QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:20 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng ở Binh đoàn 15 hiện nay

Tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, ổn định quốc phòng-an ninh (QP-AN) trên địa bàn công tác là vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, truyền thống của quân đội ta. Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng (KT-QP) như Binh đoàn 15, đây là một nội dung chủ yếu thuộc về nhiệm vụ chính trị. Làm gì và làm như thế nào để thực hiện tốt công tác xây dựng địa bàn trong sự tác động đa dạng, phức tạp của tình hình trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay, là vấn đề đang được lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Binh đoàn 15 hết sức quan tâm.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ KT-QP của Binh đoàn 15 trên địa bàn Tây Nguyên hơn 20 năm qua đã tạo ra những điều kiện thuận lợi quan trọng đối với yêu cầu tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng địa bàn hiện nay. Đó là: các nền nếp, thiết chế đảm bảo cho sự phối hợp hoạt động giữa Binh đoàn với các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên được củng cố; kinh nghiệm công tác và sự hiểu biết về phong tục, tập quán, nhu cầu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn của cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn được nâng lên; gắn liền với phát triển kinh tế, điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác tham gia xây dựng địa bàn được tăng cường... Một thuận lợi rất cơ bản, mang tính chất bao trùm là những chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay của Đảng và Chính phủ.
Đan xen với thuận lợi là những khó khăn, phức tạp do đặc điểm tiềm tàng của một địa bàn miền núi, dân tộc, biên giới cùng những khó khăn, phức tạp mới nảy sinh, trong đó đáng quan tâm nhất là sự tăng cường hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Sau các vụ gây rối, bạo loạn vào đầu năm 2001 và 2004, gần đây sự chống phá này tập trung vào tăng cường các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Đảng, chính quyền, chia rẽ đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, chia rẽ giữa quần chúng với cán bộ, với quân đội; nhất là kích động, lôi kéo người vượt biên trái phép gây ra sự mất ổn định về an ninh chính trị trên địa bàn. Cùng với các tác động chung đó, Binh đoàn còn phải giải quyết những vụ việc gây cản trở sản xuất, nhất là việc lấy trộm mủ cao su do một số ít đồng bào địa phương bị kẻ xấu xúi giục.
Việc tham gia xây dựng địa bàn của Binh đoàn 15 tập trung vào một số nội dung chủ yếu: thông qua thực hiện các dự án KT-QP, tổ chức các khu dân cư mới trên những vùng hoang hóa nhưng có giá trị quan trọng về QP-AN; thu hút đồng bào các dân tộc trên địa bàn tham gia vào làm việc trong các dự án KT-QP; tham gia cải tạo, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn sản xuất; hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào địa phương phát triển kinh tế vườn, hộ gia đình, thực hiện xóa đói, giảm nghèo; tiến hành công tác dân vận thông qua hoạt động sản xuất kinh tế là chủ yếu để tuyên truyền vận động nhân dân hiểu biết và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, không nghe và làm theo những luận điệu xuyên tạc, lừa phỉnh, kích động của kẻ xấu... Thực tế làm nhiệm vụ KT-QP trong nhiều năm qua của Binh đoàn cho thấy: địa bàn vững mạnh sẽ có tác động tích cực, trực tiếp tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ KT-QP và ngược lại. Nhận thức sâu sắc điều đó, trước sự phát triển của tình hình, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã nghiêm túc đánh giá tình hình địa bàn và công tác tham gia xây dựng địa bàn của các đơn vị trong Binh đoàn, từ đó xác định những chủ trương và giải pháp cơ bản để tăng cường và nâng cao công tác xây dựng địa bàn. Phương hướng chủ yếu của Binh đoàn là: tiếp tục tăng cường những chủ trương, giải pháp xây dựng địa bàn đã và đang phát huy tác dụng tích cực; kịp thời xác định những chủ trương, giải pháp mới để khắc phục sự hạn chế, yếu kém và giải quyết những khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh; đồng thời chú trọng xây dựng Binh đoàn vững mạnh toàn diện để tạo cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị nói chung, nhiệm vụ tham gia xây dựng địa bàn nói riêng.
Các chủ trương "Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn, làng"; "vườn cây đến đâu, khu dân cư tới đó" mà Binh đoàn xây dựng và thực hiện có hiệu quả tốt trong nhiều năm qua đã được tiếp tục duy trì, song có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế tình hình hiện nay. Binh đoàn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các công ty, đơn vị đánh giá hiệu quả thực tiễn của 7 trung tâm dân cư với 120 điểm dân cư trên địa bàn các dự án KT-QP để có sự chỉ đạo, đầu tư sao cho các khu dân cư này thật sự là những điểm sáng về văn hóa-xã hội, là nòng cốt trong các hoạt động chính trị, kinh tế, QP-AN trên địa bàn. Việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng, các đơn vị bạn trên địa bàn để trao đổi tình hình, tổ chức các hoạt động QP-AN, chính trị, văn hóa-xã hội, nhằm giữ gìn trật tự an ninh, xã hội trên địa bàn, tổ chức các hoạt động chính trị như các kỳ đại hội Đảng, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; khám, chữa bệnh, phát thuốc cho đồng bào địa phương; phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khắc phục tình trạng thiếu đói trong một số địa phương đồng bào dân tộc thiểu số... đã được xây dựng thành quy chế, hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có sự phối hợp giữa các lực lượng nên đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Trong những năm qua, Binh đoàn đã tham gia tích cực vào các chương trình của Nhà nước và địa phương về việc điều chỉnh lao động, tạo việc làm, bố trí lại địa bàn dân cư. Binh đoàn đã tạo việc làm ổn định cho gần 9000 hộ gia đình với hơn 1,5 vạn lao động và trên 5 vạn người trong vùng dự án, trong đó có hơn 4000 hộ với hơn 8000 lao động là người dân tộc địa phương vào làm tại các khu KT-QP. Cùng với việc lập ra các trung tâm dân cư dọc theo vành đai biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia chạy qua các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, hệ thống cơ sở hạ tầng: đường giao thông, trường học, trạm y tế, các hồ đập chứa nước, các trạm thủy điện... đã được xây dựng và cải tạo gắn liền với các dự án KT-QP của Binh đoàn. Thế trận cũng như tiềm lực QP-AN trên các địa bàn hiểm yếu của Tây Nguyên qua đó đã được củng cố ngày thêm vững chắc.
Trong việc thực hiện công tác xây dựng địa bàn, bên cạnh mặt đã làm được là chủ yếu vẫn còn những hạn chế, bất cập, nhất là phải đương đầu với những khó khăn mới phát sinh. Lãnh đạo và chỉ huy Binh đoàn đã đánh giá, dự kiến đúng những khó khăn, phức tạp; xác định những nội dung và giải pháp phù hợp để chủ động ngăn ngừa những tác động xấu của tình hình, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ KT-QP và công tác xây dựng địa bàn. Những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ KT-QP và xây dựng địa bàn của Binh đoàn hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân: khách quan và chủ quan. Để khắc phục tình trạng đó, phải giải quyết tích cực, đồng bộ nhiều yếu tố. Ví như yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tổ chức đồng bào các dân tộc trên địa bàn vào làm việc trong các dự án KT-QP và cải thiện thu nhập của người lao động liên quan tới nhiều vấn đề: giải phóng quỹ đất cho dự án, hướng dẫn bồi dưỡng đào tạo kỹ thuật theo quy trình chăm sóc, thu hoạch cây công nghiệp cho người lao động; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thay đổi tập quán lao động không phù hợp với yêu cầu quy trình kỹ thuật... Trên thực tế, hầu hết các dự án KT-QP được thực hiện trên các địa bàn hết sức khó khăn. Yêu cầu các yếu tố đảm bảo để tổ chức thực hiện các dự án cần phải có hệ thống chính sách đồng bộ, đặc biệt là chính sách về vốn và phải tính hết tính chất đặc thù của nhiệm vụ.
Đứng trước những phức tạp, khó khăn mới nảy sinh, Binh đoàn chủ trương tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp của Binh đoàn với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể địa phương và các lực lượng vũ trang trên địa bàn để thường xuyên nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng lấy trộm, mua bán nguyên liệu, vật tư sản xuất; các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, tổ chức vượt biên trái phép... Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, người lao động có nhận thức và bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng và năng lực, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là giải pháp vừa cơ bản, vừa thiết thực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-QP và xây dựng địa bàn của Binh đoàn hiện nay. Yêu cầu trên được Binh đoàn tăng cường gắn với những đòi hỏi mới từ thực tế tình hình, nhiệm vụ. Cùng với các nội dung giáo dục chính trị theo quy định đối với từng đối tượng, Binh đoàn đã chú trọng những nội dung về pháp luật, về chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng, tổ chức bồi dưỡng các nội dung phục vụ thiết thực cho hoạt động dân vận trên địa bàn cả về chủ trương, chính sách, đường lối và phương pháp, tác phong, kỷ luật dân vận. Kịp thời có những biện pháp ngăn ngừa, khắc phục và xử lý những biểu hiện vi phạm phẩm chất, kỷ luật quân đội nói chung, kỷ luật dân vận nói riêng. Sâu sát gắn bó với địa bàn, đồng cam, cộng khổ, chia ngọt xẻ bùi với đồng bào các dân tộc, thực hiện miệng nói, tay làm, "nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm để dân tin" là truyền thống tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" đồng thời cũng là yêu cầu phải phấn đấu học tập, làm theo đối với mọi thành viên của Binh đoàn 15 đang làm nhiệm vụ KT-QP trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay.
 
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang
Tư lệnh Binh đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)