Thứ Sáu, 22/11/2024, 13:31 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Bác Hồ luôn chú trọng chăm lo xây dựng, phát triển nền khoa học-công nghệ (KH-CN) nước nhà, trong đó có khoa học-công nghệ quân sự (KH-CNQS); coi đó là một trong những động lực chính thúc đẩy cách mạng nước ta đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngay trong thời kỳ gian khổ, ác liệt của chiến tranh giải phóng dân tộc, KH-CNQS tuy mới phát triển ở trình độ nhất định, nhưng cũng đã khẳng định được vai trò quan trọng, đóng góp lớn trong việc nghiên cứu, cải tiến và chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) phục vụ cho các chiến trường, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc) trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ quốc phòng-an ninh (QP-AN) trong tình hình mới đòi hỏi phải xây dựng KH-CNQS và công nghiệp quốc phòng (CNQP) thành một bộ phận cấu thành quan trọng của tiềm lực QP-AN, có trình độ KH-CN tiên tiến, hiện đại, có năng lực nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại VKTBKT quân sự với tính năng kỹ thuật và hàm lượng công nghệ cao. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó nhân tố con người, mà cụ thể là đội ngũ cán bộ KH-CNQS có ý nghĩa quyết định. Vì thế, cần hết sức chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ KH-CNQS ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; phải đặt công tác này ở vị trí trung tâm, và coi đó là giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển ngành, phục vụ cho sự nghiệp hiện đại hóa quân đội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội, đội ngũ cán bộ KH-CNQS đã có bước phát triển nhanh về số lượng, nâng dần về chất lượng. Phần lớn trong số đó được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân; có tri thức, tiếp cận nhanh với sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN thế giới và khu vực, đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và tham gia phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, công tác này cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Số lượng, chất lượng cán bộ và cơ cấu còn bất hợp lý, đội ngũ kế cận và kế tiếp hẫng hụt; còn thiếu chuyên gia đầu ngành giỏi có thể làm công trình sư, tổng công trình sư về thiết kế và công nghệ chế tạo VKTBKT để thực hiện các chương trình, dự án quốc phòng trọng điểm. Hoạt động nghiên cứu khoa học còn thiếu đồng bộ, nhiều đề tài thiếu tính thực tiễn, hiệu quả ứng dụng chưa cao, chưa gắn với thực tiễn của hoạt động quân sự. Cần phải coi sản phẩm là mục tiêu của công tác nghiên cứu; đề tài, nhiệm vụ là phương tiện, cách thức để đạt được mục tiêu. Tránh quan niệm như trước đây của nhiều cán bộ khoa học coi đăng ký được đề tài là mục tiêu, cái đích cần đạt được; bảo vệ xong đề tài là hoàn thành nhiệm vụ, chưa thật sự quan tâm tới hiệu quả, đến sản phẩm cuối cùng của đề tài. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuy có sự đổi mới, tiến bộ nhất định, song nhìn chung chưa ngang tầm; trình độ cán bộ ở một số cơ quan nghiên cứu, trường đại học chưa theo kịp với phát triển của quân đội và đất nước, nhất là hạn chế về năng lực sáng tạo, khả năng vận dụng giải quyết những vấn đề thực tiễn quốc phòng đặt ra, cũng như bất cập về trình độ ngoại ngữ, tin học. Bên cạnh đó, một số cán bộ có biểu hiện giảm sút đạo đức nghề nghiệp, chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu ước mơ, hoài bão, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên về chuyên môn... Tinh thần phối hợp, hợp tác giữa các cá nhân và cơ quan khoa học còn yếu, còn thể hiện tính cục bộ. Thực trạng này cũng là hạn chế chung của đội ngũ trí thức nước ta. Nắm bắt kịp thời tình hình đó, mới đây Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đã xác định mục tiêu đến năm 2020 phải “Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới"1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết đó của Đảng, thời gian tới, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ KH-CN nói chung, cán bộ KH-CNQS nói riêng, cần được đổi mới mạnh mẽ, toàn diện từ quan điểm, nhận thức đến tổ chức, cơ chế và chính sách, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Để đạt được mục tiêu đó, cần thực hiện tốt các nội dung cơ bản sau.
Trước hết, phải không ngừng giáo dục, bồi dưỡng, lập trường giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ KH-CNQS. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, có kiến thức cơ bản vững, có thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, biết vận dụng trong công tác và hoạt động thực tiễn; có bản lĩnh hành động tốt, có khả năng tự học theo nguyên tắc tự học suốt đời là điều kiện cần của mỗi cán bộ KH-CNQS. Để làm được điều đó, cấp ủy và chỉ huy các cấp cần tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng cho đội ngũ cán bộ, trọng tâm là quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ Quân đội, các nghị quyết về KH-CNQS và xây dựng, phát triển CNQP trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hướng mạnh vào “làm theo” tấm gương đạo đức của Người. Qua đó, giáo dục cho đội ngũ trí thức KH-CNQS có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; có nhận thức đúng về tình hình nhiệm vụ của quân đội, nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển KH-CNQS trong giai đoạn mới; có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc khoa học, chính quy, sáng tạo; có động cơ và lòng say mê học tập, nghiên cứu khoa học; đủ sức giải quyết các nhiệm vụ do thực tiễn công tác kỹ thuật và sản xuất quốc phòng đặt ra. Trên cơ sở đó, nâng cao khả năng tiếp cận với công nghệ tiên tiến được chuyển giao và tiến tới sáng tạo những công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nền KH-CNQS và CNQP trong tương lai.
Hai là, phải làm tốt công tác quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ KH-CNQS trong các ngành, các cấp. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị nghiên cứu KH-CNQS đã được xác định và dự báo về sự phát triển (nhiệm vụ, tổ chức lực lượng) trong thời gian tới để xác định nhu cầu tổng quát mà tiến hành quy hoạch cán bộ. Quy hoạch đội ngũ cán bộ này phải gắn với quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, để bổ sung cho nhau và tạo nguồn tốt từ thực tiễn công tác nghiên cứu, sản xuất. Quy hoạch phải bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển vững chắc; cần hình thành cho được 3 lớp cán bộ: đương chức, kế cận, kế tiếp. Trong quá trình thực hiện, phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ. Tránh quan niệm lệch lạc một chiều, chỉ coi trọng cán bộ nhiều tuổi đời, giàu kinh nghiệm, mà coi nhẹ cán bộ trẻ và ngược lại. Mỗi thế hệ cán bộ đều có điểm mạnh và những hạn chế riêng. Do đó, trong bố trí, sử dụng cán bộ cần kết hợp hài hòa. Bên cạnh việc giữ gìn đội ngũ cán bộ lâu năm, nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, cần coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng những cán bộ trẻ, tài năng thông qua hoạt động thực tiễn nghiên cứu khoa học; cán bộ có tài năng xuất sắc, đủ điều kiện và tiêu chuẩn có thể bố trí vượt cấp, không qua tuần tự. Đồng thời, phải tạo điều kiện cho cán bộ tiếp cận với thực tiễn để làm giàu thêm tri thức phục vụ cho công tác nghiên cứu.
Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, gắn đào tạo với việc sử dụng cán bộ có hiệu quả; thực hiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo theo tiêu chuẩn của từng chức danh, bằng nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu của từng loại cán bộ, từng ngành nghề. Đối với số cán bộ tuổi đã cao, ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ mới, khả năng cập nhật thông tin hạn chế, cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại bằng các hình thức ngắn hạn, tại chức, nhằm bổ sung cho họ những kiến thức và phương pháp hiện đại, giúp họ cập nhật được với thông tin mới, nâng cao tri thức và nghiệp vụ chuyên môn để họ tiếp tục cống hiến. Để có một đội ngũ cán bộ KH-CN đồng bộ, có được các kỹ sư trưởng, công trình sư, tổng công trình sư, cần phải có kế hoạch đào tạo, lựa chọn qua thực tiễn thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm. Đối với số cán bộ trẻ, cần khẩn trương có kế hoạch đào tạo cơ bản, chuyên sâu theo phương pháp hiện đại, tiên tiến tầm khu vực và thế giới, hình thành một lớp cán bộ mới, dồi dào trí tuệ và năng động, phát huy được vai trò độc lập, sáng tạo trong nghiên cứu, có khả năng nắm bắt và thích ứng kịp thời với những phát triển mới về KH-CN hiện đại cả trong nghiên cứu cơ bản, kỹ thuật và công nghệ, góp phần tăng cường nguồn lực KH-CN cho quân đội và đất nước.
Ba là, tập trung hoàn thiện môi trường hoạt động và có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ KH-CNQS. Hoạt động nghiên cứu khoa học là loại lao động trí óc, trí tuệ ở trình độ cao, với tư duy độc lập, sáng tạo nên rất cần môi trường thích hợp để cán bộ KH-CN phát huy cao nhất năng lực sáng tạo của mình, nhằm thúc đẩy nền KH-CNQS ngày càng phát triển. Để có môi trường phù hợp với đặc thù nghiên cứu khoa học, trước tiên cần đẩy mạnh việc phát huy dân chủ, bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ, công bằng, khách quan; trong đó, bảo đảm sự tôn trọng và phát huy quyền dân chủ, khơi dậy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân là vấn đề quan trọng nhất. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, nhằm bảo đảm quyền lợi của các nhà khoa học và khuyến khích họ cống hiến. Môi trường nghiên cứu khoa học là môi trường sáng tạo, tránh gò bó, đóng kín, mà cần được cởi mở và thông thoáng trong tư duy, tạo ra một không gian rộng mở và thoáng đạt trong nghiên cứu. Môi trường đó phải được liên thông, liên kết, nhằm thu hút, huy động lực lượng khoa học trong quân đội, đội ngũ các nhà khoa học ngoài quân đội và hợp tác với các chuyên gia đầu ngành của nước ngoài, tham gia nghiên cứu, hợp tác giải quyết những vấn đề KH-CNQS đặt ra.
Bên cạnh đó, cần thể chế hóa các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ KH-CNQS. Với các công trình sáng tạo của tập thể, cá nhân trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật cao, cần có cách nhìn mới tương xứng với giá trị lao động trí tuệ đã bỏ ra. Hình thành cơ chế quản lý đối với các nhà KH-CNQS có trình độ cao để gìn giữ, động viên họ an tâm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng quân đội. Với những cán bộ có phẩm chất và năng lực thực sự còn cống hiến tốt cho sự nghiệp KH-CNQS thì cần kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ và có chính sách phù hợp. Những cán bộ KH-CNQS đã nghỉ hưu, có năng lực ở một lĩnh vực nào đó, nếu có nguyện vọng làm việc thì tổ chức cho họ làm hợp đồng trong từng việc, từng đề tài để khai thác vốn kiến thức, kinh nghiệm của cán bộ và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Đồng thời, các ngành, các cấp trong phạm vi chức năng của mình phải tạo điều kiện cho cán bộ KH-CNQS làm việc có hiệu quả, như cung cấp các phương tiện làm việc, hiện đại hóa hệ thống tin học ngang tầm khu vực và thế giới, đầu tư ngân sách thỏa đáng cho việc nghiên cứu, thực nghiệm để đội ngũ này có thể cống hiến nhiều nhất cho nền KH-CN nước nhà.
Thiếu tướng, TSKH. Nguyễn Quang Bắc
Giám đốc Trung tâm KHKT-CNQS
Bộ Quốc phòng
_________
1- ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 BCHTW khóa X, Nxb. CTQG, H. 2008, tr. 90.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011