QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 23:38 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương quân đội

Thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ (TB,LS), chính sách hậu phương quân đội (HPQĐ) là truyền thống, đạo lý của dân tộc ta; đồng thời là một yêu cầu quan trọng của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ quân đội đã vĩnh viễn ngã xuống hoặc cống hiến một phần xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cùng với đó, gia đình của họ cũng phải chịu biết bao hy sinh, mất mát do chiến tranh gây ra. Vì vậy, thực hiện tốt công tác TB,LS, chính sách HPQĐ là trách nhiệm chính trị, là truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta nói chung, của quân đội ta nói riêng; góp phần giữ vững và từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ quân đội, người có công và HPQĐ; tạo động lực quan trọng để xây dựng quân đội trong tình hình mới, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN), bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hiện nay, chiến tranh đã lùi xa, đất nước hoà bình, thống nhất, đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, với những thời cơ, thuận lợi to lớn, song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân đã được nâng lên; QP-AN được tăng cường... Tuy nhiên, hậu quả của chiến tranh đối với đất nước, với nhân dân và dân tộc ta nói chung, với các đối tượng đã và đang cống hiến, phục vụ quân đội, gia đình quân nhân nói riêng, còn rất nặng nề. Các tồn đọng về chính sách cần phải giải quyết sau chiến tranh rất lớn, tính chất đa dạng và ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải được nghiên cứu cụ thể, tỷ mỉ, có những chủ trương, giải pháp thực hiện khoa học, phù hợp với đạo lý của dân tộc ta.

Với tinh thần đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là của Đảng uỷ quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, ngành Chính sách Quân đội đã tích cực, chủ động  bám sát thực tiễn phát triển KT-XH của đất nước, tình hình, nhiệm vụ của quân đội, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng các cấp trong và ngoài quân đội chủ trì nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành kịp thời, triển khai thực hiện có hiệu quả số lượng lớn các văn bản chế độ, chính sách về công tác TB,LS , ưu đãi người có công với cách mạng và công tác chính sách HPQĐ. Trong 3 năm gần đây (2006-2009), bên cạnh việc chủ trì tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách về TB,LS, người có công, HPQĐ đã được ban hành, ngành Chính sách Quân đội còn tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành kịp thời 43 văn bản chủ trương và văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với quân đội và HPQĐ. Các chủ trương của Đảng, như: Chính sách cho các đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; Chính sách đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có dưới 20 năm công tác đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; các nghị định, quyết định của Chính phủ, như: Về chế độ hưu trí đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có 20 năm phục vụ quân đội trở lên đã phục viên, xuất ngũ; Về chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ, sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần, sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng; Chính sách với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; Chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào; Chế độ, chính sách với cán bộ và các hộ dân làm việc, sinh sống tại các xã, thị trấn thuộc Trường Sa; Chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số đối tượng trong quân đội; các chính sách tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội; các chính sách phục vụ yêu cầu phát triển nhiệm vụ; chính sách giảm biên chế của quân đội;... đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, góp phần củng cố, tăng cường động lực chính trị-tinh thần cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Với trách nhiệm chính trị, nghĩa tình đồng chí, đồng đội sâu đậm, cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên và đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong quân đội đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tổ chức kịp thời, có hiệu quả cao các chế độ, chính sách TB,LS, chính sách HPQĐ. Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến tháng 5 năm 2010, công tác chính sách quân đội đã xác minh, kết luận, đề nghị công nhận liệt sĩ cho 598 trường hợp; 4.758 trường hợp được chứng nhận thương binh; 1.912 trường hợp được công nhận bệnh binh... Cùng với đó, với sự quan tâm đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân trong nước và các nước bạn Lào, Căm-pu-chia, Liên bang Nga, các đơn vị quân đội đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 7.518 hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang trong cả nước (trong nước: 2.475 hài cốt; Lào: 1.937 hài cốt; Cam-pu-chia: 3.065 hài cốt; Liên bang Nga: 05 hài cốt)... Công tác TB,LS, chính sách HPQĐ còn bám sát công cuộc đổi mới đất nước, tình hình, nhiệm vụ của quân đội, kịp thời đề đạt với các cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chế độ, chính sách đối với các đối tượng đang phục vụ trong quân đội chuyển ra, với cán bộ quân đội nghỉ hưu, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, các gia đình quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng tại ngũ, nhất là ở các đơn vị công tác trên địa bàn chiến lược, đặc biệt khó khăn hợp lý hoá gia đình, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế... Một số địa phương đã có chính sách giải quyết nhà ở hoặc cấp đất ở, cho vay vốn sản xuất, kinh doanh, quan tâm đến gia đình sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng đang làm nhiệm vụ trên địa bàn khó khăn, gian khổ. Các “Trung tâm xúc tiến việc làm” trong toàn quân đã được xây dựng và hoạt động, tích cực góp phần đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ...

Các đơn vị quân đội không chỉ là lực lượng nòng cốt cho toàn dân thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, mà còn tích cực, chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện đưa phong trào này phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, có hiệu quả thiết thực. Đến nay, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện tốt “5 chương trình tình nghĩa”; xây dựng được Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; nhiều hình thức hoạt động của phong trào này đã có tác dụng và ý nghĩa to lớn đối với các đối tượng chính sách. Cũng chỉ tính riêng trong 3 năm (2006-2009), các đơn vị quân đội đã tổ chức chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời 786 Mẹ Việt Nam Anh hùng; vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động các nguồn đóng góp tiền cho các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được trên 300 tỷ đồng; khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho trên 200 nghìn lượt người; đóng góp trên 100 nghìn ngày công lao động giúp các đối tượng chính sách; tạo việc làm cho hơn 6.000 con em TB,LS; làm gần 3 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân sĩ quan tại ngũ... Đặc biệt, thực hiện Chương trình xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, với phương châm xã hội hoá công tác “đền ơn đáp nghĩa”, được sự ủng hộ tích cực, tự nguyện của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, của cán bộ, chiến sĩ, trong 2 năm  2008 và 2009,  toàn quân đã xây dựng được 3.104 nhà tặng đối tượng chính sách (trong đó có: 2.246 Nhà tình nghĩa; 858 Nhà đồng đội. Đến nay, mức sống của các đối tượng chính sách quân đội đã thuộc diện trung bình khá so với mức sống chung trên địa bàn dân cư.

Bên cạnh những kết quả tích cực là cơ bản, công tác TB,LS, chính sách HPQĐ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn quân vẫn còn những hạn chế, bất cập. Công tác tổ chức, triển khai thực hiện một số chế độ chính sách chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; tiến độ thực hiện một số chính sách còn chậm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song chủ yếu vẫn là  do nhận thức về công tác chính sách của Đảng trong thời kỳ mới của một số cơ quan chức năng, lãnh đạo, chỉ huy  đơn vị chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách mới còn có nhiều hạn chế.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi công tác TB,LS, chính sách HPQĐ cần tập trung vào nghiên cứu, triển khai đồng bộ các chế độ, chính sách; phát triển các chính sách cơ bản, mở rộng các chính sách khuyến khích, động viên những người có nhiều cống hiến, chính sách giữ gìn, thu hút nhân tài, đội ngũ thợ lành nghề. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, truyền thống, đạo lý của dân tộc, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của quân đội, HPQĐ và người có công, cấp uỷ, cán bộ chủ trì, nhất là chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy các cấp phải chú trọng chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau:

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đắn mục đích, ý nghĩa của công tác TB,LS, chính sách HPQĐ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị-xã hội ở từng địa phương và trên cả nước, tạo động lực xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Nội dung giáo dục, tuyên truyền cần tập trung làm cho mọi đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác TB,LS, chính sách HPQĐ cũng như truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta. Đây là vấn đề quan trọng, tạo cơ sở cho việc thống nhất nhận thức và hành động của toàn quân, để công tác này phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.

Hai là, trên cơ sở thực hiện toàn diện các chương trình, kế hoạch đã xác định, công tác TB,LS, chính sách HPQĐ hiện nay cần tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tiến hành cho phù hợp với sự phát triển toàn diện của đất nước và tiến trình xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đồng thời, các cấp phải luôn chủ động, nhạy bén trong việc tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị và vận động quần chúng nhân dân cùng phối hợp thực hiện.

Ba là, trong quá trình tổ chức thực hiện công tác TB,LS, chính sách HPQĐ, các cấp phải thường xuyên nắm vững và quát triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ thị công tác đảng, công tác chính trị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; căn cứ vào đặc điểm của đơn vị và tình hình của hậu phương, gia đình cán bộ, chiến sĩ để xác định nội dung, phương pháp công tác phù hợp. Quá trình triển khai thực hiện công tác này cần gắn liền với việc thực hiện các chức năng của quân đội; kết hợp chặt chẽ với công tác dân vận, với hoạt động chính trị - xã hội thường xuyên và tập trung trên địa bàn; kết hợp chặt chẽ giữa đãi ngộ về vật chất với chăm lo, động viên các đối tượng chính sách về tinh thần.

Bốn là, trong khi tích cực tổ chức thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách hiện hành, công tác chính sách cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết cơ bản các tồn đọng chính sách sau chiến tranh; triển khai có hiệu quả việc cung cấp, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ; tiếp tục phát triển sâu rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; chủ động tham mưu đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành các chính sách đãi ngộ với quân đội và HPQĐ phù hợp với tình hình KT-XH của đất nước, với đặc thù lao động quân sự, nhất là với cán bộ, chiến sĩ đang hoạt động trên các địa bàn chiến lược, nơi khó khăn, gian khổ.

Năm là, tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn cơ quan chính sách các cấp vững mạnh, theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu; chú trọng giáo dục, rèn luyện nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, phương pháp, tác phong “Bộ đội Cụ Hồ”. Chủ động phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội; coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện tình hình... bảo đảm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác TB, LS, chính sách HPQĐ đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Thiếu tướng VŨ HỮU LUẬN

Cục trưởng Cục Chính sách

 

Ý kiến bạn đọc (0)