QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:33 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả công tác tiêu chuẩn, đo lường, bảo đảm chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật của quân đội

Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (TC-ĐL-CL), Tổng cục Kỹ thuật - cơ quan đầu ngành về tiêu chuẩn hóa, đo lường - kiểm nghiệm, quản lý chất lượng  và bảo đảm kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) của quân đội được thành lập ngày 3-7-1971. Trải qua 35 năm xây dựng, Cục đã từng bước trưởng thành, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng Quân đội qua các giai đoạn cách mạng. Đến nay, Ngành đã có sự phát triển toàn diện cả về tổ chức và cơ sở kỹ thuật. Ngành đã xây dựng được hơn 80 phòng thí nghiệm và cơ sở ĐL, CL phù hợp với chuẩn mực tiên tiến của Nhà nước và thế giới. Ngành cũng đã duy trì tốt hệ số kỹ thuật, giữ gìn, khai thác tốt trang bị, đặc biệt đối với số chuẩn khởi đầu, góp phần duy trì tốt khả năng truyền chuẩn từ cấp cao nhất của Bộ xuống các đơn vị. Tham gia và trực tiếp xây dựng, hoàn thiện tương đối hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về TC, ĐL, CL như Pháp lệnh Đo lường, Pháp lệnh Tiêu chuẩn hóa, Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa…, Điều lệ Công tác kỹ thuật QĐNDVN, Điều lệ Công tác TC-ĐL-CL, điều lệ công tác kỹ thuật các chuyên ngành kỹ thuật… Nay các pháp lệnh này đã được Quốc hội thông qua thành luật: Luật Đo lường, Luật Chất lượng hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn hóa. Biên soạn, ban hành và áp dụng một loạt tiêu chuẩn quân sự; qui trình công nghệ sản xuất, sửa chữa; các qui trình, qui phạm an toàn; các văn bản kiểm soát chất lượng, giám định chất lượng, giám sát kỹ thuật... Tham mưu cho các đơn vị nhiều biện pháp, giải pháp hiệu quả bảo đảm chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), sản phẩm quốc phòng.

Năm 2001, được giao thêm nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật CNTT, Ngành đã nhanh chóng xây dựng và củng cố các cơ sở bảo đảm kỹ thuật CNTT cấp 1, gần 40 cơ sở cấp 2, 3 tại các đơn vị. Hệ thống cơ quan quản lý, cơ sở bảo đảm kỹ thuật trang bị CNTT ở các đầu mối đơn vị trong toàn quân đã được hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả. Với sự cố gắng vượt bậc, Ngành đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và đồng bộ VKTBKT của quân đội. Hầu hết các loại VKTBKT quan trọng đang sử dụng trong quân đội đã có tiêu chuẩn. Đa số các chủng loại VKTBKT, sản phẩm quốc phòng trong toàn quân thường xuyên được kiểm tra, phúc tra, đánh giá chất lượng. Công tác TC-ĐL-CL trở thành công cụ hữu hiệu quản lý chất lượng VKTBKT, sản phẩm quốc phòng, góp phần đưa công tác kỹ thuật, sản xuất quốc phòng tiếp cận nhanh với sự tiến bộ của khoa học-công nghệ tiên tiến, xu thế hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện trong mọi tình huống, xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Ngày nay, vị trí, vai trò và tác dụng của công tác TC-ĐL-CL ngày càng to lớn đối với mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, TC, ĐL vừa là phương tiện quản lý, vừa là công cụ quản lý CL; một trong những tiêu chuẩn quan trọng đánh giá trình độ khoa học-công nghệ của một quốc gia, trình độ VKTBKT quân đội. Chúng duy trì những chuẩn mực trong quan hệ kinh tế, thương mại, thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và trở thành nhân tố quan trọng để ổn định xã hội (công bằng trong thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh mọi hàng giả, độc hại và bảo vệ môi trường...). Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, công tác TC, ĐL góp phần nâng cao trình độ khoa học-công nghệ; chuẩn hóa công tác kỹ thuật, quản lý chất lượng các sản phẩm quốc phòng phù hợp với sự phát triển, hiện đại hóa quân đội thời kỳ mới.
Nhiều năm qua, Chính phủ đã rất quan tâm đến công tác TC-ĐL-CL. Riêng ở lĩnh vực tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật, hơn 40 năm qua chúng ta đã xây dựng được khoảng 8000 tiêu chuẩn Nhà nước, 3000 tiêu chuẩn cấp ngành, hàng chục nghìn tiêu chuẩn cơ sở. Các tiêu chuẩn đó theo từng giai đoạn phát triển đã không ngừng chỉnh sửa, hoàn thiện sát với yêu cầu thực tế. Gần đây, Quốc hội đã bàn đến Luật Tiêu chuẩn hóa và qui chuẩn kỹ thuật, đây là một bước tiến mới trong lĩnh vực TC-ĐL-CL. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng quan tâm củng cố, từng bước hiện đại hóa và xây dựng mới nhiều cơ sở đo lường, phòng thí nghiệm các cấp. Có gần 20 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia là các phòng thí nghiệm đầu ngành thuộc các lĩnh vực quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, công tác tiêu chuẩn hóa ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở đo lường, phòng thí nghiệm chưa thật hiện đại, tiên tiến để bắt kịp với yêu cầu đổi mới, với tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Nhiều tiêu chuẩn, qui chuẩn đã ban hành nay đã lạc hậu, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với cơ chế thị trường và thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, chưa tương thích, hài hòa với các qui định, với hệ thống tiêu chuẩn của các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Trong 8000 tiêu chuẩn Nhà nước, chúng ta đã rà soát, phải bãi bỏ 2400 tiêu chuẩn (khoảng 30%)...
Đối với quân đội, dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác TC-ĐL-CL cũng nằm trong tình trạng chung đó của đất nước. Đặc biệt, đặc điểm hình thành VKTBKT của quân đội đã tác động phức tạp đến công tác TC, ĐL, kiểm chuẩn và quản lý chất lượng. VKTBKT của quân đội ta hết sức đa dạng và phức tạp, đã trải qua nhiều năm chiến tranh và hơn 30 năm hòa bình nên công nghệ lạc hậu, đã và đang xuống cấp. Trong khi đó, việc kiểm định, bảo đảm chất lượng của VKTBKT chỉ theo một số chỉ tiêu quan trọng, cơ bản. Tổ chức và lực lượng TC, ĐL, CL của quân đội ta đang yếu, chỉ có một số ít các phòng thí nghiệm, các cơ sở kiểm định có thể đảm đương được các nhiệm vụ phức tạp, trình độ công nghệ cao. Có những lĩnh vực chưa được quản lý thống nhất (ví như công tác đăng kiểm ở các đơn vị kỹ thuật) nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng trang bị của Quân đội. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, để VKTBKT luôn đủ điều kiện sử dụng, bảo đảm chất lượng phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện, công tác (nhất là sắp tới, VKTBKT của quân đội ngày một tăng lên về số lượng, đa dạng về chủng loại, hiện đại, tiên tiến về trình độ công nghệ) thì công tác TC, ĐL, thử nghiệm và quản lý chất lượng trở nên rất cần thiết, phải được quan tâm hơn nữa, phải được tổ chức lại cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, với tổ chức lực lượng của Quân đội thời kỳ mới.
Trước hết, Ngành cần tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn  hệ thống tổ chức phù hợp với sự phát triển của Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. VKTBKT càng phát triển thì hệ thống và mạng lưới TC, ĐL càng phải được quan tâm xây dựng và phát triển. Hệ thống này bao gồm các cơ sở ĐL-CL, các phòng thí nghiệm đo lường, các phòng thử nghiệm, giám định chất lượng trong toàn quân.
Với mục tiêu nâng cao năng lực kiểm soát, kiểm tra, đánh giá, chứng nhận chất lượng và thông tin về chất lượng của VKTBKT, vật tư kỹ thuật, sản phẩm quốc phòng, Ngành tiếp tục đề xuất với cấp trên hệ thống tổ chức, biên chế ngành TC-ĐL-CL toàn quân phù hợp với hệ thống tổ chức, VKTBKT của quân đội hiện nay. Huy động mọi nguồn lực tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống các cơ sở đo lường, thử nghiệm chất lượng ở các ngành, các cấp đồng bộ cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và qui trình công nghệ nhằm nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật, thực hiện nhiệm vụ theo phân công, phân cấp; nâng cao nâng lực kiểm định, sửa chữa, thử nghiệm, giám định chất lượng cho VKTBKT, vật tư kỹ thuật ở các trạng thái. Duy trì độ tin cậy của các phương tiện đo lường, thí nghiệm. Phát triển các thiết bị chuẩn mẫu theo kịp với sự đổi mới trang bị của quân đội. Tập trung ưu tiên bảo đảm phương tiện đo cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị đủ quân...   
Tiếp tục đề xuất với cấp trên để đầu tư nâng cao khả năng làm chủ, kiểm định, sửa chữa các loại phương tiện đo thế hệ mới, phương tiện đo có cấp chính xác cao có sử dụng kỹ thuật số, kỹ thuật vi xử lý. Xây dựng các tổ chức chứng nhận, giám định, các cơ sở ĐL, các phòng thí nghiệm chuẩn hóa theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động quản lý công tác TC-ĐL-CL trên cơ sở phân công phạm vi rõ ràng, cụ thể, vai trò, trách nhiệm quản lý đối với từng bộ phận; xác định rõ đối tượng quản lý, lĩnh vực quản lý; qui định cụ thể các công đoạn quản lý và các thủ tục quản lý, hoạt động điều hòa, phối hợp giữa các bộ phận và cơ quan quản lý... Đề xuất với cấp trên phương án quản lý hoạt động đăng kiểm trong quân đội.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác TC-ĐL-CL rất thiếu và chưa đồng bộ. Công tác đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật Ngành lại có nhiều khó khăn. Vừa qua, Ngành đã chủ động chuyển loại kỹ sư sang làm công tác TC-ĐL-CL; tổ chức đào tạo được hơn 200 nhân viên sơ cấp, trung cấp ĐL, đào tạo chuyển loại cho gần 200 cán bộ chuyên môn. Để kịp thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Ngành, đồng thời với việc củng cố, kiện toàn, nâng cấp trung tâm, cơ sở đào tạo đội ngũ nhân viên trung cấp, sắp tới Ngành sẽ tiếp tục duy trì và đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn số cán bộ, nhân viên kỹ thuật hiện có ở các cơ sở ĐL, kiểm định CL các cấp. Đề nghị cấp trên cho đào tạo chuyển loại và đào tạo kỹ sư ĐL hệ chính qui. Tiếp tục gửi cán bộ đi đào tạo sau đại học để xây dựng đội ngũ cán bộ đầu ngành có trình độ khoa học chuyên sâu và khả năng tiếp cận khoa học-công nghệ tiên tiến, phù hợp với chương trình cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT của quân đội.
Bên cạnh đó, Ngành cần đẩy nhanh việc biên soạn, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn quân sự, các qui trình, qui phạm, các văn bản kiểm soát, giám định chất lượng, giám sát kỹ thuật... trong các lĩnh vực hoạt động của quân đội. Việc này không chỉ theo mục tiêu định khung để tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động sản xuất, sửa chữa, khai thác VKTBKT, chấp nhận lẫn nhau các sản phẩm quốc phòng, VKTBKT sau kiểm tra, đánh giá, chứng nhận chất lượng, ngăn ngừa hàng kém chất lượng mà còn góp phần tích cực trong việc định hướng, phát triển công nghệ, không ngừng nâng cao trình độ công nghệ, chất lượng VKTBKT trong tương lai theo kịp với yêu cầu chiến tranh công nghệ cao.
Ngành cần nghiên cứu, tiếp tục xây dựng và trình ban hành một số qui chế, qui định về quản lý công tác TC-ĐL-CL trong quân đội theo yêu cầu mới. Đồng thời, tổ chức soát xét các tiêu chuẩn đã ban hành phù hợp với tiến bộ khoa học-công nghệ, thực tế khai thác trong toàn quân. Tổ chức và chỉ đạo các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật theo phân cấp cho các loại VKTBKT sau sản xuất, sửa chữa. Triển khai phổ biến, áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn đã ban hành nhằm phổ cập rộng rãi việc áp dụng tiêu chuẩn trong quân đội. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức nghiêm túc công tác kiểm tra, phúc tra, giám định chất lượng ở tất cả các cấp đối với VKTBKT, vật tư kỹ thuật, sản phẩm quốc phòng nhập ngoại.      
Việc lựa chọn, áp dụng các tiêu chuẩn về phương pháp thử, phương pháp nghiệm thu cần cố gắng tiếp cận theo các phương pháp mà quốc tế đã chấp nhận. Từ đó, vận dụng một cách sáng tạo, gắn sát với điều kiện và tình trạng VKTBKT hiện có của quân đội. Làm như vậy, chúng ta sẽ tiếp thu và tận dụng được những tiêu chuẩn tiên tiến, cơ sở vật chất có sẵn của thế giới, thực hiện có hiệu quả việc “đi tắt, đón đầu”, vừa không tạo ra rào cản kỹ thuật khi chuyển giao, tiếp thu công nghệ mới, vừa góp phần định hướng cho sự lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn mới phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, quân đội, với yêu cầu chiến thuật, kỹ thuật, khai thác của quân đội hiện nay và trong tương lai.
Kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống (3-7-1971 – 3-7-2006), phát huy những thành quả đã đạt được, ngành TC-ĐL-CL sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, đề cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tập trung sức lực, trí tuệ xây dựng Ngành phát triển bền vững đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TC, CL của VKTBKT, với sự phát triển không ngừng của quân đội.
 
Đại tá Nguyễn Văn Tách
Cục trưởng cục TC-ĐL-CL
 

Ý kiến bạn đọc (0)