QPTD -Thứ Bảy, 06/08/2011, 00:06 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh ở Trường Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là đô thị lớn, đông dân; có 24 quận, huyện với 322 phường, xã, thị trấn. Trên địa bàn có 3 khu chế xuất, 11 khu công nghiệp lớn, 33 cơ quan đại diện ngoại giao, 1.500 Văn phòng Đại diện công ty nước ngoài. Với đặc điểm trên, đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) của Thành phố rất đa dạng, có số lượng đông. Nhận rõ đặc điểm đó, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Thành phố đã trực tiếp chỉ đạo Nhà trường phối hợp với các cơ quan của BCHQS tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng trên địa bàn (trung bình từ 5 đến 7 lớp mỗi năm, mỗi lớp từ 120 đến 150 học viên). Thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, người học đã nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và củng cố QP-AN trong tình hình mới; nhờ đó, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Từ thực tiễn công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn, Nhà trường rút ra một số kinh nghiệm dưới đây, xin trao đổi cùng bạn đọc.

 Thứ nhất, căn cứ vào đối tượng học viên để thiết kế nội dung, chương trình và tổ chức quản lý cho phù hợp. Đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Trường Quân sự Thành phố là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, như: Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn), bí thư đảng uỷ, ban giám đốc các công ty, doanh nghiệp có tổ chức lực lượng tự vệ; các đồng chí giữ cương vị làm tham mưu, như: thủ trưởng các cơ quan, ban ngành cấp Thành phố, trưởng (phó) phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp quận, huyện... (đối tượng 3). Đội ngũ này ở cơ sở có số lượng đông và đa dạng (là người tại chỗ ở địa phương, cán bộ từ nơi khác điều về, cán bộ từ nhiều vùng, miền trong cả nước tới), nên nhận thức, tuổi tác, trình độ học vấn, phong tục tập quán... cũng có sự khác biệt. Phần lớn số này đã được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành; có kiến thức toàn diện cả về kinh tế, chính trị, pháp luật, văn hoá, xã hội; một số đồng chí có học hàm, học vị sau đại học... Những đặc điểm về đối tượng trên đòi hỏi Nhà trường phải xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy phù hợp mới có thể đạt được kết quả mong muốn.

Trên cơ sở giáo trình chuẩn của Bộ quy định, Nhà trường căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu của từng khoá học để cấu trúc chương trình, nội dung cho sát với đối tượng và đặc điểm của từng địa bàn, cơ sở. Với phương châm “bồi dưỡng những gì cơ sở cần, nâng cao nhận thức, chuyển biến hành động”, Nhà trường đã nghiên cứu, tham khảo các tài liệu từ nhiều nguồn có liên quan đến nhiệm vụ QP-AN, công tác quân sự địa phương (QSĐP) ở cơ sở; trực tiếp cử cán bộ, giáo viên xuống các địa phương, các công ty, cơ quan, doanh nghiệp, các ban, ngành để nắm tình hình, tìm hiểu thêm về nhu cầu, về cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ QP-AN xem có gì còn vướng mắc, cần tháo gỡ, bổ sung. Đồng thời, thông qua tham dự các buổi thảo luận ở các tổ, lắng nghe ý kiến phát biểu, đề xuất, kiến nghị của học viên khi trao đổi những vấn đề đã được giới thiệu, những góp ý từ cơ sở về nội dung, chương trình để điều chỉnh dung lượng thông tin, giảm phần lý thuyết, tăng tính thực tiễn trong từng chuyên đề, từng bài học. Trên cơ sở đó, tổng hợp lại, biên soạn, sắp xếp thành những chủ đề theo từng cụm bài cho sát với các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Trường.

Căn cứ vào đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN, Trường chia giáo trình ra làm 2 loại: một dành cho cán bộ giữ cương vị lãnh đạo; một dành cho cán bộ giữ vai trò làm tham mưu. Với 2 chương trình học khác nhau, nhưng có tính chuyên sâu, hợp lý và được cấp trên chấp thuận, thực tiễn giảng dạy từ năm 2003 đến nay cho thấy: đây là cách làm rất thiết thực và hiệu quả, được lãnh đạo các địa phương, ban, ngành ủng hộ, đánh giá cao. Từ đó, rất nhiều địa phương, đơn vị đã “đặt hàng” với Nhà trường, kể cả một số doanh nghiệp lớn của Nhà nước đứng chân trên địa bàn Thành phố cũng mong muốn Trường giúp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của họ. Năm 2008, Nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 6.383 lượt cán bộ ban, ngành, đoàn thể của các quận, huyện và Công ty Điện lực 2, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Trường Cán bộ Thành phố... đạt kết quả tốt, tạo được sự nhất trí cao về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và của địa phương về nhiệm vụ QP-AN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Thứ hai, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn của người học. Kinh nghiệm cho thấy: muốn người học hiểu được vấn đề, nắm vững kiến thức học tập, thì ngoài kiến thức rộng, đội ngũ giáo viên còn phải có năng lực sư phạm và phương pháp giới thiệu sinh động, hấp dẫn. Trong mỗi chuyên đề, giáo viên phải biết lựa chọn những dẫn chứng minh họa phù hợp với nội dung cần truyền đạt. Những nội dung tài liệu đã phân tích kỹ thì không nhắc lại toàn bộ, mà người dạy phải biết đặt vấn đề, gợi mở để người học suy nghĩ, tìm hiểu và tự tư duy trả lời. Cái hay của phương pháp này là buộc người học phải đào sâu suy nghĩ, nghiên cứu, tiếp xúc trước tài liệu để cùng giáo viên hoàn thành bài giảng; đó là phương pháp học tập tích cực, không cần phải giao - trả bài như phương pháp cũ. Hiện tại, Nhà trường đang thực hiện phương pháp lồng ghép, bố trí xen kẽ giữa các bài giảng và thảo luận với chiếu phim minh họa và các bài học bổ trợ, như những “điểm nóng” xảy ra trên địa bàn Thành phố, cách xử lý, ứng phó và giải quyết do chính học viên là cán bộ chủ chốt ở cơ sở trình bày cho lớp học; qua đó, giúp học viên tham khảo thêm kinh nghiệm về cách xử lý các vụ việc phức tạp ngay trên địa bàn Thành phố. Điều đó có nghĩa là lấy những dẫn chứng ngay trong thực tiễn, cái mà họ đang làm, để chứng minh, làm phong phú, sinh động thêm phần lý luận của bài giảng. Những bài học bổ ích thiết thực như vậy rất có giá trị về mặt nhận thức và thực tiễn.

Để kết hợp giữa học ở giảng đường với học ngoài thực tế, Nhà trường đã tổ chức cho học viên đi tham quan một số đơn vị quân đội, công an, các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng hoặc những địa phương đang huấn luyện, diễn tập...; tổ chức tham quan địa đạo Củ Chi, tham quan phòng trưng bày vũ khí tự tạo do Nhà trường tự làm để giới thiệu cách đánh giặc giữ nước, truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, của địa phương,... Qua đó gợi mở về ý thức trách nhiệm trong việc chăm lo, xây dựng lực lượng vũ trang, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Những buổi tham quan như thế có tác động rất tích cực đến tâm lý, tình cảm, nhận thức của người học. Học viên có thể tự nói lên suy nghĩ, chính kiến của mình, hoặc khẳng định mình trên một lĩnh vực chuyên môn nào đó thông qua trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất, mà không có sự áp đặt duy ý chí của giáo viên. Qua theo dõi, nghe phản ảnh từ người học cho thấy: học viên rất tâm đắc những hình thức bổ trợ như thế, vì có thông tin nhiều chiều, nhất là những tin tức nói về hành động chống phá của các thế lực thù địch. Phương pháp dạy và học này đã thể hiện rõ tính hiệu quả trong công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở trên địa bàn TP.HCM. Hiệu quả lớn nhất mà công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN mang lại là cán bộ lãnh đạo các địa phương, cơ sở và các ngành đều thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác quân sự, quốc phòng và chăm lo xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc từ cơ sở.

 Thứ ba, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của Nhà trường ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.Đây là vấn đề không mới, nhưng lúc nào cũng cần thiết và quan trọng, vì nó giữ vai trò quyết định chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Trường Quân sự Thành phố cũng nằm trong thực trạng chung của các trường Quân sự tỉnh (thành) là đội ngũ cán bộ, giáo viên nói chung còn mỏng về số lượng và hạn chế về chất lượng. Trong khi đó, học viên các khoá bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Trường đều là những người có kiến thức toàn diện, am hiểu và năng động trên các lĩnh vực xã hội; nhiều người có trình độ học vấn cao. Để khắc phục mâu thuẫn này, Nhà trường luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, năng lực, kỹ năng sư phạm, khả năng công tác cho đội ngũ cán bộ, giáo viên để họ hoàn thành tốt trọng trách được giao, truyền thụ đầy đủ kiến thức QP-AN và kinh nghiệm công tác QSĐP cho người học. Theo đó, Trường Quân sự TP.HCM đã vận dụng nhiều giải pháp, như: tổ chức tập huấn tại chức, tại chỗ, dự thông qua bài giảng để bổ túc thêm kiến thức và kinh nghiệm cho cán bộ, giáo viên. Mặt khác, Nhà trường trực tiếp tổ chức nhiều đoàn khảo sát xuống tận cơ sở nắm tình hình, kiểm nghiệm kết quả bồi dưỡng tại Trường đã được học viên vận dụng vào thực tiễn; qua đó thấy rõ những việc làm được và những hạn chế thuộc về công tác quản lý, giảng dạy của Nhà trường để có biện pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và phương pháp sư phạm cho cán bộ, giáo viên. Để đội ngũ giáo viên có vốn liếng từ thực tế, Nhà trường yêu cầu họ phải tích cực thâm nhập cơ sở, tìm hiểu, học hỏi từ cơ sở, vì đó không chỉ là trường học thực tiễn tốt nhất để bù đắp sự thiếu hụt về kinh nghiệm, mà còn giúp cho cán bộ, giáo viên xây dựng bản lĩnh, rèn luyện phong cách, tác phong sâu sát, gần gũi cơ sở.

Ngoài việc luân phiên cử đi đào tạo tại các học viện, nhà trường quân đội, Trường Quân sự TP.HCM luôn khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên tự học tập, trau dồi phẩm chất, đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm; học ở cấp trên, học ở đồng nghiệp và học ở cả những học viên có phương pháp trình bày các nội dung mạch lạc, diễn đạt truyền cảm, dễ tiếp thu... Nhà trường cũng đang cố gắng đầu tư thêm những trang thiết bị cần thiết để cán bộ, giáo viên có điều kiện nghiên cứu, tham khảo những tài liệu, thông tin được đăng tải trên sách báo, tạp chí liên quan đến QP-AN, công tác QSĐP; cập nhật những tư liệu mới nhất, sát nhất để đưa vào bài giảng, làm sáng tỏ phần lý luận đã học, nhất là những “điểm nóng” trên địa bàn Thành phố đã và đang xảy ra để người học tự liên hệ vận dụng cách ứng phó, xử lý. Bằng các biện pháp tổng hợp đó, Trường Quân sự TP.HCM đang từng bước “chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ, giáo viên để không ngừng nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ lãnh đạo, quản lý địa phương.

Đại tá HOÀNG VĂN THUẬN

Hiệu trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)