QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:30 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng xây dựng dự toán ngân sách quốc phòng năm 2010

Năm 2009, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, tài chính nước ta, ảnh hưởng đến ngân sách quốc phòng (NSQP), đời sống bộ đội và việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP), sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp quân đội. Trước tình hình đó và quán triệt Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 09- 01-2009) của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), Cục Tài chính đã chủ động làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo các ngành, các đơn vị trong toàn quân kịp thời triển khai xây dựng Dự toán NSQP; trong đó, chú trọng khai thác hiệu quả các nguồn lực tài chính để tăng thêm nguồn ngân sách bảo đảm cho các nhiệm vụ, kết hợp điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách hợp lý, bảo đảm sự cân đối, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm...Nhờ vậy và cùng với thực hiện đồng bộ, linh hoạt các biện pháp về quản lý, điều hành ngân sách phù hợp với thực tế tình hình, nhu cầu chi tiêu thường xuyên, đột xuất cho toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS,QP, xây dựng quân đội, tham gia phát triển KT-XH đã được bảo đảm tốt.

Năm 2010, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động phức tạp, khó lường, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục khắc phục tối đa tác động của suy thoái kinh tế thế giới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng- an ninh, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2006-2010; chuẩn bị tốt các điều kiện để bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm tiếp theo. Đối với Quân đội, chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 8,  Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Biển theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X); đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về chấn chỉnh tổ chức, biên chế quân đội và bảo đảm trang bị đến 2010, tầm nhìn 2020 và phát triển công nghiệp quốc phòng; thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị định và các chế độ, chính sách mới ban hành có liên quan đến quốc phòng. Bên cạnh đó, quân đội tiếp tục xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu để đối phó thắng lợi với mọi tình huống xảy ra. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình đầu tư mua sắm, nâng cao tiềm lực quốc phòng, công nghiệp quốc phòng; đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục- đào tạo; thực hiện đồng bộ các giải pháp, giữ vững đời sống, chính sách của bộ đội; đẩy mạnh hoạt động sản xuất làm kinh tế của quân đội, nhằm tăng thêm nguồn lực cho đất nước và quốc phòng...

Do điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, tài chính đất nước, NSQP năm 2010 không tăng nhiều so với năm trước. Trong khi đó, nhu cầu ngân sách của nhiệm vụ QS,QP, xây dựng quân đội tăng cao, nhiều nhiệm vụ đột xuất, phải triển khai thực hiện một số chế độ, chính sách mới; nguồn thu từ nội bộ khó hơn, giá một số loại mặt hàng thiết yếu không ổn định và có chiều hướng tăng... Để giải quyết sự mất cân đối giữa nhu cầu cao, nhưng khả năng ngân sách có hạn, đáp ứng nhu cầu tài chính cho toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, ngành Tài chính Quân đội tập trung nỗ lực xây dựng Dự toán NSQP năm 2010 đạt chất lượng cao, bảo đảm tiến độ thời gian, nhằm chủ động kế hoạch chi tiêu, tạo cơ sở thuận lợi cho việc bảo đảm, quản lý ngân sách đạt hiệu quả; trong đó, cần thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau.

1. Khai thác tối đa các nguồn lực tài chính đưa vào cân đối bảo đảm cho nhiệm vụ  QS,QP thường xuyên và đột xuất,góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh. Các ngành, đơn vị triển khai xây dựng Dự toán ngân sách cần coi trọng gắn kết giữa khả năng cân đối nguồn lực tài chính với yêu cầu thực hiện để bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính. Trên cơ sở khả năng bảo đảm ngân sách của Nhà nước, các đơn vị cần khai thác đa dạng các nguồn thu để xây dựng Dự toán thu ngân sách, phải tính toán đầy đủ, toàn diện, bao quát các chính sách, chế độ thu đã ban hành (nhất là các nguồn thu từ khai thác, sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất...); tích cực khai thác các nguồn hỗ trợ của địa phương cho quốc phòng; rà soát chặt chẽ số vật tư, hàng hoá tồn kho đưa vào cân đối sử dụng cho các hoạt động thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Thực hiện tốt các quy định về chế độ tài chính áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập có thu, nhất là ở các bệnh viện, nhà trường, viện nghiên cứu, đoàn nghệ thuật, đoàn thể thao, bảo tàng, đoàn an dưỡng...; nâng cao tính chủ động, tự chủ cho các cơ sở dạy nghề, xưởng in,...vừa phục vụ phát triển KT-XH, vừa tăng thêm nguồn thu đưa vào cân đối bảo đảm cho các nhiệm vụ của quân đội. Các doanh nghiệp quốc phòng cần chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nắm chắc các yếu tố khách quan, chủ quan tác động (nhất là đổi mới công nghệ, tăng năng lực sản xuất, những thuận lợi trong hội nhập kinh tế) để tăng nguồn thu vững chắc, ổn định cho đất nước và đóng góp cho quốc phòng. Việc xây dựng Dự toán chi ngân sách phải quán triệt đầy đủ các yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu, quy định về chế độ, chính sách, định mức hiện hành và yêu cầu kinh phí, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ QS,QP theo từng lĩnh vực (bao gồm cả chi từ nguồn ngân sách và chi từ nguồn thu được để lại theo chế độ), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm cho dự toán NSQP thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác của đơn vị.

2. Chủ động điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính. Trong quá trình xây dựng Dự toán ngân sách, các ngành, đơn vị cần chủ động hướng tới xây dựng cơ cấu chi một cách hợp lý, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ QS,QP, xây dựng quân đội trong tình hình mới. Theo đó, tập trung ngân sách bảo đảm cho các nhiệm vụ trọng tâm: nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của quân đội; ưu tiên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đáp ứng đến mức cao nhất cho bảo đảm kỹ thuật, trang bị, khí tài; nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục- đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao tiềm lực quốc phòng, công nghiệp quốc phòng. Giữ vững và tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, chính sách của bộ đội...Dự toán ngân sách cũng cần tính toán, dự kiến các nội dung chi phát sinh trong điều hành ngân sách, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng các nhiệm vụ đột xuất và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh bất thường có thể xảy ra; mặt khác, phải quán triệt, thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát. Bố trí đủ vốn cho các dự án, chương trình quan trọng; xây dựng và phân bổ dự toán phải thực sự tập trung, chống dàn trải, lãng phí, bảo đảm lành mạnh tài chính, ngân sách cả về tổng thể cũng như trong từng nội dung bảo đảm.

3. Đẩy mạnh phân cấp tiền tệ hoá, hoàn thiện chế độ quản lý tài chính trong quân đội theo các cơ chế, chính sách mới của Nhà nước. Trong phân bổ dự toán ngân sách, các ngành, đơn vị cần chú trọng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách cho đơn vị cơ sở, thực hiện tiền tệ hoá nội dung chi ngân sách theo các chế độ, tiêu chuẩn, định mức, nhằm phát huy trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy đối với công tác tài chính; hạn chế việc mua sắm hiện vật tập trung để cấp phát cho đơn vị; tiết kiệm chi phí ở các khâu trung gian. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra của cấp trên đối với việc thực hiện của cấp dưới, đề cao trách nhiệm của đơn vị trực tiếp chi tiêu, thụ hưởng ngân sách; quản lý chặt chẽ, minh bạch các nguồn thu nộp theo hướng tích tụ, tạo thành nguồn lực lớn để phục vụ cân đối chung cho các nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng. Cơ quan tài chính các cấp phải duy trì thực hiện nghiêm chế độ quản lý tài chính, ngân sách đã ban hành; hoàn chỉnh hệ thống các tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, sử dụng kinh phí, hệ thống chế độ, chính sách; triển khai thực hiện các chế độ, chính sách mới của Nhà nước phù hợp với đặc thù quốc phòng, nhất là trong quản lý tài sản công, đất quốc phòng, công sở, dự án đầu tư, giá cả, nguồn thu, quỹ vốn đơn vị. Từng bước vận dụng các phương thức quản lý ngân sách tiên tiến mà cốt lõi là gắn hiệu quả-kết quả của nội dung chi tài chính ngân sách với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục hoàn thiện chính sách tài chính đối với doanh nghiệp quốc phòng và cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, sửa đổi các chế độ, chính sách của quân đội phù hợp với tiến trình cải cách tiền lương của Chính phủ, các luật, nghị định, pháp lệnh của Nhà nước mới ban hành; sửa đổi và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành trong toàn quân.

4. Đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là ở các khâu: xây dựng Dự toán, cấp phát vốn, ngân sách. Tăng cường việc công khai, minh bạch các thủ tục phân bổ, cấp phát, thanh toán, quyết toán ngân sách; thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong giải quyết các nội dung liên quan đến bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ, trước mắt là thực hiện cấp lương qua tài khoản, khoán chi cho một số hoạt động. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, kiện toàn cơ quan tài chính các cấp phù hợp với tổ chức, biên chế theo quy hoạch tổ chức lực lượng mới và Điều lệ Công tác Tài chính quân đội; từng bước chuyên môn hoá, hiện đại hoá công tác quản lý tài chính, đảm bảo tính khoa học của các quy trình công tác chuyên môn. Đưa phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt” vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực với các tiêu chí, nội dung cụ thể, hướng tới mục tiêu phục vụ đắc lực, hiệu quả cho việc hoàn thành nhiệm vụ QS,QP của toàn quân cũng như các ngành, đơn vị.

5. Xây dựng và triển khai Dự toán NSQP phải bảo đảm nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương tài chính, phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Cơ quan tài chính các ngành, đơn vị cần quán triệt sâu sắc Chương trình hành động thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng chống tham nhũng. Phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra tài chính, quản lý giá, tăng cường kiểm soát chi. Cấp uỷ, chỉ huy các cấp cần chú trọng nâng cao trách nhiệm của người trực tiếp quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chi tiêu, sử dụng NSQP, chống thất thoát, lãng phí ngân sách ở đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện chế độ công khai ngân sách ở các cấp, các đơn vị dự toán, các dự án xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách, các doanh nghiệp quốc phòng, đảm bảo công khai, minh bạch; phát huy dân chủ, quyền làm chủ, giám sát của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình xây dựng Dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng NSQP.

 Phát huy kết quả, kinh nghiệm những năm qua, nhận rõ khó khăn chung của đất nước, ngành Tài chính Quân đội tập trung triển khai xây dựng Dự toán NSQP năm 2010 bảo đảm tiến độ thời gian, đạt chất lượng cao, tạo cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm, quản lý NSQP, đáp ứng nhu cầu tài chính cho toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS,QP, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tham gia phát triển KT-XH, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ  9, tiến tới Đại hội XI của Đảng và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Trung tướng PHẠM QUANG PHIẾU

Cục trưởng Cục Tài chính - Bộ Quốc Phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)