Thứ Tư, 27/11/2024, 11:12 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Công tác dân vận (CTDV) là một nội dung cơ bản trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của quân đội ta. Thực hiện có hiệu quả CTDV vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ” đối với nhân dân; đồng thời, là điều kiện để cán bộ, chiến sĩ quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta luôn nhận thức đúng đắn, sâu sắc vị trí, vai trò của CTDV đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, cũng như đối với sự nghiệp xây dựng quân đội nói riêng. Trải qua các giai đoạn cách mạng, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, trong chiến tranh hay trong thời bình, quân đội ta luôn dựa vào nhân dân, giúp đỡ nhân dân, bảo vệ nhân dân, chia ngọt, sẻ bùi với nhân dân và được nhân dân tin cậy, chở che, đùm bọc. Dù ở đất liền hay hải đảo, đồng bằng hay miền núi, CTDV của quân đội góp phần quan trọng, hiệu quả chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào cả nước; vận động nhân dân biến mọi nghị quyết của Đảng thành hiện thực sinh động. Thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đã chứng minh, CTDV của quân đội đã góp phần tích cực vào xây dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với thắng lợi của cách mạng; trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng chính trị-tinh thần của xã hội ta nói chung và của quân đội nói riêng.
Những năm qua, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về CTDV trong tình hình mới, nhất là Nghị quyết số 152/NQ-ĐUQSTW của Đảng uỷ Quân sự Trung ương về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong thời kỳ mới”; được sự phối hợp, giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng và nhân dân các địa phương, CTDV của quân đội đã có sự đổi mới toàn diện, ngày càng đi vào nền nếp, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong quá trình thực hiện CTDV, cấp uỷ, chính uỷ (chính trị viên), người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương CTDV của Đảng; tình hình, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị và địa bàn; phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội (CT-XH) địa phương, thiết lập được cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo CTDV sát đúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, tạo chuyển biến cơ bản, vững chắc, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt hoạt động của CTDV.
Với trách nhiệm chính trị cao và phương pháp, hình thức CTDV phù hợp, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã thực hiện tốt phương châm hướng mạnh về cơ sở, tham gia có hiệu quả vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời, đấu tranh, ngăn ngừa có hiệu quả các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc, Tây Quân khu 4. CTDV đã phối hợp với các hoạt động khác trong toàn quân, kết hợp với các ban, ngành chức năng của Trung ương và địa phương thực hiện tốt chủ trương xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ; góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân, làm thay đổi đáng kể bộ mặt kinh tế-xã hội trên các địa bàn.
Hiện nay, quân đội đang tiếp tục duy trì hoạt động của các tổ (đội) công tác và một số sĩ quan biên phòng tăng cường cho cơ sở. Trong năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, các lực lượng làm CTDV đã tổ chức 54.513 buổi tuyên truyền cho nhân dân các địa phương về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước (với 5.757.316 lượt người tham gia). Thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, quân đội đã cử 7.799 lượt đơn vị (với 104.123 lượt cán bộ, chiến sĩ), hành quân về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá mới, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội. Các đơn vị trong toàn quân đã trực tiếp tham gia xây dựng 6.156 xã, phường vững mạnh; kiện toàn, củng cố 7.169 tổ chức cơ sở đảng, 27.578 tổ chức chính quyền, đoàn thể CT-XH các cấp; phát triển 1.520 đảng viên mới là con em các dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo... Cán bộ, chiến sĩ quân đội đã góp hàng trăm tỷ đồng vào quỹ: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, “Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai”, xây dựng Nhà Đại đoàn kết, Nhà Tình nghĩa, Nhà Đồng đội, phụng dưỡng 1.402 Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách... Các đơn vị đã sử dụng 2.009.408 ngày công lao động và hàng chục tỷ đồng để giúp dân: làm mới, tu sửa 44.053 km đường giao thông, 27.366 km kênh, mương thuỷ lợi nội đồng; thu hoạch, chăm sóc 71.710 ha hoa mầu; trồng mới, khai hoang, phục hoá 66.502 ha rừng; sửa chữa, làm mới 6.517 nhà ở, 787 cầu gỗ, bê tông; giúp 56.012 hộ dân xoá đói, giảm nghèo; xây dựng quỹ “Vì người nghèo” trên 25 tỷ đồng; gửi tặng đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số 34.507 bộ quần áo, 17.310 kg gạo. Thực hiện Chương trình kết hợp quân-dân y, quân đội đã cử các đoàn cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đến các vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng, vừa tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hoá, vừa kết hợp khám, chữa bệnh miễn phí cho 406.305 lượt người, tiêm chủng mở rộng cho 96.514 lượt trẻ em, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân, trị giá gần 17 tỷ đồng; hỗ trợ nâng cấp, xây mới 169 trạm xá kết hợp quân-dân y; giúp các địa phương đào tạo hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế thôn, bản.
Cũng thời gian qua, CTDV của quân đội đã tham gia có hiệu quả vào việc củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) ở các địa phương; tham gia tuyên truyền, ngăn chặn 321 vụ truyền đạo trái pháp luật; huấn luyện hàng chục ngàn dân quân, tự vệ, dự bị động viên... Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu trong giúp dân phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Những hình ảnh bộ đội dầm mình trong các cơn bão: số 9, số 10 (năm 2009), số 2, số 3 (năm 2010); trong chống cháy rừng ở: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Đồng Tháp, Cà Mau... để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân..., càng tô thắm thêm bản chất, truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Có thể khẳng định rằng, CTDV của quân đội trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố QP-AN, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cũng thông qua CTDV mà cán bộ, chiến sĩ quân đội thường xuyên được giáo dục, rèn luyện về mọi mặt; tăng cường đoàn kết gắn bó với nhân dân.
Tuy nhiên, CTDV của quân đội vẫn còn những hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chuyên trách CTDV ở các đơn vị về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của CTDV chưa đầy đủ, nên sự quan tâm, theo dõi, chỉ đạo thực hiện chưa đúng mức. Cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các tổ chức, lực lượng trong thực hiện các nhiệm vụ cụ thể chưa thống nhất, đồng bộ, thiếu hiệu quả; nội dung, hình thức có lúc còn thiếu chiều sâu, tính thuyết phục chưa cao. Một số cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm CTDV chưa thật sự gương mẫu; tác phong và lối sống, kỹ năng công tác còn hạn chế...
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế đang đứng trước những thời cơ và thách thức đan xen. Các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chúng ra sức lợi dụng vấn đề về “dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo” và những bức xúc nảy sinh trong cuộc sống mà chính quyền các cấp chưa kịp thời giải quyết để gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, CTDV của quân đội cần được tiếp tục đổi mới về mọi mặt, nhằm khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém, bảo đảm CTDV ngày càng đi vào nền nếp, phát triển theo chiều sâu, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, CTDV của quân đội cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Trước hết, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân quán triệt và thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng các địa phương ngày càng giàu mạnh. Qua đó, không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và tính nghiêm minh của pháp luật Nhà nước; đồng thời, giúp nhân dân nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; tích cực tham gia phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố QP-AN trên địa bàn.
Hai là, tích cực tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, QP-AN. Lực lượng chuyên trách CTDV các cấp, nhất là những cán bộ, sĩ quan được tăng cường cho cơ sở, các tổ (đội) công tác, cần phải tiếp tục nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền các địa phương những chủ trương, biện pháp tiến hành CTDV phù hợp, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực quản lý, điều hành KT-XH của chính quyền, hiệu quả hoạt động của các tổ chức CT-XH địa phương; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, người có đạo; tiếp tục phấn đấu xoá tình trạng thôn, bản “không có” tổ chức đảng và đảng viên; chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, triển khai các phương án phòng, chống “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; tích cực giúp nhân dân phát triển kinh tế, định canh, định cư, xoá đói, giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục có hiệu quả thiên tai, dịch bệnh...
Ba là, tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá nội dung, hình thức CTDV. Cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các hình thức CTDV đang tiến hành, như: kết nghĩa; hành quân dã ngoại kết hợp làm CTDV; tổ chức các tổ (đội) công tác, tăng cường cán bộ cho cơ sở; tổ chức chương trình phối hợp với các ban, ngành, tổ chức CT-XH..., cần phát huy vai trò của hệ thống “Chiến sĩ dân vận”, tổ chức thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”; đồng thời, tích cực nghiên cứu, tổ chức các hình thức CTDV phù hợp với từng loại hình đơn vị trong tình hình mới.
Bốn là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là của cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị và cán bộ chuyên trách CTDV các cấp đối với CTDV. Theo đó, hoạt động của các tổ chức, lực lượng tiến hành CTDV trong quân đội phải thường xuyên đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp và sự phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội. Chỉ huy các cấp phải trực tiếp chỉ đạo CTDV của đơn vị; cán bộ chính trị, cơ quan chính trị cần làm tốt vai trò tham mưu và giúp chỉ huy tổ chức thực hiện CTDV; các đoàn thể quần chúng, đoàn viên, hội viên phải tích cực, chủ động, xung kích đi đầu trong thực hiện CTDV. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần gắn chặt CTDV với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng đối với CTDV; chăm lo xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm CTDV “vừa hồng, vừa chuyên”; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, nhận thức sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có phương pháp, tác phong CTDV phù hợp, gần dân... Trong tình hình hiện nay, cán bộ, chiến sĩ làm CTDV phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”1; đồng thời, phải nắm chắc đặc điểm, tình hình, diễn biến ở cơ sở; không được chủ quan, phiến diện; thường xuyên suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện, có dự báo chính xác; từ đó tham mưu, đề xuất, giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương giải đáp đúng, trúng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ có ai thực sự sống trong dân, thường xuyên gần gũi, trọng dân, tin dân mới hiểu được lòng dân và có như vậy mới có thể “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ làm CTDV cần phát huy hơn nữa phương châm “4 cùng”, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo sinh sống.
Năm là, coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Theo đó, các cấp cần quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, điển hình "dân vận khéo" ở từng cơ quan đơn vị, kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt; kiên quyết khắc phục tình trạng nặng về hành chính quân sự, cán bộ dân vận quan liêu, không nắm chắc tình hình cơ sở, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Thực hiện tốt những nội dung trên là cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đã thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”2; đồng thời, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thượng tướng BÙI VĂN HUẤN
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị-QĐNDVN
1, 2- Hồ Chí Minh-Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 699-700.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011