Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:12 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Ngày 18-11-2010, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2010” về tình hình tôn giáo ở gần hai trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bản Báo cáo này đã đưa ra những đánh giá không khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Đó là một sự đánh giá hồ đồ, thiếu thiện chí!
Chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà Bộ Ngoại giao Mỹ lại cho mình cái quyền hằng năm xem xét, đánh giá tình hình tự do tôn giáo của các nước trên thế giới. John V.Hanford, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế lập luận rằng: “Vẫn còn nhiều việc phải làm và vì chúng ta nhận thức được rằng còn hàng triệu người khác đang bị chính phủ của họ tước bỏ quyền được tự do theo đạo và hành đạo, nên Hoa Kỳ sẽ tiếp tục kiên trì theo đuổi việc xây dựng và bảo vệ các quyền tôn giáo cho người dân ở mọi nơi”1. Theo đó, những bản điều trần, phúc trình, báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra hằng năm để đánh giá tình hình và tự xếp một số quốc gia trên thế giới vào danh sách “vi phạm tự do tôn giáo”, cần “đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo”, nhưng nó đều không có gì mới; bởi đó vẫn là sự đánh giá hồ đồ, thiếu thiện chí.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2010” về tình hình tôn giáo ở 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tiếp tục đưa ra những đánh giá không khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam. Bản Báo cáo này đã xuyên tạc: “Có thí dụ về việc chính quyền can dự trực tiếp, hay cho phép các hành động bạo lực đối với thành viên của các nhóm tôn giáo… Cũng có thông tin về cách đối xử khắc nghiệt nhằm vào những người bị bắt bị cáo buộc là đã kích động bạo lực trong một cuộc biểu tình chống việc thực thi một thỏa thuận giữa Giáo hội Công giáo và Chính phủ nhằm đóng cửa một nghĩa trang ở giáo xứ Cồn Dầu… Nhiều nơi các cộng đoàn tôn giáo cũng bị sách nhiễu… nhiều tôn giáo bị chèn ép, nhất là khi hoạt động của họ bị coi là có khả năng thách thức quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam”2. Đây là đánh giá hồ đồ, thiếu căn cứ, với dụng ý xấu. Ngay Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ - Hillary Clinton, khi trả lời báo chí về Báo cáo này, đã nói rằng: “Hoa Kỳ không có ý làm quan tòa xem xét các nước khác và xem mình như một hình mẫu tuyệt hảo, mà chỉ tỏ sự quan tâm đến tự do tôn giáo”3. Đúng là Mỹ không thể làm “quan tòa xem xét các nước khác và xem mình như một hình mẫu tuyệt hảo”, nhưng cũng không nên và không có quyền “tỏ sự quan tâm đến tự do tôn giáo” ở nước khác như kiểu Báo cáo trên.
Chỉ cần dẫn lời của những người Mỹ đã lên tiếng phản bác nội dung của Báo cáo cũng thấy rõ mưu đồ thực sự của việc đưa ra những đánh giá đó là gì. Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo, nhiều người Mỹ đã lên tiếng phản đối và vạch rõ: “chính quyền xử lý các hành vi phạm pháp mà có vài cá nhân theo đạo trong đó thì lại nói là đàn áp tôn giáo. Thấy dân tập trung khiếu nại đông người hay biểu tình thì lại ghép cho hai chữ “dân oan”. Nhận thức hết sức lệch lạc. Nếu thấy người dân biểu tình mà bảo là dân oan thì chắc chắn trên thế giới này nước Mỹ là nước có nhiều dân oan nhất”4. Chủ tịch Tiểu ban về châu Á - Thái Bình Dương và Môi trường Toàn cầu thuộc ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ - Hạ nghị sĩ Eni F.H.Faleomaveaga cũng không đồng tình về cách đánh giá phiến diện trên của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông cho biết: “Trong các chuyến thăm đến Việt Nam, không có bất cứ nơi nào mà tôi phải chứng kiến cảnh người ta bị cấm đoán vì lý do tín ngưỡng”5. Ông nhấn mạnh: “Qua tất cả những gì tôi biết và tất cả những chuyến đi của tôi đến Việt Nam chưa bao giờ trong đầu tôi tồn tại ý nghĩ rằng Chính quyền Việt Nam đàn áp những người theo tôn giáo của họ. Đó là tất cả trải nghiệm bản thân của tôi và tôi cũng muốn biết ai là những người viết ra bản báo cáo đó và tại sao họ lại có những kết luận như vậy”6. Bởi vì theo Ông, ngay cả khi bản báo cáo đã được công bố nhưng “có nhiều chi tiết mà những người viết báo cáo đó không bao giờ đến trực tiếp nước này để chứng kiến tận nơi” xem liệu những điều đó có diễn ra ở đấy không.
Đầu năm 2010, khi Ngoại trưởng Mỹ H.Clintơn chuẩn bị đến Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) vào tháng 7-2010, Tổ chức Theo dõi nhân quyền Mỹ đã cố “khuyên” rằng: “Cần nêu rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam”; “Hãy đưa những ý kiến về nhân quyền trong các phát biểu công khai cũng như trong các cuộc gặp riêng với các quan chức Việt Nam”; “Cần nhấn mạnh mức độ ưu tiên mà Hoa Kỳ đặt ra đối với việc tăng cường tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam, một phần hữu cơ trong quan hệ song phương”. Thế nhưng, Ngoại trưởng H.Clintơn đã “thực sự phấn khích” khi được trở lại Việt Nam: “Tôi tự hào được quan sát những bước tiến ngoạn mục của quan hệ song phương 15 năm qua, kể từ khi chồng tôi, Tổng thống Bin Clintơn thực hiện bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”. Trong buổi tọa đàm với Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm, Ngoại trưởng H.Clintơn đã chuyển thông điệp của Tổng thống Mỹ B.Obama với mong muốn: “Tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia lên mức cao hơn”. Ngoại trưởng Mỹ còn cho biết “sự năng động, tiến bộ của Việt Nam ngày nay so với niềm vui của chúng tôi cách đây 10 năm thì hôm nay còn nhiều hơn”7.
Rõ ràng là, ở Mỹ có những người, những thế lực nhìn nhận tình hình tôn giáo ở Việt Nam với con mắt thiếu thiện chí, với một thái độ hằn học, có những quan điểm sai lệch, cách đánh giá thiếu khách quan, không đúng với “tiến bộ của Việt Nam ngày nay”, trái với xu hướng mong muốn “tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia lên mức cao hơn” mà chính Ngoại trưởng Mỹ đã từng nói.
Chúng ta không ít lần khẳng định và có lẽ đến nay vẫn cần tiếp tục nhấn mạnh cho họ hiểu rằng, tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được quy định rõ trong Hiến pháp, được tôn trọng và được bảo đảm trên thực tế, điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Hiện nay, Việt Nam có trên 20 triệu người theo 12 tôn giáo khác nhau và 80% người dân có đời sống tín ngưỡng. Các chức sắc và tín đồ tôn giáo đều là công dân của đất nước, hòa trong cuộc sống chung của dân tộc, được tự do hành đạo, thực hiện sống "tốt đời, đẹp đạo", đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo đoàn kết gắn bó cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phân biệt đối xử, và không có chuyện “tôn giáo bị sách nhiễu”, “bị chèn ép” như họ cố tình bịa đặt, xuyên tạc.
Đảng và Nhà nước Việt Nam thường xuyên quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao đời sống của đồng bào theo tôn giáo, phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hoá, đạo đức của tôn giáo. Năm 2008, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 4.000 tăng ni, phật tử, trong đó có khoảng 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Lễ hội tôn giáo to lớn và rộng rãi như vậy đã tự nó chứng minh tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam không chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp mà còn được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế. Ngày 08-5-2009, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Giơnevơ (Thụy Sĩ), Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) của Liên hợp quốc về tình hình bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia thành viên đã xem xét báo cáo của Chính phủ Việt Nam, có nhận xét xác đáng rằng: Việt Nam đã đạt được tiến bộ nổi bật về phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bình đẳng giới, chăm lo đời sống văn hoá, tôn trọng quyền tín ngưỡng của nhân dân.
Có không ít người Mỹ đến Việt Nam cũng đã tiến hành một số hoạt động tôn giáo và hành lễ ngay tại Việt Nam mà không hề bị gây khó khăn, cản trở gì. Hạ nghị sĩ Faleomaveaga cũng đã từng tham dự buổi lễ của người theo đạo Thiên Chúa ở ngay giữa trung tâm Thành phố Hồ Chi Minh mà không gặp bất cứ cản trở nào. Không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tôn giáo không được tôn trọng và bảo đảm thì làm sao những người nước ngoài lại có thể “hoạt động tôn giáo và hành lễ” như thế.
“Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2010” của Mỹ vừa thể hiện thái độ thiếu thiện chí, thù địch, vừa phản ánh sự khác biệt về quan điểm; thực chất là lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo, nhằm làm mất ổn định tình hình để chống phá cách mạng Việt Nam. Nếu Mỹ có muốn “tỏ sự quan tâm đến tự do tôn giáo” thì cũng cần phải có một thái độ khách quan, thiện chí. Nếu nói rằng, do sự khác biệt về quan điểm, thì người viết Báo cáo “hãy đến trực tiếp nước này để chứng kiến tận nơi”, để hiểu rõ sự thật, và hãy cố lưu ý đến đặc điểm lịch sử, văn hóa quốc gia mà phản ánh khách quan, trung thực!
Vẫn cần phải đặt câu hỏi: không hiểu Mỹ lấy tư cách gì, quyền gì để nói về tự do tôn giáo ở Việt Nam, một đất nước độc lập, có chủ quyền đã từng chiến đấu hy sinh vì những quyền thiêng liêng nhất, quyền được sống trong độc lập, tự do và ngày nay đang nỗ lực vươn tới văn minh, tiến bộ, đem lại cuộc sống hạnh phúc thực sự cho mọi người dân, trong đó có cả đồng bào theo tôn giáo? Lấy sự "bức bối" của chính mình để gán ghép cho nước khác, chỉ là một chiêu bài kích động, chia rẽ, gây mất ổn định chính trị - xã hội của Việt Nam.
Không thực thi trên thực tế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì không thể có sự phát triển phong phú, đa dạng của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo; đồng bào theo tôn giáo cũng không thể có cuộc sống tự do và ngày càng hạnh phúc trong bầu không khí dân chủ, đoàn kết như ngày hôm nay. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo không đồng nghĩa với việc tuỳ tiện "vô chính phủ" bất chấp pháp luật. Bất cứ một nhà nước có chủ quyền nào, kể cả nước Mỹ cũng đều có những biện pháp can thiệp cần thiết để ngăn cản những hoạt động lợi dụng tôn giáo kích động, chia rẽ khối đoàn kết thống nhất của quốc gia, dân tộc.
Trong xã hội Việt Nam, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Dù là người theo tôn giáo hay là người không theo tôn giáo, dù là người đa số hay là người dân tộc thiểu số, dù là người có cương vị trong xã hội hay là người dân bình thường thì cũng đều bình đẳng như nhau trước pháp luật, và nếu vi phạm pháp luật thì cũng đều bị luật pháp trừng trị. Hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc là hành động của những kẻ "tà đạo", những "đứa con lạc loài" làm ô danh giáo hội, làm vẩn đục tôn giáo. Nếu Nhà nước Việt Nam thực hiện chế tài pháp luật đối với những kẻ có hành động đó, thì không phải là sự vi phạm tự do tôn giáo như họ cố tình xuyên tạc và cố xếp Việt Nam là một nước cần “đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo”. Đây rõ ràng là việc làm cần thiết để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng với ý nghĩa đích thực của nó, không bị lợi dụng và còn làm cho tôn giáo thực sự là "chính giáo", không bị ô danh, hoen ố bởi những hành động trái pháp luật và trái với đạo pháp... Đó là việc làm vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân của một đất nước có chủ quyền. Cho nên, không vì thế mà cho rằng, Việt Nam là nước cần "đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo", vì đó là một sự đánh giá hồ đồ, thiếu thiện chí.
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG
Viện KHXH&NVQS - BQP
_____________
1- Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Hà Nội - Việt Nam, Sun Nov 21 21:39:13 UTC +04302010.
2 - Báo Nhân dân, số ra ngày 20-11-2010, tr. 8.
3, 4- Báo Nhân dân, số ra ngày 20-11-2010, tr. 7.
5, 6- V0V NeWS, cập nhật ngày 22-11-2010.
7- Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 02-8-2010, tr. 8
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011