QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:07 (GMT+7)
Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Việt Nam là đất nước có lợi thế lớn về biển. Với diện tích rộng gấp ba lần đất liền, vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước ta chứa đựng nhiều tài nguyên và tiềm năng phong phú để phát triển kinh tế tổng hợp. Nằm ở vòng cung phía tây Thái Bình Dương, một vùng phát triển kinh tế năng động, vùng biển cùng các đảo, quần đảo và hơn 3.200 km bờ biển của nước ta có nhiều cửa ngõ thông thương và vị trí thuận lợi trên các tuyến giao thông quốc tế, tạo lợi thế lớn cho sự phát triển hệ thống kinh tế mở và các loại hình vận tải, dịch vụ hàng hải, du lịch. Biển Đông cùng các hải đảo là nơi đã và đang diễn ra những tranh chấp phức tạp và quyết liệt về chủ quyền giữa các quốc gia; nơi tiềm ẩn những bất trắc khó lường, thách thức, đe dọa đến sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, sự an ninh của nước ta trên biển và từ hướng biển. Vị trí và đặc điểm của nước ta cùng với bối cảnh tranh chấp phức tạp về chủ quyền trên Biển Đông đòi hỏi chúng ta phải phát huy thế mạnh về biển, đảo để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển, phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển.

Trong lịch sử, đã có thời kỳ Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về biển ở khu vực. Nhưng hiện nay, so với nhiều nước chúng ta đang tiến chậm, thậm chí rất chậm trong lĩnh vực này. Nhu cầu phát triển và bảo vệ đất nước buộc chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách nhìn, phải nhanh chóng tiến ra biển. Phải xây dựng được một nền kinh tế biển mạnh, một nền quốc phòng, an ninh trên biển mạnh. Không phát triển kinh tế biển và tăng cường khả năng quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa, chúng ta sẽ khó có thể hoàn thành được hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển, có khả năng tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong điều kiện nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cần nhận thức rằng, tiến ra biển hiện nay trở thành một hướng chiến lược mang tính toàn cầu. Chúng ta đã bước vào những năm đầu của thế kỷ 21, một thế kỷ được dự báo là thế kỷ của châu á - Thái Bình Dương, nhưng cũng đồng thời là thế kỷ của biển và đại dương. Phải ý thức đầy đủ xu thế này với tư cách là một quốc gia có lợi thế lớn về biển.
Trong những năm qua, nhất là 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Những quan điểm, tư tưởng, mục tiêu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển nêu trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước đều thể hiện rõ ý chí, quyết tâm "đưa nước ta trở thành một nước mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế”. Để biến quyết tâm của Đảng và Nhà nước thành hiện thực, chúng ta phải làm nhiều việc, trong đó một đòi hỏi khách quan, đồng thời là một nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng hiện nay là phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành, toàn dân và lực lượng vũ trang về vai trò, tầm quan trọng chiến lược của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trên cơ sở đó quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ và những quan điểm, tư tưởng, mục tiêu về phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới. Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần triển khai một cách toàn diện, trong đó tập trung vào mấy vấn đề chủ yếu sau:
Trước hết, tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người dân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương nắm vững các quan điểm của Đảng trong phát triển kinh tế biển. Nhận thức rõ vùng biển, hải đảo và ven biển là địa bàn chiến lược có vị trí quyết định đối với sự phát triển của đất nước ta. Kinh tế biển và kinh tế đất liền có liên quan chặt chẽ với nhau, tác động và thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Tất cả các căn cứ xuất phát ra biển đều ở trên đất liền, nơi thu hút các nguồn lợi của biển. Đất liền có mạnh thì biển mới mạnh, biển mà mạnh thì tạo điều kiện cho đất liền phát triển. Do đó, công tác nghiên cứu và xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo cần đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế cả nước, trong quan hệ tương tác với các vùng, từng ngành, từng địa phương và trong xu thế hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới; gắn với yêu cầu bảo vệ kinh tế, bảo vệ đất nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, tạo dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân nhân ngày càng vững chắc trên biển, đảo. Các bộ, ngành, địa phương có liên quan xem xét kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo của mình trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế đất liền, đặc biệt là xây dựng các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp và đô thị ven biển, miền duyên hải, tận dụng ưu thế của hệ thống đảo, vùng biển nước ta, tạo thành những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của từng khu vực và của cả nước.
Công tác tuyên truyền, giáo dục còn phải tạo được nhận thức thống nhất là, phát triển kinh tế biển là một nhân tố quan trọng góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, CNH,HĐH đất nước mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Nhận thức đó được thể hiện ở việc tập trung đúng mức mọi nguồn lực đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài phát triển các ngành kinh tế biển có tính chất mũi nhọn như: thăm dò và khai thác dầu khí, xây dựng công nghiệp lọc, hóa dầu, sử dụng khí; đánh bắt và nuôi trồng, chế biến thủy sản; phát triển đồng bộ về cảng biển, đội tàu, dịch vụ hàng hải, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu; phát triển đồng bộ, hợp tác liên doanh với nước ngoài, hình thành các quần thể du lịch biển kết hợp nhiều mặt, cả nghỉ ngơi, giải trí, tham quan, điều dưỡng. Xây dựng và giải quyết tốt vấn đề quy hoạch vùng ven biển, hải đảo, trong đó đẩy mạnh công tác lấn biển ở những nơi có điều kiện để mở thêm diện tích đất nông, lâm, ngư nghiệp ven biển; chú trọng tổ chức đưa dân ra các đảo còn ít hoặc chưa có người ở, trước hết là những đảo, quần đảo xung yếu; đầu tư xây dựng trù phú một số đảo ven biển quan trọng như Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Mê, Cát Bà, cung đảo Hạ Long-Cô Tô... Trong việc xây dựng kinh tế đảo, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trước hết là những công trình thiết yếu về giao thông, cầu cảng, thông tin liên lạc...; Nhà nước cũng như các địa phương ven biển cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế, hỗ trợ những hộ dân ra đảo lập nghiệp.
Hai là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân trong việc quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo. Biển, đảo là một địa bàn chiến lược có tính chất đặc thù và có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nơi hằng ngày diễn ra công cuộc xây dựng và đấu tranh rất phức tạp, căng thẳng, nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, quyền tài phán quốc gia thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, nội dung bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, đảo đang đặt ra những yêu cầu mới, với sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tư tưởng, nhận thức và bảo đảm vật chất cho các lực lượng quốc phòng, an ninh làm nhiệm vụ quản lý, thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền và lực lượng khai thác kinh tế biển, đảo. Về mặt tư tưởng, cần tuyên truyền, giáo dục cho các cấp, các ngành, toàn dân và lực lượng vũ trang nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là phát triển kinh tế biển, đảo phải đi đôi với với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế biển, đảo là tạo cơ sở, nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển, đảo ngày càng vững mạnh. Ngược lại, chỉ có bảo đảm quốc phòng, an ninh tốt mới quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, tạo điều kiện cho kinh tế biển phát triển, nhất là ở vùng biển xa bờ. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia trên biển (cả lực lượng kinh tế, nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, đối ngoại), đặc biệt là vai trò quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo của Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển, hải đảo trong việc xây dựng cơ sở chính trị-xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân”, làm chủ vùng biển, đảo. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, nâng cao hiểu biết về chủ quyền lãnh hải quốc gia, những quy định của luật pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đối với các vùng biển, các quy định, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm, bảo đảm luật pháp được thực thi một cách nghiêm túc.
Ba là, tuyên truyền góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh về pháp lý và ngoại giao, tạo dư luận quốc tế ủng hộ ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và quyền lợi quốc gia trên biển. Những thay đổi to lớn về địa vị chính trị, kinh tế, trật tự pháp lý quốc tế diễn ra trên biển và đại dương, nhất là từ khi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 ra đời, cùng sự tăng cường mạnh mẽ các hoạt động khai thác tiềm năng biển đã ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề mới và mâu thuẫn về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, về quyền lợi và lợi ích giữa các quốc gia. Nhu cầu về hợp tác cũng như đấu tranh trên biển giữa các nước ngày càng lớn. Do các vấn đề về biển có quan hệ trực tiếp đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống quốc gia trong mối quan hệ với các quốc gia khác của cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế, vai trò đấu tranh pháp lý và đặc biệt là “ngoại giao biển” cũng ngày càng tăng. Để tạo dư luận quốc tế ủng hộ ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia trên biển, thềm lục địa và các đảo, quần đảo, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được tiến hành thường xuyên, làm cho các cấp, các ngành, toàn dân và lực lượng vũ trang nhận thức sâu sắc về quan điểm, lập trường của Đảng và Nhà nước ta đối với các vấn đề liên quan đến Biển Đông, đến các quần đảo, hải đảo của ta. Đồng thời thông qua việc tuyên truyền, giới thiệu những tài liệu, tư liệu, chứng cớ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, thềm lục địa và các đảo, quần đảo của nước ta. Đấu tranh kịp thời, kiên quyết với những âm mưu và hành động của nước ngoài vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Tổ chức thông tin thường xuyên, kịp thời về tình hình, những tiến bộ và kết quả đạt được trong các cuộc đàm phán về biên giới, lãnh hải giữa nước ta với các nước có liên quan. Khi tuyên truyền những nội dung này, cần nắm vững quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết các bất đồng về biên giới lãnh thổ trên biển và về ranh giới thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế với các nước láng giềng là “thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế" và “Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản, lâu dài, cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, các bên có liên quan không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, cùng nhau tìm kiếm những hình thức hợp tác thích hợp để giải quyết các vấn đề về các vùng biển, đảo, thềm lục địa...”. Trên cơ sở nhận thức rõ những quan điểm của Đảng và Nhà nước, từng lực lượng hoạt động trên biển và toàn dân nâng cao trách nhiệm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển; quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
 
Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình
Chính ủy Quân chủng Hải quân
 

Ý kiến bạn đọc (0)