QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 23:45 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ theo phương thức mới

Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ có vai trò quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành của quân đội, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng luôn coi trọng và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ này. Đặc biệt, Bộ Tổng Tham mưu đã thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ công tác tuyển quân hằng năm; đồng thời, chú trọng đổi mới phương thức tổ chức thực hiện phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng.

Trước yêu cầu xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 26-12-1991, Bộ Tổng Tham mưu đã ra Chỉ thị số 117/CT-TM “Quy định việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ”. Theo đó, công tác tuyển quân được thực hiện theo phương thức: các đơn vị nhận quân thâm nhập trực tiếp và thực hiện “3 gặp, 4 biết”. Sau nhiều năm thực hiện Chỉ thị, công tác tuyển quân đã đạt được kết quả thiết thực và đi vào nền nếp; hằng năm, đã tuyển chọn đủ số lượng thanh niên đạt tiêu chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định, như: ngân sách bảo đảm lớn; chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của địa phương trong công tác này... Để khắc phục những hạn chế đó và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, bắt đầu từ năm 2009, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thực hiện thí điểm phương thức: chuyển giao cho địa phương làm “tròn khâu” trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Để chỉ đạo công tác tuyển quân năm 2010, ngày 30-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1958/QĐ-TTg “Về việc gọi công dân nhập ngũ năm 2010”; ngày 05-12-2009, Bộ Quốc phòng có Hướng dẫn số 6339/BQP-TM “Hướng dẫn công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2010”. Trong đó, quy định từ năm 2010, toàn quốc thống nhất triển khai thực hiện phương thức chuyển giao cho địa phương làm “tròn khâu” trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Qua sơ kết đợt 1 năm 2010, cho thấy, phương thức mới đã đạt được kết quả tích cực. Nổi bật là, vai trò của cấp ủy, chính quyền, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự (NVQS), cơ quan quân sự địa phương và các ban, ngành được phát huy. Các địa phương đều thực hiện đúng quy trình sơ tuyển, xét tuyển, bảo đảm dân chủ, công bằng, đúng Luật NVQS; đã tuyển chọn và gọi đủ số lượng quy định, chất lượng bảo đảm, giao nhận quân đúng thời gian, an toàn. Đánh giá bước đầu, so với những năm trước, chất lượng của tân binh cơ bản tương đương, mặc dù có một số tiêu chí thấp hơn. Ví dụ: tỷ lệ đảng viên đạt 1,64% (đợt 1-2009 là 1,52%); sức khỏe loại 1 đạt 27,82% (đợt 1 năm 2009 là 31,24%); tuổi đời từ 18-21 chiếm 85,48% (đợt 1-2009 là 86,40%); văn hóa cấp trung học phổ thông trở lên đạt 57,59% (đợt 1-2009 là 62,27%)... Kết quả trên có nguyên nhân chủ yếu là: lần đầu tiên triển khai phương thức mới nên không ít địa phương còn lúng túng, tổ chức thực hiện chưa hợp lý, chưa khoa học; bên cạnh đó, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ sở chưa đầy đủ. 

Từ kết quả đạt được, trên cơ sở thấy rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện phương thức mới, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyển quân trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần chú trọng một số vấn đề sau:

Trước hết, các cơ quan chức năng, nhất là Hội đồng NVQS, cơ quan quân sự và cấp ủy, chính quyền cấp xã (phường, thị trấn) cần tập trung quán triệt sâu sắc Quyết định số 1958/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn số 6339/BQP-TM của Bộ Quốc phòng; chú trọng nội dung liên quan đến chỉ tiêu tuyển quân và hướng dẫn thực hiện phương thức “chuyển giao cho địa phương làm “tròn khâu” trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ”; từ đó, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về Luật NVQS bằng nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn; trong đó, coi trọng việc phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh tuyên truyền vào thời điểm tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và các dịp sinh hoạt cộng đồng ở địa phương, như: lễ kỷ niệm, lễ hội...

Trên cơ sở quán triệt nhiệm vụ, cơ quan quân sự và Hội đồng NVQS thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các khâu; quản lý chặt chẽ số thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; sơ tuyển, khám tuyển, xét duyệt và phát lệnh gọi đúng pháp luật, đúng thời gian và bảo đảm chất lượng. Công tác chuẩn bị phải chu đáo, cụ thể, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; đặc biệt, Hội đồng NVQS cấp huyện phải xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ xã (phường, thị trấn) trước mỗi đợt tuyển quân. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cán bộ thực hiện công tác này, nhất là việc nắm chất lượng công dân thuộc diện nhập ngũ về: tuổi đời, sức khỏe, văn hóa, đạo đức... Hội đồng NVQS phải phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của các đoàn thể, như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... tập trung vào việc tham gia xét tuyển bảo đảm dân chủ, khách quan và động viên thanh niên hăng hái, phấn khởi lên đường nhập ngũ. Làm tốt điều đó sẽ góp phần giải quyết vấn đề đang nổi lên hiện nay là, sự chính xác, công bằng trong điều kiện hằng năm số lượng công dân nhập ngũ ở các địa phương chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 5,4%) so với số lượng công dân trong độ tuổi nhập ngũ. Thực tiễn qua đợt 1 năm 2010 cho thấy, hiện tượng gọi khám tuyển vượt quá tỷ lệ quy định còn diễn ra ở nhiều địa phương, thậm chí có nơi gọi khám tuyển với số lượng vượt 200% so với số lượng cần tuyển (trong khi tỷ lệ quy định vượt không quá 10%); ở một số xã (phường, thị trấn), việc sơ tuyển chất lượng còn hạn chế, gây khó khăn cho cấp trên và tốn kém ngân sách bảo đảm. Đợt 1-2010, số thanh niên nhập ngũ mà các đơn vị quân đội phải loại trả, bù đổi cho địa phương vì lý do sức khỏe, đạo đức... vẫn còn cao. Đáng quan tâm là, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, song tỷ lệ bù đổi trong tuyển quân thấp hơn địa bàn có điều kiện thuận lợi hơn; một số địa phương có số loại trả còn cao, như: Khánh Hòa: trên 10%, Bình Dương: 6,25%, Bến Tre: 5,8%, Đồng Tháp: 5,2%. Về phương pháp tổ chức thực hiện, có nơi làm chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, như: cơ quan quân sự huyện tổ chức đoàn xuống các cơ sở thâm nhập. Ngoài ra, vẫn có nơi Hội đồng NVQS chưa thực hiện công khai danh sách công dân trong diện khám tuyển, diện được miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ, nên còn nảy sinh các hiện tượng thắc mắc, đơn từ khiếu nại... Đó là những vấn đề mà các địa phương cần tiếp tục rút kinh nghiệm.

Chủ trương chuyển giao cho địa phương làm “tròn khâu” trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2010, bước đầu đã khẳng định hiệu quả cao, cần tiếp tục được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là “phó mặc” cho địa phương, mà các đơn vị vẫn phải phối hợp với địa phương trong việc tiếp xúc hồ sơ, trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan và chốt danh sách để địa phương phát lệnh gọi. Một vấn đề cần quan tâm là, công tác bảo đảm quân trang cho chiến sĩ mới (thực hiện theo Công văn số 2022/TM ngày 24-12-2004 của Bộ Tổng Tham mưu); cần chú trọng hiệp đồng chặt chẽ giữa đơn vị (nơi phát quân trang) và địa phương (nơi tuyển chọn), tránh hiện tượng cỡ số không phù hợp với tân binh. Việc tổ chức đón nhận chiến sĩ mới phải bảo đảm an toàn, không để lưu trú dài ngày tại địa phương. Sau khi về đơn vị phải thực hiện tốt việc tổ chức phúc tra khám sức khỏe và tiếp tục rà soát hồ sơ, loại trả, bù đổi các trường hợp không đủ tiêu chuẩn (nếu có) trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận quân. 

Căn cứ vào Quyết định số 1958/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc gọi công dân nhập ngũ năm 2010” để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao chỉ tiêu cụ thể cho cấp huyện, xã, việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ phải phù hợp với khả năng của địa phương, gắn với xây dựng lực lượng dự bị động viên của các đơn vị trên từng địa bàn. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, công tác tuyển chọn còn phải kết hợp với công tác tạo nguồn cán bộ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

Đối với một số đơn vị đặc thù (theo quy định của Bộ Tổng Tham mưu), như: Tổng cục II, Đoàn Nghi lễ Quân đội, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân chủng Phòng không-Không quân, Binh chủng Đặc công... có yêu cầu riêng về tiêu chuẩn một số mặt, thì tiếp tục duy trì “3 gặp, 4 biết”. Với việc thực hiện “tròn khâu” trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, địa phương có điều kiện phát huy dân chủ ở cơ sở thông qua bình cử công khai ở từng thôn, bản, khu phố, nắm chắc từng trường hợp trước khi có lệnh gọi nhập ngũ. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn, như: biên chế cán bộ trong cơ quan quân sự địa phương ít, phương tiện, trang bị kỹ thuật khám sức khỏe thiếu và không đồng bộ... Bên cạnh đó, việc bảo đảm kinh phí còn có hạn, chưa có cơ chế quy định chung. Do đó, các địa phương phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các đoàn thể đối với công tác tuyển quân; chú trọng bảo đảm dân chủ, công khai, công

bằng trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; đồng thời, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về quốc phòng-an ninh, xây dựng, bồi đắp lòng yêu nước, nâng cao trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp quy; kiên quyết xử lý nghiêm khắc những trường hợp có biểu hiện trốn tránh, chây ỳ, không thực hiện NVQS.

Một vấn đề còn bất cập trong việc thực hiện Nghị định 38/2007/NĐ-CP ngày 15-3-2007 của Chính phủ “Về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ” là, mỗi năm nước ta có hàng chục vạn nam học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề..., nhưng sau khi đã tốt nghiệp ra trường thì địa phương và nhà trường chưa phối hợp quản lý tốt lực lượng này (nhất là, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay). Do vậy, cơ quan quân sự địa phương và các trường cần thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp nhận và di chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thực hiện tốt việc đưa học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường  trung cấp, dạy nghề, cao đẳng, đại học vào phục vụ quân đội theo quy định sẽ góp phần bảo đảm công bằng xã hội; đồng thời, nâng cao tỷ lệ thanh niên nhập ngũ có trình độ văn hóa cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.

Thực hiện phương thức chuyển giao cho địa phương làm “tròn khâu” trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp  với tình hình mới. Tuy nhiên, do mới thực hiện, nên khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Vì vậy, các cấp, đặc biệt là cơ quan quân sự, Hội đồng NVQS, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã cần nêu cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng vào mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng PHẠM CHÂN LÝ

Cục trưởng Cục Quân lực

 

Ý kiến bạn đọc (0)