt lở hàng nghìn mét khối đất đá. Tai nạn trên biển, trên sông, cháy nổ, sập đổ công trình và sự cố tràn dầu xảy ra 2.534 vụ, làm chết 359 người, mất tích 176 người, bị thương 87 người, chìm và hư hỏng 1.378 phương tiện và hủy hoại hàng nghìn héc-ta rừng... Những thiệt hại lớn đó đã ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) và môi trường sinh thái của đất nước. Vì vậy, phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, các lực lượng; trong đó, Quân đội nhân dân giữ vai trò nòng cốt, xung kích.

Xác định rõ trách nhiệm của quân đội trong phòng, chống bão, lũ, ứng phó với các thảm họa do thiên tai và con người gây ra, những năm qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tham gia với tinh thần chủ động, trách nhiệm và đạt hiệu quả cao, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Hằng năm, trên cơ sở quán triệt và chấp hành nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu (BTTM), các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã chủ động phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng, triển khai đồng bộ việc lập kế hoạch, dự kiến các phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện và tổ chức luyện tập, diễn tập để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, BTTM, các quân khu, quân chủng, binh đoàn đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo, chỉ huy kịp thời các đơn vị chống thiên tai bão, lũ. Tại các vùng trọng điểm, xung yếu, Bộ Quốc phòng, BTTM đã chỉ đạo các quân khu, chủ trì phối hợp với địa phương và các lực lượng trên địa bàn, thường xuyên nắm tình hình, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ, điều động lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống thiên tai. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, kịp thời có mặt ở những nơi, những vùng khó khăn, nguy hiểm nhất, trong thời điểm cam go nhất, sát cánh cùng địa phương và nhân dân chống lụt, bão và khắc phục hậu quả. Tính trong 5 năm gần đây, toàn quân đã huy động 440.841 lượt cán bộ, chiến sĩ, 382 lần/ chuyến máy bay, 5.611 tàu, xuồng các loại, 4.491 ô tô tham gia phòng, chống bão, lũ, TKCN và giúp di rời 563.341 hộ dân đến nơi tránh bão an toàn. Cùng với phòng, chống bão, lũ, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham gia có hiệu quả công tác TKCN trên sông, trên biển; huy động lực lượng làm nhiệm vụ cứu sập công trình, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng và khắc phục các sự cố thảm họa môi trường. Năm 2009, toàn quân đã huy động 6.672 lượt cán bộ, chiến sĩ, 385 phương tiện ca nô, tàu thuyền tham gia TKCN được 1.058 vụ, cứu được 6.767 người và hàng trăm phương tiện... Những việc làm thiết thực cụ thể trên đây càng khẳng định vai trò nòng cốt của quân đội trong phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN, góp phần làm sáng đẹp phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; củng cố tình đoàn kết gắn bó máu thịt quân-dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN trong quân đội còn những mặt tồn tại. Nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị về vai trò của quân đội đối với công tác này còn hạn chế; còn biểu hiện tư tưởng chủ quan, nhất là ở những vùng ít có thiên tai, nên khi có tình huống xảy ra thì bị động, lúng túng. Lực lượng chuyên trách TKCN số lượng còn ít, phương tiện, trang bị lạc hậu, chậm được bổ sung, nhất là các trang thiết bị chuyên dùng, hiện đại. Công tác huấn luyện, diễn tập ở một số đơn vị còn bộc lộ tính hình thức, chưa sát với thực tế; việc thực hiện quy chế phối hợp TKCN trên biển và các khu vực trọng điểm còn nhiều bất cập.

Năm 2010, trước tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn nước ta còn tiếp tục diễn biến phức tạp; các nguy cơ về thiên tai, sự cố và các tai nạn, thảm họa còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Để nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai, TKCN trong mọi tình huống, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau.

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò, trách nhiệm của quân đội trong phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN. Đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt và có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN của quân đội trong tình hình mới. Vì vậy, lãnh đạo chỉ huy các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng nhận thức sâu sắc về sự tàn phá và hậu quả nặng nề do thiên tai và các tai nạn gây ra; thấy rõ tầm quan trọng, vai trò nòng cốt cùng trách nhiệm nặng nề, nhưng vô cùng vinh dự của quân đội đối với nhiệm vụ quan trọng này. Từ đó, xác định rõ phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, “một nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” mà quân đội nhất thiết phải tham gia và hoàn thành tốt. Trên cơ sở nắm vững sự chỉ đạo của Chính phủ, chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, BTTM, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, nguyên tắc và phương châm trong phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN; trong đó, cần tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo: “chủ động phòng, chống, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, lấy chủ động phòng, chống là tư tưởng chủ đạo trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, cần tập trung giáo dục cho bộ đội thấm nhuần sâu sắc các chủ trương, chính sách cùng các văn bản quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN, nhất là Pháp lệnh về phòng, chống lụt, bão; Pháp lệnh Phòng cháy, chữa cháy; Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp..., cùng các nghị định, quyết định và chỉ thị của Chính phủ giao cho quân đội tham gia nhiệm vụ này với tư cách là lực lượng chủ lực, nòng cốt. Trong  tuyên truyền, giáo dục, cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp phù hợp với từng đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục thông qua các phong trào thi đua ở cơ sở; gắn việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị. Thông qua đó, từng cá nhân và đơn vị xác định đúng trách nhiệm, nghĩa vụ, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN trong tình hình mới.

Hai là, đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao trình độ và kỹ năng thực hành cho bộ đội trong phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN. Thực tiễn những năm qua cho thấy, thiên tai bão, lũ xảy ra với mật độ ngày càng lớn, cường độ mạnh, diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng, nên việc cơ động lực lượng, phương tiện để ứng phó kịp thời, TKCN và khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lực lượng tại chỗ trên các địa bàn, tuy đã được huy động kịp thời, nhưng do trình độ, kỹ năng có hạn, nên hiệu quả trong xử lý các tình huống về thiên tai và tai nạn chưa cao, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ ở những tình huống và địa bàn phức tạp. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng thực hành trong phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN cho bộ đội, nhất là đối với lực lượng chuyên trách trên các địa bàn. Các đơn vị cần bám sát Chỉ lệnh huấn luyện chiến đấu của Tổng Tham mưu trưởng, chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống kế hoạch phòng, chống lụt, bão, cháy nổ, động đất, sập đổ công trình..., và TKCN cho phù hợp. Trên cơ sở kế hoạch chung đã được phê duyệt, cần cụ thể hóa thành các kế hoạch chi tiết, thống nhất từ Bộ đến cơ sở; tổ chức huấn luyện, diễn tập nhằm nâng cao năng lực, trình độ chỉ huy cho đội ngũ cán bộ các cấp và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trong các tình huống thiên tai. Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ kiêm nhiệm, cần chú trọng huấn luyện, phổ biến các kiến thức phổ thông về: phòng, chống thiên tai; cách thức chằng chống nhà cửa, kho tàng; phương pháp sơ cứu, cấp cứu người bị nạn trong điều kiện bão, lụt, thảm họa; kỹ thuật đi lại trên sông nước bằng các phương tiện thông thường (bè mảng, thuyền chèo tay...); huấn luyện công tác bảo hộ an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ trong các doanh nghiệp quân đội... Đối với các lực lượng chuyên trách, cần tập trung huấn luyện về phương pháp điều khiển, sử dụng các phương tiện TKCN hiện đại, nhất là sử dụng thành thạo các phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển, khắc phục sự cố tràn dầu, cứu sập công trình, chống cháy nổ, cháy rừng ở các địa hình phức tạp... Trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần tại chỗ), lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần chủ động hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan, tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án đã được phê chuẩn, nâng cao khả năng phối hợp phòng, chống thiên tai bão, lũ, TKCN trên từng địa bàn, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, xung yếu. Về lâu dài, cần phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu huấn luyện về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm tính chuyên sâu, phù hợp với từng đối tượng, từng nhiệm vụ, làm cơ sở để đưa vào huấn luyện ở đơn vị và giảng dạy ở các nhà trường quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Ba là, tiếp tục kiện toàn tổ chức, chuẩn bị lực lượng, đầu tư trang thiết bị hiện đại để chủ động đối phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai. Trên cơ sở Quyết định số 76/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Uỷ ban Quốc gia TKCN và hệ thống tổ chức TKCN của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cần tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức TKCN của quân đội theo hướng thống nhất, đồng bộ, kiêm nhiệm và mang tính chuyên nghiệp, nhằm bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành cứu hộ, cứu nạn kịp thời, đạt hiệu quả cao trong mọi tình huống. Theo đó, cần tiếp tục kiện toàn các ban chỉ đạo, ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão, cháy nổ, cháy rừng, TKCN từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị trong toàn quân; đồng thời, triển khai việc thành lập cơ quan cứu hộ, cứu nạn ở một số đơn vị theo Quyết định 1274/QĐ-TM và 1275/QĐ-TM, ngày 6-11-2006 của Tổng Tham mưu trưởng để thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo ở đơn vị. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tổ chức một số đơn vị chuyên trách, bán chuyên trách; ưu tiên đầu tư về con người và trang thiết bị hiện đại cho các lực lượng này, nhằm nâng cao năng lực chuyên sâu, khả năng cơ động, ứng phó kịp thời các tình huống khẩn cấp về thảm họa, thiên tai.

Cùng với kiện toàn về cơ cấu tổ chức, toàn quân cần rà soát kết quả thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực TKCN đến năm 2015, tầm nhìn 2020 của Chính phủ để chủ động đề xuất hướng đầu tư, mua sắm trang thiết bị TKCN cho phù hợp với thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, cần ưu tiên mua sắm các loại trang thiết bị thiết yếu, phổ thông (áo phao, phao cứu sinh, ca nô, xuồng cao tốc các loại...) để đưa vào dự trữ, sẵn sàng bảo đảm cho các đơn vị làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra; đồng thời, có kế hoạch từng bước mua sắm các loại trang thiết bị đặc chủng, hiện đại, như: máy bay trực thăng lưỡng dụng, tàu TKCN đa năng trên biển... Tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp và khẩn trương hoàn thành các dự án trên lĩnh vực TKCN mà Chính phủ giao cho quân đội, nhất là xây dựng lực lượng chuyên dụng cứu sập; các trung tâm quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu tại các khu vực; xây dựng các trạm TKCN ở các đảo xa trên biển... Bên cạnh đó, cần tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong việc đầu tư trang thiết bị; bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao khả năng phối hợp với lực lượng các nước trong khu vực, nhằm đối phó, xử lý các sự cố, hiểm họa thiên tai nghiêm trọng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định xã hội, đời sống nhân dân và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng TRẦN QUANG KHUÊ

Phó Tổng tham mưu trưởng

Phó Chủ tịch thường trực UBQG Tìm kiếm, Cứu nạn

 

Ý kiến bạn đọc (0)