QPTD -Thứ Ba, 06/12/2011, 23:47 (GMT+7)
Nắm vững, bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới

Từ lâu chúng ta đã nhận biết rằng cứ sắp đến Đại hội toàn quốc của Đảng thì các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội (CNXH) lại tăng cường độ chống phá Đảng ta. Từ ngày Đảng ta bắt tay vào chuẩn bị cho Đại hội X thì chúng càng điên cuồng mở chiến dịch chống phá rất nham hiểm và quyết liệt, hòng mơ tưởng Đại hội X là Đại hội cuối cùng của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam. Những luận điệu của các thế lực thù địch lại được phụ họa bởi một số phần tử cơ hội chính trị, một số phần tử bất mãn và một số phần tử dao động về nhận thức ngay trong Đảng và trong nhân dân ta. Trong số những luận điệu chống phá ĐCS Việt Nam có luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc, bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin (CNMLN).

Thật ra thì các thế lực thù địch biết rõ sự lợi hại của vũ khí tư tưởng Mác - Lênin, sự lợi hại của thế giới quan mácxít. Họ thừa biết nhờ thấm nhuần và áp dụng sáng tạo CNMLN mà cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã nổ ra thành công ở nước Nga và chỉ trong vòng một phần tư thế kỷ Liên Xô đã trở thành một siêu cường quốc, mà cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thành công rồi tiến lên CNXH ở Trung Quốc, Việt Nam... Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị cũng thừa biết rằng chính lúc xa rời, vứt bỏ CNMLN mà công cuộc cải tổ ở Liên Xô không dẫn đến củng cố CNXH, trái lại dẫn Liên Xô đến tan rã, thừa biết rằng chính Trung Quốc, Việt Nam kiên định CNMLN mà công cuộc cải cách, đổi mới đã thành công rực rỡ, CNXH được bảo vệ và phát triển trên thực tế, thừa biết rằng chính Cuba - một nước nhỏ, người không đông, nhưng biết kiên định học thuyết Mác - Lênin mà vẫn trụ được giữa vòng vây của chủ nghĩa đế quốc. Chính biết rõ như thế mà các thế lực thù địch càng điên cuồng chống phá CNMLN.
Trong thực tiễn, chống phá CNMLN đồng nghĩa với chống phá sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vai trò lãnh đạo của ĐCS và con đường đi lên CNXH. Đấy là một quá trình, một bản chất, thống nhất biện chứng, chứ không phải là những quá trình, những bản chất tách rời nhau. Cũng từ kinh nghiệm thực tiễn Liên Xô tan vỡ cho ta thấy những kẻ cơ hội chính trị cùng các thế lực thù địch đã vu khống, đã kích động rằng những người bảo vệ Đảng, bảo vệ CNMLN, bảo vệ CNXH là những người giáo điều, bảo thủ. Thì ra họ dùng những từ ngữ giáo điều, bảo thủ làm thủ đoạn để công kích những người cách mạng chân chính ở Liên Xô vào những năm 1987, 1988, 1989. Đã 20 năm mà bài học vẫn còn nóng hổi, lịch sử đã chứng minh rằng những kẻ xét lại trong giới cầm quyền chóp bu vứt bỏ ngọn cờ tư tưởng, làm cho xã hội Liên Xô rối loạn về tư tưởng và tổ chức, dẫn đến sự sụp đổ trong chốc lát một nhà nước xôviết đã từng hùng cường và vĩ đại. Ngày nay, âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, được những kẻ cơ hội chính trị phụ họa, vẫn nuôi hy vọng lặp lại kịch bản đó đối với những nước mà ĐCS đang cầm quyền (như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên), đương nhiên có khác với những cuộc “cách mạng sắc màu” diễn ra ở Grudia, Ucraina... khi mà ở đó trên thực tế đã không còn chế độ XHCN nữa, tuy rằng về bản chất đều là lật đổ, lôi cuốn các nước đi theo và lệ thuộc vào “phương Tây”.
Ở Việt Nam hiện nay, các thế lực chống phá CNMLN thường rêu rao rằng CNMLN đã lỗi thời, C.Mác và V.I.Lênin nói những vấn đề từ thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nay nền văn minh thế giới đã khác xa, nay chủ nghĩa tư bản cũng đã biến đổi nhiều; rằng Liên Xô tan vỡ thì coi như CNMLN đã chết; rằng nhiều nhất thì Việt Nam chỉ có thể vận dụng vào công cuộc giải phóng dân tộc chứ không thể áp dụng vào giai đoạn phát triển hiện nay; rằng nếu có áp dụng thì cũng chỉ nên coi đó là một trong hàng chục học thuyết ta cần tham khảo chứ không nên xác định là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, v.v... Họ xuyên tạc các đảng theo CNMLN là theo chế độ độc tài, là đấu tranh giai cấp tàn khốc, v.v... và kèm theo đó họ ra sức kích động đa nguyên tư tưởng, đa nguyên chính trị.
Phải thừa nhận rằng sự kiện Liên Xô tan vỡ là một thảm họa của nhân dân lao động thế giới, đẩy CNXH thế giới tạm thời lâm vào thoái trào. Kẻ thù của CNXH đã lợi dụng và khai thác triệt để sự kiện đó để tác động đến tư tưởng nhân loại, và đương nhiên cũng đã tác động vào xã hội ta, làm cho một số người thiếu hiểu biết sâu sắc lại không có phương pháp tư tưởng đúng đắn, sinh ra ngờ vực CNMLN, CNXH và vai trò lãnh đạo của ĐCS.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đó là một chân lý, song không phải là quần chúng ô hợp mà là quần chúng được tổ chức, có lãnh đạo. Lịch sử hiện đại Việt Nam đã chứng minh, đã sàng lọc, tuyển chọn ĐCS Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo đó và chính lịch sử cũng khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất, không có đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. ĐCS Việt Nam muốn lãnh đạo thì phải có học thuyết và muốn lãnh đạo có hiệu quả thì phải có học thuyết đúng đắn làm cơ sở cho không những xác định được mục tiêu đúng đắn mà cả những phương pháp đúng đắn để đi dần đến mục tiêu, đáp ứng ngày càng cao lợi ích của nhân dân lao động và của dân tộc. Ngay từ những năm tháng còn đen tối, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn ái Quốc đã viết : “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Đã từ lâu, chúng ta nhận thức rằng chủ nghĩa Lênin không thoát ly chủ nghĩa Mác, là một thể thống nhất của chủ nghĩa Mác, cũng như thể khi nói chủ nghĩa Mác thì lẽ đương nhiên bao giờ cũng là có bao hàm tư tưởng, lý luận, sự cống hiến khoa học của Ph. ăng-ghen. Tư tưởng, lý luận của C. Mác, Ph. ăng-ghen, V.I.Lênin hợp thành một hệ thống học thuyết cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới. Chính V.I. Lênin là người có công đầu đấu tranh kiên cường, sắc bén với lực lượng cơ hội chủ nghĩa trong Quốc tế II để bảo vệ chủ nghĩa Mác, tổ chức lại phong trào cộng sản và công nhân theo chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Lênin là chủ nghĩa Mác trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa - một giai đoạn cao của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa Lênin, trước hết là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác để làm cách mạng, giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở một nước tư bản còn tương đối lạc hậu, đưa chủ nghĩa Mác từ học thuyết khoa học đến hiện thực sinh động. Chủ nghĩa Lênin còn là học thuyết về xây dựng ĐCS gắn liền với xây dựng CNXH trong bước đi đầu tiên, một thực nghiệm vô cùng mới mẻ đối với toàn thể nhân loại.
Cách mạng Tháng Mười Nga và những thành tựu xây dựng CNXH những năm đầu ở Liên Xô là sản phẩm đầu tiên, trực tiếp nhất của CNMLN, đã ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn ái Quốc, góp phần quyết định đưa phong trào yêu nước Việt Nam vào quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới.
           
Trước lúc ra đi không lâu, ngày 15-7-1969, Bác Hồ đã trả lời phỏng vấn của đồng chí Sáclơ Phuốcniô - phóng viên báo “Nhân đạo” của ĐCS Pháp : “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của V.I. Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được những thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không phải chỉ nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh V.I. Lênin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là CNMLN”. Bác cũng đã khẳng định mạnh mẽ : “Đảng ta có CNMLN là chủ nghĩa cách mạng và khoa học nhất”1. Như thế, chúng ta không thể thay đổi lời của Bác để nói rằng chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh, rằng tư tưởng Hồ Chí Minh như là một thực thể độc lập, như là một cái gì khác với CNMLN. Chỉ có thể hiểu rằng CNMLN là phần cốt lõi nhất, là chất cao nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển sáng tạo CNMLN vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đương nhiên, tư tưởng Hồ Chí Minh còn có cả sự kết tinh văn hóa dân tộc Việt Nam cùng nhân loại tiến bộ và còn có cả yếu tố đặc thù Hồ Chí Minh vô cùng trong sáng, vô cùng cao thượng, đầy sức thuyết phục đối với mọi con người.
Xưa nay, một học thuyết đúng đắn, cả lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội, đều phải là kết quả của những hoạt động quan sát, điều tra sự vật, hiện tượng được lặp đi lặp lại trong nhiều tình huống, cùng với sự phân tích, tổng hợp tuyệt vời của trí não, lại có cả khảo nghiệm thành công và thất bại, để chỉ ra được bản chất sự vật, hiện tượng, quy luật tồn tại và vận động của sự vật, hiện tượng, từ đó giúp con người, loài người có thể sống thích ứng và phát triển không ngừng. Tùy theo không gian và thời gian xác định theo đó được nghiên cứu rút ra kết luận mà quy định chính không gian, thời gian ảnh hưởng của một học thuyết. Có những học thuyết đúng đắn trên quy mô vô cùng rộng lớn và đúng đắn mãi mãi. Nhận thức quả đất hình cầu và tự quay xung quanh trục nghiêng của nó, quả đất có sức hút, nhận thức nước có sức đẩy (sức đẩy ác-si- mét) và còn có công thức chung để tính được sức đẩy đó, nhận thức rằng “dân là gốc” và rằng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, rằng “lịch sử loài người là lịch sử của các phương thức sản xuất phát triển từ thấp đến cao”, v.v.. là chứng minh cho những học thuyết đúng đắn mãi mãi.
CNMLN không phải là sản phẩm của chủ nghĩa chủ quan duy ý chí, không phải là sự lãng mạn hão huyền như một số kẻ bôi nhọ, xuyên tạc, mà là sản phẩm trí tuệ được tổng kết sâu sắc thực tiễn cuộc đấu tranh của nhân loại, tiếp thu, kế thừa và phát triển sáng tạo các thành tựu khoa học (cả khoa học xã hội cũng như khoa học tự nhiên) và thành tựu của các cuộc cách mạng kỹ thuật đương thời. Các nhà sáng lập CNMLN, trước hết cũng là những người lăn mình vào cuộc đấu tranh thực tiễn của nhân dân lao động, của nhân loại tiến bộ, phản ánh đúng đắn được nhu cầu và khả năng khách quan đưa lịch sử của bản thân con người tiến lên. Nhờ đó mà CNMLN đã chỉ ra được một thế giới quan khoa học, giúp con người nhận thức được bản chất thế giới cùng những quy luật vận động chung của thế giới (cả tự nhiên, xã hội và tư duy). Tổng kết sâu sắc lịch sử loài người, CNMLN đã chỉ ra rằng lịch sử loài người là lịch sử của các phương thức sản xuất, hơn nữa là lịch sử phát triển từ thấp đến cao của các phương thức sản xuất, và cũng là lịch sử phát triển từ thấp đến cao của các hình thái kinh tế - xã hội. CNMLN chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất là yếu tố cách mạng, luôn luôn đòi hỏi phát triển, đòi hỏi quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của nó. Sự đấu tranh giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất làm cho phương thức sản xuất phát triển từ thấp đến cao, làm cơ sở cho các hình thái kinh tế - xã hội phát triển từ thấp đến cao. Cuộc đấu tranh ấy được biểu hiện thành cuộc đấu tranh giai cấp. Và, trong xã hội có giai cấp đối kháng thì đấu tranh giai cấp là một động lực cho sự phát triển phương thức sản xuất. Sức sống mạnh mẽ của CNMLN là ở chỗ vận dụng quy luật vận động của lịch sử tiến hóa nhân loại để phân tích xã hội tư bản, chỉ ra rằng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vô cùng tiến bộ so với các phương thức sản xuất trước kia, tạo được khối lượng của cải đồ sộ hơn nhiều thế kỷ trước cộng lại, người lao động được tự do về thân thể, sản xuất và trao đổi hàng hóa rất phát triển, làm cơ sở hình thành và phát triển nền dân chủ tư sản thay thế các chế độ độc tài trước kia, tuy nhiên từng bước phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa lại từng bước tạo ra mâu thuẫn nội tại mà chủ nghĩa tư bản không tự khắc phục được. Mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản là mâu thuẫn giữa tính chất và trình độ xã hội hóa của nền sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Đến giai đoạn tư bản độc quyền (còn gọi là chủ nghĩa đế quốc), một giai đoạn phát triển cao của chủ nghĩa tư bản, thì mâu thuẫn cơ bản càng trở nên sâu sắc. Sự vận động của mâu thuẫn cơ bản vừa đòi hỏi lại vừa chuẩn bị nhiều hơn, gần hơn cho sự ra đời một phương thức sản xuất tiến bộ hơn là phương thức sản xuất XHCN. Phương thức sản xuất XHCN dựa trên lực lượng sản xuất rất cao, xã hội nắm lấy tư liệu sản xuất để thúc đẩy sản xuất phát triển, thực hiện công bằng xã hội, cải thiện đời sống toàn xã hội, làm cho xã hội không khủng hoảng kinh tế, không còn thất nghiệp. Như thế là trong thời đại ngày nay, CNMLN thể hiện tính nhân đạo rộng lớn nhất và sâu sắc nhất.
CNMLN là cả một hệ thống học thuyết, từ thế giới quan khoa học cho đến các học thuyết kinh tế, các học thuyết chính trị..., soi sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, làm nền tảng cho sự phát triển đúng đắn các khoa học xã hội. Vì được hình thành và phát triển trên cơ sở khoa học và thực tiễn hết sức đúng đắn cho nên cũng như mọi học thuyết đúng đắn khác, những luận điểm cơ bản, những nguyên lý, quy luật cơ bản mà CNMLN chỉ ra là mãi mãi đúng. Những vấn đề không còn phù hợp trong điều kiện mới thì đòi hỏi các ĐCS phải vận dụng và phát triển sáng tạo. Chính V.I. Lênin đã kế thừa và phát triển xứng đáng chủ nghĩa Mác như vậy khi bổ sung vào chủ nghĩa Mác rằng chủ nghĩa đế quốc có quy luật phát triển không đều về kinh tế và chính trị, có những nước kinh tế chưa phát triển nhưng có sự chín muồi về phương diện chính trị cho nên có thể nổ ra cuộc cách mạng giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Và, trong điều kiện như thế thì sau khi giành được chính quyền, công cuộc công nghiệp hóa đất nước, tạo nên sự chín muồi về phương diện kinh tế cho đồng bộ với chính trị, là nhiệm vụ sống còn của nhà nước XHCN.
Sức sống của CNMLN là ở thực tiễn phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nguồn gốc, mục đích và quá trình phát triển CNMLN là ở thực tiễn. Chính CNMLN đã chỉ ra thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, cho nên CNMLN luôn luôn tự coi mình là một hệ thống học thuyết mở, phát triển không ngừng. CNMLN không bao giờ tự coi mình có mọi câu giải đáp sẵn cho cuộc sống đang diễn ra phong phú phức tạp hằng ngày, chiếm hết chỗ sáng tạo của các ĐCS. Những vấn đề chưa có câu giải đáp sẵn đó thì CNMLN đã cung cấp phương pháp luận, mà nắm vững phương pháp luận đó thì các ĐCS có thể giải quyết đúng đắn, tương tự như người ta tiếp tục điền vào những ô trống của bảng tuần hoàn Men-đê-lê-ép một khi hiểu thấu lý luận hóa trị của Men-đê-lê-ép.
Nhận thức đúng hay sai, vận dụng đúng hay sai CNMLN là điều tối hệ trọng, liên quan đến thành công hay thất bại trong hoạt động của các ĐCS. Trong hoạt động lãnh đạo của ĐCS, bên cạnh những thành công cũng có thể có vấp váp sai lầm, nhưng biết tự phê bình và phê bình, kịp thời nhận ra sai lầm và kiên quyết sửa chữa có hiệu quả, thì chẳng những góp phần bảo vệ mà còn phát triển sáng tạo CNMLN trong những tình huống mới, phức tạp. Khẩu hiệu “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rễ” trong phong trào xô-viết Nghệ Tĩnh năm 1930 là vận dụng không đúng học thuyết đấu tranh giai cấp của CNMLN vào hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến như nước ta. Sai lầm trong chỉnh đốn tổ chức, cải cách ruộng đất ở miền Bắc những năm 1955, 1956 cũng là giáo điều rập khuôn nước ngoài, không hiểu đúng và không thực hành đúng quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp vào điều kiện cụ thể của nước ta. Đối với những sai lầm đó, Đảng ta đã sáng suốt, kịp thời nhận ra và kiên quyết sửa chữa, do vậy phong trào cách mạng lại tiếp tục tiến lên. Trong công cuộc xây dựng CNXH, cũng có lúc chúng ta nóng vội trong bước đi, làm không đúng lý luận của CNMLN về thời kỳ quá độ cho nên đã phải trả giá đắt, nhưng rồi biết nhìn thẳng vào sự thật, trở lại những nhận thức đúng đắn hơn về CNXH, đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, cuối cùng lại thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Tuy vậy cũng có kinh nghiệm thu được thật là đau đớn. Người đứng đầu ĐCS Liên Xô những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước đã mắc sai lầm quá nghiêm trọng: vứt bỏ những nguyên tắc cơ bản của CNMLN, những nguyên tắc cơ bản của CNXH, những nguyên tắc cơ bản của xây dựng Đảng, đó là những sai lầm “chết người” không phương cứu chữa, đã nhanh chóng dẫn Liên Xô và ĐCS Liên Xô đến chỗ tan rã. ở đây cho thấy không phải Liên Xô tan rã vì CNMLN, trái lại vì vứt bỏ CNMLN mà Liên Xô sụp đổ.
Đúng như lời Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân Việt Nam ta đã quá đủ thời gian để nghiệm rằng nhờ CNMLN mà ĐCS Việt Nam ra đời, mà Cách mạng Tháng Tám thành công, mà các cuộc kháng chiến thắng lợi, mà cả công cuộc đổi mới ngày nay đã thu được thành tựu vẻ vang. Kinh nghiệm xương máu của Đảng và nhân dân ta, bài học thành công và cả sai lầm vấp váp cho thấy không thể từ bỏ CNMLN, trái lại phải nắm vững CNMLN, bảo vệ CNMLN và phát triển sáng tạo CNMLN. Có hiểu biết đúng đắn và nắm vững thì mới bảo vệ được CNMLN, có nắm vững và bảo vệ thì mới phát triển sáng tạo được CNMLN, có phát triển sáng tạo thì mới bảo vệ được CNMLN. Chúng ta kiên định Cương lĩnh 1991 : xác định CNMLN và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta. Đó là ngọn cờ tư tưởng vĩ đại dẫn đường, đưa Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta đến tiền đồ vẻ vang và tương lai sáng lạn.
 
Vũ Hữu Ngoạn
Thường trực Ban chỉ đạo biên soạn Toàn tập Văn kiện Đảng
 
1- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Tập 6. Nxb CTQG, H.2000, tr.479.
 

Ý kiến bạn đọc (0)