Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:21 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Thế trận hậu cần khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố) - một bộ phận của thế trận KVPT - là hình thái tổ chức, bố trí, triển khai các lực lượng hậu cần phù hợp với ý định phòng thủ địa phương, gắn với các lực lượng kinh tế-xã hội (KT-XH), địa hình và hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Yêu cầu đặt ra đối với thế trận hậu cần KVPT là phải hình thành thế bố trí vững chắc, liên hoàn và cơ động cao, nhằm phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ quốc phòng và các nhiệm vụ đột xuất khác trong thời bình; đồng thời, sẵn sàng bảo đảm cho các lực lượng của KVPT và các lực lượng khác trong địa bàn tiến hành các hoạt động tác chiến khi có tình huống. Vì vậy, thế trận hậu cần KVPT là nội dung rất quan trọng đối với việc xây dựng KVPT ngày càng vững chắc, cần được nghiên cứu, xây dựng ngay từ thời bình. Bài viết này đề cập một số vấn đề về xây dựng thế trận hậu cần KVPT để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Một là, xây dựng thế trận hậu cần KVPT phải giải quyết đúng đắn vấn đề tạo thế và tạo lực trong KVPT. Đây là vấn đề quan trọng nhất trong xây dựng thế trận hậu cần KVPT. Thế và lực có mối quan hệ chặt chẽ, có lực mới có thế, lực là cơ sở vật chất của thế, nhưng thế lại là yếu tố trực tiếp quyết định nâng cao khả năng và phát huy sức mạnh của các lực lượng hậu cần, bảo đảm cho xây dựng và hoạt động của KVPT hiệu quả hơn trong cả thời bình và thời chiến. Do đó, muốn xây dựng thế trận hậu cần KVPT liên hoàn, vững chắc, có khả năng cơ động, chuyển hóa linh hoạt, đáp ứng tốt cho việc xử trí các tình huống quốc phòng-an ninh (QP-AN) ở địa phương, cần giải quyết đúng đắn vấn đề tạo thế và tạo lực hậu cần trong KVPT. Để làm được điều đó, trước hết phải chú trọng xây dựng, phát triển lực lượng và các nguồn lực hậu cần trong các ngành KT-XH của địa phương; trong đó, cần đầu tư nghiên cứu, điều chỉnh phân bố dân cư, sắp xếp lại các ngành nghề sản xuất, đẩy mạnh phát triển KT-XH trên địa bàn, nhất là địa bàn các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo..., tạo sự phát triển rộng khắp nguồn lực hậu cần toàn dân trên địa bàn tỉnh (thành phố). Trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN, cần đẩy mạnh xây dựng các lực lượng bảo đảm hậu cần KVPT, bao gồm hậu cần của các lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương và hậu cần nhân dân các cấp; trong đó, lấy hậu cần nhân dân ở cơ sở xã (phường) làm nền tảng, hậu cần quân sự địa phương làm nòng cốt.
Cùng với xây dựng lực lượng hậu cần, trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH ở địa phương phải có phương án bố trí, triển khai các lực lượng, phân bố các nguồn lực hậu cần ở vị trí và thời cơ có lợi nhất theo yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm hậu cần trong KVPT. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt việc phân cấp bảo đảm, kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần cấp tỉnh (thành phố) với hậu cần các huyện (quận); hậu cần của các đơn vị bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực với hậu cần nhân dân; các lực lượng KT-XH trên địa bàn với căn cứ hậu phương các cấp; hình thành thế trận bảo đảm hậu cần hoàn chỉnh theo từng khu vực, bảo đảm vững chắc cho nhiệm vụ QP-AN thời bình, sẵn sàng bảo đảm cho các hoạt động tác chiến phòng thủ khi xảy ra chiến tranh. Trong quá trình xây dựng, cần phải tạo ra mạng lưới liên hoàn, vừa có tại chỗ rộng khắp, vừa tập trung có trọng điểm từ cấp cơ sở xã (phường) đến huyện, tỉnh. Tùy theo đặc điểm từng địa bàn, nhất là các khu vực trọng điểm về QP-AN, cần coi trọng xây dựng một số cơ sở hậu cần có khả năng khai thác các nguồn lực tại chỗ, độc lập, bảo đảm cho xử trí các tình huống, nhất là các tình huống đột xuất về QP-AN trên địa bàn. Một vấn đề nữa, cũng rất quan trọng, cần sớm được nghiên cứu, đó là: phương thức huy động nguồn lực hậu cần cho hoạt động tác chiến của KVPT trong điều kiện chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường; cụ thể hơn, đó là việc trưng mua, trưng thu, trưng dụng thế nào? Trưng mua, hay chỉ trưng thu, trưng dụng và cách thức tiến hành ra sao?
Hai là, phải bám sát hoạt động của KVPT trong xây dựng thế trận hậu cần. KVPT tỉnh (thành phố) được tổ chức theo địa giới hành chính, nên hoạt động của KVPT là đối tượng bảo đảm và là mục tiêu cơ bản của công tác hậu cần KVPT địa phương. Do đó, xây dựng thế trận hậu cần KVPT phải bám sát nhiệm vụ, hoạt động của KVPT, để từ đó xác định đúng mục tiêu, nội dung và phương thức xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ KVPT trong cả thời bình và thời chiến. Trong thời bình, hoạt động chủ yếu của KVPT là đối phó thắng lợi với các tình huống QP-AN; tổ chức phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, ổn định phát triển KT-XH và đời sống của nhân dân; trực tiếp đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; xây dựng LLVT địa phương, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn. Khi chiến tranh xảy ra, kịp thời chuyển hoạt động của địa phương từ thời bình sang thời chiến. Trong đó, có hoạt động quan trọng là chuyển thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân địa phương chống xâm lược; phát huy sức mạnh tổng hợp của địa phương phục vụ cho các hoạt động tác chiến-trị an và các mặt đấu tranh khác; đồng thời, duy trì sản xuất và mọi mặt đời sống xã hội. Như vậy, hoạt động của KVPT rất phong phú, đa dạng, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị-xã hội, QP-AN ở địa phương. Điều đó đặt ra cho công tác hậu cần KVPT nói chung, xây dựng thế trận hậu cần KVPT nói riêng, những yêu cầu rất cao, đòi hỏi trong quá trình thực hiện phải sẵn sàng và có biện pháp giải quyết phù hợp. Trên cơ sở đó, chủ động tính toán nhu cầu bảo đảm, có kế hoạch triển khai, bố trí, điều chỉnh các lực lượng hậu cần, các cơ sở sản xuất, các vùng chuyên canh và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng..., tạo ra khả năng bảo đảm kịp thời cho nhiều nhiệm vụ, trong nhiều lĩnh vực và trên nhiều địa bàn phức tạp. Trong bố trí lực lượng hậu cần phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm cho các nhiệm vụ chủ yếu, hoạt động trọng điểm của KVPT, nhất là các hoạt động giữ vững KVPT then chốt và bảo vệ các mục tiêu trọng yếu trên địa bàn tỉnh (thành phố). Ngoài ra, còn phải bảo đảm hậu cần theo chỉ tiêu được giao và chi viện hậu cần cho địa phương bạn trong địa bàn tác chiến phòng thủ quân khu khi cần thiết.
Ba là, xây dựng thế trận hậu cần KVPT phải vững chắc, liên hoàn và có khả năng chuyển hóa linh hoạt. Xuất phát từ tính chất phong phú, đa dạng của hoạt động KVPT (đối tượng bảo đảm hậu cần), đặc biệt là hoạt động tác chiến phòng thủ trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, việc xây dựng thế trận hậu cần KVPT phải bảo đảm tính vững chắc, liên hoàn và có khả năng chuyển hóa linh hoạt. Để đạt được tính vững chắc, liên hoàn, cần tổ chức và triển khai, bố trí lực lượng hậu cần hợp lý, bảo đảm vừa có lực lượng tại chỗ vững chắc trên từng khu vực, hướng phòng thủ, vừa có lực lượng cơ động mạnh ở tất cả các cấp của KVPT địa phương. Trong quá trình triển khai, bố trí các lực lượng và thiết bị hậu cần, phải tận dụng địa hình có lợi, bảo đảm tính ổn định, có đường cơ động thuận tiện để có thể chi viện lẫn nhau giữa các lực lượng, các tổ chức hậu cần. Trên mỗi hướng phòng thủ phải tạo được khả năng bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh ở các chuyên ngành; có lực lượng bảo đảm phía trước, lực lượng bảo đảm phía sau; phối hợp chặt chẽ hậu cần tỉnh (thành phố) với hậu cần cấp trên, hậu cần của các LLVT với hậu cần nhân dân, hình thành thế trận hậu cần hoàn chỉnh, vững chắc và cơ động. Bên cạnh đó, cần tạo thế liên hoàn, khả năng khai thác, huy động hậu cần từ căn cứ hậu phương và chi viện hậu cần giữa các khu vực, hướng phòng thủ; giữa tỉnh (thành phố) với các huyện (quận) và địa phương bạn, góp phần giữ vững thế trận hậu cần KVPT địa phương, quân khu và cả nước.
Cùng với tính vững chắc, liên hoàn, cần phải tạo khả năng chuyển hóa thế trận hậu cần linh hoạt, phù hợp với yêu cầu bảo đảm khi nhiệm vụ của KVPT đã có sự phát triển. Để làm được điều đó, phải phân tích, đánh giá và có kết luận đúng đắn tình hình nhiệm vụ, thế, lực hậu cần cùng khả năng vận động và phát triển của các yếu tố đó; thấy hết những thuận lợi mới, khả năng mới và những khó khăn sẽ nảy sinh... Trên cơ sở đó, có quyết định chính xác, kịp thời để điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh thế trận hậu cần phù hợp, bảo đảm kịp thời, liên tục cho các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ trọng tâm, giai đoạn trọng điểm. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường trang bị kỹ thuật hậu cần; nâng cao khả năng cơ động, năng lực bảo đảm của các cơ quan, phân đội hậu cần các cấp; phát triển mạng đường giao thông và lực lượng vận tải... Trong bố trí hậu cần, phải dự kiến được nhiều phương án bảo đảm cho những tình huống khác nhau, giành chủ động cao trước các diễn biến phức tạp của tình hình.
Bốn là, xây dựng thế trận hậu cần KVPT phải được tiến hành thường xuyên từ thời bình và kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh khi chiến tranh xảy ra. Xây dựng thế trận hậu cần KVPT là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, vừa phải bảo đảm cho hoạt động thường xuyên của KVPT trong thời bình, vừa phải sẵn sàng bảo đảm cho các hoạt động (nhất là hoạt động tác chiến) khi có tình huống chiến tranh. Như vậy, có thể thấy, xây dựng thế trận hậu cần KVPT là một quá trình liên tục, được chia theo hai giai đoạn: thời bình và thời chiến; trong đó, xây dựng thế trận hậu cần trong thời bình là giai đoạn có tính cơ bản của cả quá trình tổ chức thế trận hậu cần, nhằm hai mục đích: trực tiếp bảo đảm cho xử trí các tình huống QP-AN thời bình; đồng thời, tạo điều kiện để chuyển sang bảo đảm cho hoạt động của KVPT trong chiến tranh. Trong giai đoạn này, cần tập trung vào xây dựng tiềm lực hậu cần, nghiên cứu địa bàn, xây dựng trước một số cơ sở bảo đảm; củng cố, nâng cấp hoặc xây dựng mới mạng đường vận tải, mạng thông tin liên lạc... ngay trong quá trình kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN ở địa phương.
Khi có chiến tranh, hay nói đúng hơn là ngay trước khi xảy ra chiến tranh cũng như trong suốt quá trình chiến tranh, phải tiến hành bổ sung, hoàn chỉnh thế trận hậu cần theo yêu cầu tác chiến của KVPT. Đây là giai đoạn trực tiếp, trên cơ sở kết quả xây dựng từ thời bình. Trong giai đoạn này, việc điều chỉnh, bổ sung phải tiến hành khẩn trương; căn cứ vào kế hoạch phòng thủ cơ bản đã được điều chỉnh, phê duyệt, phải nhanh chóng triển khai bố trí lực lượng hậu cần ở những khu vực đã xác định, nhất là các căn cứ hậu cần, căn cứ hậu phương và mạng lưới hậu cần nhân dân ở cơ sở, để vừa bảo đảm cho hoạt động tác chiến rộng khắp, vừa bảo đảm cho các LLVT tác chiến tập trung trên các hướng, khu vực trọng điểm. Bên cạnh đó, cần triển khai các căn cứ hậu cần bí mật, nhằm bảo đảm cho các lực lượng chiến đấu trụ bám, xen kẽ, quần lộn sau lưng địch; đồng thời, triển khai các căn cứ hậu phương theo ý định phòng thủ; tổ chức chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh hoạt động sản xuất và huy động hậu cần phù hợp với điều kiện thời chiến.
Hai giai đoạn trên của thế trận hậu cần được thực hiện ở hai thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau; trong đó, thế trận hậu cần trong thời bình giữ vai trò cơ bản, là nền tảng của cả quá trình, còn xây dựng thế trận hậu cần khi có chiến tranh ( thực chất là điều chỉnh, bổ sung, kết hợp với xây dựng mới một phần) giữ vai trò trực tiếp, quyết định. Vì vậy, phải thực hiện tốt các nội dung xây dựng của cả hai giai đoạn, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của thế trận hậu cần, góp phần tạo ra thế trận KVPT tỉnh (thành phố) ngày càng vững chắc.
Đại tá, ThS. NGUYỄN TUẤN ANH
Phó Chủ nhiệm Khoa HC-KT, Học viện Quốc phòng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011