Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:29 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không phải là sự khởi đầu cho quá trình tham gia toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng sẽ làm cho nó tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh hơn, qui mô, phạm vi mở rộng hơn. Bên cạnh những cơ hội, việc gia nhập WTO cũng tạo ra nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) nói riêng và việc quản lý nhà nước đối với DNQĐ cũng phải được quan tâm.
Trong Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 10 năm 2006, bài: Việt Nam gia nhập WTO-thời cơ và thách thức đối với các DNQĐ đã đề cập đến một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNQĐ khi Việt Nam gia nhập WTO. Bài này, chúng tôi muốn bàn đến một số yêu cầu đổi mới việc quản lý nhà nước đối với DNQĐ khi Việt Nam gia nhập WTO và thực hiện Luật Doanh nghiệp.
Các DNQĐ được nói ở đây là các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp quốc phòng có đăng ký sản xuất, kinh doanh theo luật định. Nếu nhìn từ góc độ quản lý, chúng ta sẽ thấy, khi Việt Nam gia nhập WTO và triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, trên “sân chơi” chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNQĐ sẽ bị cạnh tranh gay gắt, không chỉ đơn thuần đối với các mặt hàng dân dụng mà ngay cả với các mặt hàng quốc phòng thuần tuý. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp dân sự cũng đã tham gia sản xuất, cung cấp các mặt hàng quốc phòng. Khi tham gia WTO, với quyền chủ động rộng rãi hơn, các doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục phát triển, đa dạng hoá các mặt hàng, chủ động giành các đơn đặt hàng mà xưa nay các DNQĐ đảm nhiệm, tạo ra sự cạnh tranh rất gay gắt. Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng kinh doanh một mặt hàng, một nhóm mặt hàng là không tránh khỏi, việc này đã từng xảy ra khiến cơ quan quản lý cấp trên phải can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Hơn nữa, các DNQĐ còn phải đối mặt với việc các công ty nước ngoài thâm nhập ngày càng sâu vào hoạt động sản xuất quốc phòng thông qua việc bán những sản phẩm quốc phòng có công dụng tương đương, chất lượng tốt hơn, giá cả rẻ hơn, điều kiện cung cấp, thanh toán thuận tiện hơn. Ngay cả trong trường hợp DNQĐ được ưu đãi một cách có chủ định, thì việc mua sắm hàng quốc phòng từ các doanh nghiệp nước ngoài như thế cũng sẽ làm cho các cơ quan quản lý phải cân nhắc, điều chỉnh thích hợp với cơ chế đổi mới và yêu cầu bảo đảm của quân đội.
Bên cạnh đó, qua nhiều năm hoạt động theo cơ chế kế hoạch hoá, tập trung, bao cấp, nay chuyển sang cơ chế thị trường, tuy có đổi mới nhiều nhưng “di chứng” của nó vẫn làm hạn chế sự năng động, tính tự chủ của các DNQĐ. Tình trạng này có thể quan sát được trong khá nhiều DNQĐ. Sự chờ đợi vào cấp trên về định hướng phát triển, biện pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh, thụ động chờ đợi cung cấp thông tin hoạt động kinh doanh... làm cho các DNQĐ kém nhạy cảm, thiếu chủ động trong tìm kiếm việc làm, tiếp cận thị trường. Tới nay, nhiều DNQĐ vẫn khép kín kinh doanh trong thị trường nội địa, chưa mở rộng được mối liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài. Những DNQĐ có tỷ trọng sản xuất quốc phòng cao thì độ “thích ứng” với cơ chế thị trường, với điều kiện sau khi nước ta gia nhập WTO lại còn chậm hơn nên dễ bị động trong xác định hướng đi riêng của mình.
Ngoài ra, do tính chất đặc thù của các DNQĐ, thu nhập của người lao động, nhất là lao động có chất lượng cao thường thấp hơn các doanh nghiệp nước ngoài hoặc nhiều doanh nghiệp trong nước. Đó là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc giữ và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao mà mình đang “sở hữu”. Bên cạnh đó, các DNQĐ còn phải chịu một áp lực khác do những rào cản của một số định chế tài chính quốc tế. Sắp đến, các dự án hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại sẽ giảm đáng kể, số dự án vay vốn của các tổ chức tài chính quốc tế sẽ tăng lên, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, nếu các DNQĐ không phát triển năng lực và có cách tiếp cận thích hợp thì vẫn phải “đứng bên lề” các cơ hội đó.
Đáng lưu ý là, theo Luật Doanh nghiệp và qui định của Chính phủ, sắp tới, các DNQĐ sẽ tiếp tục nghiên cứu tách hẳn sản xuất quốc phòng với kinh tế, đẩy mạnh việc cổ phần hoá các doanh nghiệp hoạt động kinh tế; giảm dần và từng bước tiến tới chuyển đổi cơ chế quản lý theo hướng thu hẹp và tiến tới xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp (tách việc sản xuất, kinh doanh khỏi sự quản lý của Bộ chủ quản). Điều này không chỉ tác động đến tư tưởng, tình cảm của đông đảo đội ngũ cán bộ, công nhân, nhân viên trong các DNQĐ, mà còn đặt các DNQĐ trước yêu cầu phải tự bươn chải trên thị trường, trong khi những điều kiện như thị trường, nhân sự, năng lực công nghệ... cũng chưa chuẩn bị thật đầy đủ.
Những tác động nói trên, một mặt, đòi hỏi các DNQĐ phải tự mình phấn đấu, vươn lên, tìm hiểu kỹ “luật chơi” cụ thể trên thị trường lựa chọn để có những biện pháp tham gia có hiệu quả vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mặt khác, không thể thiếu sự hỗ trợ, “can thiệp” bằng sự chỉ đạo, định hướng, với những chế tài hiệu quả của cơ quan quản lý, góp phần đưa các DNQĐ theo kịp với tiến trình đổi mới của đất nước, tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Muốn vậy, cần tập trung thực hiện một số yêu cầu đổi mới việc quản lý nhà nước các DNQĐ sau.
1-Việc thay đổi trước tiên trong quản lý các DNQĐ là nhanh chóng đổi mới tư duy và nhận thức. Khi gia nhập WTO, môi trường kinh doanh của các DNQĐ thay đổi nhanh chóng. Chúng ta đã và đang thay đổi nhiều qui định điều chỉnh các mối quan hệ kinh doanh để phù hợp với những cam kết và thông lệ quốc tế. Những thay đổi đó đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước đối với các DNQĐ không chỉ phải thay đổi cách thức điều hành, mà trước hết phải đổi mới từ nhận thức, nhất là phải nhìn nhận lại những vấn đề cơ bản liên quan đến sự tồn tại của nhiều DNQĐ trong cơ chế thị trường và hội nhập; kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng trong điều kiện, tình hình mới. Điều đó yêu cầu các cơ quan quản lý các DNQĐ cần nắm vững và thực hiện đúng quan điểm, chủ trương mới của Đảng; nghiên cứu điều chỉnh phương thức quản lý, giảm dần cơ chế hành chính, bao cấp; đồng thời đẩy mạnh việc hướng dẫn cho DNQĐ thay đổi các quy định, điều chỉnh các mối quan hệ kinh doanh phù hợp với Luật và những cam kết, thông lệ quốc tế. Điều chỉnh việc quản lý, tiến tới cải tiến công tác quản lý góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ chế hoạt động của các DNQĐ. Các cơ quan chuyên trách quản lý các DNQĐ phải làm quen với tư duy kinh doanh thông thường, với phương pháp và cách tiếp cận dân sự và ứng dụng chúng vào việc giải quyết các vấn đề quốc phòng. Đây là yêu cầu rất quan trọng bởi thực tế cho thấy, trong sản xuất, kinh doanh, sự tụt hậu về tư duy, lạc hậu về nhận thức và phương pháp luận ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại của các DNQĐ, gây bất lợi cho tiến trình cải tiến công tác quản lý và chuyển đổi cơ chế hoạt động của các DNQĐ.
2-Xuất phát từ chủ trương của Nhà nước, vì lợi ích của DNQĐ, cũng như tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng, công tác quản lý nhà nước đối với DN nói chung, các DNQĐ nói riêng sẽ được thực hiện theo hướng thu hẹp và tiến tới xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp (bỏ Bộ chủ quản). Điều này liên quan tới sự tồn tại và vai trò của các cơ quan chủ quản cấp trên hiện nay của DNQĐ. Khi DNQĐ tham gia hội nhập càng sâu, họ càng có quyền chủ động rộng rãi hơn trong sản xuất, kinh doanh, tính đặc thù giảm bớt, sự “can thiệp” của các cơ quan chủ quản thu hẹp, nhiều chức năng quản lý nhà nước sẽ được chuyển từ cơ quan quản lý chuyên trách của quân đội sang các cơ quan quản lý của Chính phủ. Các chức năng còn lại sẽ được thực hiện tập trung hơn, kéo theo sự thay đổi về quy mô, tổ chức của các cơ quan quản lý một cách tương ứng. Như vậy, sắp tới, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý cấp trên đối với DNQĐ. Đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan đó phù hợp với sự thay đổi cơ chế hoạt động của các DNQĐ. Đẩy mạnh và có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước trong và ngoài quân đội một cách chặt chẽ hơn, trước hết là trong việc xây dựng các chính sách (đặc biệt là chính sách đối với người lao động)...
3-Các cơ quan quản lý DNQĐ cần khẩn trương nghiên cứu duy trì số lượng hợp lý các doanh nghiệp quốc phòng trên cơ sở kết hợp có hiệu quả giữa quốc phòng với kinh tế. Khi hệ thống sản xuất, kinh doanh, hệ thống cung cấp hàng hoá và dịch vụ được toàn cầu hoá, các sản phẩm quốc phòng không chỉ đơn thuần do các DNQĐ mà sẽ do nhiều nguồn cung ứng (trong và ngoài nước, cả các doanh nghiệp quân sự lẫn dân sự) thì bản thân sự tồn tại của một số DNQĐ với tư cách là các đơn vị kinh tế trực thuộc hệ thống quốc phòng, là nhà cung cấp cơ bản, duy nhất những sản phẩm quốc phòng cũng phải điều chỉnh. Các cơ quan quản lý các DNQĐ cần nghiên cứu, đề xuất mô hình, cơ chế quản lý mới và đề xuất các giải pháp để từng bước thực hiện tách riêng các doanh nghiệp quốc phòng với kinh tế phù hợp với cơ chế mới và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu chính sách, chế độ thích hợp cho đội ngũ cán bộ quân đội và lao động chuyên môn khi chuyển các DNQĐ sang lĩnh vực kinh tế. Xác định đúng điểm mạnh, yếu, xác định đúng hướng đi cho các DNQĐ khi chuyển cơ chế quản lý để đứng vững và phát triển.
Khi tham gia WTO, cả các DNQĐ lẫn các cơ quan quản lý các DNQĐ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Để có thể vượt qua những thách thức và tận dụng tốt các cơ hội mà WTO tạo ra, các DNQĐ cũng như các cơ quản quản lý DNQĐ cần sớm nhận rõ những thách thức và thay đổi chiến lược quản lý, thực hiện những biện pháp thích hợp, nhất quán, có tính hệ thống nhằm từng bước tăng cường năng lực của mình; đồng thời tận dụng có hiệu quả những nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển DNQĐ thời kỳ mới.
Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Anh Hoàng
Phó cục trưởng cục Kinh tế - BQP
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011