QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 00:50 (GMT+7)
Một sự xuyên tạc và vu cáo trắng trợn

Trong Báo cáo phúc trình năm 2010, Tổ chức Ân xá quốc tế (viết tắt là AI) lại một lần nữa can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam với những luận điệu xuyên tạc và vu cáo trắng trợn.

 

Họ chỉ trích Chính phủ Việt Nam rằng: "ở Việt Nam đang có một làn sóng bắt bớ, nhằm vào giới đấu tranh cho dân chủ và những người chỉ trích Chính phủ..., tiếp tục trấn áp những người bất đồng chính kiến..., bắt bớ, sách nhiễu và giám sát chặt chẽ các thành viên của các nhóm tôn giáo bị cho là chống đối chính quyền...". Đi xa hơn, họ còn đòi Nhà nước ta phải  thay đổi Luật Hình sự năm 1999 và cho rằng: các điểm đề cập tới an ninh quốc gia trong Luật Hình sự năm 1999 “vốn không phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; … hạn chế đối với bất đồng chính kiến, đối lập chính trị, quyền tự do ngôn luận và hội họp; và trả tự do cho tù nhân lương tâm”... Những điều mà AI ám chỉ là Điều 79 “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và Điều 88 “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” của Bộ luật Hình sự năm 1999. Chứng cứ được họ viện dẫn là vụ án xét xử Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long… Sự chỉ trích đó của AI không chỉ là một sự phi lý, phi pháp; hơn nữa, đó còn là một sự xuyên tạc và vu cáo trắng trợn đối với Nhà nước Việt Nam.

AI bảo vệ ai và nhằm mục đích gì?

Còn nhớ vào cuối năm 2009, khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long, AI đã ra Lời kêu gọi khẩn cấp tới mọi người quan tâm đến vụ việc này “ngay lập tức gửi thư tới Thủ tướng …và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao…Việt Nam" đòi “ thả ngay lập tức và vô điều kiện, xóa bỏ tất cả các cáo buộc đối với họ”. Sau khi vụ án đã được xét xử công minh, tổ chức này lại tiếp tục có hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam, nhưng lại nhân danh "bảo vệ dân chủ, nhân quyền" ở Việt Nam!

Những ai đã theo dõi phiên tòa xét xử 4 nhân vật trên đều rõ, họ là những kẻ phạm tội, câu kết với các tổ chức phản động lưu vong, trong đó có cả tổ chức khủng bố, như Việt Tân; xây dựng tổ chức bất hợp pháp, thực hiện ý đồ lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Chính Lê Công Định đã thừa nhận: "Tôi biết những việc tôi làm là vi phạm pháp luật Việt Nam”. Chính họ đã cùng nhau bàn bạc để viết tài liệu gọi là: “ Con đường Việt Nam”, chuẩn bị thành lập “Đảng Dân chủ”, “ Đảng Xã hội Việt Nam”. Lê công Định còn sang Thái Lan dự lớp huấn luyện về Đấu tranh “bất bạo động”… Như vậy, không phải AI không biết Lê Công Định và đồng bọn là những kẻ phạm tội. Vậy, vì sao họ vẫn cố tình xuyên tạc, vu cáo Việt Nam, bảo vệ cho những kẻ phản loạn đó?

Thứ nhất, về mục tiêu, AI đã được những lực lượng "dân chủ, nhân quyền" cực đoan phương Tây sử dụng như một công cụ phục vụ cho chiến lược "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ đối với các quốc gia XHCN; trong đó, trọng tâm là Trung Quốc và Việt Nam…

Thứ hai, về thủ đoạn, AI là kẻ phát ngôn của các thế lực chống CNXH, với hy vọng tạo ra dư luận trên thế giới hòng cô lập Việt Nam. Nhưng AI vẫn làm như họ là một hiệp sỹ bảo vệ nhân quyền ở khắp nơi trên thế giới, mà thực chất là bảo vệ những kẻ phạm tội, khuyến khích các phần tử khác tiếp tục chống phá Nhà nước Việt Nam.

Khác với nhiều tổ chức và các quốc gia đã và đang tham gia đối thoại nhân quyền với Việt Nam, AI cố tình phủ nhận thành quả nhân quyền của Việt Nam, cố tình phớt lờ các chứng cứ cáo buộc những kẻ phạm tội. Đi xa hơn, họ còn đòi thay đổi thể chế xã hội, thay đổi pháp luật quốc gia, mà theo họ là “không phù hợp với tiêu chuẩn pháp lý quốc tế” tạo cơ sở pháp lý cho các phần tử phản động hoạt động lật đổ Nhà nước Việt Nam.

Như mọi người đều biết, hiện vẫn đang có một thực tế không thể phủ nhận được là: chiến lược “Diễn biến hòa bình” với thủ đoạn lợi dụng dân chủ, nhân quyền làm vũ khí đang được các thế lực thù địch triệt để sử dụng nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau sự kiện Liên Xô tan rã, các nhà nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, cựu Tổng thống Hoa Kỳ R.Nich-xơn đã rút ra kết luận: Hoa Kỳ có thể giành “chiến thắng mà không cần chiến tranh” nếu biết sử dụng chiến lược “Diễn biến hoà bình". Áp dụng vào Việt Nam, chiến lược đó đã được các chuyên gia "dân chủ, nhân quyền" của phương Tây, trong đó có AI “cụ thể hóa” bằng việc tuyên truyền cho các “chuẩn mực” của phương Tây, như “dân chủ”,  "công khai”, “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”…, hòng thay đổi thể chế xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, những phần tử “bất đồng chính kiến” trong nước trỗi dậy, và các thế lực thù địch, chống đối ở ngoài nước “hồi hương", xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bạo loạn, lật đổ; thành lập các tổ chức chính trị phản động chống Nhà nước Cộng hòa XNCN Việt Nam bằng “phương pháp bất bạo động”...

Trong bối cảnh quốc tế và âm mưu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch như vậy, cũng như bất cứ quốc gia có chủ quyền nào khác, Việt Nam không thể không có các biện pháp phòng ngừa.

Rõ ràng là, khi an ninh quốc gia bị đe dọa, khi các thế lực thù địch vẫn tiếp tục dùng các biện pháp tuyên truyền chống đối trên lĩnh vực tư tưởng, nhằm mục tiêu từng bước đi tới xoá bỏ chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, xóa bỏ Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thì việc Bộ luật Hình sự quy định các hành vi được người ta gọi là “bất bạo động”, như thành lập các tổ chức phi pháp hoặc tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là những tội phạm nguy hiểm, là hoàn toàn hợp lý.

Cho đến nay, không có một văn kiện quốc tế nào bắt buộc các quốc gia phải áp dụng một tiêu chuẩn, một quy định pháp lý thống nhất; hơn nữa, những tiêu chuẩn đó đang bị một số thế lực lợi dụng để chống phá đất nước. Đơn giản vì thế giới xưa nay không phải một quốc gia, Liên hợp quốc không phải là chính quyền Trung ương và các quốc gia không phải là chính quyền địa phương. Các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau, có đặc thù văn hóa, truyền thống..., không giống nhau, thì việc nội luật hóa các công ước mà mình đã tham gia vào pháp luật quốc gia phải phù hợp với hoàn cảnh của đất nước là điều tất nhiên và đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Trên lĩnh vực pháp lý cũng như các lĩnh vực khác, quan hệ giữa Liên hợp quốc với quốc gia là quan hệ song phương. Luật quốc tế, trên thực tế, đó là các hiệp ước giữa các quốc gia, nó chỉ phát sinh hiệu lực khi quốc gia nào đó gia nhập, ký kết, phê chuẩn. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là nguyên tắc tối thượng, bao quát các quan hệ quốc tế trong đó có cả quan hệ pháp lý. Văn kiện "Tuyên bố về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế” năm 1970 nhấn mạnh: Sự tuân thủ chặt chẽ của các quốc gia đối với trách nhiệm không can thiệp vào công việc của bất kỳ quốc gia nào là một điều kiện cơ bản để đảm bảo rằng các quốc gia chung sống trong hoà bình..., bất kỳ hình thức can thiệp nào đều không chỉ vi phạm tinh thần và nội dung của Hiến chương mà còn dẫn đến những tình huống đe dọa đến hoà bình và an ninh quốc tế1.

Điều 1 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, quy định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết...” bao gồm quyền “quyết định thể chế chính trị...”. Điều đó có nghĩa là, một quốc gia - dân tộc lựa chọn chế độ xã hội nào, hệ thống chính trị đa đảng hay “độc” đảng, xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ con người và chế độ xã hội ra sao..., là quyền của mỗi quốc gia - dân tộc, mà cụ thể là thẩm quyền của cơ quan lập pháp nước đó.

Xin lưu ý rằng, các quy định về các quyền dân sự, chính trị như "Quyền tự do ngôn luận”; “Quyền tự do lập hội, hội họp”..., không phải là quyền tuyệt đối mà là những quyền bị hạn chế. Có nghĩa là, đối với những quyền trên, các quốc gia có quyền đưa ra các quy định hạn chế, nếu đó là cần thiết, vì “An ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc vì các quyền và tự do của người khác.”2.

Trường hợp Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt, toà án xét xử và kết tội là hoàn toàn thích đáng, có căn cứ xác thực về hành vi vi phạm pháp luật, cho dù họ có cố tình lẩn tránh pháp luật bằng thủ đoạn hoạt động “bất bạo động”. Vì thế, có thể nói các quy định trong Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Cho đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Pháp luật Việt Nam đã tương thích với luật quốc tế. Quyền con người ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm tốt hơn cùng với những tiến bộ đạt được trong tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Điều đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới; sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam không bao giờ bó tay trước các âm mưu và hành động lợi dụng, "dân chủ", "nhân quyền", "tự do ngôn luận", "tự do báo chí"..., để lật đổ chế độ xã hội mà nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh bao nhiêu xương máu mới giành lại được. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng không bao giờ vì cái gọi là "chuẩn mực pháp lý quốc tế" mà phải hy sinh lợi ích cao nhất của mình, đó là độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vì đây chính là điều kiện cơ bản bảo đảm quyền con người của chúng ta.

Nếu muốn giữ uy tín của mình, tốt nhất AI hãy từ bỏ việc can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, từ bỏ hành vi xuyên tạc và vu cáo Việt Nam như thời gian vừa qua.

CHÍ LINH

______________

1- Xem: Trung tâm nghiên cứu quyền con người - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002, tr 91. 

2- Sđd,  tr. 255.

 

Ý kiến bạn đọc (0)