QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 22:17 (GMT+7)
Nâng cao khả năng cơ động của lực lượng Tăng-thiết giáp trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Tăng-thiết giáp (TTG) là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân Việt Nam, được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, khả năng bảo vệ tốt. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), đối tượng tác chiến của lực lượng TTG có vũ khí, trang bị hiện đại, có ưu thế về tác chiến điện tử, khả năng trinh sát phát hiện mục tiêu nhanh, chính xác; có số lượng TTG và vũ khí chống tăng nhiều, hỏa lực không quân, pháo binh mạnh, uy lực lớn. Mặt khác, lực lượng TTG phải cơ động thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở cả phạm vi chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, trên nhiều địa hình, thời tiết phức tạp, điều kiện địch đánh phá, chia cắt... Trong khi đó, khả năng bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật của ta còn có hạn. Vì vậy, nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao khả năng cơ động của lực lượng TTG trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng hiện nay.

Nhận thức rõ đặc điểm, yêu cầu đó, những năm qua Binh chủng TTG đã tổ chức thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ở các cấp mang tính khả thi và bước đầu xác định một số giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Binh chủng, đó là giải pháp về giáo dục nhận thức, các giải pháp về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), bảo đảm trang bị, phương tiện... Đáng chú ý là, chương trình, nội dung và phương pháp huấn luyện cơ động từng bước được đổi mới, chuẩn hóa, sát với thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến và điều kiện tổ chức biên chế, trang bị. Trong diễn tập, hợp luyện, SSCĐ, công tác tổ chức cơ động được lãnh đạo, chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm, chuẩn bị chu đáo. Công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ lái xe, thợ sửa chữa được coi trọng; cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” được duy trì, đẩy mạnh, tạo chuyển biến vững chắc trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Khả năng cơ động của lực lượng TTG được khẳng định qua các cuộc diễn tập quân, binh chủng trong những năm gần đây, nhất là năm 2006, 2007. Mặc dù phải tổ chức hành quân cơ động trên đoạn đường dài (70-80km), qua nhiều địa hình phức tạp, tổ chức vượt sông với hàng chục xe TTG các loại, nhưng các đơn vị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, cơ động đến vị trí đúng thời gian, an toàn, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ của Binh chủng trong chiến tranh BVTQ thì khả năng cơ động của lực lượng TTG còn hạn chế, nhất là trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Công tác tổ chức, phương pháp huấn luyện cơ động ở một số đơn vị còn đơn giản, chưa chặt chẽ, cá biệt có đơn vị còn hiện tượng hạ thấp yêu cầu huấn luyện cơ động. Công tác bảo đảm phương tiện, trang bị chưa đồng bộ, vững chắc; cơ sở vật chất, nhiên liệu cho huấn luyện cơ động còn hạn hẹp. Hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng một số đề tài khoa học về cơ động TTG chưa đáp ứng yêu cầu.

Để nâng cao hơn nữa trình độ và khả năng cơ động của lực lượng TTG trong tình hình mới, trước hết các đơn vị cần tập trung nâng cao nhận thức cho bộ đội, nhất là đội ngũ cán bộ về vai trò, vị trí, yêu cầu của cơ động TTG trong chiến tranh BVTQ. Cùng với tổ chức giáo dục chính trị, xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, các đơn vị cần quán triệt sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng TTG; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của cơ động; đặc biệt là, phát huy vai trò của tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, các tổ chức quần chúng và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc nâng cao khả năng cơ động lực lượng trong tình hình hiện nay. Thấy rõ, cơ động là biện pháp quan trọng để phòng tránh, đánh trả hỏa lực tiến công của địch; để bảo toàn lực lượng, duy trì sức mạnh và khả năng SSCĐ trong thực hành chiến dịch, chiến đấu; tạo lập thế trận, chuyển hóa thế trận có lợi và nâng cao hiệu quả tăng cường (chi viện) cho các hướng, khu vực phòng thủ, bảo đảm cho Bộ đội TTG hoàn thành tốt nhiệm vụ tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trong công tác chỉ đạo, điều hành huấn luyện, chỉ huy đơn vị cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và giải pháp cụ thể trong việc nâng cao trình độ và khả năng cơ động lực lượng, kể cả cơ động tự hành, bằng đường thủy, đường sắt, đường không. Quán triệt đầy đủ các yêu cầu trong cơ động, nhất là về bảo đảm bí mật, bất ngờ, an toàn lực lượng, đúng vị trí, thời gian quy định...

Trong công tác huấn luyện cơ động, cần tiếp tục đổi mới cả nội dung và phương pháp, coi trọng chiến thuật phân đội nhỏ, huấn luyện thuần thục các bước cơ động chiến đấu từ cấp một xe đến tiểu đoàn TTG trong đội hình binh chủng hợp thành và có thể tác chiến độc lập trong những điều kiện cụ thể. Huấn luyện cơ động theo phương châm “Cơ bản-thiết thực-vững chắc”; lấy huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, chú trọng tổ chức đào tạo, huấn luyện từng kíp xe, huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành, nâng cao trình độ khai thác, kỹ năng sử dụng phương tiện hiện có; tăng cường rèn luyện cơ động trên các địa hình, thời tiết phức tạp, đặc biệt là trong đêm tối. Căn cứ vào tình hình, đặc điểm cụ thể của đơn vị và kế hoạch từng giai đoạn để tổ chức huấn luyện cơ động; bảo đảm cơ bản, vững chắc các bước tổ chức chuẩn bị và kiểm tra kết quả bằng diễn tập vòng tổng hợp; rèn luyện hành động chỉ huy, điều hành của cán bộ trong hành quân, khi tạm dừng, xử trí tình huống cơ động, chiến đấu...Thực hiện tốt các nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện; coi trọng truyền thụ, phát triển những bài học kinh nghiệm cơ động TTG hành quân từ miền Bắc vào miền Nam tham gia chiến đấu cũng như cơ động lập thế trận và thực hành tác chiến chiến dịch, chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào công tác huấn luyện, SSCĐ hiện nay; nhất là, những bài học về xây dựng kế hoạch cơ động, phối hợp, hiệp đồng trong cơ động; tổ chức tiền trạm và điều chỉnh giao thông, chỉ huy hành quân, xử trí tình huống trong cơ động và bảo đảm kỹ thuật trong hành quân đường dài...

Đẩy mạnh đổi mới phương pháp hợp luyện, diễn tập quân, binh chủng ở các quy  mô, theo hướng tăng dần mức độ cơ động trong điều kiện phức tạp, sát với thực tiễn chiến tranh. Trong diễn tập, hợp luyện cần chú trọng xây dựng kế hoạch cơ động hợp lý, tổ chức bảo đảm, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ. Việc xây dựng các tình huống (nhất là các tình huống phòng tránh, đánh trả hỏa lực tiến công của địch) phải gắn với việc nâng cao trình độ, khả năng cơ động của lực lượng TTG trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp. Kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng, trang bị hiện có trong biên chế với khả năng bảo đảm tại chỗ của lực lượng, phương tiện trong khu vực phòng thủ (KVPT) địa phương để bảo đảm đầy đủ các mặt cho cơ động TTG, như: bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; bảo đảm ngụy trang, nghi binh và bảo đảm phòng không, thông tin, trinh sát, hóa học... Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật của bộ đội, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các chế độ quy định trong hành quân, trú quân, hạn chế thấp nhất các vụ mất an toàn trong huấn luyện cơ động. Việc đầu tư xây dựng hệ thống công trình huấn luyện chiến đấu phải theo hướng tập trung có trọng điểm, đồng bộ, hiệu quả; xây dựng thao trường có đủ điều kiện huấn luyện cơ động trong chương trình, như: đường cơ động, hồ bơi của xe TTG, hệ thống tập bắn chiến đấu cấp đại đội, tiểu đoàn TTG...

Duy trì nghiêm chế độ quy định về SSCĐ ở tất cả các cấp, nhất là các quy định về bảo đảm cho sẵn sàng cơ động. Xây dựng và thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch cơ động theo phương án SSCĐ trên từng hướng, địa bàn chiến lược, trong từng KVPT. Chú trọng rèn luyện hành động chuyển trạng thái SSCĐ của cơ quan và đơn vị, bảo đảm khẩn trương, đúng thứ tự, đủ nội dung các công việc phải tiến hành trong từng bước: chuẩn bị vũ khí, trang bị, mở niêm xe máy, tiếp nhận vật chất các loại và tổ chức hành quân ra khu tập trung... Trong thời bình, chúng ta có điều kiện chuẩn bị thế trận TTG trên từng hướng, địa bàn chiến lược, trên cơ sở thế trận của KVPT địa phương. Do đó, từng đơn vị TTG phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong KVPT, thống nhất phương án, kế hoạch tổ chức xây dựng, cải tạo hệ thống đường cơ động, khu vực tập kết, công trình chiến đấu của TTG; phát huy vai trò của bộ đội công binh, binh chủng hợp thành, lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân trong KVPT để chuẩn bị đường cơ động cho TTG. Trong đó, cần coi trọng việc tận dụng và kết hợp các mạng đường chiến lược, chiến dịch, chiến thuật một cách linh hoạt, nhằm thực hiện tốt kế hoạch cơ động đã được phê duyệt.

Cùng với công tác huấn luyện cơ động, phải không ngừng nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật và bảo đảm trang bị. Phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm kỹ thuật cho phương tiện, trang bị. Trong điều kiện thời tiết, khí hậu nóng, ẩm làm cho phương tiện, trang bị mau xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cơ động của TTG, các đơn vị phải quan tâm xây dựng nền nếp công tác kỹ thuật; thường xuyên bảo đảm hệ số kỹ thuật nhóm xe làm nhiệm vụ SSCĐ bằng 1, nhóm xe hoạt động thường xuyên đạt hệ số kỹ thuật từ 0,85 trở lên. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng trong công tác bảo đảm kỹ thuật; tập trung vào công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị, phương tiện hiện có; không ngừng nâng cao năng lực và chất lượng sửa chữa của các nhà máy, trạm, xưởng. Đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp từng phần, tiến tới hiện đại hoá đồng bộ xe TTG; phấn đấu đến năm 2010 làm chủ công nghệ sửa chữa vừa cho xe bánh hơi, bánh xích; đồng thời, nâng cao năng lực tự sửa chữa thường xuyên ở các đơn vị. Duy trì và thực hiện tốt chế độ huấn luyện kỹ thuật, tập huấn, bồi dưỡng, hội thao, thi nâng bậc, giữ bậc cho đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật, thợ sửa chữa, lái xe, trên cơ sở giáo trình lái xe chiến đấu năm 2004 của Binh chủng đã ban hành. Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, xây dựng tinh thần trách nhiệm, khơi dậy và phát huy truyền thống "tự lực, tự cường, sáng tạo" trong bảo đảm kỹ thuật của Bộ đội TTG truớc yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác bảo quản, bảo dưỡng và quản lý vũ khí, trang bị.

Trong công tác bảo đảm trang bị, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, tổ chức sản xuất, mua sắm thiết bị, ưu tiên những trang bị, thiết bị hiện đại, có tính cơ động cao (nhất là các loại thiết bị, trang bị phục vụ huấn luyện cơ động đêm), kể cả mua sắm một số loại đồ dùng, thiết bị huấn luyện mô phỏng TTG có tính năng kỹ thuật hiện đại, phục vụ đào tạo lái xe TTG. Đồng thời, coi trọng chế tạo các phương tiện, khí tài khắc phục vật cản, mở cửa cho TTG trong cơ động tiến công địch phòng ngự.

Nâng cao trình độ, khả năng cơ động của lực lượng TTG là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; lấy xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức làm cơ sở; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện cơ động và thực hiện tốt các chế độ quy định về bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm trang bị, phương tiện; xây dựng Binh chủng TTG vững mạnh toàn diện, có khả năng cơ động, SSCĐ cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, PGS,TS. Nguyễn Việt Hùng

Phó Tư lệnh-TMT Binh chủng TTG

 

Ý kiến bạn đọc (0)