QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 22:56 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động của công an và quân đội trên các địa bàn chiến lược

Xây dựng các tỉnh (thành phố) thành những khu vực phòng thủ vững chắc trong thế trận quốc phòng - an ninh (QP-AN) chung của cả nước là một chủ trương chiến lược, xuất phát từ yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện chỉ thị 56 / CT, ngày 11/3/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố trên các địa bàn chiến lược, đã tập trung nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường củng cố nền quốc phòng toàn dân (QPTD); xây dựng lực lượng, thế trận an ninh nhân dân (ANND) gắn với xây dựng lực lượng, thế trận QPTD, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tạo dựng môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Kết quả đạt được có ý nghĩa vô cùng to lớn; đó là nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng và nhân dân các địa phương; trong đó, sự phối, kết hợp hoạt động chặt chẽ giữa công an và quân đội có vai trò hết sức quan trọng.

Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã tổ chức tốt các hoạt động phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực QP-AN, ban hành các văn bản hướng dẫn việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách quân sự, QP-AN, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị của hai Bộ thường xuyên duy trì chế độ trao đổi thông tin; phối hợp xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh các phương án hiệp đồng, nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trên toàn tuyến biên giới đất liền, biển, đảo..., nhất là tại các cửa khẩu biên giới, lực lượng công an, quân đội, bộ đội Biên phòng tăng cường phối hợp trong quản lý xuất, nhập cảnh, kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm quy chế biên giới, hiệp định quản lý biên giới, kịp thời đập tan nhiều âm mưu, hành động thâm nhập, chống phá chế độ; vô hiệu hóa nhiều hoạt động của những kẻ đội lốt tôn giáo hòng gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; triệt phá nhiều tổ chức, nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm. Bên cạnh đó, công an và quân đội cũng phối hợp thực hiện tốt công tác đối ngoại theo chức năng, nhiệm vụ, đúng với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; tham mưu, đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống đột xuất xẩy ra, góp phần tăng cường, củng cố quan hệ quốc tế, nhất là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực; giữ vững an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Lực lượng công an và quân đội đã phối hợp chặt chẽ, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền QPTD, nền ANND, xây dựng lực lượng và thế trận QPTD gắn với xây dựng lực lượng và thế trận ANND và biên phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là ở các xã (bản) vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tuyến biên giới. Đến nay, 100% xã, phường trong cả nước đã xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ an ninh, trật tự giữa lực lượng công an xã, phường, thị trấn với lực lượng dân quân, tự vệ và trên cơ sở quy chế, đã tổ chức triển khai các họat động phối hợp với nhiều hình thức và nội dung phong phú, như tổ chức tuần tra, canh phòng, tăng cường các biện pháp quản lý hộ tịch, hộ khẩu, nắm vững địa bàn, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn của địa phương. Trong công tác dân vân, công an và quân đội đã phối hợp  giúp đỡ địa phương củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, năng lực quản lý của  chính quyền các cấp; bồi dưỡng, tuyên truyền cho các đối tượng là già làng, trưởng bản, tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về pháp luật, về nhiệm vụ QP-AN, từ đó giúp họ hiểu và tự giác thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và gìn giữ cuộc sống yên vui của quê hương, đất nước. Thành lập các tổ, đội công tác xung kích đến giúp đỡ bà con ở những xã (bản) vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, tổ chức mở trường, lớp dạy học; chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân; hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, định canh, định cư, phát triển cây công nghiệp, nông nghiệp; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, loại trừ các hủ tục, mê tín dị đoan; cùng chính quyền và nhân dân địa phương phòng chống bão lụt và các thảm họa thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn; thực hiện xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thầnh cho đồng bào địa phương... Đã có rất nhiều tập thể đơn vị, cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội không quản ngại gian khổ, hy sinh bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, được Đảng, Chính phủ ghi nhận và phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Họ là những tấm gương sáng tô thắm thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống “đoàn kết, trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc” của các lực lượng vũ trang nhân dân. Những việc làm cụ thể, thiết thực đó đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố “thế trận lòng dân”, giúp đồng bào hiểu rõ và thêm yêu mến quê hương, đất nước, gắn bó với chế độ, với Đảng và chính quyền ở cơ sở; tô thăm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, “Công an nhân dân”;vô hiệu hóa những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương...
Thời gian tới là những năm bản lề của công cuộc đổi mới đất nước ta. Hòa bình, hợp tác, phát triển; toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn sẽ là xu thế chủ yếu chi phối tình hình và các mối quan hệ quốc tế. Nhưng, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, tình trạng tranh chấp tài nguyên thiên nhiên, chủ nghĩa khủng bố, can thiệp từ bên ngoài..., vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới. Đối với nước ta, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá quan điểm, đường lối của Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước và nhân dân, chia rẽ công an và quân đội, vô hiệu hóa lực lượng vũ trang - lực lượng chính trị nòng cốt bảo vệ Đảng, chế độ, nhân dân. Mặt khác, yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước đòi hỏi chúng ta phải tăng cường mở rộng hợp tác với các nước và tích cực, chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đây cũng là điều kiện để các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều hình thức, thủ đoạn mới tinh vi, nguy hiểm hơn. Tình hình đó đặt ra cho nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc những yêu cầu mới nặng nề hơn. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ, phải tập trung xây dựng nền QPTD và ANND vững mạnh toàn diện, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, văn hóa, tư tưởng và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị của đất nước; ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng, trong đó công an và quân đội là hai lực lượng nòng cốt. Yêu cầu cấp bách đặt ra đối với công an và quân đội là phải được tập trung xây dựng vững mạnh về mọi mặt, mà trước hết là vững mạnh về chính trị, thường xuyên đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc trọng trách nặng nề bảo vệ Tổ quốc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Để làm tốt điều đó, hai Bộ cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ QP-AN, nhất là nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về “chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Quyết định số 107/2003/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”. Phối hợp chặt chẽ, tăng cường chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách  QP-AN; tiếp tục phối hợp trong công tác tổng kết; từ thực tiễn đúc kết về mặt lý luận chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia thời kỳ mới; nghiên cứu, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa QP-AN với các ngành khác, giữa công an và quân đội với các lực lượng khác, tạo sự chuyển biến tích cực trong các hoạt động phối hợp.
Nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động giữa hai lực lượng công an và quân đội cần phối hợp giải quyết tốt một số vấn đề sau: Một là, tiếp tục phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của công an và quân đội, nhất là trách nhiệm của các lực lượng trong giải quyết các tình huống bất thường, đột xuất xẩy ra. Thứ hai, phải xác rõ chủ thể trong việc tổ chức phối hợp họat động giữa hai lực lượng. Thứ ba, cả hai lực lượng phải luôn luôn chủ động phối hợp họat động nhằm tạo ra sức mạnh to lớn hơn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thực tế cho thấy, thể chế hóa bằng luật pháp việc phân chia phạm vi quyền hạn, trách nhiệm càng cụ thể, rõ ràng thì chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các lực lượng càng được nâng lên. Phối hợp thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách QP-AN; thống nhất nội dung hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm túc chế độ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ QP-AN của các bộ, ngành, địa phương, nhất là tại các địa bàn chiến lược. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cần nắm vững mục tiêu có tính nguyên tắc là sự phối hợp giữa công an và quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của chính quyền địa phương và sự chỉ đạo của cấp trên trực tiếp của mỗi lực lượng. Phải củng cố đoàn kết, thống nhất, vừa tôn trọng đặc thù và tính chất riêng của từng ngành vừa hỗ trợ, bổ sung cho nhau cùng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao và góp phần nhân lên gấp bội sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Quán triệt quan điểm QP-AN, bảo vệ Tổ quốc của Đảng trong tình hình mới là tích cực, chủ động ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội là lợi ích dân tộc cao nhất. Kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường củng cố QP-AN và tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại trên tinh thần độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”, vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển. Quân đội và công an cần được tập trung xây dựng vững mạnh toàn diện, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền QPTD, nền ANND, xây dựng lực lượng và thế trận QPTD gắn với xây dựng lực lượng và thế trận ANND, xây dựng “thế trận lòng dân”; tích cực vận động toàn dân tham gia giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại, gây rối, bạo loạn, khủng bố của các thế lực thù địch. Đặc biệt, ở các địa bàn biên giới, cần tích cực triển khai thực hiện tốt “quy chế phối hợp giữa các lực lượng trên khu vực biên giới”, tăng cường phối hợp trong xây dựng, quản lý biên giới gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phù hợp với đặc điểm và tình hình của từng địa phương; phối hợp công tác đối ngoại QP và AN với các mặt công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân; dự kiến và triển khai luyện tập thuần thục các phương án phối hợp để có thể xử lý kịp thời, hiệu quả khi các tình huống xẩy ra, nhất là tại các khu vực, địa bàn nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ, góp phần củng cố quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền  của đất nước, xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hợp tác, phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp quản lý nhà nước đối với vũ khí, trang bị quân sự; bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự; bồi dưỡng kiến thức QP-AN, nhất là cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp trong nghiên cứu cơ bản, nhằm tạo sự thống nhất trong đánh giá tình hình, trong xác định thời cơ, thách thức, nguy cơ, đối tượng, đối tác, xu hướng vận động của các mối quan hệ quốc tế..., làm cơ sở cho công tác tham mưu chiến lược và triển khai thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu phát triển khoa học-nghệ thuật quân sự và công an, khoa học-kỹ thuật quân sự và công an, phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, nhất là cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, tinh thần trách nhiệm cao, năng lực và nghiệp vụ chuyên môn giỏi, có kiến thức kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ QP-AN thời kỳ mới.
    
Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Phùng Hồng
Tổng  Biên tập Tạp chí Công an nhân dân, Bộ Công an
 

Ý kiến bạn đọc (0)