QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 00:53 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch

Chiến lược “Diễn biến hòa bình” (DBHB) gắn liền với những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch hiện nay đã có những biến thái về nội dung, liều lượng, phương pháp, đối tượng, với các hình thức ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt, từ khi hệ thống báo điện tử ra đời, mạng internet phát triển mạnh, thông tin trên mạng đã, đang trở thành “đối thủ” cạnh tranh của các loại hình báo chí khác. Tận dụng lợi thế của các loại hình báo chí không bị ngăn cách bởi không gian địa lý, các thế lực thù địch không ngừng tăng cường tính cập nhật, diện “phủ sóng” các thông tin chống phá; trong đó, đáng lưu ý là chúng triệt để tận dụng lợi thế của blog. Lợi dụng quyền dân chủ trong thông tin, khai thác sâu công nghệ truyền thông, các thế lực thù địch trong và ngoài nước cấu kết chặt chẽ, để tung ra những thông tin sai trái, xuyên tạc, bóp méo sự thật, vu khống, bôi nhọ, nói xấu chế độ, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; bôi nhọ, làm giảm uy tín cá nhân các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ta... Cùng với đó, chúng còn khai thác sâu vào mảng tuyên truyền miệng, loan truyền các tin thất thiệt về chính trị để kích động tụ tập, khiếu kiện; gây nhiễu về tình hình giá cả, chất lượng sản phẩm hòng gây cạnh tranh không lành mạnh, làm hoang mang tâm lý trong nhân dân...

Để phát tán các luận điệu sai trái, các thế lực thù địch đã phân loại đối tượng để có cách thâm nhập tương thích theo lứa tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tôn giáo... Chúng đặc biệt chú trọng khai thác những kẻ cơ hội, bất mãn, khủng hoảng niềm tin, kể cả những người đang chán nản vì gặp trắc trở trong cuộc sống. Một loạt các sự việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, chiến lược DBHB mà chúng đã tiến hành là phương thức "2 trong 1" khá nhuần nhuyễn: bị diễn biến và tự diễn biến. Ở bất kỳ môi trường nào, hoạt động chống phá của chúng cũng diễn ra rất có bài bản, hết sức tinh vi, xảo quyệt với các chiêu thức tưởng chừng vô hại mà vô cùng nham hiểm, gây tác hại không nhỏ trong đời sống xã hội. Thủ đoạn chúng tiến hành khá phổ biến là: xuất bản và truyền bá các văn hóa phẩm xấu, xuyên tạc giá trị đích thực của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; hỗ trợ đào tạo du học, mời tham quan du lịch, quà tặng, đầu tư vào các dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau; lợi dụng các tổ chức phi chính phủ (NGO) để thâm nhập sâu vào vùng các dân tộc thiểu số; sử dụng các vấn đề: tôn giáo, tín ngưỡng để phục vụ cho các mưu đồ của chúng... Điều đó chứng tỏ chúng không bao giờ từ bỏ dã tâm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tìm mọi cách chống phá công cuộc xây dựng CNXH của Việt Nam. Thế trận chống phá mà chúng bày đặt rất công phu, bài bản, tinh vi, xảo quyệt; nếu chúng ta không tỉnh táo, thì không dễ nhận rõ trắng, đen, hư, thực, dễ dẫn đến không có phương án đấu tranh, xử lý có hiệu quả.  

Đấu tranh chống các luận điệu thù địch, sai trái trên báo chí không phải là chủ đề mới, nhưng luôn mang tính thời sự, bởi đó là nhiệm vụ chính trị sống còn, thường xuyên của báo chí cách mạng. Chưa bao giờ báo chí nước ta có bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện như hiện nay. Cả nước hiện có hơn 700 cơ quan báo chí; có hệ thống phát thanh, truyền hình từ trung ương đến địa phương; có các báo điện tử ngày càng phát triển lớn mạnh trong mạng lưới thông tin toàn cầu với số lượng người truy cập ngày một tăng. Báo chí nước ta đã phát triển thành một hệ thống khá hoàn chỉnh, đủ sức đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng; công nghệ và kỹ thuật làm báo có bước phát triển vượt bậc, trình độ đạt ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; đội ngũ những người làm báo lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Với ưu thế ấy, hiển nhiên báo chí cách mạng, nếu thực hiện tốt trách nhiệm chính trị, tôn chỉ mục đích của mình, hội tụ đông đủ sức mạnh, sẽ tạo nên bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động thông tin, tuyên truyền; trong đó, nội dung đấu tranh trực tiếp, gián tiếp phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch sẽ góp phần quan trọng vào việc ổn định và phát triển đất nước.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy: nhìn tổng thể, các cơ quan báo chí đã có ý thức tham gia đấu tranh chống DBHB, chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Số lượng, chất lượng tin, bài về chủ đề này trên các loại hình báo chí tuy khác nhau trong mỗi thời điểm, nhưng đã phát huy tác dụng, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về bản chất các luận điệu, quan điểm sai trái; đồng thời, vạch rõ những hành động xấu, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc qua từng vụ việc cụ thể. Những luận điệu xuyên tạc chính quyền thu hồi đất của Giáo xứ Thái Hà (Đống Đa), 42 Nhà Chung, Hà Nội; Khu chứng tích chiến tranh Nhà thờ Tam Tòa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; tranh chấp giữa giáo phái tôn giáo Làng Mai và giáo phái Bát Nhã (Bảo Lộc, Lâm Đồng)... đều bị các báo phê phán, bác bỏ. Các báo có số lượng tin, bài tham gia nội dung này tương đối đều, như: báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Sài gòn Giải phóng, Hà Nội mới, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Tạp chí Công an Nhân dân, Tạp chí Tuyên giáo. Các Tạp chí: Cộng sản, Quốc phòng toàn dân, Công an Nhân dân, Tuyên giáo... trong số ra hằng tháng đều có các bài nghiên cứu, trao đổi công phu, lập luận chặt chẽ, có chiều sâu, sức thuyết phục cao nhằm đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Những nội dung ấy có tác động rộng rãi, tích cực đối với đông đảo bạn đọc, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang-lực lượng có vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN.

Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp. Nghĩ và mong muốn có các bài viết về đề tài này có chất lượng cao thì không khó; nhưng bắt tay thực hiện không dễ. Để có được những bài viết sắc sảo, sâu sắc, có sức hấp dẫn, thuyết phục bạn đọc, đòi hỏi người viết phải đầu tư tâm lực, trí lực cao; không chỉ có năng lực mà còn phải có tâm huyết, tư duy sâu về chính trị, có bản lĩnh nghề nghiệp. Điều này lý giải một phần vì sao thời gian qua, trên báo chí còn ít bài tranh luận, phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái sâu sắc. Trong đấu tranh tuyên truyền, có hai phương pháp tiếp cận đối tượng là gián tiếp và trực tiếp; ở trong một số hoàn cảnh cụ thể, việc lựa chọn phương pháp chính xác sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn, về lĩnh vực tôn giáo, báo chí đã tuyên truyền tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và những thành tựu đạt được về tự do tôn giáo, sống “tốt đời, đẹp đạo”; giúp cho các tôn giáo hiểu biết lẫn nhau, thấy được cái hay, cái tốt của nhau, trên cơ sở đó tôn trọng lẫn nhau; nếu có xung đột, va chạm thì với tinh thần khoan dung, đối thoại để giải quyết, góp phần ổn định xã hội. Đó cũng là gián tiếp góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái trên các lĩnh vực nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, việc đấu tranh trực diện, trực tiếp trên lĩnh vực này cũng còn hạn chế.

Thời gian qua, các báo đều có nội dung tuyên truyền, đấu tranh kiên quyết với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và đã có tác động tích cực đối với đông đảo bạn đọc. Song, số lượng và chất lượng các bài viết về chủ đề này còn khiêm tốn, thậm chí còn có những cơ quan báo chí ít quan tâm tuyên truyền về chủ đề này; tin, bài không đều, thường chỉ tập trung đấu tranh tuyên truyền khi các thế lực thù địch công khai tấn công, chống phá ta quyết liệt; thường thực hiện tốt việc tuyên truyền đấu tranh từng đợt; sự kết hợp giữa các cơ quan báo chí còn chưa thường xuyên. Đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái trên các sách, báo văn hóa, văn nghệ còn tản mát, chưa đạt chiều sâu, nhất là lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, lý luận; đôi khi chưa thật sự chủ động tấn công trên lĩnh vực quan trọng này. Việc quản lý internet, hoạt động của các blog, bloger còn gặp nhiều khăn, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh trên lĩnh vực này, thiết nghĩ các cơ quan thông tấn báo chí thời gian tới cần chú trọng thực hiện tốt những giải pháp sau:

Một là, cần tập trung xây dựng đội ngũ những người viết có tâm huyết, có trách nhiệm, có trình độ trên lĩnh vực đấu tranh chống các quan điểm thù địch, sai trái; trong đó, đặc biệt chú trọng đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử; có chế độ đãi ngộ xứng đáng; khai thác có hiệu quả hơn nữa sở trường của chuyên gia trên từng lĩnh vực, ngành; cung cấp hoặc kết nối thông tin, tư liệu, địa chỉ cung cấp tư liệu cho báo chí về các đề tài có liên quan đến cuộc đấu tranh này. Cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần làm tốt hơn nữa vai trò kết nối, hội tụ sức mạnh của các loại hình báo chí, tiếp tục xây dựng kế hoạch đấu tranh tuyên truyền tấn công và phản công lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; kết hợp chặt chẽ tuyên truyền báo chí với các hình thức khác, trong đó đặc biệt quan tâm đúng mức đến tuyên truyền miệng.

Hai là, các cơ quan báo chí, nhất là các báo chính trị-xã hội, các báo Trung ương cần đề cao trách nhiệm chính trị trong công tác tuyên truyền về chủ đề này. Theo đó, các báo cần chủ động xây dựng “kịch bản” của báo mình theo tôn chỉ mục đích, nội dung tuyên truyền, nhằm phát huy thế mạnh nội tại của từng đơn vị báo chí, loại hình báo chí; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách cùng những thành tựu trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước một cách thuyết phục để dân hiểu, dân tin. Phát huy tính chất chuyên sâu, chuyên ngành của báo chí: đối với khối báo chí văn hóa, văn nghệ, tập trung đấu tranh trên lĩnh vực văn học-nghệ thuật, xuất bản; đối với khối báo chí nội chính, chính trị-xã hội, tập trung đấu tranh về chủ quyền biển đảo, lãnh thổ quốc gia, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc...

Ba là, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh trực tiếp và đấu tranh gián tiếp, trực diện và vu hồi... nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của báo chí cách mạng đối với các luận điệu thù địch, sai trái. Nội dung tuyên truyền cần phải đa dạng, phong phú trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; qua đó, trực tiếp hoặc gián tiếp phủ định sự xuyên tạc của kẻ địch. Trước mỗi vụ việc cụ thể (đợt tấn công) của các thế lực thù địch, báo chí ta phản công trở lại, cũng cần sử dụng có thứ tự, quy mô, mức độ, liều lượng phù hợp trên các loại hình báo chí; có trường hợp chỉ cần đấu tranh trên báo địa phương; có việc tập trung đấu tranh trên báo mạng; lại có vấn đề chỉ cần đấu tranh trên báo mạng, báo đoàn thể chính trị-xã hội... Phương pháp đấu tranh cần linh hoạt, với tư tưởng nhất quán là: tích cực, chủ động, tỉnh táo, thiên biến vạn hóa, "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tránh tư tưởng nôn nóng, cực đoan, phiến diện.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các loại hình báo chí; triệt để khai thác thế mạnh của báo điện tử, báo nói, báo hình, để đấu tranh kịp thời, có hiệu quả. Đồng thời, cần quan tâm hiện đại hóa phương tiện tác nghiệp cho cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, như: trang bị cho tập thể và từng cá nhân máy tính có tốc độ truy cập nhanh, các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho sự chỉ đạo, quản lý trong xu thế báo chí hiện đại phát triển nhanh.

Năm là, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo trong nội dung tuyên truyền, phản ánh đầy đủ, kịp thời hiện thực sinh động đang diễn ra trên đất nước ta; tập trung tuyên truyền những yếu tố tích cực để từng bước khắc phục các hiện tượng tiêu cực, những việc làm sai... trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; cân nhắc kỹ khi thông tin những vụ việc tiêu cực xã hội; tránh những sơ hở trong tuyên truyền để kẻ xấu lợi dụng chống phá.

VĂN HÙNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)